Phóng to |
Khách hàng đến tìm hiểu thủ tục vay vốn tại Ngân hàng An Bình, TP.HCM Ảnh: thanh đạm |
Nhiều NH cho rằng điều hành lãi suất hiện nay quá cứng nhắc làm ảnh hưởng không tốt đến thị trường.
Cơ chế cứng nhắc
Lãnh đạo NH BIDV chi nhánh 2 đặt vấn đề: NH Nhà nước giới hạn trần lãi suất huy động nhưng ngay sau đó các NH lại phá rào. Việc này lặp lại nhiều lần vì cơ chế điều hành lãi suất hiện nay quá cứng nhắc. Trước khi NH Nhà nước ra chính sách nên giải tỏa cho các NH nhằm giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Còn hiện nay NH nào chấp hành nghiêm thì bị thiệt.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh, giám đốc NH Agribank chi nhánh TP.HCM, cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2011 ở mức 7% nhưng chỉ mới hai tháng đầu năm lạm phát đã tăng khá cao. Trong bối cảnh đó kêu gọi đồng thuận lãi suất rất khó. “NH Nhà nước nên cân nhắc vấn đề này chứ không thể có lãi suất hàng ngang như hiện nay” - ông nói.
Phó thống đốc NH Nhà nước Trần Minh Tuấn thừa nhận vừa qua NH Nhà nước quy định trần lãi suất 14%/năm, nhiều NH không tuân thủ nhưng NH Nhà nước làm chưa nghiêm. Có trường hợp phát hiện nhưng xử lý không dứt khoát.
Lãi suất cao nhưng tín dụng vẫn tăng
Ông Trần Minh Tuấn cho rằng câu chuyện đau đầu nhất hiện nay là tín dụng tăng không quá 20% nhưng điều hành 20% này như thế nào thì chưa rõ do quy mô tín dụng mỗi NH khác nhau. “Tăng trưởng 100% ở NH cổ phần nhỏ không bằng 1% của một NH quốc doanh” - ông nói. Do vậy không thể cào bằng khi xử lý vấn đề này. Ông cho biết trong cuộc họp ngày 1-3, lãnh đạo NH Nhà nước sẽ họp bàn về vấn đề này sao cho thống nhất, cụ thể, phổ biến cho từng địa phương nếu không mỗi nơi sẽ làm mỗi kiểu gây rắc rối tình hình.
Phó thống đốc Trần Minh Tuấn cũng cho rằng lãi suất cao nhưng tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây vẫn rất cao. Cụ thể tháng 12-2010 tăng 3%, tháng 1-2011 tăng 1,7%. “Lãi suất cho vay 20%/năm, thậm chí 24%/năm như vậy mà tín dụng vẫn tăng thì phải xem tiền vào đâu. Theo tôi biết tiền chủ yếu vào bất động sản, như vậy là không đúng chỗ” - ông nói. Ông cho rằng phải chấn chỉnh tình trạng này, lái cơ cấu vốn trở lại phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Tuấn cũng khẳng định sẽ giảm dần mặt bằng lãi suất vì lãi suất hiện nay đang “bất bình thường”. “Đẩy lãi suất cao lên để chống lạm phát song song đó phải kéo kỳ vọng lạm phát xuống dần để ổn định mặt bằng lãi suất. Nếu chống lạm phát mà lãi suất ngày càng tăng thì hỏng hết” - ông Tuấn nói. Ông cho rằng có thể đến quý 3 lãi suất sẽ giảm dần nhưng NH Nhà nước sẽ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, không thể để doanh nghiệp ngồi chờ đến quý 3 mới sản xuất. Giải pháp này sẽ được thống đốc triển khai vào ngày 1-3.
Nhiều NH cũng đặt ra khó khăn về tỉ giá và yêu cầu NH Nhà nước cung ngoại tệ để bình ổn thị trường, tiến tới xóa bỏ tình trạng hai tỉ giá. Ông Tuấn cho biết trước khi NH Nhà nước tăng tỉ giá, trạng thái ngoại hối của các NH dương 1,58%, sau khi điều chỉnh tỉ giá trạng thái ngoại hối lại âm 1,18%. Ông thông tin tới đây NH Nhà nước sẽ giảm trạng thái ngoại hối của các NH từ mức dương 30% vốn điều lệ như hiện nay xuống mức thấp hơn nhằm giảm hiện tượng NH găm giữ ngoại tệ trên tài khoản.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến băn khoăn khi việc siết mua bán vàng miếng xảy ra ngay thời điểm nóng về lãi suất, tỉ giá. Người dân tích lũy vàng cũng băn khoăn chưa biết tới đây sẽ ra sao. Bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, bày tỏ lo ngại: “Mấy ngày nay có nhiều người hỏi, NH cũng hỏi sẽ xử lý vàng miếng như thế nào, dừng ra sao”. Do vậy, NH Nhà nước nên sớm công bố giải pháp xử lý, lộ trình thực hiện. Bà cho rằng với những chủ trương có ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân như trên nên có chủ trương, tính toán cẩn thận, kế hoạch dài hạn trước khi công bố, tránh ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người dân. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Tuấn cho rằng NH Nhà nước đã xây dựng dự thảo về quản lý thị trường vàng, tới đây sẽ đưa ra lấy ý kiến. Ông khẳng định việc thay đổi trong chính sách quản lý thị trường vàng không phải một sớm một chiều mà NH Nhà nước sẽ đề ra lộ trình để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân. Liên quan đến quản lý vàng miếng, theo một lãnh đạo NH Nhà nước, nội dung cơ bản dự thảo nghị định quản lý thị trường vàng tương tự như với quản lý ngoại tệ, tức cá nhân được quyền sở hữu, cất giữ, mang đi nhưng khi có nhu cầu phải bán vàng lại cho những đầu mối do NH Nhà nước quy định. Tới đây NH Nhà nước sẽ xây dựng hệ thống các đầu mối thu mua vàng miếng, giá thu mua áp dụng theo giá tại thời điểm giao dịch. Điểm quan trọng của dự thảo nghị định là người dân sẽ không được mua thêm vàng miếng, chỉ được mua vàng nữ trang. Các cửa hàng kinh doanh vàng bạc sẽ không được phép bán vàng miếng như hiện nay mà chỉ được kinh doanh vàng bạc trang sức. Việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do sẽ được cân nhắc sao cho không tác động quá lớn đến đời sống người dân và có thời gian chuyển tiếp trước khi áp dụng. Trên thực tế việc quản lý ngoại tệ hiện nay đi theo hướng này nhưng người dân có nhu cầu vẫn mua bán với các cửa hàng vàng. NH Nhà nước cho biết sẽ xem xét thêm một số vấn đề phát sinh trước khi trình Chính phủ vào quý 2. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận