31/12/2010 07:56 GMT+7

Năm 2010, GDP vượt mốc 100 tỉ USD

CẦM VĂN KÌNH ghi
CẦM VĂN KÌNH ghi

TT - Năm 2010, tăng trưởng kinh tế đạt gần 6,8%, đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt 100 tỉ USD. Các chuyên gia cho rằng đây là cột mốc để định hướng phát triển trong thời gian tới.

“Tập trung giảm lạm phát và lãi suất” là mục tiêu vừa được Chính phủ nêu ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 tổ chức ngày 30-12.

BnNHsfdu.jpgPhóng to
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội qua các năm Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Con số công bố tại hội nghị trong ngày 30-12 cho thấy lần đầu tiên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt qua 100 tỉ USD. Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đây là mốc đáng mừng để VN nhìn lại và có những bước chuyển mới. Bà Lan nói:

- Đây là mốc quan trọng, cho thấy quy mô nền kinh tế đã nở ra, tăng lên so với trước. Dù chất lượng tăng trưởng còn nhiều vấn đề nhưng mốc 100 tỉ USD chính là cơ hội để VN đánh giá và học bài học của chính mình về quá trình phát triển thời gian qua. Chúng ta đã tăng trưởng một cách khá tốn kém với tốc độ khai thác tài nguyên, số vốn đầu tư cao, vấn đề ô nhiễm môi trường và chỉ số ICOR cao...

Chúng ta phải có cái nhìn thật nghiêm túc về con đường đi sắp tới. Không thể chủ quan với thành quả đạt được đó. Vì xét một cách khách quan, dù đạt GDP 100 tỉ USD nhưng cơ cấu kinh tế, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, các điểm tựa để tăng trưởng của VN không khác là bao so với cách đây hơn mười năm.

Những lợi thế như nhân lực giá rẻ, tài nguyên... đã đến giới hạn và nó sẽ không giúp chúng ta tăng trưởng tốt trong thời gian tới nữa. Cái giá của GDP 100 tỉ USD có thể nói là rất lớn khi một số loại tài nguyên của chúng ta đã sắp cạn, vấn đề môi trường nặng nề ở một số nơi. Chúng ta đã mất gần 30 năm để đạt được mốc 100 tỉ USD thì rõ ràng VN không nên theo cách cũ để đạt được những mốc trên 100 tỉ USD.

rUAN0HPG.jpgPhóng to

GDP một số nước Đông Nam Á(Nguồn: World Bank, Global Finance) - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Có một số quốc gia có mốc khởi điểm giống VN. Tuy nhiên họ đã nhanh hơn chúng ta để trở thành nước có GDP 100 tỉ USD và hơn nữa là thành nước giàu. So sánh là rất khó nên tôi mới cho rằng VN có thể học bài học của chính VN để đi lên nhanh và bền vững hơn. Chặng đường từ nước thu nhập trung bình lên nước giàu rất xa. Quy mô nền kinh tế cũng vậy, quy mô GDP 100 tỉ USD có thể đã rất ấn tượng với VN nhưng chỉ bằng doanh số hai tập đoàn của Hàn Quốc.

Hơn nữa, nếu so chúng ta đã đổ vào tăng trưởng bao nhiêu tài nguyên, tiền của trong khi các tập đoàn kia bỏ vào cái gì để có doanh số cả trăm tỉ USD thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn VN còn phải cố gắng nhiều.

Đây chính là thực tế tôi muốn nhấn mạnh để thấy rằng nếu chúng ta không tăng trưởng bằng tái cơ cấu quyết liệt, dám đụng chạm và vượt qua các nhóm lợi ích để đi lên bằng chất lượng tăng trưởng thì VN không những không thể tăng trưởng nhanh mà còn có thể bị chững lại thời gian tới. Lý do là các động lực tăng trưởng theo cách cũ đã tới giới hạn rồi.

TS Nguyễn Đức Thành (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội):

Một cột mốc hơn là thành tích

VN đã khởi đầu với GDP thấp, vài tỉ USD, sau lên vài chục tỉ USD và năm 2010 chúng ta đã đi đến đích 100 tỉ USD. Rất khó có thể nói đây là một thành tích, bởi đây đơn thuần là một con số - kết quả của cả một chặng đường với tốc độ tăng trưởng đây đó vẫn được nói là chưa xứng với tiềm năng và chất lượng tăng trưởng còn chưa bền vững. Tuy nhiên, nếu để so với chính mình thì con số 100 tỉ USD là một mốc ấn tượng, một dấu ấn đáng nhớ với năm 2010 nhiều kịch tính.

Chúng ta vẫn nói tăng trưởng là quan trọng, nhưng sẽ tốt hơn nếu đó là tăng trưởng bền vững. Cái người dân thật sự cần là đời sống của họ được nâng lên. Con số 100 tỉ USD thể hiện quy mô của nền kinh tế. VN đạt mốc 100 tỉ USD GDP, nếu so với thế giới phải nói thật là rất nhỏ, kể cả so với nền kinh tế khác hay với các tổ chức kinh tế. Doanh thu một tập đoàn của Mỹ một năm đã có thể đạt 200 tỉ USD.

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng nếu so tổng thu nhập quốc nội của VN với các nước trên thế giới thì VN còn khiêm tốn. Một tỉnh của Trung Quốc có GDP khoảng 500 tỉ USD là bình thường. GDP của các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều cao hơn ta nhiều.

Chúng ta đã bước qua thu nhập trung bình theo chuẩn thế giới ngay từ khi chưa đạt GDP 100 tỉ USD. Câu chuyện tăng trưởng VN đã bộc lộ nhiều điều. Vì vậy cần làm sao để tăng trưởng bền vững và thúc đẩy thật sự tăng trưởng bền vững.

Gwue6ETC.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành tại hội nghị - Ảnh: TTXVN

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định như vậy tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 ngày 30-12. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị này.

Sẽ có thông điệp dài hạn về tỉ giá và lãi suất

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, hiện NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng phương án điều hành chính sách lãi suất và tỉ giá theo hướng linh hoạt hơn. Để có được thông điệp tương đối dài hạn cả năm, về lãi suất, nếu được Thủ tướng đồng ý, NHNN sẽ công bố ổn định cả năm, chỉ điều chỉnh khi có thay đổi mang tính đột biến.

Tương tự về tỉ giá, NHNN cũng đề xuất linh hoạt hơn theo hướng mở dần cho phép doanh nghiệp và ngân hàng tự thỏa thuận. Ông Giàu nói: “Như vậy, can thiệp của NHNN từ quỹ dự trữ ngoại hối sẽ ít đi, tất nhiên tỉ giá sẽ theo thị trường nhiều hơn, khả năng lúc đó chúng ta mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối trở lại sẽ nhanh hơn.

Vấn đề khác là lãnh đạo NHNN và lãnh đạo Bộ Công thương sẽ cùng bàn với nhau, nếu nhập khẩu hàng xa xỉ thì nhập loại ngoại tệ khác, còn USD sẽ quản lý chặt chẽ hơn. Tất nhiên đây là vấn đề phải bàn kỹ để phù hợp với quy định WTO”.

Ông Giàu khẳng định: “Đối với lãi suất, khi có dấu hiệu chỉ số giá tiêu dùng giảm (mục tiêu năm 2011 là lạm phát kiểm soát được ở mức 7%) NHNN sẽ có động thái mạnh để giảm lãi suất. Riêng đối với các đối tượng nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chương trình phát triển điện thì các ngân hàng đều thực hiện cho vay ưu đãi từ 12-14%/năm”.

Ông Nguyễn Văn Giàu đưa ra ba kiến nghị cho năm 2011: chính sách tài khóa cần chặt chẽ ngay từ đầu năm; rà soát chính sách thu hút đầu tư, đặt biệt là FDI vào khu vực bất động sản, để chuyển dịch tập trung sang khu vực sản xuất. Quản lý chặt chẽ đầu tư ra nước ngoài; tiếp tục xây dựng và thực hiện hàng rào kỹ thuật để giảm nhập siêu.

Ngừng các khoản chi chưa cấp bách

Để thực hiện các mục tiêu của năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Ngừng các khoản chi chưa thật sự cấp bách như chi tổng kết, liên hoan, hội nghị... Quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc không mua xe công nhập khẩu. “Nhiều mặt hàng chúng ta giữ giá lâu quá như điện, than, bị kìm nén, sang năm mà điều chỉnh sẽ như lò xo, nếu không khéo sẽ tác động đến thị trường” - ông Ninh nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, bộ đã kiến nghị NHNN cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi thu mua tạm trữ một số mặt hàng nông sản xuất khẩu để giữ giá, tránh thiệt hại cho nông dân và tránh bị khách nước ngoài ép giá. Xây dựng chế tài cụ thể đối với các ngân hàng cho vay nhập khẩu hàng tiêu dùng...

Hôm nay 31-12, hội nghị tiếp tục làm việc với nội dung thảo luận của đại diện các địa phương và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ kết luận hội nghị.

* Đổi mới mô hình tăng trưởng

Giới thiệu dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói bên cạnh mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng đi liền với đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo, giữ vững quốc phòng, an ninh...

* Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

- GDP tăng 7-7,5% so với năm 2010.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010.

- Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

- Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới.

CẦM VĂN KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên