14/07/2010 07:10 GMT+7

Mỗi tháng thêm một siêu thị

L.N.MINH - T.V.NGHI - N.BÌNH
L.N.MINH - T.V.NGHI - N.BÌNH

TT - Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá bán lẻ ở VN vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhất. Dù không như đồn đoán ban đầu các tập đoàn lớn sẽ tràn vào nuốt chửng thị trường VN, nhưng chỉ nhìn vào tốc độ mở rộng của Big C, Metro, Lotte... vừa qua cho thấy sức ép cạnh tranh đang nóng lên từng ngày.

Mặc dù gặp không ít trở ngại, đặc biệt là chi phí cho mặt bằng quá cao, song các siêu thị nước ngoài vẫn tiếp tục mở rộng, chấp nhận cả việc cho thuê thương hiệu...

aRbrRcQV.jpgPhóng to
Siêu thị Big C Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thuận thắng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nay đến cuối năm 2010 sẽ có thêm ít nhất năm siêu thị ngoại ra đời.

Cuộc đua của những gương mặt cũ

Nhìn đoàn người nối nhau gửi xe, chờ đợi trước quầy tính tiền hay chen nhau trong các cửa hàng bán thức ăn nhanh vào những ngày cuối tuần ở siêu thị Lotte Mart Phú Thọ (TP.HCM) vừa mới khai trương ngày 1-7, có thể hiểu vì sao Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) quyết tâm mở siêu thị thứ hai tại VN.

Để đi vào hoạt động, siêu thị thứ hai của nhà đầu tư Hàn Quốc này đã phải trải qua một quá trình chờ đợi thủ tục cấp phép khó khăn. Người đi đường ngang qua địa điểm này trong những tháng trước có thể thấy quảng cáo và hàng hóa sẵn sàng nhưng cửa siêu thị vẫn đóng vì giấy phép chủ đầu tư chưa có trong tay.

Nhưng cuối cùng siêu thị thứ hai của Lotte Mart ở TP.HCM đã mở cửa, thậm chí tập đoàn này còn nhắm đến mục tiêu mở 30 siêu thị ở VN. Theo ông Noh Byung Yong, giám đốc Tập đoàn Lotte Mart Hàn Quốc, doanh số của siêu thị đầu tiên (tại Q.7, mở cửa cách nay hơn một năm) đạt 40% chỉ tiêu đề ra, đủ khả quan để tập đoàn này tự tin nhắm đến mục tiêu lớn hơn ở VN.

Trong khi đó, Metro Cash & Carry (Đức) cho biết sẽ mở thêm bốn trung tâm bán sỉ năm nay và sẽ giữ tốc độ này trong ba năm tới. Còn Big C (Pháp), trong những tháng cuối năm 2010 dự kiến có thêm ít nhất một siêu thị... Cuộc đua ở thị trường bán lẻ VN vẫn thuộc về những gương mặt cũ nhưng không vì vậy mà kém quyết liệt.

Ông Randy Guttery, tổng giám đốc Metro Cash & Carry VN, khẳng định tập đoàn này đã được Bộ Công thương chấp thuận cho mở thêm hai trung tâm bán sỉ, còn hai cái khác vẫn đang thương thảo. Bốn siêu thị bán sỉ của Metro trong năm nay sẽ mở tại Long Xuyên (An Giang), Vũng Tàu, Bình Dương và Bình Định. Ông Randy Guttery cũng thừa nhận chẳng gặp khó khăn gì trong việc mở rộng này.

Phát triển bằng mọi giá

Cấp phép mở siêu thị có dễ?

Về mặt lý thuyết, việc cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực bán lẻ không dễ dàng chút nào, bởi trước khi cấp phép các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xem xét nhu cầu và khả năng của thị trường trong nước. Đặc biệt việc khảo sát thực tế thị trường bán lẻ trên địa bàn, cơ quan quản lý sẽ cân nhắc xem liệu thị trường có cần cho mở thêm một cơ sở bán lẻ hay không. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ tham khảo ý kiến, năng lực các doanh nghiệp trong nước, nếu có khả năng cung cấp dịch vụ tương tự, Nhà nước có thể từ chối cấp phép.

Xuất hiện tại VN từ năm 2005, kế hoạch của hệ thống trung tâm mua sắm Parkson là trong vòng năm năm sẽ mở 10 điểm mua sắm, nhưng đến nay Parkson mới có được tám trung tâm trên toàn quốc. Ông Tham Tuck Choy, tổng giám đốc Công ty Parkson VN, thừa nhận việc phát triển hệ thống trung tâm thương mại của Parkson VN không đạt mục tiêu đặt ra. Lý do chính là cơ sở hạ tầng, các dự án cho mặt bằng bán lẻ tại VN không có nhiều.

“Nhưng điều đó không có nghĩa thị trường bán lẻ VN kém hấp dẫn bởi năm qua doanh số của Parkson tại VN vẫn tăng trưởng 30% và VN vẫn là một trong những thị trường Parkson tập trung phát triển trong những năm tới” - ông Tham cho biết.

Vị doanh nhân người Malaysia này cũng không giấu giếm: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp để tăng cường sự hiện diện của mình ở VN”. Điều này được minh chứng qua việc Parkson mở các trung tâm bán lẻ của mình dưới hình thức công ty 100% vốn nước ngoài và cả liên doanh.

Người Pháp vốn nổi tiếng về bảo thủ trong cách thức tổ chức kinh doanh, nhưng điều đó chưa hẳn đúng khi nhìn cách thức siêu thị Big C tăng cường sự hiện diện của mình ở VN. Giám đốc điều hành hệ thống Big C VN Nguyễn Xuân Hải tuyên bố: “Chúng tôi không cứng nhắc trong việc xác lập hình thức kinh doanh ở VN”.

Và người ta đã thấy ngoài hình thức công ty 100% vốn nước ngoài và liên doanh, Big C còn “chịu chơi” đến mức cho một đơn vị trong nước thuê thương hiệu của mình. Không thừa nhận siêu thị Big C ở Q.Gò Vấp, TP.HCM hoạt động dưới hình thức nhượng quyền thương mại (franchise), nhưng ông Hải lại xác nhận: “Big C ký hợp đồng cho một công ty trong nước thuê thương hiệu của mình. Và đơn vị trong nước kia ký hợp đồng thuê Big C quản lý siêu thị”. Một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM khẳng định nếu hoạt động dưới hình thức nhượng quyền thương mại thì phải đăng ký nhưng sở này chưa nhận được đăng ký nào.

Săn tìm mặt bằng

Đánh giá sau 10 năm có mặt tại VN, ông Pascal Billaud, tổng giám đốc Big C VN, cho biết tốc độ phát triển của thị trường bán lẻ vẫn ở mức tiềm năng nhưng chưa nhanh như kỳ vọng. Ngoài yếu tố dân số, thu nhập bình quân, mức chi tiêu, tỉ lệ tiêu dùng cho từng nhóm hàng thì yếu tố quyết định là giá mặt bằng quá cao.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, thông thường mở một mặt bằng siêu thị phải mất gần một năm rưỡi đến hai năm nhưng trước đó việc tìm kiếm mặt bằng đáp ứng tiêu chuẩn của siêu thị về diện tích không hề đơn giản. Trong đó, chi phí dành riêng cho mặt bằng chiếm đến 60% giá trị đầu tư cũng chính là yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các siêu thị nước ngoài. “Nếu so sánh trong khu vực, giá thuê mặt bằng của VN hiện nay cao hơn một nước có thị trường bán lẻ phát triển mạnh hơn là

Thái Lan” - ông Hải cho biết.

Lãnh đạo các siêu thị nước ngoài đã có mặt ở VN thừa nhận giá cho thuê mặt bằng bán lẻ vừa đắt vừa không đủ nguồn cung cấp là những nguyên nhân chính khiến tốc độ mở rộng của họ không thể nhanh hơn, chứ nguyên nhân không đến từ những quy định bó buộc của VN. “Chúng tôi phải có ít nhất là hai điểm bán ở TP.HCM. Trong đó, khu trung tâm Q.1 sẽ có thêm một Parkson khác. Ngoài ra Parkson sẽ xem xét khả năng ở Q.2, Q.7 và cả ở những tỉnh thành khác” - ông Tham Tuck Choy nói.

Big C hiện đã có 10 siêu thị ở VN và sẽ không dừng ở mức gấp đôi con số này. Dự kiến tháng 9-2010 Big C sẽ có thêm siêu thị tại TP Vinh, Nghệ An với một mặt bằng được đánh giá là “đẹp ở mọi khía cạnh”.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), số nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty trong lĩnh vực phân phối chiếm khá cao, đặc biệt là ở TP.HCM. Theo Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, ngoài những công ty đã có nhà máy ở VN xin mở rộng sang lĩnh vực phân phối, số công ty mới nhảy vào lĩnh vực này cũng tăng đáng kể. “Rất nhiều công ty quy mô vốn nhỏ chừng vài chục ngàn USD, thậm chí vài ngàn USD, cũng xin giấy phép hoạt động phân phối, chúng tôi phải lọc và loại bỏ bớt” - một cán bộ quản lý sở này cho hay.

Thực tế, các nhà bán lẻ của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và cả Trung Quốc đã mở văn phòng đại diện ở TP.HCM trong năm năm qua chờ thời cơ đến. Giám đốc một công ty địa ốc chuyên cung cấp mặt bằng bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài cho biết đơn đặt hàng đầy ắp và ngày càng khó tìm mặt bằng tại các khu trung tâm.

_____________

Kỳ 2: Sức hút từ siêu thị ngoại

L.N.MINH - T.V.NGHI - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên