29/05/2010 06:26 GMT+7

Thu thuế hay hành dân!

L.N.MINH - A.H.
L.N.MINH - A.H.

TT - Dù chỉ khoảng 600 doanh nghiệp được mời nhưng có đến gần 1.000 đại diện doanh nghiệp đã tham gia buổi đối thoại với doanh nghiệp do Cục Thuế TP.HCM tổ chức ngày 28-5. Nhiều doanh nghiệp đã không “khách sáo” trong dịp hiếm hoi cơ quan thuế tổ chức tuần lễ “Lắng nghe người nộp thuế”.

YX1UB3P9.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Trọng Hạnh - cục phó Cục Thuế trả lời một số doanh nghiệp thắc mắc bên ngoài hội trường (ảnh chụp chiều 28-5) - Ảnh: THANH ĐẠM

Đa số doanh nghiệp bức xúc không chỉ vì thủ tục thuế quá phức tạp, khó hiểu mà còn do bị cán bộ thuế “hành”. Không ít doanh nghiệp than đã có nhiều cải tiến tại Cục Thuế TP.HCM nhưng họ vẫn ngán nhân viên thuế tại các chi cục thuế quận, huyện.

Truy thu... 2.320 đồng!

Đại diện Công ty Hưng Thịnh (Q.3) kể câu chuyện dở khóc dở cười: công ty đóng thuế đầy đủ, đúng hạn nhưng bất ngờ nhận được tờ đối chiếu nợ thuế và quyết định phạt chậm nộp. Công ty phải làm việc với phòng cưỡng chế nợ thuế của Cục Thuế TP.HCM và yên tâm sau khi chứng minh đã nộp đủ thuế. Tuy nhiên, một tuần sau cơ quan thuế gửi quyết định xử phạt hành chính do chậm nộp, số tiền phạt là 2.320 đồng kèm theo mệnh lệnh “nếu chậm nộp sẽ bị xử lý hành chính theo luật quản lý thuế”.

Công ty phải đến ngay ngân hàng để chuyển khoản, nhưng nhân viên ngân hàng cho biết không thể chuyển khoản vì số tiền quá nhỏ. Đại diện công ty phải trực tiếp đến kho bạc nộp và đến lượt nhân viên kho bạc “tròn mắt”. Đại diện công ty nói rằng 20 năm trong nghề chưa thấy quyết định xử phạt nào kỳ cục như vậy. “Đã đành phải thực hiện theo luật nhưng có nhất thiết tốn nhiều thời gian, sức lực để ra quyết định truy thu một số tiền không đáng như vậy không?” - bà nói.

Trường hợp Công ty Hưng Thịnh không phải là nạn nhân cá biệt của thủ tục hành chính. Bà Võ Thiên Hương, đại diện Công ty CP đầu tư phát triển châu Á, cho biết cũng phải “chạy vòng vòng” vì thủ tục...hành là chính. Công ty chuyển trụ sở từ quận 2 về quận 10 nhưng do nộp tờ khai tháng 3 và tháng 4 cùng lúc nên máy tính không tiếp nhận. Xong thủ tục tại quận 2 mất hai tuần nhưng đến quận 10 thì cán bộ thuế trả lời “chưa có thông tin”. Doanh nghiệp lại chạy ngược lên Cục Thuế TP.HCM nhờ nhập lại dữ liệu thì đến lượt mã số thuế bị trục trặc. Chờ xử lý dữ liệu, khai điều chỉnh địa chỉ văn phòng, lần nào cũng phát sinh sự cố. Đến nay sau gần một tháng đi lại, công ty vẫn chưa mua được hóa đơn.

Nhiều doanh nghiệp phản ảnh cách xử lý của cơ quan thuế quá cứng nhắc. Doanh nghiệp nộp tờ khai nhưng điện cúp là được “mời về”, mạng trục trặc cũng bị hẹn lần sau. Doanh nghiệp đặt câu hỏi sao Cục Thuế không linh động nhận hồ sơ vì trong hồ sơ có sẵn thông tin, trường hợp khi nhập vào mạng phát hiện trục trặc có thể yêu cầu doanh nghiệp đến để giải quyết.

Trên nói một đường, dưới làm một nẻo

Trả lời phản ảnh của bà Võ Thiên Hương, ông Nguyễn Trọng Hạnh - phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - tỏ ý xin lỗi doanh nghiệp. Ông gợi ý trong trường hợp như vậy doanh nghiệp nên gặp ngay cán bộ lãnh đạo cục hoặc chi cục để được giải quyết vì theo quy định, mỗi ngày đều có lãnh đạo trực để giải đáp thắc mắc cho người dân.

Doanh nghiệp đã đề nghị ông Hạnh trả lời cụ thể “địa chỉ” để biết mà khiếu nại. Doanh nghiệp này cho biết gặp rắc rối hoặc bị cán bộ thuế tại cục hoặc chi cục “hành” thì chẳng biết trình bày với ai. “Ông nói phòng lãnh đạo trực để người nộp thuế có thể tìm đến trình bày vấn đề, vậy cần phải cho người nộp thuế biết phòng ấy ở đâu, số điện thoại nào vì nếu chỉ chung chung doanh nghiệp không biết đường đâu mà lần”.

Doanh nghiệp này còn dẫn chứng trường hợp một kế toán khi đến Chi cục Thuế quận 12 nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân 2009 đã bị một cán bộ ở chi cục thuế này chửi bới và bảo rằng về nhà chép dữ liệu vào USB. Người kế toán này không biết đó là dữ liệu gì nhưng trước thái độ quá dữ dằn của cán bộ thuế đã không dám hỏi lại.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp phản ảnh trường hợp bị làm khó dễ tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh. Theo doanh nghiệp này, có tình trạng phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế trả lời một đằng nhưng các chi cục thì làm một kiểu. Điển hình Chi cục Thuế quận Bình Thạnh yêu cầu doanh nghiệp nộp tờ khai quyết toán thuế phải nộp kèm hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm xã hội. Doanh nghiệp không chịu vì theo quy định không có đề cập khoản này.

Chi cục Thuế ra quyết định xử phạt vì chậm nộp, doanh nghiệp đưa phần trả lời của phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế trên báo chí đến khiếu nại thì chi cục hủy quyết định phạt. Từ đó doanh nghiệp đặt câu hỏi: “Không lẽ cứ phải kiện cáo mới được giải quyết êm thắm, ngược lại thì chịu thiệt?”.

Trả lời doanh nghiệp, bà Trần Thị Lệ Nga - trưởng phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế - thừa nhận Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã sai. Bà Nga cũng cho biết từ ngày đầu nghe “nói thật” đã có nhiều doanh nghiệp đến để phản ảnh trường hợp bị làm khó dễ tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh và đích thân cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Đình Tấn đã chỉ đạo nơi này phải chấn chỉnh ngay.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh (cục phó Cục Thuế TP.HCM):

Kê khai và nộp thuế gián tiếp

Theo tôi, với tình hình hiện nay Bộ Tài chính nên áp dụng tự khai tự chịu trách nhiệm, sau này khi có đủ cơ sở dữ liệu sẽ truy lại doanh nghiệp, người nộp thuế. Ai khai sai sẽ bị phạt. Thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số thu ngân sách nhưng lại rối như tơ vò. Trong gần 1.000 câu hỏi gửi đến trong tuần lễ “lắng nghe”, có đến 70% hỏi về quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Tôi thừa nhận có những quy định của luật thuế vẫn còn kẽ hở khiến cơ quan thuế nơi này nơi kia giải thích khác nhau, đồng thời tạo điều kiện cho cả phía người nộp thuế lẫn nhân viên thuế lợi dụng. Áp lực công việc trong ngành thuế tăng gấp hàng trăm lần do nhiều sắc thuế mới, trong khi 10 năm rồi nhân viên cũng chừng ấy, chỉ 3.800 người.

Số doanh nghiệp, số người nộp thuế ngày càng tăng mà chúng ta cứ làm thủ công thì áp lực công việc tăng, chắc chắn sẽ phát sinh những chuyện không hay. Vì thế chúng ta phải tìm lối thoát. Đó là mở rộng hình thức tiếp nhận, kê khai và nộp thuế gián tiếp. Để hạn chế quan hệ trực tiếp, ngồi ở nhà vẫn khai và nộp thuế được. Có cải cách hành chính cỡ nào cũng chỉ là biện pháp chống đỡ tạm thời.

Chúng tôi quyết tâm trong quý 3-2010 sẽ lập xong một ngân hàng cơ sở dữ liệu rồi công khai cho người nộp thuế có thể vào đó tìm hiểu điều mình quan tâm. Trung tâm dữ liệu người nộp thuế cũng đang xây dựng, chúng tôi đã trình đề án này rồi. Có trung tâm này mới thực hiện được hình thức kê khai và nộp thuế gián tiếp.

Còn nhiều doanh nghiệp ngại “nói thật”

Ngoài những ý kiến phát biểu công khai tại hội trường, Tuổi Trẻ đã ghi nhận nhiều tâm tư của doanh nghiệp nhưng vì nhiều lý do nên ngại nói thật, nói thẳng với cơ quan thuế.

* Kế toán một công ty bất động sản:

Tôi thấy gần đây Cục Thuế TP.HCM đã cải tiến rất nhiều trong cách giao tiếp với doanh nghiệp, nhưng ngược lại doanh nghiệp rất ngán cán bộ thuế tại các chi cục. Ngoài chuyện khó dễ, không đúng hẹn, nhiều người không cập nhật kịp thời chính sách hoặc ép quy định theo hướng bất lợi cho người nộp thuế, áp đặt, không có khái niệm “lắng nghe” doanh nghiệp.

* Đại diện một doanh nghiệp tàu biển:

Là buổi đối thoại nhưng doanh nghiệp nghe nhiều hơn góp ý, phần giải đáp chính sách quá dài dòng. Trong khi đó thiếu vắng các câu hỏi mang tính xung đột lợi ích giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Còn chuyện giải đáp chính sách, doanh nghiệp có thể đến trực tiếp Cục Thuế TP.HCM để hỏi. Khi doanh nghiệp được phát biểu lại theo hình thức xen kẽ giữa các câu hỏi thẳng và các câu giải đáp chính sách đã được chuẩn bị sẵn.

* Đại diện một doanh nghiệp Khu chế xuất Linh Trung:

Ngành thuế đã chịu lắng nghe người nộp thuế, đó là cố gắng lớn. Nhưng tôi chờ xem tình hình có tiến triển hay chỉ lắng nghe cho có lệ, trong khi cái cần nhất là “thấu hiểu, sửa sai” lại không thấy?

* Kế toán trưởng một công ty nước ngoài:

Tiếp xúc nhiều với ngành thuế, tôi luôn cảm thấy ức chế. Có quá nhiều văn bản ban hành không rõ ràng, sau đó phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Doanh nghiệp không cập nhật kịp, hoặc đọc văn bản nhưng không hiểu. Hỏi thì cán bộ thuế lạnh lùng “về đọc lại văn bản”. Thậm chí doanh nghiệp đem văn bản lên để hỏi kỹ những chỗ chưa hiểu thì mỗi cán bộ thuế trả lời mỗi kiểu. Có trường hợp trả lời là khó quá, thôi về làm công văn gửi Cục Thuế.

L.N.MINH - A.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên