22/10/2010 06:04 GMT+7

Việt Nam kiện Mỹ ra WTO

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Hôm qua 21-10, tại trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva (Thụy Sĩ), Ban hội thẩm giải quyết tranh chấp của WTO tiếp tục xét xử vụ VN kiện Mỹ vì áp dụng các biện pháp chống phá giá đối với tôm của VN.

JNsctTpx.jpgPhóng to
Thu hoạch tôm sú tại Bạc Liêu - Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Quyết tâm kiện Mỹ ra WTO bởi các doanh nghiệp ngành tôm đang rất tin tưởng vào cơ sở, lý lẽ của mình cũng như sự minh bạch, tính đa phương của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này.

Vô lý cách tính thuế

Việc áp thuế bán phá giá là không có cơ sở

Chiều 21-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Nguyễn Thông Nhận cho biết hiện giá tôm sú nguyên liệu đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Các doanh nghiệp mua vào đối với tôm loại 20 con/kg từ 185.000 đồng/kg, loại 30 con/kg 140.000 đồng/kg, loại 40 con/kg khoảng 110.000-120.000 đồng/kg.

Hiện Cà Mau, nơi có diện tích và sản lượng tôm sú lớn nhất nước, vừa thu hoạch dứt điểm vụ nuôi thâm canh chính trong năm, năng suất đạt từ 5 tấn/ha.

Ông Nhận cho rằng vùng ven biển ĐBSCL có điều kiện thiên nhiên ưu đãi rất thuận lợi để nuôi tôm sú. Ngoài mức đầu tư về đất đai, đầu tư ban đầu cho vùng nuôi thấp thì các chi phí đầu vào khác, kể cả khoản thuê nhân công đều thấp hơn các nước trên thế giới.

Do đó, có thể khẳng định việc áp đặt mức thuế bán phá giá đối với sản phẩm tôm sú VN là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-10, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho biết việc xét xử của Ban hội thẩm WTO đang được tiến hành theo thông lệ mà tổ chức này quy định. Hiện chưa có kết quả.

Đến tháng 12 các bên sẽ gặp nhau một lần nữa để phản biện ý kiến của đối phương. Luận cứ cơ bản mà phía VN đưa ra trong đợt xem xét này vẫn là sự vô lý trong cách tính thuế chống bán phá giá ở các cuộc rà soát định kỳ theo luật pháp của Mỹ.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) chỉ tính giá trị các lô hàng mà họ cho rằng bán thấp hơn giá thành, trong khi những lô hàng bán cao hơn thì họ tự động quy về 0, tức là không tính.

Ông Nguyễn Văn Kịch, tổng giám đốc Công ty Cafatex, cho biết đây là một cách tính vô lý của DOC dựa theo quy định của Mỹ lẫn của WTO.

Điều khó hiểu là mặc dù Mỹ đã bỏ cách tính quy về 0 trong quá trình điều tra chống bán phá giá nhưng họ vẫn áp dụng trong các đợt xem xét hành chính. Còn theo quy định của WTO, khi xác định bán phá giá phải xác định bằng con số bình quân của các giao dịch.

Như vậy việc chỉ tính các giao dịch có giá thấp hơn giá thành mà bỏ qua các giao dịch có giá cao hơn giá thành là không công bằng.

Bên cạnh đó, VN nằm trong số ít các quốc gia vẫn chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường nên thường bị thiệt thòi.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa - luật sư thành viên Công ty luật YKVN, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, trong vụ kiện tôm này phía Mỹ đã có những biểu hiện bất công trong cách tính toán và chọn quốc gia thứ ba không phù hợp để tính giá. “Lẽ ra khi không công nhận VN là nước chưa có nền kinh tế thị trường thì họ phải chọn một quốc gia khác tương đồng VN mới hợp lý”.

Không chỉ riêng con tôm

Ông Trương Đình Hòe cho biết theo lịch trình xét xử tranh chấp của WTO thì phải đến tháng 4-2011 mới có kết quả, tuy nhiên VASEP tin tưởng vào thành công của VN trong vụ kiện này.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Kịch cũng cho rằng khả năng thắng vụ kiện này của VN rất cao và nếu thắng VN sẽ thu được nhiều lợi ích. Theo ông Kịch, nếu thắng thì mức thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu có thể được dỡ bỏ. Nhưng quan trọng hơn là khi giảm thuế thì mức tiền ký quỹ của các công ty nhập khẩu sẽ giảm đi rất nhiều.

“Chính mức ký quỹ mà phía Mỹ bắt buộc các công ty đóng căn cứ vào mức thuế chống bán phá giá mới là cản trở lớn nhất khiến các nhà nhập khẩu không dám mua tôm của VN với số lượng lớn. Việc bỏ thuế chống bán phá giá cũng đồng nghĩa với việc bỏ ký quỹ này” - ông Kịch đánh giá.

Ngoài ra, theo ông Kịch, vụ kiện ở cấp chính phủ sẽ có tác động tới lãnh đạo Mỹ nhiều hơn so với các hoạt động ở cấp thấp hơn. Có thể VN chưa giành được thắng lợi ngay nhưng sẽ được các ưu đãi khác. Quan trọng hơn, vụ kiện tôm sẽ là bước chuẩn bị về lực lượng, kinh nghiệm cho VN khi tham gia các vụ kiện khác trong tương lai.

Cũng rất tin tưởng vào thắng lợi của vụ kiện, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích: WTO là tổ chức đa phương, luật chơi khá minh bạch. Nhờ vào tính đa phương của quy trình xét xử cũng như tính minh bạch của quy định nên các nước yếu thế (thiếu kinh nghiệm, hay không đủ lực về tài chính để thuê luật sư giỏi, tập hợp tài liệu...) hoàn toàn có cơ hội thắng kiện.

Cũng theo ông Nghĩa, những vụ việc như thế này được xem xét từng vụ cụ thể, quyết định riêng lẻ, không ảnh hưởng đến vụ khác. Nó sẽ không thành tiền lệ để xem xét vụ khác, không hình thành án lệ, nếu thua cũng không ảnh hưởng. Còn trong trường hợp VN thắng, theo ông Nghĩa, khi WTO đã ra phán quyết thì ít xảy ra trường hợp quốc gia nào bị thua lại không thực thi.

“Các quốc gia đã đặt bút ký vào WTO, nên nếu không thực hiện theo phán quyết WTO thì nước thắng kiện được áp dụng một số biện pháp trả đũa thích hợp” - ông Nghĩa nhận xét.

Diễn biến vụ kiện

PDQuBHsU.jpgPhóng to

11-2004: Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cho rằng VN bán phá giá tôm đông lạnh và đóng hộp trên thị trường Mỹ và áp mức thuế chống bán phá giá với các nhà xuất khẩu tôm VN từ 4,13-25,76%.

Đầu năm2009: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp với phía Mỹ qua cơ chế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tới Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT...

Giữa năm 2009: Chính phủ đồng ý tiến hành giải quyết tranh chấp qua cơ chế WTO theo đề nghị của VASEP.

1-2-2010: VN gửi WTO yêu cầu tham vấn với Mỹ về việc nước này áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôm đông lạnh của VN.

23-3-2010: VN và Mỹ tiến hành tham vấn, tuy nhiên hai bên không đạt được giải pháp chung. Vì vậy, VN đề nghị WTO thành lập một ban hội thẩm để xem xét vấn đề này.

26-7-2010: WTO chỉ định thành viên ban hội thẩm.

20-8-2010: VN nộp cho Ban hội thẩm giải quyết tranh chấp của WTO bản đệ trình vụ kiện Mỹ.

20-10-2010: Ban hội thẩm bắt đầu xét xử.

Mức thuế chống bán phá giá các công ty VN đang phải chịu

Mức thuế chống bán phá giá lần 4 giai đoạn từ 1-2-2008 đến 31-1-2009 do Bộ Thương mại Mỹ công bố đối với tôm nước ấm đông lạnh VN là: Công ty CP thủy hải sản Minh Phú 2,9%, Công ty Nha Trang Seaproduct 4,89% (đây là hai bị đơn bắt buộc). Những công ty còn lại có mức thuế 3,92%.

So với đợt xem xét trước đó (giai đoạn 1-2-2007 tới 31-1-2008) thì mức thuế các công ty VN phải chịu đều cao hơn.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên