06/04/2010 08:32 GMT+7

Kéo lãi suất cho vay xuống dưới 15%

V.V.THÀNH - X.LONG
V.V.THÀNH - X.LONG

TT - Tại hội nghị trực tuyến bàn về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao... diễn ra ngày 5-4, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Phải kéo lãi suất cho vay xuống”.

ryhChCyX.jpgPhóng to
Lãi suất cho vay hiện đang vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Trong ảnh: hiệu chỉnh máy sấy tầng sôi tạo hạt (dùng trong ngành dược) tại Công ty TNHH chế tạo máy Tiến Tuấn - Ảnh: T.V.N.

Nêu ý kiến về lãi suất hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh và Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương đều cho rằng lãi suất cho vay hiện nay quá cao và vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Phải giảm đến mức thị trường chấp nhận

Theo ông Ninh, hiện đang triển khai lãi suất thỏa thuận cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhưng xác định thế nào là “có hiệu quả” rất khó, và theo phản ảnh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa thì lãi suất đang có xu hướng tăng cao. Ông Khương kiến nghị Chính phủ nghiên cứu lại cơ chế điều hành lãi suất thỏa thuận, vì cho vay trung và dài hạn hiện lãi suất khoảng 15-17%/năm, có dự án tới 21%.

Điều này dẫn đến hai khả năng: một là doanh nghiệp nâng giá bán để đảm bảo hiệu quả; hai là doanh nghiệp không đầu tư sản xuất mà gửi tiền vào ngân hàng. Tất cả yếu tố này đều có thể dẫn đến thiếu hụt hàng hóa, làm tăng giá và lạm phát.

"Chúng ta phải tiết kiệm. Các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch tiết kiệm trên toàn quốc, nhất là các đơn vị có chi tiêu công... Tăng cường tiết kiệm cả trong sản xuất, chi tiêu ngân sách, tiêu dùng xã hội"

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng

Theo ông Phạm Huy Hùng - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương, hiện Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng thương mại để thống nhất việc kéo lãi suất xuống. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu khẳng định phương châm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là chủ động, linh hoạt, thận trọng; đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chủ trương của NHNN về lãi suất thỏa thuận để giảm xuống chứ không phải tăng lên. Do đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn phải làm nhiệm vụ chủ đạo, điều tiết và thỏa thuận theo hướng giảm lãi suất xuống đến mức thị trường chấp nhận.

“Năm nay dự kiến lạm phát 7%, như vậy lãi suất huy động khoảng 8-9%, lãi suất cho vay khoảng 11%, tối đa 12%, nếu có thỏa thuận cũng phải dưới 15%, trừ một số khoản vay tiêu dùng không cần thiết có thể cao hơn” - Phó thủ tướng phân tích.

Về cách làm, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói phải điều hành linh hoạt đồng nội tệ, ngoại tệ, tỉ giá từ nay đến cuối năm nếu không có biến động gì đặc biệt thì không điều chỉnh. Đồng thời sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để cung ứng lượng tiền cần thiết với mức độ lãi suất thấp hơn để kéo lãi suất thị trường xuống...

Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010 (dự kiến được ban hành hôm nay 6-4), NHNN có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả theo nghị quyết của Quốc hội.

Đề xuất không thu phí vay xuất khẩu

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã thảo luận về vấn đề thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán. Đại diện Tổng công ty Thép VN nói những mặt hàng trong nước sản xuất được như thép xây dựng, thép lá cán nguội nên hạn chế nhập khẩu, nếu giảm nhập khẩu những mặt hàng này thì có thể giúp giảm nhập siêu hàng tỉ USD.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, thậm chí không thu phí đối với vay xuất khẩu. “Việc này chúng tôi đang bàn với Ngân hàng Công thương tổ chức thí điểm áp dụng cho một số ngành hàng” - ông Biên nói.

Về cơ chế khuyến khích xuất khẩu theo hợp đồng xuất khẩu, ông Biên cho biết theo quy định WTO thì không được áp dụng hình thức thưởng theo các hợp đồng, vì vậy phải áp dụng các hình thức phù hợp khác. Thay cho hình thức này sẽ bàn với các bộ, ngành áp dụng việc mua tạm trữ đối với các mặt hàng, ví dụ như cà phê...

Tổng thư ký Ủy ban trung ương MTTQ VN Vũ Trọng Kim đề nghị cần đẩy mạnh cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN đối với cả ba chủ thể là người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông Kim cho rằng: “Trong cuộc vận động này, mỗi chủ thể cần hiểu rõ việc mình cần làm. Ví dụ với chủ thể là doanh nghiệp, có ý kiến nói nhiều doanh nghiệp đi xe hơi nhập khẩu mà bán hàng Việt Nam thì chơi sang quá”. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Chủ trương tiêu dùng, sử dụng mặt hàng trong nước triển khai chưa đủ mạnh, vẫn còn tư tưởng sính ngoại”. Phó thủ tướng khẳng định phải tìm mọi cách để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời dùng nhiều biện pháp để kiểm soát nhập khẩu, làm tỉ trọng nhập siêu giảm.

Tăng cường bình ổn giá

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý hiện tượng đầu cơ, găm đất chờ giá, chia lô bán nền, huy động vốn chéo giữa tài chính ngân hàng với bất động sản... đã có những dấu hiệu không bình thường. “Phát triển nhanh nhưng phải vững chắc, an toàn” - Phó thủ tướng nhấn mạnh. Về giá cả, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói các hiệp hội chưa làm tốt vai trò của mình, một loạt mặt hàng, ví dụ như thép, vừa qua tăng giá nhiều lần.

Bên cạnh đó, giá cả các dịch vụ cũng rất đáng phải bàn. Tại không ít điểm lễ hội nhân cơ hội đông khách, các loại dịch vụ tăng giá vô tội vạ. Ví dụ như dịch vụ trông xe, quy định 10.000-20.000 đồng là cao nhưng có nơi thu 200.000-300.000 đồng/xe...

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết để tập trung kiềm chế lạm phát, về phía Chính phủ sẽ giảm thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bình ổn giá tốt hơn, giá than bán cho điện và giá điện ổn định từ đây đến cuối năm, đi liền với đó là công khai, minh bạch việc đăng ký giá, kiểm soát giá, niêm yết giá...

Theo dự thảo nghị quyết nêu trên, các cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm soát chi phí kinh doanh, giá thành các loại sản phẩm thuộc diện bình ổn giá theo quy định, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, than, sữa, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh, đường, lương thực, thép, ximăng...

“Phải nuôi doanh nghiệp nhỏ”

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 5-4, ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN - cho biết: “Hiện đang xảy ra tình trạng rất đáng ngại là hàng loạt doanh nghiệp trong hiệp hội co cụm lại, không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Họ nói co cụm để trụ lại được đã là tốt trong bối cảnh hiện nay. Nguyên nhân là do lãi suất quá cao. Tình hình này làm sao có thể kinh doanh đạt lợi nhuận 15-20% khi mà đi vay với lãi suất lên đến 18%? Lãi suất vay ngân hàng của chúng ta hiện nay cao hơn so với Thái Lan, Trung Quốc... thì làm sao doanh nghiệp cạnh tranh nổi.

Doanh nghiệp trong nước làm cầm chừng thì chúng ta sẽ mau chóng trở thành thị trường tiêu thụ cho hàng hóa nước ngoài. Nhập siêu tăng không có gì phải ngạc nhiên. Một khi hàng nhập khẩu vào nhiều sẽ gây khó cho sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp của chúng ta hiện nay phần nhiều là vừa và nhỏ, vì vậy muốn lớn phải nuôi họ. Chính sách tiền tệ phải tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển. Nhà nước phải đầu tư hợp lý hơn vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn lao động chất lượng để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào. Như vậy mới giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

V.V.THÀNH - X.LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên