08/07/2010 07:08 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp bể hợp đồng

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM và Bộ GTVT chiều 7-7 về việc cấp bằng lái hạng FC, nhiều doanh nghiệp cho biết đang bị thiệt hại nặng vì hàng hóa ùn ứ. Nguy cơ tê liệt cảng Cát Lái đang hiển hiện.

Quy định tài xế container có bằng lái hạng FC:

vOFJE4qV.jpgPhóng to
Từ ngày 1-7, sẽ xử phạt tài xế chạy container không có bằng FC - Ảnh: N.C.T.

Ông Lương Công Thành, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải Công Thành, cho biết công ty ông chỉ có 30% tài xế có bằng lái hạng FC. Do lượng tài xế có bằng lái hạng FC ít, công ty không thể thực hiện hết các hợp đồng vận chuyển hàng với các đối tác.

Cảng Cát Lái sẽ tê liệt

Bà Viên Thị Ngọc Dung, phụ trách xuất nhập khẩu Công ty TNHH Great Veca VN - chính là đối tác của ông Thành, cho biết 20 container hàng gỗ nhập về cảng Cát Lái đã hơn một tuần nhưng không thể đưa về gia công và có nguy cơ trễ hẹn với đối tác kinh doanh. Nếu trễ hạn hợp đồng, công ty bà phải đóng 5.000 USD/container cho đối tác. Và hiện 20 container đang nằm lại ở cảng mỗi ngày phải nộp phạt 12 USD/container.

Trường hợp đoàn xe vận chuyển của Công ty Âu Châu thì bị cả đối tác doanh nghiệp nước ngoài lẫn cảng phạt vì không vận chuyển kịp hàng do thiếu tài xế có bằng FC. Ông Trang Thoại Hùng, giám đốc công ty này, cho biết công ty phải bồi thường cho hai doanh nghiệp nước ngoài 60.000 USD. Hơn thế, vì không đủ tài xế vận chuyển nên đến thời điểm này Âu Châu bị tồn hơn 100 container trong cảng, phải đóng tiền phạt do lưu hàng trễ 30 triệu đồng/ngày.

Theo Công ty Tân Cảng Sài Gòn, từ ngày 1-7 nghị định 34 quy định lái xe container phải có bằng FC, tình hình giao nhận hàng hóa tại cảng Cát Lái đã giảm dưới 20% so với trước. Lượng hàng nhập khẩu tồn cảng tính đến ngày 6-7 đã hơn 8,7% so với dung lượng chứa của cảng. Mỗi ngày cảng Cát Lái nhận 500-800 container, nên khoảng một tuần nữa hàng chứa sẽ quá tải, cảng Cát Lái sẽ bị tê liệt nếu không có giải pháp tháo gỡ.

Ít người đăng ký học lấy bằng FC

Từ một cuộc khảo sát 50 doanh nghiệp vận tải, ông Đinh Nam Dinh, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết chỉ khoảng 30% tài xế có bằng lái hạng FC. Trong đó có đến 11 doanh nghiệp chưa có tài xế nào có bằng lái hạng FC...

Theo ông Dương Hồng Thanh - phó giám đốc Sở GTVT, hoạt động đào tạo bằng lái FC chỉ chiếm 44,42% năng lực đào tạo của các trung tâm trên địa bàn TP. Ông Thanh cho biết khó khăn hiện nay là mặc dù Sở GTVT có chuẩn bị về mọi mặt để giải quyết nhu cầu học, thi cấp bằng lái hạng FC nhưng số người đăng ký không đáng kể.

Để giải quyết tình trạng thiếu bằng lái FC cấp bách như hiện nay, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM kiến nghị Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát gia hạn việc xử phạt đối với trường hợp lái xe container chưa có bằng lái hạng FC; Tổng cục Đường bộ, Sở GTVT tính toán quy định thời gian cũng như cách thức thi bằng lái hạng FC thoáng hơn để phù hợp với nhu cầu của tài xế ở các doanh nghiệp. Ông Dinh cảnh báo không thể để việc thiếu bằng lái hạng FC tạo ra việc giành giật, thậm chí mua bán tài xế có bằng FC giữa các doanh nghiệp vận tải.

Ông Trần Quang Bình (vụ phó Vụ Vận tải - pháp chế, Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) nhận định việc có quá nhiều lái xe chưa có bằng lái hạng FC đã tác động trực tiếp đến việc làm ăn của các doanh nghiệp và cả xã hội, đoàn kiểm tra sẽ có báo cáo cụ thể với Bộ GTVT về vấn đề này.

Vườn thanh long chín đỏ nhưng không ai mua

Nhiều người trồng thanh long ở Bình Thuận đang như “ngồi trên lửa”, bởi hiện vào chính vụ giá thanh long được thương lái mua tại vườn từ 8.000-10.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong vòng từ đầu tháng 7 đến nay giá đã giảm một nửa. Thậm chí nhiều vườn thanh long chín rộ, đỏ chói cả vùng nhưng nhà vườn vẫn phải neo trái trên cây vì không có ai mua, và nếu mua với giá cũng rẻ mạt.

GPWSpSMm.jpgPhóng to
Mặc dù thanh long đang vào vụ nhưng nhiều nhà vườn tại Bình Thuận không dám thu hoạch vì sợ hàng bán không được - Ảnh: X.TRƯỜNG

Tại nhiều xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam như Hàm Minh, Hàm Cường, Hàm Kiệm, Hàm Mỹ... cảnh tượng thật đìu hiu, lặng lẽ chứ không tấp nập vào ra khiêng vác, phân loại, soạn rửa thanh long như mọi khi. Hầu như tại các cơ sở mua hay doanh nghiệp xuất khẩu thanh long nào cũng có một hoặc vài xe đầu kéo - container nằm bất động; hoặc đang nổ máy ầm ì ngay phía trước.

Công ty TNHH thương mại Lộc Tú, xã Hàm Mỹ, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu 8.000-10.000 tấn thanh long mỗi năm, cũng không ngoại lệ. Chỉ tay về một xe đầu kéo đang nổ máy ầm ầm phía hông nhà, bà Huỳnh Thị Tú, giám đốc doanh nghiệp Lộc Tú, than vãn: “Xe doanh nghiệp thuê với giá 47 triệu đồng/chuyến, nhưng do cả hai tài xế thiếu bằng FC nên đâu dám chạy, đành neo hàng trên xe nổ máy lạnh để bảo quản”.

Theo chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận Bùi Đăng Hưng, hiện Bình Thuận có trên 200 xe container, nhưng số lượng tài xế có bằng FC chỉ chiếm khoảng 1/3. Vì thế hiệp hội đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh khẩn cấp trình Thủ tướng gia hạn thời gian chuyển đổi bằng FC; đồng thời đề nghị Sở GTVT tạo điều kiện để tài xế có đủ điều kiện chuyển đổi bằng FC càng sớm càng tốt; đối với các doanh nghiệp, hiệp hội chỉ đạo chỉ thu mua đủ lượng hàng cho những xe có đủ điều kiện lưu thông. Đối với nhà vườn, hiệp hội hướng dẫn “lưu trái trên cây, không nên bán đổ bán tháo ảnh hưởng tới giá cả của vụ sau”.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên