07/03/2011 08:05 GMT+7

Khổ vì đu theo USD

L.N.M. ghi
L.N.M. ghi

TT - Từ chuyện mua máy tính, đồng hồ đến thuê mặt bằng, mua căn hộ... người ta đều lấy USD để tính toán hoặc làm phương thức thanh toán. Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng đôla hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

OhCejD7N.jpgPhóng to
Một quán tại Q.1, TP.HCM niêm yết giá nước uống bằng USD (ảnh chụp chiều 6-3 ) - Ảnh: Thuận Thắng

Có rất nhiều lý do giải thích cho việc buôn bán, giao dịch bằng USD, nhưng tất cả đều ngụ ý dùng USD sẽ có lợi hơn.

Bất động sản bằng “đô”

“Chúng tôi đi coi cả thảy 4-5 căn nhà để thuê làm phòng giao dịch, tất cả đều được định giá thuê bằng USD. Cuối cùng chọn được một căn ở P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, giá thuê 1.400 USD/tháng, chủ nhà dứt khoát tính bằng đô!” - một doanh nhân kể. Các chủ cho thuê nhà cho rằng phải định giá theo USD để phòng trường hợp tỉ giá tăng...

Chị Phương, người đang rao bán một căn hộ Saigon Pearl (Topaz 2) với giá 2.000 USD/m2, cho rằng phải bán căn hộ này bằng USD nhằm bảo toàn vốn, do trước đó chị đã mua bằng USD. Trên thị trường bất động sản, phần lớn sản phẩm gắn mác “cao cấp” đều được rao bán hoặc cho thuê bằng USD một cách công khai.

Tại các trang thông tin về bất động sản, các sản phẩm căn hộ như The Vista, The Estella, Saigon Pearl... nhiều người không ngần ngại chào giá bằng USD.

* Giám đốc một ngân hàng Hàn Quốc tại TP.HCM:

Cần có chính sách nghiêm khắc

Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm của Hàn Quốc. Đó là từ những năm 1970-1980, Chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách bắt buộc người dân không được nắm giữ ngoại tệ mà phải bán cho ngân hàng. Tất cả các giao dịch buôn bán đều phải bằng đồng nội tệ. Ngay cả những người đi lao động ở nước ngoài khi gửi tiền về cũng phải đổi ra đồng nội tệ tại ngân hàng. Năm 1997-1998

khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhà nước đã vận động được dân chúng bán vàng cho nhà nước. Từ khối lượng vàng này Hàn Quốc đã bán ra ngoài thu ngoại tệ về giúp phát triển kinh tế. Ngoài việc nêu cao tinh thần yêu nước, chính phủ còn thực thi chính sách nghiêm khắc để hạn chế tối đa hành vi găm giữ ngoại tệ.

Hiện tượng lạm dụng USD diễn ra khá phổ biến trên thị trường văn phòng cho thuê, từ các cao ốc văn phòng hạng sang như Bitexco Financial Tower, Vincom Tower... đến các cao ốc văn phòng hạng C cũng được chào giá thuê bằng USD.

Tại các báo cáo của một số công ty tư vấn bất động sản như CBRE, Savills..., thông tin về giá bán và cho thuê bất động sản đều được thể hiện bằng USD. Tương tự, các công ty kinh doanh gas cho biết hợp đồng mua gas từ các nhà máy sản xuất trong nước như Dinh Cố hay Dung Quất đều tính theo USD. Ngay trong công thức tính giá, USD cũng được dùng thay vì VND.

Tương tự, quản lý một cửa hàng bán xe thương hiệu Piaggio khẳng định dù trên hợp đồng có ghi hai loại tiền là USD và VND nhưng quyết định giá bán vẫn theo USD.

“Họ tính giá toàn bộ theo USD để phòng khi có điều chỉnh tỉ giá, giá bán sẽ thay đổi theo một cách hợp lý, khỏi phải đàm phán lại...”, người quản lý này nói. Và theo quán tính đó, khi bán từng chiếc xe cho người tiêu dùng, dẫu phương thức thanh toán là VND nhưng các cửa hàng đều đã quy đổi theo giá USD.

Ngay cả học phí tiếng Anh trẻ em cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của USD. Chị Hồng, ngụ ở Q.Gò Vấp, kể học phí cho chương trình học tiếng Anh tại Trung tâm Việt Mỹ tuy đóng bằng VND nhưng được tính toán và quy đổi theo USD.

Sau đợt điều chỉnh tỉ giá vừa rồi, mỗi khóa học hơn 300 USD của con chị phải đóng thêm 200.000 đồng. “Chỉ cách một đêm đóng tiền trễ, tôi phải đóng thêm khoản chênh lệch của tỉ giá USD mới”, chị Hồng nói.

Chẳng liên quan đến yếu tố nước ngoài nào nhưng một số điểm kinh doanh chăm sóc sắc đẹp (spa) cũng thản nhiên niêm yết giá bằng USD. Trung tâm làm đẹp White Lotus trên đường Phùng Khắc Khoan (Q.1) là ví dụ.

Tất cả những dịch vụ kể cả chương trình khuyến mãi, tặng thẻ thành viên đều được tính bằng USD. Thử tham khảo một chiêu tích lũy điểm tại đây: “Chương trình tích lũy điểm 10 USD tương đương với 1 điểm. Khi tích lũy đủ 18 điểm, bạn sẽ được tặng 1 suất massage thư giãn toàn thân trị giá 18 USD...”.

aJoTn7eY.jpgPhóng to
Một công ty du lịch (Q.1, TP.HCM) niêm yết giá tour bằng USD - Ảnh: THUẬN THẮNG

Và... hệ lụy

Nhiều người lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì sự lệ thuộc theo USD. Tháng 7-2009, anh L.Q.C. ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh quán cà phê trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10) với giá 1.000 USD/tháng, tỉ giá 18.500 đồng/USD. Sau ba tháng số tiền anh C. phải trả thêm là 1 triệu đồng vì tỉ giá tăng vọt lên 19.500 đồng/USD.

Một nỗi khổ nữa là hằng tháng anh C. phải mua USD ngoài thị trường chợ đen với giá 22.000 đồng/USD để thanh toán bằng tiền mặt 100% cho chủ nhà. Chỉ trong vòng một năm, riêng khoản tiền chi cho mặt bằng anh phải bù thêm hơn 30 triệu đồng.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng các chủ đầu tư bất động sản thường viện rất nhiều lý do để niêm yết giá bán hoặc giá cho thuê bằng USD. Chẳng hạn nguồn vốn đầu tư là USD do dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài, chủ đầu tư phải tính toán việc bảo toàn vốn và hiệu quả bằng USD...

Một chuyên gia khác cho rằng do đặc thù của lĩnh vực bất động sản, thời gian thanh toán của khách hàng khi mua sản phẩm thường kéo dài 2-3 năm, hợp đồng cho thuê cũng có thời gian kéo dài tương tự, nên việc niêm yết bằng USD sẽ giúp chủ đầu tư ngăn ngừa rủi ro về trượt giá.

Theo ông Bùi Tiến Thắng - phó tổng giám đốc Sacomreal, với việc định giá bán bằng USD, chủ đầu tư đã đạt được mục tiêu đẩy rủi ro về phía khách hàng. Trong rất nhiều trường hợp, hợp đồng mua bán được chủ đầu tư ký với khách hàng thể hiện bằng VND, nhưng giá đã được quyết bằng USD và giá này được làm cơ sở tính toán khoản tiền phải nộp trong các đợt thanh toán của khách hàng.

Do đó, khoản tiền thanh toán thực của khách hàng cho mỗi đợt có thể tăng lên rất nhiều dù tỉ lệ thanh toán theo hợp đồng không thay đổi. Tương tự, trường hợp bất động sản cho thuê, khách hàng cũng là đối tượng chịu rủi ro khi giá cho thuê được tính bằng USD.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Không để thị trường chợ đen chi phối

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ngày 24-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Ở các tỉnh, công an phải kiểm soát việc quản lý ngoại hối. Dứt khoát không để thị trường ngoại hối chợ đen chi phối. Không để việc buôn bán hàng hóa trên thị trường VN, thậm chí đến thịt cũng tính bằng USD. Không một đất nước có độc lập, chủ quyền nào quản lý như thế này cả. Có pháp lệnh, có luật rồi thì chúng ta phải làm nghiêm. Dứt khoát phải quản lý ngoại hối nghiêm. Không để mua bán hàng hóa mà lại tính bằng USD. Đi nước ngoài, các đồng chí xem, họ có thả nổi như thế không?

* Chuyên gia tài chính, tiền tệ Lê Trọng Nhi:

Phải giải quyết ám ảnh lạm phát

Để giải quyết tình trạng đôla hóa, theo tôi, ý chí và quyết tâm chính trị là yếu tố số 1 không thể thiếu và thay thế được. Một kế hoạch và chiến lược (3-5 năm) rõ ràng để thiết lập lại chủ quyền tiền tệ quốc gia - VND (in, phát hành và thanh toán). Công bố và liên tục tuyên truyền kế hoạch này, đồng thời ban hành quy chế biện pháp chế tài.

Bắt đầu từ nghị quyết 11 NQ/CP kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011 cùng với pháp lệnh ngoại hối ban hành năm 2006.

Theo tôi, về điều hành vi mô, trong ngắn hạn 3-6 tháng từ nay cho đến cuối quý 2, theo như chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các công ty quốc doanh hoặc những công ty mà quốc doanh chiếm đa số vốn phải bán USD cho ngân hàng.

Ngay lập tức hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính đang hoạt động tại VN phải phối hợp và tuân thủ kế hoạch này với Ngân hàng Nhà nước. Ngay lập tức chấm dứt niêm yết giá và thanh toán trong nội địa bằng USD... Chính phủ cam kết và tái cam kết mạnh mẽ chính sách linh động về “quyền mua” ngoại tệ đối với người bán ngoại tệ với chính sách ưu tiên - ưu đãi.

Về điều hành vĩ mô, ổn định vĩ mô 2011 và những năm kế tiếp là phải đẩy lui cho được và kiềm chế dài hạn lạm phát. Giải quyết được ám ảnh lạm phát sẽ giải quyết được đôla hóa và vàng hóa. Giảm đôla hóa và vàng hóa sẽ giúp giải quyết phần lớn vấn đề tỉ giá giật cục và cục bộ của giới đầu cơ USD và vàng.

Nhanh chóng tái lập kỷ cương quản lý và điều hành kinh tế, đặc biệt với chính sách tài khóa trong chi tiêu và đầu tư công. Tăng sức mạnh hệ thống ngân hàng và mở rộng thị trường nợ (trái phiếu doanh nghiệp...) bằng VND. Đây là hai thay đổi lớn trong những thay đổi nền tảng của kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đồng thời cũng là hai điểm tựa mạnh cho kế hoạch giảm đôla hóa trong nền kinh tế VN.

Nếu giảm đôla hóa được sẽ kéo theo việc giảm vàng hóa, như vậy VND sẽ có nhiều cơ hội trở về đúng vị trí của nó: đồng tiền thanh toán tại VN là VND.

Đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sửa quy định về cho vay ngoại tệ. Theo một lãnh đạo NHNN, tiêu chí đầu tiên để được ngân hàng (NH) xét cho vay ngoại tệ là doanh nghiệp vay ngoại tệ phải chứng minh được có nguồn ngoại tệ hợp pháp để trả nợ, chẳng hạn mua của NH cho vay hoặc mua của NH khác...

Theo tiêu chí này, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà có thể cả doanh nghiệp nhập khẩu cũng được xét cho vay ngoại tệ nếu đáp ứng điều kiện nêu trên. Song song với ban hành quy định mới, NHNN sẽ có văn bản yêu cầu các NH thương mại phải thực hiện nghiêm quy định về cho vay ngoại tệ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

Theo NHNN, việc thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ trong thời điểm hiện nay sẽ làm giảm nhu cầu vay ngoại tệ, từ đó tạo sức ép buộc các NH phải giảm lãi suất huy động USD.

Ngoài ra, quy định mới này cũng giúp thị trường ngoại tệ ổn định hơn. Trước đây, dù hợp đồng tín dụng ngoại tệ quy định doanh nghiệp vay ngoại tệ phải tự cân đối nguồn ngoại tệ để trả nợ nhưng rất nhiều doanh nghiệp không tự cân đối được.

Do vậy tới thời điểm đáo hạn nợ, các doanh nghiệp gửi đơn mua ngoại tệ dồn dập đến NH, nhu cầu USD để trả nợ tăng đột biến tạo áp lực mạnh lên tỉ giá USD. Nay NHNN siết lại đối tượng vay ngoại tệ sẽ chặn đứng được những cơn sốt ngoại tệ gây ra bởi việc NH quá đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ như thời gian qua.

Ngoài siết đối tượng vay ngoại tệ, NHNN cũng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm NH găm giữ ngoại tệ. Phó thống đốc Trần Minh Tuấn trong cuộc gặp các NH phía Nam tại TP.HCM tuần qua cho biết thời gian tới NHNN sẽ xem xét giảm trạng thái ngoại tệ của các NH nhằm giảm bớt tình trạng găm giữ USD tại các NH. Hiện một NH được giữ số ngoại tệ tương đương 30% vốn tự có. Như vậy một NH vốn tự có 10.000 tỉ đồng có thể găm giữ 200-300 triệu USD trên tài khoản. 10 ngân hàng như vậy có thể giữ đến 2-3 tỉ USD.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chống đôla hóa đòi hỏi phải thực hiện kiên trì, lâu dài. Trước tiên nên mở cuộc vận động ý thức người dân đồng thời tích cực xử phạt những hành vi mua bán USD trái phép trên thị trường.

Bên cạnh những công cụ hành chính, cơ quan quản lý cũng phải triển khai có hiệu quả tinh thần nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Một khi lạm phát được kiểm soát, VND ổn định giá trị thì người dân sẽ tin tưởng vào đồng nội tệ và không găm giữ ngoại tệ.

Song song đó lãi suất USD được giảm dần để người dân thấy giữ USD không có lợi. Như vậy, thay vì găm giữ USD như hiện nay sẽ chuyển sang bán USD. Khi VND ổn định, người nhận kiều hối cũng không chuộng nhận ngoại tệ như hiện nay mà sẽ chuyển sang nhận VND.

L.N.M. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên