24/12/2010 08:30 GMT+7

Thu nhập không theo kịp thuế

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TT - Không ít ý kiến đề nghị cần điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân vì giá cả hàng hóa tăng, lương tối thiểu cũng đã thay đổi nhưng mức khởi điểm chịu thuế vẫn thế, bậc thuế quá dày, còn phần khấu trừ thì như có người nói “chỉ vừa đủ mua sữa cho con”.

vdNZ3FXN.jpgPhóng to
Người dân giờ đây phải cân nhắc trong chi tiêu hằng ngày (ảnh chụp tại chợ Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) -Ảnh: THUẬN THẮNG

Sau hai năm áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân đã lộ ra những vấn đề bất hợp lý. Trong đó quy định về mức khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng như bậc thuế được tính toán từ thời điểm soạn thảo luật (năm 2006) đến nay đã trở nên quá lỗi thời.

Riêng mức thu nhập làm căn cứ để xác định là người phụ thuộc hiện thấp hơn cả mức lương tối thiểu chung.

Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế được giảm trừ cho bản thân 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm). Nếu không có người phụ thuộc thì phần thu nhập còn lại phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần, gồm bảy bậc, thuế suất dao động từ 5-35%. Mức giảm trừ 4 triệu đồng được tính toán dựa trên dự tính thu nhập bình quân đầu người năm 2009 (thời điểm áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân) là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay sau hai năm áp dụng, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 2 triệu đồng/người/tháng, do vậy mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế đang được áp dụng đã trở nên lạc hậu.

Chị H., nhân viên một công ty tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết giữa năm 2010 công ty tăng lương cơ bản từ 2,1 triệu đồng lên 2,7 triệu đồng. Tổng thu nhập tăng lên nhưng chưa kịp mừng thì chị nhận được tin công ty sẽ tăng mức tạm khấu trừ hằng tháng lên tương ứng, tức từ 3,5 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng. Nếu có thêm tiền thưởng thì bị trừ thêm 4 triệu đồng. “Lương tăng nhưng không theo kịp với thuế” - chị H. nói.

Thực tế mức giảm trừ 4 triệu đồng/người không đáp ứng nổi nhu cầu đời sống hiện nay. Anh T., nhân viên PR của một công ty sự kiện ở Q.Bình Thạnh, nhẩm tính: 2 triệu tiền thuê nhà, còn tiền ăn uống, điện, nước, di chuyển, điện thoại... 2 triệu còn lại làm sao đủ?

Trong khi đó tất cả dịch vụ đều đồng loạt tăng giá. Ngoài mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế quá thấp, cơ quan thuế lại quy định khá ngặt nghèo điều kiện để được tính người phụ thuộc nên nhiều trường hợp hằng tháng đều đặn chu cấp cho gia đình, nuôi người thân nhưng lại không được giảm trừ gia cảnh.

“Lương hưu của mẹ tôi chưa đến 1 triệu đồng/tháng, không đủ sống nhưng theo quy định không được tính là người phụ thuộc vì đã có người thu nhập trên 500.000 đồng/tháng” - anh N., phó phòng một công ty cổ phần tại Q.1, bức xúc.

7vsShmO2.jpgPhóng to
Giá nhiều mặt hàng tăng mạnh trong thời gian qua nhưng mức giảm trừ cho người chịu thuế vẫn không thay đổi - Ảnh: Thuận Thắng

Bậc thuế quá dày

Ngoài mức khởi điểm chịu thuế quá thấp, người nộp thuế còn thiệt thòi vì khoảng cách giữa các bậc thuế theo biểu lũy tiến từng phần quá dày: bậc 1 (thuế suất 5%) và bậc 2 (thuế suất 10%) cách nhau chỉ 5 triệu đồng, chênh lệch giữa bậc 2 và bậc 3 (thuế suất 15%) là 8 triệu đồng. Như vậy một người thu nhập 23 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc thì thuế suất cao nhất phải chịu lên đến 20%. Nếu thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng thì thuế suất lên đến bậc cao nhất: 35%.

Với tốc độ tăng giá hiện nay, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng chỉ vừa đủ chi tiêu cho bản thân và gia đình, nhưng chiếu theo bậc thuế lũy tiến từng phần thì mức thuế suất cao nhất phải chịu đã lên đến 10% (bậc 2). Theo luật sư Trần Xoa (Công ty luật Minh Đăng Quang, TP.HCM), nên kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế bằng cách nâng mức thu nhập của từng bậc lên, đồng thời bỏ bớt các bậc lẻ, chỉ giữ lại bậc 10%, 20%, 30% để giúp người nộp thuế “dễ thở” hơn.

Biểu thuế lũy tiến từng phần

Bậc thuế<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Ðến 60

Ðến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

Khấu trừ vừa đủ mua sữa cho con

Thực tế sau khi Luật thuế thu nhập cá nhân được thông qua, chỉ số lạm phát những năm sau đó đều tăng rất cao: năm 2007 tăng 12,63%, năm 2008 tăng 19,89%, 11 tháng đầu năm 2010 là 9,58%. Giá nhiều mặt hàng đã tăng gấp nhiều lần chỉ số giá. Chị Hiền, ngụ tại Q.Phú Nhuận, cho biết mức khấu trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc chưa đủ tiền mua sữa chứ đừng nói đến nuôi con.

Chị Hiền tính toán: một hộp sữa Abbott đầu năm 220.000 đồng, cuối năm lên 265.000 đồng/hộp, một tháng dùng bốn hộp, kể cả tiền sữa nước nữa thì chỉ riêng tiền sữa đã vượt 1,6 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra còn tiền trường, tiền sách vở, quần áo... Chi tiêu trong gia đình cũng tăng chóng mặt. Gia đình bốn người của chị trước đây một tuần đi chợ hết hơn 1 triệu đồng nay phải chi 2 triệu đồng vì gạo, đường, mắm, muối, gas... đều “bão giá”.

Chỉ tính từ tháng 8 đến nay mỗi bình gas đã tăng trên 90.000 đồng, gạo cũng tăng trên 20% từ đầu năm đến nay, còn giá cá thì tăng gần gấp đôi, lon sữa Ông Thọ tăng từ 11.000 đồng lên 19.000 đồng. Bột giặt, sữa tắm thứ nào cũng ùn ùn tăng giá. “Tiền chợ vừa quanh đi quẩn lại đã hết mà chẳng hiểu đã mua gì?” - chị Hiền lo lắng. Theo chị Hiền, bình quân chi tiêu gia đình hằng tháng trên 15 triệu đồng, trong khi giảm trừ gia cảnh cho vợ chồng và hai con chỉ có 11,2 triệu đồng/tháng.

Luật sư Trần Cẩm Chương, Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng giá cả sinh hoạt hiện đã vượt xa thời điểm soạn thảo Luật thuế thu nhập cá nhân. Do vậy nên xem xét nâng mức giảm trừ cho tương xứng với giá cả sinh hoạt hiện nay. Nguyên tắc của luật thuế là không đánh vào phần thu nhập người dân dùng để sinh sống hằng ngày. Với nguyên tắc trên, nên nâng mức giảm trừ nhằm tái tạo sức lao động, thể hiện chủ trương khoan sức dân.

Theo các chuyên gia, Luật thuế thu nhập cá nhân đã không có sự kế thừa pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Theo pháp lệnh trên, trong trường hợp giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh các mức bằng tiền mặt trong biểu thuế thu nhập cho phù hợp.

_________________

Lương tối thiểu thay đổi, mức giảm trừ cũng phải theo

Theo luật sư Trần Xoa, nên gắn các mức giảm trừ theo lương tối thiểu vì mức lương tối thiểu chung ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập toàn xã hội. Luật sư Xoa đề xuất mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế nên bằng 8-10 lần lương tối thiểu chung. “Như vậy mỗi khi Chính phủ nâng mức lương tối thiểu thì các mức giảm trừ cũng được điều chỉnh theo” - ông Xoa cho hay.

Chẳng hạn trong hai năm qua lương tối thiểu đã được điều chỉnh hai lần, lên 730.000 đồng. Tháng 5-2011 lương tối thiểu sẽ được nâng lên 830.000 đồng, như vậy mức giảm trừ sẽ tự động được nâng lên 6,64 -8,3 triệu đồng.

Khi tính ra mức giảm trừ cho người phụ thuộc, ban soạn thảo tính bằng 40% mức giảm trừ cho người nộp thuế. Do vậy khi mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế được nâng lên thì giảm trừ cho người phụ thuộc cũng được nâng lên. Việc điều chỉnh này đòi hỏi phải sửa Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo các chuyên gia, Luật thuế thu nhập cá nhân dù có tiếp thu những quan điểm tiến bộ của nhiều nước nhưng do mới ban hành lần đầu nên có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện nay.

Về quy định mức thu nhập làm căn cứ xác định người phụ thuộc được căn cứ bằng 1/3 mức trừ cho người phụ thuộc, bằng 2,6 lần mức chuẩn nghèo nông thôn và 2 lần chuẩn nghèo thành thị nhưng chuẩn nghèo nông thôn đã lên 400.000 đồng, chuẩn nghèo thành thị đã tăng lên 500.000 đồng nên tính toán trên trở nên lạc hậu.

Mức 500.000 đồng được xem là cơ sở để xác định người phụ thuộc đang thấp hơn cả mức lương tối thiểu chung hiện hành là 730.000 đồng. Theo đề xuất của ông Xoa, nên nâng lên mức 1 triệu đồng, tương ứng với 1,2 lần lương tối thiểu chung.

* Ông Nguyễn Hoàng Hải (tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính - VAFI):

Trong điều kiện vật giá leo thang, người dân đang cảm nhận điều đó hằng ngày qua chi phí cho mức sinh sống tối thiểu, thì theo tôi, mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế và khoản giảm trừ gia cảnh nên tính toán điều chỉnh lại theo hướng tăng lên. Chính sách thuế không nên cứng nhắc.

Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy chính sách thuế của VN hơi cứng. Thực tế cuộc sống thay đổi thì thuế phải linh hoạt hơn nhằm động viên, khuyến khích người nộp thuế. Nếu thu nhập giảm mà thuế không giảm thì vô tình Nhà nước sẽ làm cuộc sống người dân khó khăn, từ đó giảm khả năng thu thuế của Nhà nước trong dài hạn.

* Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn:

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định bản thân ông chưa nhận thấy cần thiết và quan điểm của Bộ Tài chính cũng chưa đặt vấn đề sửa mức giảm trừ cho cá nhân người chịu thuế. Theo ông Tuấn, pháp lệnh thuế đối với người có thu nhập cao trước đây có đặt vấn đề nếu lạm phát từ 20% trở lên sẽ chỉnh lại mức chịu thuế thu nhập cao.

Tuy nhiên, trong Luật thuế thu nhập cá nhân không đưa ra mức này nữa. Vì vậy, muốn sửa mức giảm trừ cho cá nhân người chịu thuế thì phải sửa luật chứ không thể chỉ sửa các văn bản dưới luật. Trong khi đó, Bộ Tài chính chưa hề có ý định nghiên cứu sửa luật thuế này.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên