26/03/2009 07:07 GMT+7

Thủ tục lại hành... doanh nghiệp

LÊ NGUYÊN MINH
LÊ NGUYÊN MINH

TT - Một doanh nghiệp chuyên may mặc suýt phải sa thải hàng trăm công nhân chỉ vì cơ quan quản lý của Đồng Nai áp dụng cứng nhắc quy định về cấp phép bổ sung. Kiểu áp dụng cứng nhắc trên không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà còn diễn ra ở nhiều địa phương khác khiến Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH- ĐT) phải kiến nghị Chính phủ sửa quy định.

FDLknzRv.jpgPhóng to
Do chưa được bổ sung giấy phép may mũ, nón xuất khẩu, nên công nhân Công ty Two J Vina chỉ được may túi xách, balô - Ảnh: LÊ NGUYÊN MINH

Câu chuyện được biết đến khi ông Dean Park - phó chủ tịch Công ty Two J Vina - trong cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với cộng đồng doanh nghiệp vào cuối tuần trước phát biểu gần như kêu cứu: “Xin cấp giấy phép kịp thời để chúng tôi không phải sa thải thêm công nhân”.

Sẽ cứu cả trăm công nhân, nếu…

Không cần thiết

Một luật sư chuyên tư vấn cho hoạt động đầu tư nước ngoài cho rằng quy định đăng ký lại với một thời điểm cứng nhắc là không thật sự cần thiết. “Hoạt động kinh doanh là rất năng động. Khi thị trường có nhu cầu thì nhà đầu tư tức khắc sẽ nhảy vào lĩnh vực đó và sẽ đăng ký mở rộng hoạt động cái này, thu hẹp cái kia” - vị luật sư này nói.

Theo ông Dean Park, Công ty Two J Vina (Hàn Quốc) được cấp phép thành lập năm 2006 tại xã Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai, có chức năng may túi xách, balô để xuất khẩu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 công ty đã xin giấy phép bổ sung chức năng may mũ, nón xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng Đồng Nai giải quyết. “Nếu có được giấy phép này, không chỉ Two J Vina qua được cơn khó khăn mà hàng trăm công nhân sẽ không bị sa thải” - ông Dean Park bức xúc.

Khi chúng tôi tìm đến nhà máy, trong cái nóng hầm hập buổi trưa, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài bên máy may. Trong khu nhà xưởng có sức chứa trên 600 công nhân này, hiện hai dây chuyền may túi xách trống trơn, không một công nhân. Không còn là cảm nhận nữa mà thực tế cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã “càn quét” đến xã Suối Tre heo hút này.

Kể lại câu chuyện của mình, ông Dean Park cho hay công ty đã rất may mắn khi tìm được đối tác nhập khẩu mới ở Nhật Bản đặt mua các loại mũ, nón. Tuy nhiên, theo giấy phép cũ thì Two J Vina không có chức năng làm mũ, nón xuất khẩu nên tháng 9-2008 công ty đã làm đơn xin tăng vốn đầu tư mở rộng thêm chức năng này.

Nhưng thật trớ trêu, Sở KH-ĐT Đồng Nai không chấp nhận đơn và đề nghị chờ hướng dẫn của Bộ KH-ĐT. “Do thị trường túi xách suy giảm, hàng bán không được, chúng tôi đã dự định sa thải công nhân nhưng nhờ hợp đồng mới, hơn 100 công nhân sẽ được chuyển sang dây chuyền sản xuất mũ, nón nên chúng tôi phải nấn ná duy trì. Tuy nhiên, chờ đợi giấy phép lâu quá đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty, chưa kể phía đối tác dọa bỏ hợp đồng” - ông Dean Park lo âu.

Quy định không hợp thời

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-3, bà Bồ Ngọc Thu - giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai - xác nhận lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã đồng ý chủ trương cho Two J Vina được bổ sung chức năng may mũ, nón xuất khẩu. “Tỉnh vừa ký quyết định và công văn đang trên đường gửi tới doanh nghiệp” - bà Thu cho biết. Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-3, đại diện Công ty Two J Vina cho biết vẫn chưa nhận được quyết định bổ sung giấy phép.

Không cho rằng Sở KH-ĐT Đồng Nai làm khó doanh nghiệp, bà Bồ Ngọc Thu giải thích: “Theo nghị định 101 năm 2006, tất cả những nhà đầu tư được cấp giấy phép theo Luật đầu tư nước ngoài cũ đều phải đăng ký lại hoạt động. Nếu không đăng ký lại sẽ không được bổ sung chức năng mới. Two J Vina đã không đăng ký lại trước cuối tháng 6-2008 - thời điểm hết hạn đăng ký - nên việc xin bổ sung chức năng luật không cho phép”. Theo bà Thu, việc tỉnh Đồng Nai giải quyết cho Two J Vina được bổ sung chức năng là cách làm linh động để giúp doanh nghiệp, giúp người lao động trong lúc khó khăn chung.

Tuy nhiên, câu chuyện của Two J Vina không phải là duy nhất, trên thực tế nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương mà chúng tôi hỏi qua đều từng vướng quy định. Một số nhà đầu tư không muốn nêu tên cho biết đã mất cơ hội kinh doanh vì thời hạn đăng ký lại để mở rộng chức năng đã hết. Bà Bồ Ngọc Thu cho biết số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn (không tính trong khu công nghiệp) thực hiện việc đăng ký lại là rất thấp, chỉ trên 50%.

Tỉnh Bình Dương và TP.HCM cũng có tình trạng tương tự. Một cán bộ tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết theo thống kê không chính thức hồi cuối năm 2008, trong số hơn 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép thành lập trước năm 2007, chỉ có khoảng 500 công ty đăng ký lại!

Phó giám đốc một sở KH-ĐT phía Nam nhận định: “Một số nhà đầu tư không có nhu cầu bổ sung chức năng. Nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thích đăng ký lại hoạt động vì ngại thủ tục và sợ sẽ mất đi những ưu đãi mà giấy phép cũ họ đã có”. Theo ông Dean Park, do doanh nghiệp mải lo chuyện làm ăn nên không để ý đến thời điểm hết hạn. Mặt khác, thời điểm đó doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng thêm chức năng vì hoạt động xuất khẩu rất tốt.

Ông Phạm Mạnh Dũng, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH-ĐT, giải thích do trước đây phải hợp nhất các đạo luật lại thành một luật đầu tư chung nên mới có quy định về đăng ký lại cho thống nhất. Thực tế cho thấy nên để doanh nghiệp hoạt động bình thường, khi nào muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động thì đăng ký theo nhu cầu. “Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi cho phù hợp thực tế, tức là bỏ quy định này không áp dụng nữa” - ông Dũng nói.

Không chỉ là ý chí của lãnh đạo

Ngày 25-3, gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã có cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND thành phố. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận - tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ, vừa qua một số lãnh đạo sở ngành TP đã có nhiều động thái tích cực trong việc quan tâm, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính không thể chỉ thể hiện trên văn bản, giấy tờ hoặc ý chí của lãnh đạo là đủ, mà phải là cuộc cải cách toàn diện từ cấp lãnh đạo đến nhân viên bên dưới, vì họ mới chính là những người trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.

Bà Thuận dẫn chứng hiện hầu hết các sở ban ngành ở TP Cần Thơ đều có những website trên cổng thông tin điện tử TP. Và nhiều doanh nghiệp khi làm đúng theo hướng dẫn thủ tục trên website nhưng khi nộp lên các sở thì các nhân viên thừa hành lại từ chối vì cho rằng doanh nghiệp chưa thực hiện đủ bộ hồ sơ và chứng từ. Đến khi doanh nghiệp trưng ra các nội dung phổ biến có trên website và phản hồi thì họ lại nói là do website chưa được cập nhật. “Hệ quả của vấn đề trên làm cho doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, chi phí và làm giảm sự hài lòng về cách đối xử của nhân viên nhà nước” - bà Thuận bức xúc.

LÊ NGUYÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên