02/10/2010 07:30 GMT+7

Ngân hàng hối hả cho vay

ÁNH HỒNG - T.SƠN
ÁNH HỒNG - T.SƠN

TT - Từ chỗ co cụm để đối phó với thông tư 13, đến nay nhiều ngân hàng (NH) đã có vốn trong tay và ráo riết tìm khách hàng để cho vay. Các NH đều ưu tiên vốn cho khu vực sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng cá nhân, trong khi hạn chế cho vay chứng khoán, bất động sản.

KIVZ4rbp.jpgPhóng to
Nhiều NH cho biết sẽ ưu tiên vốn rẻ cho lĩnh vực sản xuất. Trong ảnh: may áo quần thời trang tại Công ty CP May Sài Gòn 2 - Ảnh: T.T.D.

Cuộc cạnh tranh cho vay dự báo sẽ gay gắt hơn và NH buộc phải đưa ra mức lãi suất cạnh tranh nhất.

Mở cửa tín dụng tiêu dùng

Từ ngày 1-10 đến 31-12-2010, NH Quốc tế (VIB) và Doanh nghiệp Toyota Biên Hòa triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng vay ưu đãi mua xe Toyota tại các tỉnh thành Đông Nam bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong thời gian này, khách hàng mua xe tại Toyota Biên Hòa vay qua VIB sẽ được tặng lãi suất 0,5%/năm trong một năm đầu tiên với số tiền cho vay lên tới 80% giá trị tài sản đảm bảo.

Gửi ngắn bị thiệt

Lãi suất huy động đang lùi dần. Theo đồng thuận với Hiệp hội NH, từ ngày 15-10 lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 11%/năm. Tại nhiều NH, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng chỉ còn hơn 10,5%/năm. Theo các NH, tới đây lãi suất huy động sẽ giảm, đặc biệt là kỳ hạn gửi ngắn. Vì vậy khách hàng nên cơ cấu lại nguồn tiền, lựa chọn gửi dài hạn để nhận lãi ổn định.

Tương tự, NH Á Châu (ACB) vừa triển khai chương trình “cho vay cầm cố số dư tài khoản tiền gửi có kỳ hạn” và “cho vay thấu chi đảm bảo bằng số dư tài khoản tiền gửi có kỳ hạn” qua ACB online cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, giúp khách hàng có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tài chính tức thời của mình mọi lúc mọi nơi, chỉ trong vòng một phút mà không cần phải đến NH.

Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc ACB, cho biết lãi suất cho vay thỏa thuận NH áp dụng đối với chương trình trên giảm khoảng 0,4% so với lãi suất cá nhân thông thường.

Theo nhiều NH, đây là cơ hội để bơm vốn ra thị trường nhằm đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng do chín tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng rất thấp. Tổng giám đốc một NH cổ phần có trụ sở tại quận 1, TP.HCM cho biết trong chín tháng đầu năm dư nợ của NH chỉ tăng thêm 700 tỉ đồng, tương đương 5% do huy động khó khăn và NH phải ưu tiên vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thông tư 13.

Sau khi NH Nhà nước sửa đổi một số điểm bất hợp lý, nguồn vốn cho vay của NH được mở rộng hơn. Tuy nhiên lúc này NH lại chịu áp lực phải đẩy nhanh cho vay. Mấy ngày trước NH này đã phải triệu tập cuộc họp để tìm câu trả lời “làm sao tăng trưởng tín dụng”. Trong đó lĩnh vực mà NH ưu tiên cho vay là sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cá nhân.

Vì sao NH lại ưu tiên những lĩnh vực trên trong khi kênh tiêu thụ vốn lớn nhất là bất động sản lại không được chú ý? Ông Nguyễn Văn Sẽ, giám đốc Sở giao dịch 2 NH Vietinbank, cho biết lý do đây là kênh cho vay dài hạn, còn nguồn vốn huy động của NH chủ yếu là ngắn và trung hạn nên rất khó đáp ứng.

Vốn rẻ cho lĩnh vực sản xuất

Bên cạnh kêu gọi giảm lãi suất đầu vào, Hiệp hội NH Việt Nam cũng kêu gọi giảm lãi suất cho vay, đặc biệt cho ba đối tượng ưu tiên của Chính phủ là khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, xuống mức như Chính phủ chỉ đạo.

Nhiều NH cho biết sẽ ưu tiên vốn rẻ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc ACB, cho biết ngành nông sản, lương thực như sắn, gạo... đang vào mùa thu mua trữ hàng của các doanh nghiệp nên NH sẽ có cơ hội tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Một lãnh đạo Eximbank cho biết thời điểm này NH đang đẩy mạnh cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ thấp hơn từ 1,5-2%/năm đối với khách hàng cá nhân. Lãnh đạo một NH nhỏ cho biết NH của ông vừa đủ chỉ tiêu an toàn vốn của thông tư 13 nên sẽ chỉ tập trung vốn cho vay doanh nghiệp là chính, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn vì NH Nhà nước đang có chủ trương giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc với các NH thương mại cho vay nông thôn dư nợ lớn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sẽ, kênh cho vay các NH nhắm đến hiện nay là cho vay vốn lưu động sản xuất kinh doanh do các khoản vay này thường có thời hạn ngắn, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn huy động.

Ông Đàm Thế Thái, phó tổng giám đốc NH Phát triển nhà TP.HCM (HD Bank), cũng cho rằng trong tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tháng 10 NH sẽ giảm nhẹ lãi suất cho vay tương ứng với mức giảm của lãi suất huy động để giữ khách hàng cũ và phát triển thêm khách hàng mới. Thời điểm cuối năm nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ cần vốn để chuẩn bị hàng tết, do vậy NH cũng tranh thủ cho vay với đối tượng này.

Vốn đổ vào lĩnh vực phi sản xuất tăng 18,2%

Theo công bố từ NH Nhà nước, tính đến cuối tháng 9 tín dụng với lĩnh vực phi sản xuất đạt 385.000 tỉ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ bất động sản 218.000 tỉ đồng, tăng 17%; chứng khoán 15.000 tỉ đồng, tăng 19,8%; tín dụng tiêu dùng 151.000 tỉ đồng, tăng 19,7%. Dư nợ tín dụng khu vực nông nghiệp tăng 19%, doanh nghiệp vừa và nhỏ 20%, xuất khẩu tăng thấp hơn, chỉ đạt 17%.

ÁNH HỒNG - T.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên