19/02/2011 07:31 GMT+7

G20: chống lạm phát, tăng giá ra sao?

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 diễn ra ngày 18 và 19-2 ở Paris (Pháp) để thống nhất về chính sách khung cho sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo AFP, G20 vẫn bất đồng về cách thức đánh giá sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu, cải tổ tiền tệ và các biện pháp nhằm chống lại các đe dọa đối với kinh tế toàn cầu.

Giá lương thực tiếp tục tăng kỷ lụcNgân hàng Thế giới: giá lương thực tăng đến mức nguy hiểm

nQTn2w9z.jpgPhóng to
Một em bé châu Phi đang ăn thực phẩm cứu trợ - Ảnh: fullissue.com

Tại cuộc họp trù bị giữa các thứ trưởng bộ tài chính và quan chức cấp cao G20, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens nhấn mạnh kinh tế thế giới sẽ được lợi nếu các nền kinh tế châu Á áp dụng tỉ giá hối đoái linh hoạt. Bà Agustin cho rằng tình trạng mất cân bằng kinh tế toàn cầu đã được khắc phục phần nào trong thời kỳ suy thoái những năm gần đây, song đang gia tăng trở lại khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi.

Bà nhận định nếu xu hướng này kéo dài sẽ làm sụp đổ hệ thống kinh tế thế giới, đồng thời khẳng định tình trạng mất cân bằng kinh tế chỉ có thể giải quyết được thông qua các kênh tiền tệ.

“Xóm nhà lá” và “xóm nhà lầu” đang chứng kiến sự đối nghịch rõ rệt. Trong khi “xóm nhà lá” có tốc độ tăng trưởng cao thì “xóm nhà lầu” lại thấy tỉ lệ thất nghiệp cao. Sự khác biệt này sẽ có vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận ở Paris. Nhà kinh tế học Chris Williamson cho rằng có hai thách thức nổi bật: mất cân bằng kinh tế toàn cầu - cũ nhưng vẫn thời sự; thặng dư thương mại của Trung Quốc và thâm hụt ngân sách của Mỹ.

Nhà kinh tế học quốc tế Stefan Schneider tại Deutsche Bank nhận xét hội nghị sẽ khó đạt được thành công. Ông nói: “Trong thời suy thoái kinh tế toàn cầu trước đây, ai cũng chịu cảnh cùng hội cùng thuyền. Nhưng giờ đây, lợi ích đã đưa các nước rẽ làm nhiều hướng khác nhau”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde cho biết mục tiêu về phục hồi và tăng trưởng bền vững toàn cầu là điều mà mọi quốc gia có thể thống nhất.

Theo Financial Times, cuộc họp G20 diễn ra trong bối cảnh giá lương thực và hàng hóa đang tăng cao trên thế giới. Người ta chờ đợi các bộ trưởng tìm giải pháp đối phó với tình trạng lạm phát, ảnh hưởng tới những mặt hàng cơ bản như lương thực và nhiên liệu. Hơn 100 tổ chức châu Âu và quốc tế do Phong trào phát triển thế giới (WDM) dẫn đầu đã ký tuyên bố cảnh báo G20 về việc nếu để giá tăng thì sẽ quá nguy hiểm.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cảnh báo giá lương thực thế giới đang cao ở mức nguy hiểm và từ tháng 6-2010 đã đẩy 44 triệu người trên thế giới vào nghèo đói. Giá lương thực tăng cao năm 2008 đã khiến nhiều nước xảy ra bất ổn và giá lương thực tăng gần đây là một yếu tố khiến Trung Đông trở thành lò lửa, dù đó không phải là nguyên nhân hàng đầu.

Nhiều mặt hàng đang đạt gần ngưỡng hoặc hơn mức đỉnh giá năm 2008. Giá lương thực, năng lượng tăng cao đang là nguy cơ chính trị, kinh tế và xã hội lớn ở các nước đang phát triển. WB cho biết chỉ số giá lương thực đã tăng 29% trong năm 2010, gần mức đỉnh 2008. Liên Hiệp Quốc thông báo chỉ số giá lương thực của tổ chức này cho thấy con số đã vượt mức năm 2008, chủ yếu do các thay đổi của thời tiết. Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc cho biết giá lương thực toàn cầu đã tăng lên đỉnh mới trong tháng 1 vừa qua.

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire cảnh báo các cuộc bạo loạn về lương thực chắc chắn xảy ra nếu các nước phát triển không tìm ra giải pháp lâu dài trước tình trạng giá lương thực leo thang hiện nay. Ông Le Maire cho rằng giá tăng vì thế giới không làm ra đủ lương thực cho người dân. Ông cho rằng các nước phát triển cần giúp các nước nghèo, nhưng sự hợp tác giữa các nước đang phát triển cũng rất quan trọng.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên