04/03/2011 07:55 GMT+7

Kìm giá để bảo vệ sức mua

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Kiềm chế thấp nhất những tác động của việc điều chỉnh giá bằng lợi thế về vốn, mặt bằng và sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, nhiều nhà bán lẻ tại TP.HCM đã tung ra nhiều chương trình giá rẻ cho các mặt hàng thiết yếu.

vSAeQwBy.jpgPhóng to
Siêu thị giữ giá một số mặt hàng thiết yếu để níu chân người mua và người tiêu dùng đã biết tính toán để mua được hàng với giá thấp nhất. Trong ảnh: nhiều người tiêu dùng chọn mua dầu ăn, nước chấm tại siêu thị vì có giá thấp hơn ở chợ - Ảnh: Minh Đức

Trong bối cảnh tăng giá, chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng cũng chính là doanh nghiệp tự bảo vệ chính mình.

"Chúng tôi luôn khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn những mặt hàng có nguyên liệu trong nước, ít bị tác động giá cả thế giới"

Ông Pascal Billaud

Săn hàng giá rẻ

Hình ảnh những bà nội trợ đến siêu thị với cuốn cẩm nang mua sắm để săn hàng giá rẻ đã trở nên quen thuộc trong những ngày này. Săn hàng giá rẻ từ các chương trình khuyến mãi trong bối cảnh giá cả tăng vọt đang trở thành thói quen tiêu dùng của người dân.

Bà Hoàng, khách siêu thị Co.opMart Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), cho biết các mặt hàng nước mắm, bột nêm đến mì gói, sữa, xúc xích, dầu gội, sữa tắm... đều tăng giá từ đầu tháng 3. Từ kinh nghiệm nội trợ, bà Hoàng chia sẻ những mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, cá tại chợ truyền thống có xu hướng rẻ hơn siêu thị. Nhưng đối với hàng tiêu dùng thì trong siêu thị có mức tăng ít hơn nhờ khuyến mãi. Chai dầu ăn giá 40.500 đồng/lít giảm còn 38.500 đồng/lít, bột giặt 4,5kg giảm từ 168.000 đồng/bịch xuống 154.000 đồng...

Tại siêu thị Big C, dầu ăn 5 lít giá 169.500 đồng so với giá thị trường là 178.000 đồng, mì gói A-One giá 90.900 đồng/thùng trong khi giá thị trường 112.000 đồng/thùng. Tương tự, các loại nước mắm, sữa tươi, xúc xích, sữa chua... đều có mức giá thấp hơn thị trường 20-25%.

Tại siêu thị cũng có 1.400 mặt hàng được bán rẻ hơn giá in trực tiếp trên bao bì. Theo các bà nội trợ, thông thường mỗi siêu thị có một lợi thế riêng, siêu thị này rẻ về thực phẩm công nghệ thì siêu thị kia rẻ về hàng tiêu dùng. Nếu theo dõi kỹ sẽ tiết kiệm chi tiêu hàng hóa trong gia đình 15-20%.

HNKIjtXt.jpgPhóng to
Nhiều nhà cung cấp đã chủ động giảm giá, giảm tiền lời để bảo vệ sức mua của người tiêu dùng - Ảnh: M.Đức

Ông Nguyễn Xuân Hải, giám đốc Big C VN, cho biết những mặt hàng giá tốt và tiết kiệm mà siêu thị đem đến cho khách hàng trong chương trình “Giá rẻ chưa từng thấy” từ ngày 2 đến 20-3 tập trung 420 mặt hàng thiết yếu hằng ngày như nước mắm, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, sữa, bánh kẹo... với mức giảm 10-15%. Trong bối cảnh thị trường đang hình thành mặt bằng giá mới, bộ phận thu mua của siêu thị đã làm việc từ ba tháng trước với nhà cung cấp nhằm chốt mức giá tốt và đảm bảo số lượng cung ứng xuyên suốt cho chương trình.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân - phó tổng giám đốc Saigon Co.op, việc thực hiện khuyến mãi trong thời điểm tăng giá khó khăn hơn vì để có được mức giá tốt ngoài nỗ lực giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ, một phần kinh phí thực hiện chương trình được trích từ tiền lãi kinh doanh.

Cắt giảm chi phí

Vấn đề biến động giá cả hiện nay không chỉ là mối bận tâm của các nhà cung cấp VN mà còn của toàn cầu. Những mặt hàng tăng giá thời gian qua đều liên quan đến chi phí vận hành, vì vậy chính sách ưu tiên cần làm hiện nay là nhà kinh doanh triển khai các biện pháp kìm hãm giá tốt nhất có thể để bảo vệ sức mua người tiêu dùng.

Ông Lê Ngọc Hưng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhìn nhận thực tế hiện nay giá thành sản xuất tăng cao, bản thân doanh nghiệp cũng rất khó bán hàng. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu hoặc chuyển sang dùng những sản phẩm rẻ hơn. Nếu doanh nghiệp không linh hoạt, cắt giảm chi phí hợp lý thì rất khó cạnh tranh.

Có rất nhiều hành động cụ thể để kìm hãm yếu tố tăng giá. Không chỉ cơ cấu lại chi phí hoạt động, mối quan hệ giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ được cải thiện hơn trong thời buổi giá cả tăng cao. Ông Ngô Xuân Hải, phó giám đốc hệ thống Citimart, cho biết khi nhận được đơn tăng giá, nhà bán lẻ chủ động làm việc với nhà cung cấp để hiểu thêm những vấn đề mà nhà cung cấp đang gặp phải, từ đó tìm cách tháo gỡ, đưa ra những giải pháp giảm thiểu mức tăng giá như cam kết tăng số lượng đặt hàng, ứng vốn trước.

Thực tế để thực hiện một chương trình giá tốt bao giờ cũng là sự cộng hưởng từ hai phía.

Ông Nhân cho rằng gần 800 mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, đồ dùng gia đình, thời trang may mặc với mức giảm giá đến hơn 40% đang thực hiện tại siêu thị có được là từ sự chủ động của nhà cung cấp. “. Cùng giảm tiền lời để bảo vệ sức mua người tiêu dùng là phương án tối ưu hiện nay. Sự chia sẻ cả hai bên để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng cũng là tự cứu mình” - ông Nhân nói.

Theo ông Pascal Billaud - tổng giám đốc BigC VN, trong cách vận hành bản thân siêu thị cũng tính toán lại để cắt giảm chi phí. Hiện tại BigC đã triển khai chương trình tiết kiệm điện, những “siêu thị xanh” áp dụng công nghệ thân thiện môi trường đã giúp tổng điện năng tiêu thụ trên mỗi siêu thị giảm 20% so với trước. Điều này cho phép siêu thị đầu tư nhiều hơn trong chính sách giá tốt.

Bản thân siêu thị sẵn sàng từ chối những nhà cung cấp tăng giá mà lý do không hợp lý. Trong trường hợp tăng giá, để khống chế mức tăng giá các mặt hàng hợp lý, bộ phận thu mua ưu tiên chọn những mặt hàng có mức tăng thấp hoặc những mặt hàng ít chịu biến động giá sản xuất trong nước thay thế. Những mặt hàng có nguy cơ tăng giá luôn có kế hoạch trữ hàng nhằm trì hoãn thời điểm tăng giá.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên