23/02/2011 09:08 GMT+7

Giá điện làm tăng CPI khoảng 0,76%

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Ông Nguyễn Tiến Thỏa, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tính toán việc tăng giá điện trong thời gian tới sẽ tác động làm tăng chỉ số giá (CPI) lên khoảng 0,76%. Trao đổi với báo chí, ông Thỏa cho rằng:

Read this on Tuoitrenews.vn

ifErGLOy.jpgPhóng to
Việc tăng giá điện sẽ buộc các doanh nghiệp phải tiết kiệm và sắp xếp lại sản xuất. Trong ảnh: sản xuất giấy tại Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn Ảnh: T.V.N.

- Theo mức tăng mà Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc, giá điện năm 2011 tăng bình quân 165 đồng/kWh. Với mức tăng này, giá điện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí và Nhà nước đã phải khoanh lại khoảng 27.917 tỉ đồng chi phí phát sinh từ năm trước để phân bổ dần cho các năm sau chứ chưa cho EVN tính ngay vào giá điện năm 2011. Cùng việc lùi khấu hao tài sản của ngành điện, Chính phủ đã không tính tới chuyện lợi nhuận của EVN... Nếu để tính đủ các yếu tố đầu vào thì giá điện phải tăng khoảng 62%.

Mmi0rq4t.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Tiến Thỏa
* Cục Quản lý giá đã tính toán việc tăng giá điện sẽ tác động như thế nào tới lạm phát 2011?

- Giá điện tăng đương nhiên tác động làm tăng giá thành sản phẩm và giảm lợi nhuận của các ngành sử dụng điện. Theo tính toán, giá điện tăng sẽ tác động làm CPI tăng trực tiếp (vòng 1)về mặt lý thuyết khoảng 0,38%. Nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý thì có thể tỉ lệ tăng chung khoảng 0,76%. Nhưng tăng giá thành bao nhiêu sẽ phụ thuộc việc quản lý, sắp xếp lại sản xuất, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của từng doanh nghiệp. Đối với các hộ nghèo, Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ đối với 50kWh đầu tiên nên ảnh hưởng không lớn.

* Theo ông, sắp tới giá than và giá xăng dầu sẽ được điều hành thế nào?

- Câu hỏi này đúng với trường hợp hiện giá xăng dầu đang ở mức cao làm cho giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành. Nếu giá thế giới giảm thì lại có cách ứng xử khác. Chúng ta đang vận hành việc kinh doanh xăng dầu theo nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ. Quan điểm điều hành là vẫn theo nghị định này. Do đó, Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để bình ổn giá chứ không phải cố định giá nên có việc phải điều chỉnh giá cũng là bình thường. Điều hành sẽ vẫn có nhiều biện pháp chống gây sốc. Nếu phải điều chỉnh giá tăng cũng là để xóa bao cấp một bước qua giá, tránh làm méo mó toàn bộ hệ thống giá và ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới đang diễn biến rất phức tạp.

* Mục tiêu điều hành lạm phát ở mức 7% trong năm 2011 còn khả thi?

- Đúng là năm 2011 việc thực hiện nhiệm vụ phải kiểm soát CPI tăng không quá 7% là mục tiêu phấn đấu rất khó khăn. Nhìn một cách khách quan dựa trên tình hình trong nước và thế giới thì tính khả thi của mức 7% là không vững chắc do nhiều nhân tố có thể tác động bất lợi, khó kiểm soát. Ví dụ như nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với các nguy cơ lớn, trong đó có lạm phát, giá cả. Điều này đang xảy ra ở nhiều nước ở mức cao, đe dọa sự bất ổn kinh tế tương tự như giai đoạn từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2008. Nhiều nước vẫn phải “oằn mình” chống đỡ với khoản nợ công khá cao từng gây ra khủng hoảng ở một số nước và đang đe dọa sự bất ổn của nhiều nước khác. Tổng nợ công của toàn thế giới tính đến ngày 19-11-2010 ước khoảng 40.660 tỉ USD. Vì vậy, hầu hết các nước này đều thực hiện chính sách “thắt chặt” tài khóa, tiền tệ... Nhưng cũng có những nước lại chủ trương bơm thêm tiền để kích thích kinh tế...

VN có độ mở nền kinh tế khá lớn, xuất nhập khẩu đã chiếm tới 150% GDP nên chúng ta cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ở trong nước, những yếu kém vốn có chưa được khắc phục có hiệu quả về cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, kết cấu hạ tầng... vẫn là những yếu tố tiềm ẩn gây lạm phát cao và bất ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, tổng cầu của nền kinh tế đang cao hơn so với tổng cung; chúng ta lại phải tiếp tục lộ trình điều chỉnh một số giá, xóa một bước bao cấp qua giá mà Nhà nước đang định giá như giá điện hoặc kiểm soát giá bằng những hình thức thích hợp như giá xăng dầu...

* Theo ông, giải pháp điều hành sắp tới sẽ như thế nào để hạn chế lạm phát ảnh hưởng tới đời sống người dân?

- Để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, chỉ một cơ quan làm không được mà cần có biện pháp tổng hợp chung và làm một cách đồng bộ, quyết liệt. Tôi cho rằng muốn chống lạm phát hiệu quả trong bối cảnh hiện nay cần thực hiện các biện pháp khống chế tổng cầu của nền kinh tế thông qua việc giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu xuống dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, phải áp dụng các giải pháp kinh tế tăng tính ổn định của thị trường vàng, ngoại tệ, tỉ giá, lãi suất; kiểm soát độc quyền và liên minh độc quyền, kiểm soát có hiệu quả hơn hành vi gian lận thương mại... Cái chính ở đây là một mặt các doanh nghiệp phải có biện pháp hạn chế tác động; còn Nhà nước phải nhận diện được rất nhiều hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh tỉ giá cộng tác động cộng hưởng khiến giá cả bị đẩy lên. Do đó, các giải pháp điều tiết, kiểm tra, kiểm soát phải được áp dụng kịp thời.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên