Phóng to |
...........................................
Vào những năm chiến tranh chống Mỹ, ở Bộ Quốc Phòng, tướng Phùng Thế Tài là nhân vật có nhiều giai thoại lý thú trong đời binh nghiệp: từ một vệ sĩ vinh thăng lên cấp Thượng tướng - Phó Tổng tham mưu trưởng. Mỗi khi đám sĩ quan trẻ chúng tôi đàm đạo chuyện các tướng lĩnh ở Tổng hành dinh, thường nhớ đến tướng Tài vì hay được nghe ông kể những mẩu chuyện về Bác Hồ.
Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, để trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước, đầu Xuân Tân Tỵ - 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Côn Minh - Vân Nam (Trung Quốc) về đến Cao Bằng, và đặt "bản doanh" tại hang Pácpó. Đảng giao cho Phùng Hữu Tài bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Bác tại đây với điều kiện hết sức bí mật và hoàn cảnh vô cùng kham khổ. Ngày qua ngày Bác cháu ở trong hang giá lạnh, sống đạm bạc với cháo bẹ măng rừng.
Khi hồi niệm những bài học sâu sắc về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tướng Tài nhớ lại khá chi tiết:
- Vào một buổi sớm tinh mơ mùa thu năm 1941, khi trong hang còn lờ mờ chưa sáng, mình vừa vùng dậy nhìn sang chỗ Bác nằm - sạp tre trên phiến đá, không thấy Bác đâu cả. Lo quá, vội nhảy bổ ra ngoài bờ suối, thì thấy Bác đang loay hoay cố sức vần một cái chum lớn của đồng bào hứng lấy nước mưa bị đổ nghiêng từ lúc nào. Mình vui mừng, nhưng lại thắc mắc nên hỏi "Bác vần cái chum ấy làm gì, Bác vừa ốm dậy, người đang gầy yếu, Bác để cháu vần cho".
Nghe thế, Bác nhìn mình vừa cười hồn hậu, vừa ôn tồn bảo: Chú Tài này, đồng bào biết bác cháu ta đang ở đây và rất ủng hộ mình, vậy ta đừng để bà con hiểu nhầm rằng việc nhỏ như một cái chum nước của đồng bào bị đổ nghiêng trước cửa nhà mình mà ta không dựng lên được, thì Đảng nói làm việc lớn như đánh Tây, đuổi Nhật ai tin! Làm cách mạng để giành chính quyền đem lại độc lập cho dân tộc, xây dựng đất nước là một việc lớn, nhưng cũng phải biết làm việc nhỏ.
Sự việc này và lời dạy ân cần sâu sắc của Bác đã gieo vào tâm hồn mình một ý tưởng lớn của Người từ thuở ấy không thể nào quên. Qua đó mình tự rút ra một điều - để làm việc lớn, phải biết làm từ việc nhỏ đem lại lợi ích cho dân. Bác thường dặn: Việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh.
Rồi một chuyện khác về tập rèn luyện trí tuệ đối với người chỉ huy, tướng Tài kể:
- Hôm ấy là buổi chiều cuối năm 1941, khi những tia nắng ấm còn đọng lại trên sườn núi, hai Bác cháu đang lom khom trồng mấy luống môn trên mép suối bên cạnh hang Pacpó, bỗng Bác quay lại bảo mình: Này chú Tài, để thư giãn, chú thử đối lại câu đối này nhé: "Trồng môm trước cửa", đối đi! Mình lúng túng một thoáng.... rồi cũng vừa kịp nghĩ ra, thưa Bác xin đối lại: "Bắt ốc sau nhà". Nghe vậy, Bác cười vui và gật đầu bảo: Thế là chú Tài nhanh trí và đối được đấy. Môn cũng là cửa - chú đối lại Ốc cũng là nhà, đúng thế.
Nhân thể Bác nói luôn: cách mạng nhất định sẽ lớn mạnh và quân đội cách mạng rồi cũng sẽ ra đời và phát triển để bảo vệ Tổ quốc. Đến lúc ấy biết đâu chú sẽ được tổ chức cử làm tướng để tham gia chỉ huy quân đội ta. Phàm là làm tướng thì trí tuệ phải thông làu, minh mẫn, nhạy bén, linh hoạt, để ứng phó mau lẹ với mọi tình huống. Cho nên làm tướng cũng phải học từ việc nhỏ qua thực tế.
Đúng như dự đoán của Bác Hồ, đội quân giải phóng đầu tiên của cách mạng ra đời tháng 12-1944, ba năm sau, Bác đã cho Phùng Hữu Tài gia nhập Giải phóng quân và được cử làm Tiểu đội trưởng. Sau đó ông được giao nhiệm vụ chuyển sang làm cán bộ quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Thất Khê - Cao Bằng tháng 8 - 1945.
Suốt 45 năm kể từ ngày đó, cả cuộc đời ông gắn bó với quân ngũ, được giao nhiều trọng trách, chỉ huy nhiều đơn vị quân đội. Năm 1967, khi đang là Đại tá Tư lệnh hai quân chủng Phòng không - Không quân, ông được nhà nước bổ nhiệm chức Phó Tổng tham mưu trưởng đồng thời điều động về công tác ở Bộ Quốc phòng. Sau năm 1975 ông được vinh thăng đến cấp Thượng tướng và nghỉ hưu năm 1990.
Qua những chuyện kể thú vị của ông, chúng tôi có chút "thắc mắc" là vì sao Bác Hồ đã đặt tên cho ông là Phùng Hữu Tài từ thời kỳ bí mật ở Trung Quốc, mà khi về Bộ tên ông là Phùng Thế Tài! Điều này được ông vui vẻ tiết lộ: Hồi đó Bác Hồ đặt tên Hữu Tài cho mình là có ý của Bác, nhưng mình nghe người ta bảo gọi Hữu Tài dễ sinh ra kiêu căng tự phụ, thiếu khiêm tốn, nên cuối năm 1952, mình xin Bác cho đổi lại là Phùng Thế Tài và Bác đã đồng ý.
Kể xong chuyện, ông lại cười khà thanh thản với khuôn mặt hồng hào, vầng trán cao phúc hậu...
Mời tham dự cuộc thi viết về Bác Mời bạn đọc tham gia viết bài cho hai chuyên mục “Hoạt động theo gương Bác” và “Bác Hồ trong tôi” trên trang Theo gương Bác của Tuổi Trẻ Online. Những kỷ niệm, ấn tượng về Bác Hồ, về tên gọi Hồ Chí Minh luôn sâu đậm trong lòng mỗi người Việt Nam, dù già hay trẻ, đã sống trong chiến tranh, trong công cuộc giữ và dựng nước hay sinh ra sau hòa bình. Những hoạt động đưa những lời dạy, tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào đời sống xã hội, vào từng cá nhân đang diễn ra trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể... Các bạn hãy gửi đến cho chúng tôi, để cùng "nhớ Bác, lòng ta trong sáng hơn". Bài viết không quá 1200 chữ (font tiếng Việt, có dấu), gửi về Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, p.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, email: theoguongbac@tuoitre.com.vn), sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online. Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút. Mỗi tháng, ban biên tập báo Tuổi Trẻ TP.HCM sẽ chọn 2 tác phẩm hay nhất của mỗi chuyên mục để trao thưởng. Mỗi giải thưởng trị giá 1.000.000đ. Kính mời bạn đọc tham gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận