29/09/2010 06:38 GMT+7

Bờ biển bị băm nát

L.N.MINH
L.N.MINH

TT - Tiếp tục vấn đề bờ biển đẹp ở một số nơi trong nước đang bị phân lô làm các khu biệt thự biển, resort... nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nếu không nhanh chóng quy hoạch chung sẽ còn thêm nhiều nơi bị băm nát.

360dYdP2.jpgPhóng to
Nhiều khu biệt thự biển đang được xây dựng dọc bãi biển Mũi Né (Bình Thuận) - Ảnh: L.XUÂN

Bờ biển không phải của một nhóm ngườiBờ biển đẹp có nguy cơ thành của riêng

Đề nghị rà soát các dự án bất động sản du lịch

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT), đến nay chưa địa phương nào gửi báo cáo tình hình rà soát các dự án bất động sản du lịch. Bộ KH-ĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự rà soát, đánh giá, báo cáo tình hình quản lý nhà nước và thực hiện đối với các dự án bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng tại địa phương.

Thời hạn cuối cùng gửi báo cáo là ngày 30-11. Các dự án phải rà soát, báo cáo gồm dự án đầu tư khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí (kể cả casino), dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng (gồm biệt thự, căn hộ cao cấp, khách sạn), dự án kết hợp du lịch và nghỉ dưỡng, dự án sân golf và dự án du lịch, nghỉ dưỡng có sân golf.

Dựa vào các báo cáo này, Bộ KH-ĐT đánh giá và lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại địa phương.

* Ông Phạm Trung Lương (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thuộc Tổng cục Du lịch VN):

Tình trạng các khu resort liền sát nhau như một bức tường ngăn cách người dân và bãi biển diễn ra ở nhiều nơi. Thậm chí nhiều nơi trước đây từng là bãi đánh cá, neo thuyền... để người dân mưu sinh nhưng giờ đây chẳng còn chỗ để họ làm ăn kiếm sống nữa.

Theo quy hoạch của chúng tôi thời điểm năm 1997 một resort phải rộng khoảng 10ha, khi đó dự án hơn 5ha phải có ý kiến của Chính phủ. Do vậy địa phương chẻ nhỏ ra để khỏi hỏi Chính phủ, hơn nữa tiềm lực các nhà đầu tư không mạnh, chỉ đủ để đầu tư 1-2ha/resort nên cả vùng biển đẹp của khu vực Mũi Né bị nêm chặt như hiện nay mà không theo ý tưởng quy hoạch ban đầu.

Theo quy hoạch, đường ven biển phải được thiết kế theo kiểu chạy ra chạy vô chứ không song song với bờ biển như quy hoạch của các nhà xây dựng đô thị ven biển hiện nay. Chỗ chạy ra sát bờ biển sẽ là khu vực dân cư sinh sống, bãi tắm công cộng; khu đường chạy vào sẽ để cho resort đầu tư. Bức tranh sẽ là xen kẽ giữa khu dân cư và resort, tạo con đường du lịch thật sự.

Còn cách làm như khu vực bãi Sau ở Vũng Tàu, Nha Trang... khách sạn, resort ở một bên, khách muốn tắm biển phải băng qua đường vô cùng nguy hiểm và không đẹp, không đúng quy hoạch của du lịch. Thậm chí một số nơi mới phát triển như Quy Hòa (Bình Định), Phú Yên... cũng mang tư duy tương tự.

Lỗi ở đây là các địa phương khi triển khai các dự án đã không hỏi ý kiến chúng tôi. Ở một số địa phương họ ngụy biện rằng người dân vẫn có đường ra biển, nhưng đúng là ra biển chứ không sử dụng, tắm biển được, các resort đã chiếm hết bãi biển.

Nếu nhà đầu tư, địa phương có hỏi chúng tôi sẽ tư vấn ngay cách quy hoạch để người dân còn có thể hưởng lợi từ biển nữa.

Tôi đang lo ngại nhiều vùng biển như Phú Quốc, Côn Đảo... có khả năng còn bị băm nát nếu không quy hoạch lại.

* Ông Tô Văn Động (chánh văn phòng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch):

Hiện nay Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chỉ được hỏi ý kiến ở các dự án đầu tư resort, khu du lịch nghỉ dưỡng biển mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế như: Phú Quốc, Côn Đảo... Còn những dự án quy mô nhỏ hơn đã được phân cấp cho các địa phương thì chẳng bao giờ thấy nhà đầu tư hỏi xin ý kiến bộ về quy hoạch.

Có thể ở dự án này có hỏi ý kiến của sở văn hóa - thể thao và du lịch địa phương, nhưng không hề hỏi đến các cơ quan chuyên môn của bộ. Chính điều này dẫn đến chuyện chẳng còn bãi biển công cộng cho người dân như: Mũi Né, Phan Thiết...

Ngay cả đường từ Đà Nẵng vào Quảng Nam bờ biển cũng bị chia nhỏ như thế mà có nhà đầu tư, cơ quan nào ở địa phương hỏi ý kiến của bộ đâu.

* Ông Phạm Vũ Hồng (phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang):

Hiện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) có rất nhiều bờ biển, bãi tắm đẹp. Và trong định hướng quy hoạch của đảo Phú Quốc, tất cả bãi tắm không cấp cho nhà đầu tư, cho tư nhân mà giữ lại để phục vụ cộng đồng. Vì vậy tùy mỗi khu vực, chúng tôi quy hoạch 1-2 bãi tắm.

Cụ thể như khu vực Bãi Trường (xã Dương Tơ) bãi biển dài và đẹp, vì vậy chúng tôi quy hoạch đến hai bãi tắm công cộng. Bên cạnh đó là xây dựng các đường xuống biển để người dân thuận tiện tiếp cận, xuống biển vui chơi, giải trí.

Đối với những nơi các nhà đầu tư có dự án tiếp giáp bãi biển thì tùy tình hình thực tế, có thể sẽ giao cho nhà đầu tư quản lý. Việc giao nhà đầu tư quản lý vừa khai thác vừa bảo vệ mỹ quan, vệ sinh môi trường bờ biển. Có như vậy mới giữ được bãi biển sạch sẽ.

* Ông Nguyễn Văn Sáu (phó Ban quản lý đầu tư phát triển Phú Quốc):

Hiện nay nhiều nhà đầu tư đã đề nghị đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch nhưng huyện đang xem xét, chưa phê duyệt dự án nào. Việc cấp phép dự án bất động sản du lịch chỉ được thực hiện sau khi xem xét trên cơ sở quy hoạch từng khu vực.

Thực tế các khu nhà hàng, resort tại bờ biển Bà Kèo được xây dựng vào thời điểm chưa có quy hoạch chung của đảo Phú Quốc và chưa có quy định khoảng cách tối thiểu từ mặt nước đến bờ biển là bao nhiêu mét, nên có một số công trình xây gần mặt biển 20-30m.

Đối với những công trình này hiện giữ nguyên hiện trạng, nếu nâng cấp phải đúng theo quy định cách mép nước 50m.

Hiện nay huyện đang chuẩn bị đề án quản lý, sử dụng hành lang bãi biển và quy hoạch các lối đi xuống bãi biển cho người dân và khách du lịch. Ngoài ra huyện cũng quy hoạch năm bãi tắm công cộng phục vụ cộng đồng.

Theo bạn, việc một số địa phương cấp phép xây khách sạn, khu nghỉ mát kéo dài các bờ biển là:
Nên, để thu hút đầu tư Không nên, không phải là cứ “băm nát” bờ biển ra làm dự án thì mới thu hút đầu tư Có thể làm, nhưng rải rác chứ không dày đặt Ý kiến khác
L.N.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên