08/10/2010 11:20 GMT+7

Nhà máy lọc dầu Dung quất: Tồn kho xăng dầu do dự báo sai

LÊ NGUYÊN MINH - CẦM VĂN KÌNH
LÊ NGUYÊN MINH - CẦM VĂN KÌNH

TT - Chiều 7-10, tại cuộc họp báo trực tuyến hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, ông Phùng Đình Thực - tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) - đã thừa nhận xăng dầu tồn kho ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất là do dự báo thị trường sai.

2SdcRium.jpgPhóng to
Tàu cập cảng tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiếp nhận sản phẩm xăng dầu đưa đi tiêu thụ - Ảnh: ĐỨC THANH

Theo ông Thực, mức tồn là 750.000 tấn xăng dầu do dự báo mức tiêu thụ chưa sát nhu cầu thực tế của thị trường.

Sản xuất nhiều hơn dự báo

Giải thích nguyên nhân xăng dầu tồn kho, ông Phùng Đình Thực cho biết hiện nhu cầu thị trường thấp hơn 10% so với dự báo, trong khi sản xuất của nhà máy cao hơn dự báo 25%. Tổng giám đốc PVN nói: “Cuối năm 2009, khi nhà máy hoạt động chưa ổn định, thậm chí có lúc phải ngưng hoặc hoạt động cầm chừng do chưa nghiệm thu, nhà máy không chạy hết công suất nên chỉ dự báo tăng 8% vì thời điểm bàn giao chưa biết lúc nào”. Sau khi nhận bàn giao vào ngày 30-5, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động 100% công suất.

Trong khi đó các đơn vị tiêu thụ xăng dầu đều đã lên kế hoạch nhập khẩu xăng dầu bởi họ chưa biết nhà máy sẽ hoạt động thế nào trong giai đoạn chuyển tiếp.

Theo ông Thực, PVN chủ trương để tồn kho tại nhà máy 40% rồi chuyển đi, nhưng nay đã lên 68%. Tổng số tồn đọng hiện là 2,1 triệu tấn, nhưng các đơn vị mới đăng ký tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn. Trong đó PV Oil đăng ký 885.000 tấn, Petec 395.000 tấn, Petrolimex là 150.000 tấn. “Còn lại trên 700.000 tấn, với tình hình sản xuất này đến cuối năm sẽ tồn kho 750.000 tấn. Do vậy, chúng tôi đã báo cáo cơ quan quản lý để tìm cách giảm nhập khẩu, tăng tiêu thụ lên” - ông Thực giải thích.

Đắt hơn nhập khẩu

Khẳng định không có chuyện Tổng công ty Dầu (PV Oil) được hoa hồng cao và giá bán là thống nhất cho tất cả các đơn vị mua, ông Phùng Đình Thực cho rằng trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, việc chọn một đầu mối PV Oil để phân phối xăng dầu là phương án tối ưu.

“Không thể lập thêm một bộ phận kinh doanh cho Công ty TNHH Bình Sơn (đơn vị điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) để chuyên đi lo chuyện đàm phán bán hàng, trong khi PVN có một đơn vị chuyên nghiệp là PV Oil” - ông Thực nói. Và PV Oil được chỉ định phân phối với mức phí 0,2 USD/thùng là hợp lý.

Tuy nhiên, một đơn vị đầu mối xăng dầu cho Tuổi Trẻ biết giá mua xăng dầu của PV Oil đắt hơn giá nhập khẩu. Tuy đắt hơn nhưng đơn vị này chấp nhận mua để tránh rủi ro về tỉ giá khi nhập khẩu.

Ông Bùi Ngọc Bảo, tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), khẳng định từng nhiều lần đề nghị được mua xăng dầu trực tiếp với Công ty TNHH Bình Sơn nhưng chỉ được đồng ý gần đây. Ông Bảo cho rằng các sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Dung Quất nên bán cho nhiều đầu mối. Ngoài hai đơn vị thuộc PVN là PV Oil và Petec được mua xăng dầu trực tiếp từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong tháng 10 này Petrolimex là đơn vị thứ ba.

Tại buổi họp báo ngày 7-10, ông Thực cũng chỉ xác nhận có ba đơn vị trên được mua trực tiếp, không giao nhiều đầu mối và cũng không thể bán theo phương thức đấu giá, đấu thầu vì e ngại doanh nghiệp lớn sẽ lấn át doanh nghiệp nhỏ.

Giải pháp trước mắt để giải quyết hàng tồn kho ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất là kêu gọi các đầu mối xăng dầu trong nước tăng mua vì không thể giảm công suất sản xuất. “Hiện nhà máy hoạt động 100% công suất, trong khi lại đang nhập siêu, vì vậy phương án giảm công suất nhà máy là không nên. Phải tìm cách giảm nhập khẩu” - ông Thực nói.

Phải nhập dầu thô cho Dung Quất

Theo số liệu của PVN, chín tháng đầu năm 2010 PVN đã xuất khẩu được 6,9 triệu tấn dầu thô, cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất 4,1 triệu tấn. Kế hoạch của PVN sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu dầu thô phục vụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Giải thích điều này, ông Phùng Đình Thực cho biết Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thiết kế phù hợp với dầu từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, xu hướng thế giới là nhà máy phải tương thích với nhiều nguồn dầu khác nhau, phù hợp với thiết kế nhà máy, ra được sản phẩm có giá thành thấp nhất, hiệu quả nhất. Vì vậy, PVN đã nghiên cứu và quyết định trộn dầu thô từ nguồn khác với dầu từ nguồn mỏ Bạch Hổ nhằm nâng cao hiệu quả nhà máy.

“Nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng 20% dầu từ nguồn khác. Việc pha trộn vẫn phù hợp thiết kế nhà máy và sản phẩm ra đời đạt chất lượng phù hợp với thị trường VN” - ông Thực nói. Loại dầu thô nhập khẩu về để trộn, theo ông Thực, có giá thấp hơn dầu từ mỏ Bạch Hổ.

* Vinapco chờ mua xăng máy bay từ Dung Quất

Hôm qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã chủ trì cuộc họp để bàn biện pháp giải quyết lượng hàng tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Bà Đàm Thị Huyền - phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) - cam kết Petrolimex sẽ bàn với PV Oil để sớm ký kết tiêu thụ thêm sản phẩm Dung Quất. Trường hợp PVN cần thiết, Petrolimex sẽ cho xăng dầu Dung Quất gửi trong hệ thống kho của Petrolimex.

* Ông Trần Hữu Phúc - tổng giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) - cho biết đến thời điểm này Vinapco chưa sử dụng xăng máy bay Jet A1 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo ông Phúc, từ đầu năm 2010 Vinapco đã trừ hạn ngạch nhập khẩu 200.000 tấn để mua xăng máy bay từ Dung Quất. Tuy nhiên, do quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm của nhà máy chưa được phê chuẩn nên sản phẩm chưa sử dụng được.

Ông Phúc cho biết trong ngành hàng không có quy chế là nhà cung cấp nhiên liệu máy bay phải đáp ứng được các điều kiện quy định. Vừa rồi, Vinapco có lấy mẫu của lô xăng máy bay từ Nhà máy Dung Quất gửi đi nước ngoài hóa nghiệm, kiểm tra thấy đạt chất lượng.

LÊ NGUYÊN MINH - CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên