Phóng to |
"Một trăm đồng tiền in ra mà có 5 đồng tiền hỏng thì coi như là đạt yêu cầu" - Ảnh: N.C.T. |
* Thưa Thống đốc, trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước có nêu lên nhược điểm khi lựa chọn tiền polymer để thay thế tiền cotton là “nguồn vật liệu hiện chỉ có một công ty sản xuất nên dễ dẫn tới độc quyền về giá”. Vậy chúng ta đã có những quy định ràng buộc về giá cả trong dài hạn với bên cung cấp chưa?
- Khi chúng tôi đàm phán với đối tác, hai bên ký hợp đồng, công ty cung cấp vật liệu cam kết cung cấp ổn định số lượng đủ để VN sản xuất 5 tỷ hình theo giá được thỏa thuận.
Theo đánh giá của chúng tôi, nếu dẫn đến ép giá thì chỉ về sau này. Chúng tôi cũng đã có phương án, thứ nhất là đã đàm phán và thỏa thuận như trên trong hợp đồng; thứ hai là 5 tỷ hình là đủ để cho lưu thông một đời đồng tiền. Và nếu bị ép, chẳng hạn chúng ta không thể mua được vật liệu polymer theo giá hợp lý nữa thì chúng ta hoàn toàn có khả năng chuyển sang sản xuất tiền cotton mà không hề phải thay đổi bất kỳ dây chuyền công nghệ nào, tay nghề thì có sẵn, thiết bị đã có sẵn, đã từng in ấn được.
Chúng tôi đã có phương án dự phòng và đã có báo cáo cụ thể.
* Tại sao chúng ta lại lựa chọn đồng tiền polymer trong khi nhiều nước tiên tiến khác lại không chọn?
- Ngay theo đánh giá của Sở Mật vụ Mỹ và Cơ quan An ninh tiền tệ châu Âu thì đồng tiền polymer có khả năng chống giả cao hơn đồng tiền cotton gấp 10 lần.
Việc chuyển sang đồng tiền nào thì còn tùy mỗi nước. Mỹ, Canada, Anh… có một nền công nghiệp giấy in tiền lâu đời và bản thân họ cũng đang cố gắng cải tiến chất lượng giấy cotton sao cho có khả năng chống giả cao hơn. Trong khi chúng ta đang chờ họ cải tiến thì đã có một chất liệu mới mà tính chống giả cao hơn đã được xác minh, vậy thì tại sao chúng ta lại không lựa chọn?
Chúng ta không phải là nước đi đầu trong số 20 nước đang sử dụng đồng tiền polymer, cũng không phải là một trong 4 nước sử dụng hoàn toàn tiền polymer ở tất cả các mệnh giá. Tất cả những vấn đề này đều được bày lên bàn, được cân nhắc và đã được phê duyệt trong đề án, nên chúng tôi mới làm.
* Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chưa thấy đề cập đến một số trường hợp tiền polymer in lộ chân, có những đường kẻ ca rô bất thường… Thống đốc có thể nói thêm về những trường hợp này?
- Tôi cũng không thể điểm hết một số đồng tiền bị lỗi. Và tôi tin rằng tới đây chắc các bạn cũng còn có thể phát hiện những đồng tiền bị lỗi khác vì nhiều đồng tiền đã đưa vào lưu thông, và như tôi nói, lẽ ra những sản phẩm được đề cập ở trên là sản phẩm hỏng phải loại ra, mà tỷ lệ hỏng này cho phép là 5%. Một trăm đồng tiền in ra mà có 5 đồng tiền hỏng thì coi như là đạt yêu cầu.
Những đồng tiền bị lỗi không phải do công nghệ kém, mà chủ yếu là khâu quy trình kiểm tra chất lượng kiểm tra sản phẩm trước khi đưa vào lưu thông có sơ suất. Chúng tôi đang kiểm điểm và cố gắng khắc phục.
* Xin Thống đốc nói rõ hơn về vai trò của Công ty BankTech mà con trai ông đang làm việc trong kế hoạch sản xuất tiền polymer trong thời gian qua?
- Bây giờ hãy để cho cơ quan kiểm tra xác minh. Tôi đã từng trả lời, khẳng định trước Quốc hội rồi. Và vào giờ phút này cũng có thể nói rằng công ty đó không phải là trung gian môi giới về in đúc tiền, không phải là trung gian nhập vật tư máy móc, mực in tiền… Tất cả đều được giao dịch với các hãng cung cấp. Công ty đó cũng không phải là đại diện thương mại của những hãng đó.
Tôi đã yêu cầu nhà máy in tiền cung cấp cho tôi những thông tin, những gì mà công ty đã làm với nhà máy. Theo báo cáo đến giờ phút này thì công ty đã ký với nhà máy những hợp đồng cung một số loại vật tư hóa chất thông thường, theo nguyên tắc đấu thầu. Từ năm 2003 mới bắt đầu ký được hợp đồng đầu tiên, cho đến nay tổng số giá trị hợp đồng ký được là 653 triệu đồng VN.
Còn chi phí in đúc tiền của chúng tôi trong hai năm gần đây thì bình quân mỗi năm xấp xỉ khoảng 600 tỷ đồng. Còn con tôi tham gia hay không, tham gia như thế nào thì còn có những vấn đề khác thuộc về trách nhiệm của cơ quan chủ quản của con tôi nữa, nên để cho thanh tra liên ngành xác minh làm rõ và báo cáo với cơ quan có trách nhiệm.
Về tỷ lệ 5% đồng tiền bị lỗi, ông Nguyễn Văn Toản, Phó cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) nói thêm: Đó là tỷ lệ cho phép trong chuyển giao công nghệ, trong sản xuất chứ không phải tỷ lệ tiền bị lỗi trong lưu thông. Về hiện tượng “tiền polymer giòn như bánh tráng”, Thống đốc khẳng định là không đúng sự thật. “Độ bền xé của giấy nền polymer đã được kiểm nghiệm cả trên thiết bị thí nghiệm lẫn thực tế. Các đồng tiền polymer còn nguyên vẹn, không bị rách mép, không bị tác động của hóa chất làm hỏng chất liệu giấy nền, thì không thể bị rách, vỡ khi vò, cuộn”, Thống đốc nói khi chính tay ông làm thử nghiệm khá mạnh với đồng tiền bị phản ánh là “giòn như bánh tráng” này. Về đồng tiền có những đường kẻ ca rô khá lạ như vở học sinh, ông Nguyễn Văn Toản giải thích với chúng tôi rằng có thể là do đồng tiền bị gập dính vào nhau, do tác động từ hóa chất và tạo nên những đường kẻ hằn lên mặt tiền. Ông Toản cho biết trước đây cũng đã có một trường hợp tương tự xảy ra. Về một đồng tiền polymer mệnh giá 500.000 đồng bị in thiếu hoa văn (chi tiết mực đổi màu), sau khi kiểm tra hiện vật cụ thể, Nhà máy in tiền Quốc gia đã khẳng định là do lỗi trong quá trình in ấn. Và đây không phải là lỗi hệ thống hoặc công nghệ, mà là mang tính cá biệt. Nhà máy sẽ xử lý nghiêm những người liên quan trong kiểm tra chất lượng sản phẩm của nhà máy. Về thực trạng tiền giả hiện nay, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết là đã giảm đáng kể. Nếu từ năm 2000 đến năm 2004, lượng tiền giả thu giữ được luôn gia tăng, thì tiền giả thu giữ trong năm 2005 đã giảm 22,48% so với năm 2004; 8 tháng đầu năm 2006 giảm tới 71,21% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó tiền giả tiền polymer chiếm 15%. Tỷ lệ tiền giả tiền polymer trên 1 triệu tờ tiền trong lưu thông năm 2005 là 0,1 tờ đối với mệnh giá 500.000 đồng; 4,2 tờ đối với loại 100.000 đồng; 2,94 tờ đối với loại 50.000 đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận