30/12/2010 08:43 GMT+7

Phụ cấp cũng bị tận thu thuế

C.V.K.
C.V.K.

TT - Ngoài mức khởi điểm chịu thuế thấp, gần đây cơ quan thuế còn đưa ra hàng loạt quy định nhằm tận thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ các khoản phụ cấp, trong đó nhiều văn bản trái luật.

Xem bản tin tiếng Anh

Q4TpAsPe.jpgPhóng to

Theo các chuyên gia, trong lúc chờ Quốc hội sửa Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính nên chủ động giảm gánh nặng cho người nộp thuế bằng cách loại ra những khoản thu bất hợp lý.

13,7triệu

Đó là số lượng mã số thuế TNCN được cấp tính đến thời điểm tháng 11-2010.

Tiền xăng phải chịu thuế

Chị T., nhân viên một công ty tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết do công việc buộc phải di chuyển nhiều nên hằng tháng chị được công ty cấp 36 lít xăng, nhận dưới dạng phiếu mua xăng và không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Tuy nhiên từ giữa năm 2010 đến nay công ty chuyển sang hình thức trả bằng tiền mặt và khoản thu nhập này được tính luôn vào thu nhập chịu thuế. Thắc mắc, chị được nhân viên kế toán công ty giải thích do hướng dẫn mới của Cục Thuế TP.HCM.

Theo hướng dẫn này, nếu mua thẻ xăng để phát cho nhân viên hằng tháng thì bên bán không được xuất hóa đơn mà chỉ được phát phiếu thu cho bên mua. Theo quy định phiếu thu thì không được đưa vào chi phí của doanh nghiệp. Do vậy công ty đành phải chọn giải pháp phát tiền mặt để được trừ chi phí nhưng lại thiệt cho người lao động vì bị tính thuế TNCN.

Anh P.V.N., nhân viên tiếp thị một doanh nghiệp giấy, cho biết nếu đưa tiền xăng vào tổng thu nhập để tính thuế TNCN là vô lý vì đây là khoản chi phí phục vụ công việc, người lao động không được thụ hưởng. “Nếu đánh thuế trên tiền xăng thì hao mòn xe cộ mà người lao động đang phải chịu cơ quan thuế sẽ tính sao?” - anh N. bức xúc.

Theo luật sư Trần Xoa, Công ty luật Minh Đăng Quang, vẫn có cách để giải quyết vấn đề này theo hướng tránh thiệt hại cho người lao động.

Cụ thể, thông tư 153 hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ cho phép đơn vị bán xăng và người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh được lập hóa đơn định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ. Cơ quan thuế nên tính đến những trường hợp ngoại lệ khi ra hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi và tránh gây bức xúc cho người nộp thuế.

Tiền điện thoại phải có hóa đơn

Cơ quan thuế cũng siết các khoản phụ cấp khác trong đó có phụ cấp điện thoại. Đầu tháng 11 Cục Thuế TP.HCM ban hành công văn 7070, trong đó quy định nếu công ty chi tiền điện thoại cho người lao động thì phải có hóa đơn hợp pháp ghi tên, địa chỉ, mã số thuế công ty mới được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và người nhận không phải chịu thuế TNCN.

Nếu khoán chi tiền điện thoại theo quy định tại hợp đồng lao động thì phải tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người nhận để kê khai nộp thuế TNCN.

Ông V.V.M., kế toán một doanh nghiệp truyền thông, cho biết công ty có hình thức khoán bằng cách thanh toán tiền điện thoại theo định mức với những người dùng thuê bao trả sau.

Theo hướng dẫn mới này của Cục Thuế TP.HCM, công ty chỉ còn cách mua thẻ điện thoại trả trước để phát cho người lao động. Người dùng thuê bao trả sau không còn cách nào khác phải nhận tiền và chịu thuế TNCN.

Theo một chuyên gia ngành thuế, công văn số 7070 của Cục Thuế TP.HCM đã đặt thêm điều kiện, gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp của người lao động, đồng thời trái với thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và công văn của Tổng cục Thuế.

Theo thông tư 62 của Bộ Tài chính, chỉ quy định mức khoán chi làm cơ sở chịu hay không chịu thuế TNCN chứ không quy định phải có “hóa đơn hợp pháp ghi tên, địa chỉ, mã số thuế công ty” mới không chịu thuế TNCN.

Công văn này cũng trái với công văn 451 của Tổng cục Thuế là các khoản khoán chi, trong đó có tiền điện thoại, thực hiện theo quy chế riêng của công ty. Trường hợp chi cao hơn mức khoán quy định thì phần vượt mới phải tính vào thu nhập chịu thuế.

Tiền trang phục, ăn trưa cũng bị khống chế

Không chỉ cơ quan thuế địa phương, Bộ Tài chính cũng có văn bản khống chế tiền trang phục, ăn trưa của người lao động trong khi trước đó Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất không khống chế hai loại phụ cấp này nhằm thể hiện sự quan tâm đến người lao động.

Theo thông tư của Bộ Tài chính, nếu doanh nghiệp không tổ chức bữa ăn trưa mà phát tiền cho người lao động thì mức chi phải phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - thương binh và xã hội (không được quá 550.000 đồng/người/tháng).

Giám đốc một công ty điện tử cho biết thực chất phụ cấp ăn giữa ca nhằm tái tạo sức khỏe cho người lao động nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện tổ chức bữa ăn cho người lao động do không đáp ứng được điều kiện về mặt bằng, nhân sự..., vì vậy cách tốt chất là phát tiền cho người lao động tự lo bữa ăn.

Với mặt bằng giá cả như hiện nay doanh nghiệp tính đến chuyện tăng phụ cấp ăn trưa cho người lao động nhưng không thể thực hiện được do bị khống chế. Tương tự, phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động khống chế ở mức 1,5 triệu đồng/người/năm, còn nếu chi bằng tiền mặt thì không vượt quá 1 triệu đồng/người/năm.

Không nên tính thuế những khoản phụ cấp

Theo luật sư Dương Công Bình - Đoàn luật sư TP.HCM, những khoản phụ cấp như xăng xe, điện thoại, ăn uống, trang phục là chính đáng và được kiểm soát gắt gao dưới sự tính toán của doanh nghiệp, nên việc cơ quan thuế nghĩ thêm cách để gom những khoản nhỏ nhặt này để đánh thuế là không hợp lý và không nuôi dưỡng nguồn thu.

C.V.K.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên