Phóng to |
Phóng to | Nghe đọc toàn bài |
Anh Nguyễn Văn Linh, làm 3ha lúa tại xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, mặc dù lúa được giá nhưng do giá một số loại vật tư nông nghiệp quá cao nên lãi vụ này không đáng kể. Trong đó, chỉ riêng giá thuốc trừ sâu vụ đông xuân này đã tăng cao hơn năm trước 10-15%. Cụ thể, mặt hàng thuốc trừ nấm Hexavil 8SC vụ trước giá chỉ 135.000đ/chai 1 lít nhưng nay giá tại đại lý cấp 2 đã lên đến 195.000đ/chai.
Hoa hồng hơn 40%
Theo tiết lộ của anh T. - chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp BT trên quốc lộ 80 thuộc huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, với mặt hàng phân bón các công ty chi hoa hồng cho đại lý cấp 1 từ 7-12%. Nhưng riêng mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật và phân vi sinh nhiều công ty chi rất mạnh tay, ít nhất là 15%, thậm chí hơn 40%.
Ngoài việc được hưởng hoa hồng rất cao, hiện nhiều chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp còn tính mức lãi ít nhất 2%/tháng khi bán thiếu hàng cho nông dân. Cách họ tính lãi cũng rất “ma lanh”. Nông dân mua vật tư làm nhiều lần và dù các đợt lấy hàng cách đợt đầu tiên một, hai hay gần ba tháng thì các chủ cửa hàng vẫn cộng dồn hết giá trị của lô hàng lại và tính tiền lời ngay thời điểm lấy hàng đầu tiên. “Coi như họ “ngắt” thêm một khúc tiền lời của chúng tôi” - nông dân Nguyễn Thành Đương, xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, rầu rĩ nói. |
Cụ thể như Công ty NP (đóng tại TP.HCM) chi hoa hồng, khuyến mãi áp dụng cho các đại lý vật tư nông nghiệp cấp 1 trong vụ đông xuân 2008-2009 rất cao. Với thuốc trừ sâu Bintox 3.8EC, chỉ cần lấy hàng ba thùng loại 100ml, 120ml, 235ml, trị giá 14,5 triệu đồng thì chủ đại lý cấp 1 sẽ được Công ty NP chi ngay hoa hồng 10% cộng với 120 điểm thưởng (1 điểm trị giá 10.000đ).
Còn riêng thuốc trừ rầy Apfara cứ lấy hai thùng trị giá khoảng 6 triệu đồng thì đại lý cấp 1 sẽ được hưởng hoa hồng 10% cộng với một vé du lịch trị giá 1,5 triệu đồng (không đi du lịch có thể lấy tiền mặt).
Tương tự, khi đại lý lấy đơn hàng gồm các loại như thuốc Hexavil 5SC, Fullcide 800WP, NP.Pheta, BreTilSuper 300ND… có tổng giá trị 398,5 triệu đồng sẽ được Công ty NP chi ngay 100 triệu đồng cộng với 500 USD tiền mặt hoa hồng. Ngoài ra đại lý còn được nhận thêm các loại quà khuyến mãi như năm thùng Apfara (trị giá 15 triệu đồng), mười thùng Replay (13,5 triệu), năm thùng Snailicide (21 triệu) và một vé đi du lịch Trung Quốc trong bảy ngày. Tính ra tổng giá trị hoa hồng cùng các quà khuyến mãi lên đến gần 170 triệu đồng, bằng 43% giá trị của lô hàng.
Không chỉ riêng NP, rất nhiều công ty phân phối vật tư nông nghiệp cũng đang có chương trình bán hàng với mức hoa hồng và khuyến mãi còn hấp dẫn hơn nữa. Ngay như anh T.K., chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, cũng phải thốt lên: “Không biết các công ty ấy lời bao nhiêu mà họ chi hoa hồng, khuyến mãi khủng khiếp thế. Mà tất cả những khoản hoa hồng, khuyến mãi ấy đều được tính vào giá thành của sản phẩm và người nông dân phải gánh hết!”.
Những khoản lời kếch sù
Do không ai quản lý giá thuốc nên mỗi khi vào các đợt dịch lớn như rầy nâu, vàng lá… giá các loại thuốc bị nhiều đại lý đẩy lên rất cao. Trong đợt dịch rầy nâu vừa xảy ra ở các tỉnh ĐBSCL, thuốc trừ rầy Chess loại 15g giá chỉ 26.000đ/gói, nhưng khi vào mùa diệt rầy giá đã bị đẩy lên tới 39.000đ/gói.
Anh Nguyễn Thiện Thuật, ngụ xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, than thở: “Giá đã cao như thế nhưng nhiều khi đi mua, nếu không quen thân, một số chủ cửa hàng còn buộc phải mua các loại thuốc khác kèm theo thì mới bán cho vài bịch Chess”.
Việc đẩy giá vật tư nông nghiệp lên quá cao đã khiến nhiều công ty, đại lý có được những khoản lợi nhuận kếch sù. Theo báo cáo tài chính của một công ty “đại gia” trong ngành thuốc bảo vệ thực vật năm 2007, lãi trước thuế đạt gần 200 tỉ đồng và năm 2008 tăng lên khoảng 300 tỉ đồng.
Anh N.M.K. chỉ là một chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tương đối nhỏ tại thị trấn Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nhưng kinh doanh trong một năm cũng bỏ túi tròm trèm 1 tỉ đồng tiền lời. Anh M.K. cho biết một năm doanh thu của cửa hàng đạt từ 6-7 tỉ đồng. “Mỗi vụ cửa hàng tôi lời 400-500 triệu đồng” - anh M.K. nói. Trong khi đó anh Nguyễn Thiện Thuật tính toán: nhà có năm công (1.000m2/công) ruộng cấy lúa. Nếu tính như vụ đông xuân này, lúa được giá thì anh Thuật chỉ có thể lời 6-7 triệu đồng/vụ, bằng 1,5% so với mức lời của anh M.K..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận