05/10/2008 19:02 GMT+7

Tập đoàn kinh tế: Ngón tay chưa cứng làm sao có quả đấm mạnh

Theo NGUYỄN NGỌC BÍCHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NGUYỄN NGỌC BÍCHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Quản lý cái gì? Giám sát cái chi? Câu hỏi này xin đặt cho tập đoàn kinh tế (TĐKT) khi mà bản dự thảo Nghị định (NĐ) về tổ chức và giám sát tập đoàn mới được đem ra thảo luận ngày 12-8 vừa qua. Bên soạn và bên bị điều chỉnh nói ngược nhau! Ở đây tôi xin nêu vài ý kiến và đề nghị về NĐ trên.

NExCqecC.jpgPhóng to
Đóng tàu chở dầu 104.000 tấn tại Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất - Ảnh: TTXVN
Quản lý cái gì? Giám sát cái chi? Câu hỏi này xin đặt cho tập đoàn kinh tế (TĐKT) khi mà bản dự thảo Nghị định (NĐ) về tổ chức và giám sát tập đoàn mới được đem ra thảo luận ngày 12-8 vừa qua. Bên soạn và bên bị điều chỉnh nói ngược nhau! Ở đây tôi xin nêu vài ý kiến và đề nghị về NĐ trên.

Quản lý mà không có công cụ

Gốc rễ của TĐKT là “từ một con thuyền lên mười con thuyền”. Vì vậy để quản lý tập đoàn, người ta phải quản lý hữu hiệu một công ty. Làm được một thì sẽ làm được mười. Giống như một đàn ngựa. Các con ngựa đều giống nhau; mỗi con phải có cương, miếng che mắt và yên ngồi. Đó là công cụ “quản lý” ngựa. Có các công cụ đó nài cưỡi có thể cho ngựa phi nước đại, hay nước kiệu. Ta có một con ngựa phi rồi và một đàn ngựa phi. Tha hồ chụp ảnh!

Một công ty hoạt động hữu hiệu thì nó phải được quản trị theo khoa học. Cách này giúp người chủ của một doanh nghiệp hay nhiều người của một công ty kiểm soát nó về ba mặt: (i) số tiền bỏ ra có sinh sôi nảy nở hàng năm như trông đợi hay không, (ii) doanh nghiệp có khả năng tạo ra mức đó không, và (iii) những con số được báo cáo có đúng không? Chủ nhân của các tập đoàn to lớn, giàu sụ, trên thế giới cũng chỉ làm cách ấy thôi.

Ba công cụ kia nằm ở trong quản trị khoa học. Một, về sự sinh sôi của tiền bạc, người chủ lập bản ngân sách. Bản này giúp họ kiểm soát chi phí và doanh thu của doanh nghiệp một cách tự động qua các báo cáo tài chính của giám đốc công ty, dựa trên công việc của bộ phận kế toán. Bản ngân sách kia có ngân sách điều hành (operational budget) và ngân sách đầu tư (capital budget).

Ở phần sau, chủ quyết định việc đầu tư trong năm tới, và kiểm tra xem công ty có làm đúng với quyết định của mình không. Có bản ngân sách, người chủ sẽ buộc tổng giám đốc báo cáo kết quả từng ba tháng, sáu tháng. Chủ kiểm soát sự sinh sôi của đồng vốn chứ không phải công việc của giám đốc. Như thế là quản lý chặt mà vẫn phát huy quyền chủ động của cơ sở. Các DNNN có lập bản ngân sách chưa? Nếu công cụ không có lấy gì quản lý?

Dành tiền sẵn để đầu tư là một việc, rút tiền ra thì phải qua các thủ tục nhất định và chủ kiểm soát việc tuân thủ các thủ tục này. Vậy công ty phải lập ra từng thủ tục cho mọi giao dịch. Đấy là công cụ thứ hai. Cách làm là sắp xếp tổ chức cơ sở hợp lý, định ra các thể thức giao dịch giữa các bộ phận để họ làm xong việc. Thủ tục chưa đủ, phải ấn định các nhân sự đủ khả năng để thực hiện và khi làm họ phải theo một phong thái chung. Văn hóa công ty nằm ở đấy. Quản trị khoa học gọi công cụ này là cẩm nang điều hành các loại.

Dựa trên cẩm nang, người chủ - theo định kỳ - cử nhân viên đi kiểm soát việc áp dụng các thủ tục: các đơn vị có làm đúng không, kể cả giám đốc khi ra lệnh xuất tiền để đầu tư vào một dự án nào đó. Làm như thế thì làm gì có vụ Công ty Mía La Ngà! Đó là việc kiểm soát nội bộ, sở dĩ làm được là vì có cẩm nang làm cơ sở. Việc ấy được làm thường xuyên, không chờ đến khi có ai làm sai khiến gây thiệt hại cho công ty. Cứ kiểm tra, ai làm không đúng là bị chế tài. Kiểm soát nội bộ để ngăn ngừa, chứ không phải trừng trị. Như thế, chủ không can thiệp vào công việc mà chỉ vào cách thức thực hiện nó. Giám đốc quyết định thời điểm đầu tư; chủ kiểm soát ở bộ phận kế toán, nên giám đốc không bị bó tay. Vẫn chặt mà vẫn thoáng!

Khi đã có thủ tục mà thấy mọi người áp dụng đúng thì chủ biết công ty có khả năng đạt được kế hoạch. Nếu thấy nhân viên làm khác nhiều thì phải hỏi tại sao để chỉnh lại thủ tục cho phù hợp với người áp dụng.

Về sự chính xác của con số báo cáo. Việc này do kiểm toán bên ngoài công ty làm. Về nội dung và ý nghĩa của kiểm toán chúng ta đã biết nhiều. Đó là công cụ thứ ba.

Quyền của sở hữu chủ trên thực tế được thực hiện bằng ba công cụ này. Và đó là quyền của họ; một vấn đề mà NĐ rất quan tâm.

Đề nghị về quản lý và giám sát

Công cụ quản lý là quyền hành thực tế của chủ sở hữu. Dự thảo nghị định có nhắc lại các quyền này và chiếu vào Luật Doanh nghiệp. Nhìn với một con mắt thực tế, ba công cụ kia mà đặt vào tay ai thì người ấy sẽ là người chủ theo luật hoặc theo thực tế (có bỏ tiền hay không). Nói về quyền của chủ sở hữu ta phân biệt hai việc (i) bỏ vốn để lập cơ sở, và (ii) sử dụng công cụ. Về việc đầu, đối với tập đoàn kinh tế, vốn của họ lấy từ ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính nắm giữ và phát ra, theo lệnh của Thủ tướng hay bất cứ ai được ủy quyền. Tính chất công việc của hai người này không có gì khác nhau. Vậy vấn đề sẽ là việc sử dụng công cụ.

Ai muốn sử dụng các công cụ đã nêu phải (i) am tường ngành nghề của mỗi tập đoàn nhất định (hàng hải khác hàng không, than khác với điện, hàng may mặc khác hàng điện tử) và (ii) có đủ thời giờ để kiểm tra các báo cáo và ra quyết định đúng.

Xem như thế, có nhiều cơ quan quy định trong dự thảo nghị định này không có đủ hai điều kiện kia, thậm chí cả Tổng công ty kinh doanh và đầu tư vốn (SCIC) hiện nay, hay một cơ quan nào bao trùm các tập đoàn kinh tế sau này. Và trên căn bản sử dụng công cụ quản lý, thì bộ chủ quản của các tập đoàn hiện nay làm chủ sở hữu là thích hợp nhất. Hiện nay, các bộ ấy đang mất quyền này về cho SCIC là vì họ không có công cụ quản lý, giống như đẻ con mà không dạy. Khi bộ chủ quản làm chủ sở hữu, thì việc lập công ty mẹ trong TĐKT sẽ qua hai giai đoạn: thành lập và quản lý.

Trong giai đoạn thành lập, bộ chủ quản sẽ giải trình sự cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có cần không trong quy hoạch cả nước, Bộ Tài chính xem có tiền không, Bộ Nội vụ xem có người không. Dựa theo các đề nghị trên Thủ tướng quyết định thành lập hay không và giao cho bộ chủ quản làm chủ sở hữu số vốn được cấp. Vậy là có chủ sở hữu rõ ràng.

Ở giai đoạn quản lý, bộ chủ quản sẽ sử dụng các công cụ để kiểm soát, đánh giá, và quyết định đối với công ty mẹ. Công ty này cũng sử dụng công cụ ấy để quản lý các công ty con mà nó bỏ vốn. Công ty mẹ trở thành chủ sở hữu của các công ty con. Nó cử người ủy quyền của mình vào các hội đồng tối cao của các công ty con và quyết định theo số vốn nắm giữ. Những người được ủy quyền đều xuất phát từ công ty mẹ nên sẽ phối hợp được hoạt động của các công ty con theo đúng chiến lược của tập đoàn. Các công ty con liên kết trong hoạt động với nhau qua các hợp đồng để tăng sức mạnh của mình.

Chủ sở hữu có cần ngồi trong hội đồng tối cao của công ty mẹ không? Tùy tình hình nhân sự, nhưng không cần, vì đã có công cụ quản lý. Nếu không ngồi thì khi ấy chủ tịch và tổng giám đốc của công ty mẹ là người làm thuê (như từ trước đến nay) và họ bị buộc phải tự mình sử dụng kết quả do các công cụ quản lý mang lại cho công việc của mình và báo cáo cho bộ chủ quản.

Về giám sát, các công ty khi hoạt động thì đã có các cơ quan giám sát rồi. Thí dụ, chở hàng đi đường có Quản lý thị trường, về chất lượng hàng có Tiêu chuẩn đo lường, thuế có cơ quan Thuế, lao động có cơ quan Lao động… Chủ sở hữu không cần phải giám sát nữa. Vậy chủ sở hữu chỉ quản lý.

Chúng ta lập tập đoàn mà không biết rõ tình trạng quản trị của mỗi công ty con. Từng ngón tay chưa cứng mà đã muốn có một quả đấm mạnh! Đáng lẽ phải đi từ một lên mười, thì chúng ta xem mô hình tập đoàn nước ngoài trong tình trạng trưởng thành của chúng và quy mười cái yếu ớt của ta vào một. Đề nghị trên chỉ khả thi khi các công ty mẹ và con được quản lý theo quản trị khoa học. Chắc là còn lâu, nhưng gốc rễ của vấn đề quản lý và giám sát tập đoàn kinh tế nằm ở đó. Đó là sự thật. Không thể bóp dầu cho nắm tay, mà phải từng ngón tay trước đã.

Vài nét về các tập đoàn kinh tế Việt Nam

Tính đến nay, Việt Nam có tám tập đoàn kinh tế nhà nước gồm: Bưu chính - Viễn thông (VNPT), Than - Khoáng sản (Vinacomin), Dầu khí (PetroVietnam), Điện lực (EVN), Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Dệt May (Vinatex), Cao su (VRG) và Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt). Ngoài ra, cả nước còn có 96 tổng công ty và công ty Nhà nước có quy mô lớn, tổ chức hoạt động theo hình thức công ty mẹ con.

Về vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính, tám tập đoàn kinh tế cùng với 96 tổng công ty, công ty lớn của Nhà nước sở hữu gần 400.000 tỉ đồng, chiếm hầu hết vốn của Nhà nước có tại các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù hiện nay các tập đoàn và tổng công ty đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia, khoảng 60% tổng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước.

Gần đây dư luận đã dấy lên những lo ngại về tình trạng đầu tư ra ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế. Những số liệu liên quan đến vấn đề này đã được các cơ quan quản lý nhà nước công bố, song lại không có sự thống nhất. Tại một hội nghị hồi tháng 4-2008 ở Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2007, tổng giá trị đầu tư ra ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính của 70 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là gần 117.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản là hơn 23.400 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, khi công bố số liệu sáu tháng đầu năm 2008, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp lại cho biết tổng số tiền đầu tư vào ba lĩnh vực nói trên của các doanh nghiệp này là 7.370 tỉ đồng, nhỏ hơn ba lần con số mà Bộ Tài chính công bố trước đó.

Điều đáng quan tâm là hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể tập đoàn kinh tế hoạt động ra sao, quy mô thế nào, trong khi hoạt động các tập đoàn trải rộng trên nhiều lĩnh vực, cả thuận tay lẫn trái tay. Thực ra, điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2005, có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, có quy định liên quan đến tập đoàn kinh tế như sau: ”Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Chính phủ quy định, hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế”. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa thực hiện được yêu cầu mà Quốc hội đã giao cho.

Q.N.

Theo NGUYỄN NGỌC BÍCHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên