04/11/2010 17:32 GMT+7

"Bơm" ngoại tệ bình ổn giá

CẦM VĂN KÌNH - A.H.
CẦM VĂN KÌNH - A.H.

TTO - Sáng nay 4-11, ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính tiền tệ Quốc gia, đã thông báo ý kiến chỉ đạo của thường trực chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước mạnh tay bơm ngoại tệ dự trữ để ổn định tỷ giá.

OAkdxytA.jpgPhóng to
Thực tế tỷ giá đã tăng lên đến 21.000đ/USD - Ảnh: TTO

Theo ông Lê Đức Thuý, Thường trực Chính phủ đã nghiên cứu kỹ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá, ghi nhận thực tế tỷ giá đã tăng lên đến 21.000 đồng/USD, khiến người dân đổ xô đi mua ngoại tệ, doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện tượng bán giá cao đang xảy ra ngay trên thị trường chính thức.

Điều này tác động không nhỏ đến kinh tế, giá hàng hoá tăng vì chi phí nhập khẩu tăng. Một số hàng không nhập khẩu cũng lấy lý do tăng giá. Việc kiểm soát chỉ số CPI lại gặp thách thức. Hoạt động XNK bị ảnh hưởng nên về vĩ mô, nền kinh tế đang đứng trước bất ổn nếu không có thái độ đúng về tỷ giá.

Quan điểm giải quyết của các bộ, ngành khi tham mưu cho Chính phủ, theo ông Thuý, là phải chọn giải pháp có lợi nhất. Thường trực Chính phủ nhận định nếu tăng tỷ giá sẽ khiến tác động dây chuyền khó kiểm soát, tăng lạm phát, nên đã quyết định không cho điều chỉnh tỷ giá, kiên quyết giữ biên độ tỷ giá như hiện tại đến hết tết nguyên đán.

Theo ông Lê Đức Thuý, do chính sách điều hành lãi suất, tiền tệ, yếu tố giải trình còn nhiều “méo mó” đã khíên giá USD tăng vọt. Tuy nhiên, điều này chỉ là tạm thời vì bản thân đồng USD đang giảm giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền. “Tôi vừa qua sân bay Nga, người ta chỉ nhận tiền Rup chứ không nhận ngoại tệ vì sợ thiệt, đồng Rup tăng giá so với USD”.

Theo ông Thuý, với chính sách nới lỏng định lượng, thực chất phát hành thêm tiền của Mỹ, nhiều chuyên gia đánh giá USD sẽ giảm giá thêm 20% nữa.

Để giải quyết mất cân đối cung cầu ngoại tệ cục bộ tại VN hiện nay, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bán ngoại tệ dự trữ ra. Chính phủ chủ trương mạnh dạn can thiệp, đáp ứng đủ ngoại tệ cho hoạt động kinh tế cần thiết, song vẫn hạn chế cấp USD cho nhập khẩu ôtô, hàng xa xỉ.

Ngoài ra, trước đây Chính phủ có yêu cầu đưa lãi suất xuống để gỡ khó cho doanh nghiệp. Nhưng tình hình đã thay đổi, nếu lãi VND càng thấp, USD càng có giá. Vì vậy, Chính phủ không đặt vấn đề giảm lãi suất nữa, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cho các ngân hàng thương mại cho vay theo thị trường, không có thoả thuận giảm lãi suất, dù là của hiệp hội nữa, bởi chỉ làm che dấu thực tế.

Dù dự trữ ngoại hối của VN đã giảm mạnh so với mức cao từng công bố là 23 tỷ USD nhưng ông Lê Đức Thuý khẳng định dự trữ còn lại trong tay Ngân hàng Nhà nước không phải quá nhỏ bé “không phải quá hẻo để nhà nước có thể ổn định thị trường”.

Cuối ngày 4-11 giá vàng trong nước ở 34,18 triệu đồng/lượng, tăng 390.000 đồng/lượng so với lúc 2g chiều. Còn so với thời điểm cao nhất giá vàng trong nước chỉ thấp hơn 20.000 đồng/lượng.

Giá vàng trong nước ngày 4-11 chơi trò “ú tim”. Trong buổi sáng giá vàng lao từ 33,81 triệu đồng/lượng lên 34,2 triệu đồng/lượng; sau đó lại giảm về 33,78 triệu đồng/lượng rồi lập tức tăng trở lại.

Theo các công ty vàng giá vàng trong nước tăng trở lại trong chiều 4-11 có nguyên nhân từ đà giảm của giá USD tự do đã chựng lại và giá vàng thế giới tăng lên. Đến cuối ngày giá vàng thế giới chốt ở 1.363,4 USD/ounce.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đề xuất quy định trần tiền gửi ngoại tệ không quá 1%/năm áp dụng cho cả tiền gửi dân cư.

Năm 2009 Ngân hàng Nhà nước đã quy định trần lãi suất USD với tổ chức là 1%/năm, tuy nhiên lãi suất huy động khu vực dân cư không bị giới hạn. Từ đó ngân hàng đua tăng lãi suất để hút vốn ngoại tệ.

Theo VAFI lãi suất tiền gửi ngoại tệ xoay quanh 5%/năm như hiện nay là quá cao. Từ đó tạo chỗ trũng cho việc đầu tư, đầu cơ găm giữ USD từ khu vực dân cư.

Theo khảo sát tại một số ngân hàng, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cư trong hệ thống ngân hàng thương mại chiếm 50-60% trong tổng số tiền gửi ngoại tệ. VAFI cho rằng, nếu quy định trần lãi suất là 1%/năm cho cả khu vực dân cư người gửi tiền sẽ nhận thấy gửi VND có lợi hơn nhiều so với gửi ngoại tệ. Từ đó giảm bớt tình trạng đầu cơ, găm giữ USD.

Ngày 4-11 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã ban hành Chỉ thị số 04 về việc thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, góp phần ổn định giá cả và kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011.

Theo đó Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ huy động và cho vay bằng ngoại tệ, không để rủi ro thanh khoản và lãi suất bằng ngoại tệ, tỷ giá. Cho vay đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng cũng phải ấn định lãi suất huy động và cho vay, tỷ giá mua bán ngoại tệ phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trương của Chính phủ.

CẦM VĂN KÌNH - A.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên