Phóng to |
Khoai mì được tập kết tại xã Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh) trước khi đưa đi xuất khẩu - Ảnh: LÊ SƠN |
Tại nhiều địa phương như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai..., thương nhân Trung Quốc còn đưa người đến tận các vùng trồng khoai mì để thu mua khi những cánh đồng chưa đến vụ thu hoạch.
Hiện giá khoai mì tại nhiều nơi đang bị đẩy lên cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán cả khoai mì non
Hơn một tháng nay, tại khu vực miền Đông Nam bộ nhiều thương lái đổ xô đi thu gom khoai mì tươi, tạo ra hiện tượng “sốt giá” ngay tại nhiều cánh đồng trồng mì. Tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), giá mua “mão” (mua nguyên đám khoai mì chưa thu hoạch) liên tục leo thang. Anh Hiền, một nông dân trồng mì tại xã Láng Dài, cho biết vừa bán 2 mẫu (ha) mì với giá lên tới 35 triệu đồng/mẫu. “Vào thời điểm này năm ngoái, các lái chỉ mua mão ruộng mì với giá 15-16 triệu đồng/mẫu, nay tăng lên gấp đôi” - anh Hiền nói.
Theo nhiều nông dân trồng mì, thu hoạch năm nay vào tháng 12 âm lịch mới đảm bảo chất lượng tinh bột, nhưng các thương lái đã bắt đầu tranh mua từ cách nay hơn một tháng. Đặc biệt, các thương lái sẵn sàng mua cả ruộng mì nằm ở vùng rút nước chậm, cây chết nhiều và tỉ lệ tinh bột thấp hơn với giá rẻ hơn 1-2 giá, khoảng 32-33 triệu đồng/mẫu.
Tương tự, tại vùng trồng mì trọng điểm dọc tuyến đường từ thị xã Tây Ninh đến huyện Tân Biên (Tây Ninh), khoai mì cùng được thương lái săn lùng ráo riết. Giá khoai mì tươi hiện ở mức 2.400 đồng/kg, giá tinh bột khoai mì ở mức 12.000 đồng/kg, với mức tăng lần lượt 700 đồng/kg và 4.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Tình trạng gom mua khoai mì chưa thu hoạch cũng xảy ra khá phổ biến ở Tây Ninh. Ông Nguyễn Văn Huyền (huyện Tân Biên) có gần 20ha trồng mì cho biết còn 2-3 tháng mới đến lúc thu hoạch, nhưng thương lái đã vào đặt mua với giá 40-50 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 lần so với năm trước.
Theo các thương lái, giá khoai mì tăng mạnh do nhu cầu của Trung Quốc liên tục tăng cao. Ngoài việc đặt mua tại cửa khẩu, các thương gia Trung Quốc còn sang tận nơi ký hợp đồng trực tiếp với các cơ sở chế biến nhỏ. Anh Vương, một thương lái khoai mì ở Tây Ninh, cho biết chỉ trong tháng 10 vừa qua đã có 6-7 đoàn thương gia Trung Quốc sang khảo sát thị trường.
“Họ đến trực tiếp các cơ sở chế biến mì tinh bột khảo sát giá và mua chứ không đặt mua của các công ty thương mại như trước. Việc mua bán diễn ra rất nhanh và số lượng họ đặt mua hàng ngàn tấn. Phần lớn họ đưa tiền trực tiếp, sau đó nhờ các công ty quen biết chuyển hàng qua theo đường tàu biển” - anh Vương cho hay.
Theo số liệu của cơ quan hải quan, chỉ trong 10 tháng đầu năm nay xuất khẩu khoai mì sang Trung Quốc đã đạt khoảng 1,32 triệu tấn với giá trị gần 385 triệu USD. Đặc biệt, nhu cầu khoai mì từ Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, mới đây các nhà nhập khẩu khoai mì lát khô tại cửa khẩu Lào Cai thông báo tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn/năm.
Phóng to |
Trong nước khan hiếm
Việc xuất khẩu ồ ạt khoai mì thô trước mắt đã tác động nặng nề đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và cồn sinh học (ethanol). Theo ông Phạm Đức Bình - chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu mì được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi khá nhiều, chiếm 30-40%, nhưng do xuất khẩu quá nhiều nên thực tế chưa bao giờ các nhà máy trong nước mua đủ khoai mì để sản xuất.
Nguồn cung thiếu, giá trong nước tăng cao nên nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu khác thay thế, trong đó phần lớn phải nhập khẩu như: bắp, cám gạo, lúa mì... có giá cao hơn.
Nếu như ngành thức ăn chăn nuôi còn xoay xở thay thế khoai mì bằng các nguyên liệu khác thì các doanh nghiệp sản xuất cồn sinh học (ethanol), chỉ dùng khoai mì, đang đứng ngồi không yên. Hiện mới chỉ có hai nhà máy cồn sinh học đi vào sản xuất với nhu cầu 420.000 tấn khoai mì lát mỗi năm nhưng không có đủ nguyên liệu để chạy 100% công suất.
Ông Vũ Kiên Chỉnh, giám đốc Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm (Đồng Nai), cho biết do ồ ạt xuất khẩu khoai mì sang Trung Quốc nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và ethanol phải tranh nhau số nguyên liệu còn lại nhưng vẫn không đủ.
Theo Bộ NN&PTNT, với diện tích 510.000ha, sản lượng khoai mì VN đạt trên 8 triệu tấn tươi mỗi năm (tương đương 4 triệu tấn khô). Trong đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước (gồm thức ăn chăn nuôi, chế biến và ăn tươi) khoảng 4 triệu tấn. Lượng còn lại dành cho xuất khẩu vào khoảng 4 triệu tấn tươi, tương đương 1,4 triệu tấn tinh bột khoai mì và khoai mì lát khô.
Tuy nhiên, chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu khoai mì đã đạt gần 1,4 triệu tấn và chưa có dấu hiệu ngưng lại. Do đó, lượng xuất khẩu trong hai tháng cuối năm sẽ phải lấy từ nguồn dành cho tiêu thụ trong nước.
Đặc biệt năm 2011 VN sẽ có thêm ba nhà máy ethanol mới đi vào hoạt động, nâng tổng nhu cầu khoai mì lát cho ngành này trên 1,3 triệu tấn/năm. Rõ ràng, các ngành sản xuất trong nước sẽ bước vào cuộc “nội chiến” tranh giành khoai mì nguyên liệu. Nhà máy ethanol sẽ tranh mua với nhà máy thức ăn chăn nuôi, ngành chế biến thủ công, bột ngọt sẽ tranh mua với lượng khoai mì ăn tươi...
“Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học, các công ty đã bỏ hàng trăm tỉ đồng để đầu tư nhà máy. Nếu không có cơ chế cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu và ổn định sản xuất trong nước, ngành ethanol vừa ra đời của VN sẽ sớm phải đóng cửa” - ông Chỉnh nhận định.
Cần kiểm soát việc xuất khẩu Theo ông Phạm Đức Bình, nguồn cung khoai mì trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng do xuất khẩu giá cao, lại không bị kiểm soát, không chịu thuế nên thực tế doanh nghiệp rất khó mua. Hiện giá khoai mì khô trong nước đã ở mức 5.800 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. “Tôi nghĩ Nhà nước nên có biện pháp hạn chế xuất khẩu khoai mì, ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất nội địa. Cách linh hoạt nhất chính là việc áp thuế xuất khẩu”. Đồng quan điểm này, ông Vũ Kiên Chỉnh cho rằng nhu cầu phía Trung Quốc ngày càng tăng thì tình hình khan hiếm nguyên liệu trong nước ngày càng trầm trọng nên bắt buộc phải tăng thuế xuất khẩu khoai mì lên 10%. |
* Kỳ tới:Săn lùng cao su, thủy sản
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận