08/06/2010 07:12 GMT+7

Sắp thiếu than nhưng vẫn xuất

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), thừa nhận năm 2015 VN sẽ phải nhập khẩu than, thế nhưng chúng ta vẫn đang xuất khẩu than đá nhiều nhất thế giới. Vì sao có nghịch lý này? Ông Hùng nói:

A6pH1HQy.jpgPhóng to
Tàu chở than xuất lậu sang Trung Quốc bị các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh bắt giữ - Ảnh: M.Q.

* Thưa ông, hiện ở Quảng Ninh than lộ thiên gần như đã hết. Cứ khai thác thế này thì than ở VN bao giờ sẽ hết?

- Chúng tôi đánh giá trữ lượng ở Quảng Ninh không quá nhiều, ước trên dưới 10 tỉ tấn. Chúng tôi đã có phương án nâng sản lượng khai thác, nếu khai thác ở mức cao thời gian tồn tại của nó sẽ không quá lâu. Có chuyên gia nói vào khoảng năm 2055 là hết. Nếu lấy được 7 tỉ tấn, mỗi năm khai thác 100 triệu tấn thì được khoảng 70 năm. Nên để giảm nhập khẩu sắp tới, ngoài bể than đông bắc, cần khẩn trương nghiên cứu để đưa bể than sông Hồng vào khai thác.

- Theo thông báo ngày 24-2-2010 của Văn phòng Chính phủ, nhu cầu than cho điện của nước ta năm 2012 là 32 triệu tấn, cộng với nhu cầu của các hộ tiêu thụ khác, tổng nhu cầu than của VN năm 2012 lên tới 52 triệu tấn. Trong khi đó, khả năng sản xuất của TKV năm 2012 khoảng 48 triệu tấn, các đơn vị ngoài TKV 2 triệu tấn.

Như vậy, đúng là năm 2012 chúng ta sẽ phải nhập khẩu than. Tuy nhiên, nếu một số nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ thì có thể chưa phải nhập ngay trong năm 2012. Dù sao đến năm 2015 chúng ta thiếu khoảng 5 triệu tấn/năm, cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016 sẽ phải nhập.

* Theo thông tin của một ngân hàng nước ngoài khi thu xếp vốn cho TKV vay tiền đầu tư dự án bôxit, TKV đang là nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Điều này có đúng không, thưa ông?

- Thông tin này không đúng. Các nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới là Úc 230 triệu tấn, Indonesia 173 triệu tấn/năm... VN chủ yếu khai thác than đá và đúng là tổng lượng xuất khẩu than đá của VN chiếm hơn 1/4 tổng xuất khẩu loại than này trên thế giới. Năm 2009 VN xuất khẩu 24,3 triệu tấn than đá, nên TKV được xem là nhà xuất khẩu than đá bằng đường biển lớn nhất thế giới.

* Chúng ta đang xuất than, trong khi đó có đại biểu Quốc hội nói Trung Quốc đang mua than VN về đổ xuống vịnh để dự trữ vì giá than VN xuất lậu nhiều, rẻ. TKV nghĩ gì về điều này?

- Cá nhân tôi không nắm được thông tin Trung Quốc mua than về chất đống. Việc nhập khẩu than bao giờ người ta cũng phải để vào kho, sau đó mới vận chuyển đi đâu đó tiêu thụ. Tôi thì suy nghĩ một năm ta sản xuất được khoảng 40 triệu tấn, xuất khoảng một nửa. Trung Quốc sản xuất 2 tỉ tấn/năm, cái họ sử dụng rất khổng lồ, cái chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc chẳng là gì so với sử dụng của người ta. Còn việc than xuất sang Trung Quốc có phải than lậu, giá rẻ nên họ dự trữ, tôi chưa có đủ thông tin.

* Giả sử việc Trung Quốc mua than về đổ xuống vịnh là đúng thì TKV có băn khoăn, tính lại việc xuất khẩu không?

- Nếu sự việc đúng như thế thì cần phải xem xét để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến xuất khẩu than. Hiện giá bán than bình quân trong nước đang thấp hơn giá thành. Nếu không điều chỉnh cái đó mà cũng không xuất khẩu thì sẽ không thể tồn tại được, vì càng làm càng lỗ. Nghĩa là việc có xuất khẩu hay không phải xem lại vấn đề giá cả than trong nước (giá than trong nước hiện Chính phủ chưa cho tăng).

Vấn đề thứ hai là chất lượng than. Khi chúng tôi khai thác loại than tốt mà VN chưa dùng, nếu để dành lại nhiều năm, theo tôi không có lợi. Đào mỏ không phải muốn chỉ khai thác than xấu lên cũng được, mà phải lấy cả than tốt, than xấu. Than tốt chưa dùng, xuất khẩu là hợp lý.

* Đến năm 2015 phải nhập khẩu than, vậy bao giờ TKV ngừng xuất khẩu?

- Theo lộ trình, khoảng trước năm 2015 TKV sẽ giảm dần lượng xuất khẩu. Việc giảm mạnh hay không mạnh nó quay lại câu chuyện giá thành, giá bán trong nước. TKV rất khó nói sang năm sẽ xuất khẩu bao nhiêu. Nếu sang năm điều chỉnh giá bán than trong nước theo hướng tăng lên thì có thể giảm xuất khẩu ngay. Nếu không TKV vẫn khó khăn, phải có nguồn bù đắp. Tới đây sẽ phải nhập khẩu than, nhưng đúng là TKV vẫn kiến nghị cho xuất khẩu một khối lượng than chất lượng cao ta chưa dùng đến. Lượng này không đáng kể, 3-4 triệu tấn/năm, trong tổng thể sản lượng khoảng 60 triệu tấn năm 2015.

* Người dân băn khoăn sắp tới phải nhập than, nhưng hiện cứ xuất có phải chỉ phục vụ lợi ích của TKV?

- Xuất khẩu than liên quan đến giá trong nước. Giá trong nước TKV phải chấp hành. Giá này càng bán càng lỗ, ảnh hưởng đến 120.000 lao động trong tập đoàn. Rồi những người liên quan gián tiếp, như vợ con công nhân, dịch vụ xã hội, kinh tế cả khu vực nữa... Nếu ngành than được giải quyết vấn đề giá trong nước thì xuất khẩu sẽ hạn chế rất đáng kể. Nhưng kinh tế chúng ta đang khó khăn nên giá than trong nước chưa được điều chỉnh. Trong hoàn cảnh như vậy thì xuất khẩu vẫn phải có để đảm bảo sản xuất, phát triển...

* Chúng ta xuất than dễ nhưng nhiều quan chức Bộ Công thương cho biết việc mua than sắp tới không đơn giản, TKV có nhận thấy điều đó?

- Đúng, mua than không dễ. Nếu theo đúng kịch bản nhu cầu sử dụng than, chúng ta thiếu khá nhiều, đặc biệt từ năm 2018-2020. Theo tính toán, nếu thiếu 100 triệu tấn thì đây là vấn đề khó. Chúng tôi đã cử một số đoàn đi để xem xét việc nhập khẩu, nhưng các nơi cung cấp than không cam kết dài hạn mà chỉ vài năm. Trong khi đó, các nhà máy điện cần dài hạn mới đảm bảo được chủng loại than và việc hoạt động hiệu quả. Hiện VN chưa nhập khẩu mấy nên việc tổ chức nhập khẩu cũng chưa rõ.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên