01/10/2006 13:07 GMT+7

Công ty... nước mía

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TTCT - Một tiến sĩ và một thạc sĩ vừa du học về lại đi mở quán bán nước mía và quyết tâm biến nó thành một công ty.

rlAORqSQ.jpgPhóng to
TTCT - Một tiến sĩ và một thạc sĩ vừa du học về lại đi mở quán bán nước mía và quyết tâm biến nó thành một công ty.

Tôi tìm đến số 54 Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM). Đó là một cái quán khá sang trọng có treo tấm bảng “Nước mía siêu sạch”! Bên trong, một dãy ghế cao được bày sẵn để khách ngồi, đối diện là cái quầy lớn bằng kính trong suốt.

Trên quầy, một hàng chai lọ kiểu dáng thon thả chứa đủ màu xanh đỏ tím vàng của những tinh chất trái cây như: chanh, lựu, tắc, đào, dâu... Cạnh đó là một hàng ly giấy in màu sắc trang nhã để chồng lên nhau gọn gàng, ngăn nắp. Nổi bật hơn cả là cái máy ép mía bằng inox sáng trưng.

Công nghệ dân dã

Tùy theo ý thích, khách có thể lựa chọn hương vị mía chanh, dâu hay bạc hà... Cô bán hàng sẽ cho vào ly nước mía vài giọt thơm tho... Giá một ly 7.000đ. Tôi để ý thấy người vào uống khá đông nhưng thường là mua về. Một cậu học trò mua một lần bốn ly xách trên cái bọc lớn. Tôi nhấp thử một ngụm. Quả là ngọt mát, hương bạc hà the the. So với nước mía ở lề đường, vị ngọt chẳng khác nhau, nhưng ở đây có thêm mùi hương trái cây là lạ. Điều đặc biệt là tôi có cảm giác yên tâm hơn lúc uống nước mía lề đường vì nhiều lẽ: ly sạch, nước đá sạch, mía sạch và nhất là không phải nhìn cảnh ruồi bu đầy xác mía bỏ đống trong giỏ cần xé.

Hỏi cô phục vụ xinh như mộng mới biết đây là cửa hàng do hai ông chủ vừa tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài về mở. Ông chủ Trần Công Sở với tám năm tu nghiệp ở Nhật, ra trường với tấm bằng tiến sĩ công nghệ thông tin; còn Nguyễn Hoàng Hải chỉ “kém” một chút - thạc sĩ công nghệ thông tin từ Úc trở về.

Những năm làm việc, học tập ở nước ngoài, hai người đã “nhiễm” dần thói quen, tác phong, suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề một cách hoàn toàn độc lập. Cộng với bản tính thích phiêu lưu mạo hiểm pha chút lãng tử, Hải - Sở lúc nào cũng có những ý nghĩ táo bạo trong định hướng công việc như tự lập riêng cho mình một “cơ ngơi” với nguồn vốn tích lũy: kiến thức. Hải cho biết: “Hồi còn ở Úc, tôi đã đánh liều mở công ty riêng làm ăn trên mạng Internet rồi. Nó chưa thành cái gì nhưng tôi cũng thu được kha khá vốn liếng về kinh nghiệm”.

Trả lời câu hỏi “vì sao với tấm bằng tốt nghiệp danh giá như thế mà hai bạn không nhận lời làm việc cho một công ty hoặc cơ quan tầm cỡ nào của Nhà nước?”, Hải cười hồn nhiên: “Chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ làm việc cho cơ quan nào cả, đơn giản bởi vì chúng tôi muốn tự lập, không bị ràng buộc. Mặt khác, chúng tôi nghĩ công nghệ thông tin ở VN đang là thị trường lớn và mới mẻ, lo gì không có nhiều “đất để dụng võ”.

Vốn là bạn học của nhau từ những năm lớp 6, Hải - Sở vô cùng thích thú khi đi lang thang trên vỉa hè hoặc tìm về vùng ngoại ô để thở không khí dân dã miền quê Hà Nội thời xa xưa. Đôi bạn lúc thấy phố xá hiện đại quá mà tiếc nuối những món ăn thức uống vỉa hè ngày xưa như xôi gói lá sen, bánh bèo bọc lá chuối, nước mía, nước vối... nay đã vắng bóng trên phố phường. Và cũng chính nhịp sống đô thị đã làm cho hè phố trở nên bụi bặm, và người sành ăn có xu hướng trốn bụi bằng cách thu mình vào trong nhà hàng, cửa hiệu. Từ thực tế này, Hải - Sở nảy ra ý tưởng: xây cái dân dã len vào đời sống đô thị lên thành một... công ty.

Nước mía chuyên nghiệp

2s4JftQZ.jpgPhóng to
Trong một lần uống nước mía vỉa hè, Hải bỗng nói với Sở: “Sao mình không làm nước mía nhỉ? Nó vừa bình dân lại rẻ tiền, nguyên liệu dồi dào mà đông người ưa chuộng và đây cũng là thức uống độc đáo của người VN”. Thế là hai người hăm hở bắt tay nhau ra nghề... bán nước mía.

Với tiêu chí “sạch”, Hải - Sở lên mạng Internet truy tìm chiếc máy ép nước hiện đại và tiện lợi nhất. Hai anh tìm được địa chỉ của một công ty ở Mỹ có bán một loại máy như ý muốn: gọn nhẹ, đặc biệt là có thể tháo lắp đến từng con ốc vít để tiện rửa ráy vệ sinh. Hải nói: “Thú thật nhìn cái trục ép nước mía ở VN mình... ớn quá. Đành rằng người bán đã rửa sạch, nhưng những cái khía của trục quay khó lòng tẩy hết chất bã bám vào”. Hai anh còn phát hiện chi tiết thú vị: ở nước ngoài người ta cũng thích uống nước mía, tất nhiên là trong cửa hiệu đàng hoàng.

Các qui trình khép kín từ khâu vận chuyển nguyên liệu, cắt gọt mía, cạo rửa cho tới lúc ép nước, cho vào ly... đều “lập trình” một cách chi tiết với nguyên tắc tất cả đều phải đảm bảo tiêu chuẩn “sạch”. Chỉ riêng khâu sản xuất ly giấy “siêu sạch”, hai anh đã phải tìm hiểu hàng tháng trời mới chọn được đối tác cung cấp và buộc họ phải thuê chuyên gia thiết kế mẫu mã tạo những hình ảnh, màu sắc hài hòa, tạo cảm giác êm dịu cho người dùng khi đưa ly lên miệng.

Tháng 3-2006, cửa hàng “nước mía siêu sạch” đầu tiên của Hải - Sở ra đời ở phố Phương Mai (Hà Nội). Và ngay lập tức nó đã nhận được sự tiếp đón khá nồng hậu của khách hàng. Một tháng sau đó, Hải - Sở đưa nước mía lên các con phố “đỏng đảnh” nhất của giới sành ẩm thực Hà thành. Đến tháng 6-2006, “công nghệ nước mía” bắt đầu “tiến về Sài Gòn” với gần chục cửa hàng ở những con đường sầm uất Trần Quang Khải, Lý Chính Thắng, Nguyễn Tri Phương, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ..., đưa tổng số cửa hàng lên con số 20.

Hiện nay hai anh đang tuyển dụng thêm nhân viên để cho đi tập huấn rồi bung ra phục vụ tại các điểm mới mở. Hải bộc bạch: “Chúng tôi đeo đuổi ý tưởng xây dựng một chuỗi hệ thống cửa hàng nước mía trên toàn quốc. Và biết đâu nó sẽ vươn dài ra khắp thế giới trong tương lai không xa, bởi đây là loại thức uống bình dân và thông dụng cho tất cả mọi người trên hành tinh này”.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên