20/03/2010 07:02 GMT+7

Các khu kinh tế miền Trung: "Sinh" nhưng thiếu "dưỡng"

Nhóm PV Đà Nẵng
Nhóm PV Đà Nẵng

TT - Chính phủ cho phép xây dựng khu kinh tế (KKT) đầu tiên cả nước là KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), tiếp đến KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) với kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng kinh tế địa phương, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhưng đến nay, các KKT vẫn phát triển chậm chạp.

t1aiOukH.jpgPhóng to

Thiếu vốn và cơ chế tài chính chưa rõ ràng khiến hạ tầng Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn ngổn ngang - Ảnh: Việt Hùng

Bảy năm trước, ngày thông báo quyết định thành lập KKT mở Chu Lai (H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có diện tích 32.400ha (khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch...), không khí ở Chu Lai như ngày hội, người dân hồ hởi, hi vọng đổi đời.

Bất cập hạ tầng

Trở lại Chu Lai những ngày này, KKT vẫn ngổn ngang. Nhiều người dân không nén nổi thất vọng. Đường từ quốc lộ 1A xuống cảng Kỳ Hà (khối phố 4, 5 thị trấn Núi Thành) quy hoạch khu phi thuế quan vẫn như xưa. Đất ruộng dân vẫn canh tác, rừng dương trải dài ngút mắt. Ông Phạm Thạnh (69 tuổi, xã Tam Hiệp) thở dài: “Mong có nhà máy, xí nghiệp ở Tam Hiệp này để con cháu có việc làm. Song cảnh vẫn cũ, con cháu đành tha phương kiếm việc”.

Vòng quanh các khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Hiệp... đường sá nham nhở. Theo ông Lê Phước Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: “Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng KKT không đảm bảo khi sáu năm vốn đầu tư chỉ 1.373 tỉ đồng, tiền đền bù đã ngốn hết 524 tỉ đồng. Thực trạng hạ tầng yếu kém nên thu hút các nhà đầu tư thấp”. Ông nói năm qua 100 tỉ đồng vốn đầu tư là quá thấp khiến nhiều công trình dừng thi công, giãn tiến độ.

Tại KKT Dung Quất, trong tổng số 111 dự án được cấp phép có số vốn đăng ký 7,6 tỉ USD, hiện chỉ có 52 dự án đã và đang hoạt động có vốn thực hiện 4,3 tỉ USD (Nhà máy lọc dầu Dung Quất chiếm trên 3 tỉ USD), giải quyết 12.000 lao động.

Ông Lê Văn Dũng nhìn nhận việc KKT Dung Quất có “tên tuổi” nhưng chưa thu hút nhiều dự án, vốn đầu tư do cơ chế, chính sách còn kém hấp dẫn. Ông nói nếu cơ chế ưu đãi, số vốn còn lại triển khai dự án công nghiệp nhẹ có thể tạo ra 150.000-200.000 việc làm. Mặt khác, thủ tục hành chính đầu tư vào Dung Quất cũng là rào cản làm nản lòng các nhà đầu tư. Một thủ tục đầu tư có quá nhiều cơ quan quản lý, vừa chồng chéo vừa lòng vòng, thiếu rõ ràng.

Vòng qua KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) được thành lập năm 1996 với quy mô KKT tổng hợp gồm công nghiệp, dịch vụ, tài chính, đô thị... Hơn năm năm qua, hình hài một KKT vẫn chưa rõ nét. Ông Lê Văn Dũng, phó trưởng ban quản lý KKT Dung Quất, cho hay: “Hạ tầng KKT vừa yếu, vừa không đồng bộ do vốn đầu tư ít ỏi, nhỏ giọt. Doanh nghiệp gặp nhiều cản ngại hạ tầng nên chưa vào nhiều”.

Bà Nguyễn Thị Chín (xã Bình Đông, H.Bình Sơn) cho biết: “Năm 2007, dân di dời nhường đất để xây dựng dự án nhà máy luyện cán thép. Dân mòn mỏi trông nhà máy từng ngày để có việc làm. Nhưng đất vẫn trống, dân thiếu đất sản xuất, đời sống khó gấp bội”. Năm 2009, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi 22 dự án “treo” tại Dung Quất.

Lý giải việc hàng loạt KKT chưa phát huy hiệu quả, phó vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH-ĐT) Lê Tuyển Cử cho rằng: “Các địa phương đồng loạt đề xuất thành lập quá nhiều KKT, trong khi khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách đầu tư hạ tầng lại rất hạn chế dẫn đến đầu tư hạ tầng các KKT yếu và thiếu, dàn trải, các KKT chậm phát triển”.

Mô hình, cơ chế, chính sách lúng túng

Báo cáo của ban quản lý KKT Dung Quất cho rằng khi vận hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc, mâu thuẫn và bất cập. Ông Nguyễn Xuân Huế, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển ì ạch và chưa đạt mục tiêu của KKT Dung Quất chính là chưa định rõ mô hình. Đó là sự đan xen về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hành chính lãnh thổ... Từ đó dẫn đến sự chồng chéo, lòng vòng, thiếu rõ ràng và nhất quán trong quản lý KKT.

Trong một báo cáo gửi cơ quan chức năng, ban quản lý KKT Dung Quất cho rằng mô hình và cơ chế quản lý KKT Dung Quất hiện nay chưa phù hợp đã gây ra nhiều vướng mắc, trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển của nó.

Về cơ chế, chính sách, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải bức xúc: “KKT mở Chu Lai được cho hưởng những cơ chế ưu đãi nhất nhưng thực tế chỉ khác từ “mở” so với các KKT khác”. Ông nói từ đó việc thu hút đầu tư vào KKT mở Chu Lai đạt tỉ lệ thấp là điều không tránh khỏi. Hiện có 55 dự án vốn đăng ký hơn 923 triệu USD được cấp phép đầu tư, nhưng chỉ 32 dự án đã và đang triển khai với số vốn đạt 50%. Ông Hải kết luận: “Mô hình, cơ chế chính sách KKT mở Chu Lai vẫn là cái gốc của mọi vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy phát triển”.

GS.TS Võ Đại Lược - Viện Khoa học xã hội VN - khẳng định mục tiêu xây dựng KKT mở Chu Lai đã không đạt được. GS Lược dẫn chứng về tính thiếu hiệu quả khi Nhà nước bỏ ra 70 triệu USD đầu tư để thu hút 64 triệu USD vốn FDI năm năm qua thì thật quá thấp. Theo GS Lược, để Chu Lai phát triển cần một thể chế tự do riêng về kinh tế. Chu Lai phải “tự trị” về kinh tế và phát triển thành một đô thị kinh tế chứ không thể quản lý theo kiểu ban bệ như hiện nay.

Khai mạc diễn đàn hợp tác vùng

Hôm nay (20-3) tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh và Bộ Công thương tổ chức diễn đàn “Hợp tác vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - vận hội mới cho sự thịnh vượng”. Diễn đàn thu hút lãnh đạo các bộ ngành và các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

Diễn đàn tập trung vào các nội dung: quy hoạch, tái quy hoạch và phát triển hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; các giải pháp hướng đến một cộng đồng hợp tác liên kết; mô hình tổ chức vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cơ chế, chính sách cho vùng; nhận diện và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài ra có sự trao đổi về nhiều vấn đề giữa doanh nghiệp, chính quyền với các bộ, ngành trung ương; ký kết các văn bản hợp tác kinh tế và chương trình hành động.

Nhóm PV Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên