08/09/2010 12:53 GMT+7

Viết văn để kể một câu chuyện và đánh thức đời sống

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - Rất nhiều câu hỏi hay đã gửi đến các tác giả đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 (do báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP tổ chức) TP.HCM trong buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Câu chuyện văn chương" trên Tuổi Trẻ Online sáng nay, 8-9.

1kjFNtVs.jpgPhóng to

Các khách mời đang trả lời câu hỏi bạn đọc tại tòa soạn Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Thanh Đạm

Khánh mời giao lưu gồm các tác giả Trương Anh Quốc - giải nhất; Võ Diệu Thanh - giải nhì; Hải Miên - giải ba, Mai Anh Tuấn - giải ba, Nguyễn Thiên Ngân - giải tư.

5 bạn đọc sau đây có câu hỏi thú vị được NXB trẻ TP.HCM tặng 5 bộ sách của các tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 4:1. Nguyễn Hoài Sâm2. Trần An Đình3. Lương, 30 tuổi (luongst@...)4. Nguyễn Quỳnh Như5. Quốc TuấnCác bạn đọc có tên trong danh sách vui lòng email về tto@tuoitre.com.vn đến hết ngày 12-9-2010, xác nhận tên, địa chỉ, số CMND để ban tổ chức thuận tiện trong việc gửi tặng sách.

.......................................................................................................................................

NỘI DUNG GIAO LƯU:

* Cho tôi hỏi tất cả các tác giả: việc đặt tên cho nhân vật trong tác phẩm của các anh chị là ngẫu nhiên hay là đặt một cách có chủ ý. Tôi thấy nhiều khi tên của nhân vật còn được nhớ hơn cả tên của tác phẩm.

Tôi thấy trong tập Visa của chị Hải Miên có hai truyện, nhân vật của chị đều tên Lim - một cái tên rất ấn tượng đối với tôi? Chị Hải Miên có thể lý giải vì sao chị thích đặt tên nhân vật của mình là Lim không? (Trương Quang Hương, 30 tuổi, truongquanghuonghatinh@....)

- Nhà văn Hải Miên: Cảm ơn anh Hương đã đọc tác phẩm của tôi.

Về tên của nhân vật, với tôi chưa khi nào là sự ngẫu nhiên. Có những truyện tên nhân vật đến ngay, có truyện phải nghĩ, thay thế, nghĩ, thay thế... như vậy nhiều lần. Chỉ khi tên nhân vật hiện ra và mình thấy "Đây rồi, đúng tên anh ta/cô ta đây rồi" thì mình mới có thể bắt tay vào viết (còn không sẽ loay hoay mãi).

Về có đến hai nhân vật của tôi tên Lim vì tôi thích cái tên này, nó lại hoàn toàn phù hợp với nhân vật. Lim... Lim... chỉ đọc bằng mắt thôi, nghe nó vang lên trong trí tưởng thôi, đã thấy hay rồi. Lim, cái tên ấy sâu, bền, rắn rỏi, có sức gợi. Thế đấy anh ạ.

- Trương Anh Quốc: Tôi thường lấy tên nhân vật có chủ đích. Tôi nghĩ tên nhân vật một phần đã tải tính cách, một phần nội dung mà tác giả muốn gửi gắm.

- Võ Diệu Thanh: Tôi đặt tên cho nhân vật trong tác phẩm vừa ngẫu nhiên vừa có chủ ý. Thường thì những cái tên này đều có xung quanh tôi. Khi tôi xây dựng xong tính cách một nhân vật, tôi đi tìm những cái tên tôi cho là phù hợp với nội tâm nhân vật để người đọc dễ hình dung nhân vật đó.

Chuyện tên nhân vật được nhớ hơn tên tác phẩm cũng là bình thường vì nội dung câu chuyện bộc lộ rõ tính cách của nhân vật, làm cho người đọc ấn tượng về nhân vật, còn tên tác phẩm có khi là thông điệp được ẩn ý trong truyện, nên người đọc dễ lãng quên.

- Mai Anh Tuấn: Tôi sẽ trả lời câu hỏi này theo hai ý

+ Việc đặt tên cho nhân vật là việc làm quan trọng, kỹ lưỡng của nhiều nhà văn. Tên nhân vật trở thành một yếu tố cấu thành nên tác phẩm. Quả đúng là có nhiều tên nhân vật đã vượt ra khỏi thời điểm nó ra đời, được nhớ đến nhiều hơn là tên tác giả. Nhưng rõ ràng sức sống của nhân vật là do tài năng của nhà văn tạo ra đấy chứ!

+ Với tôi, tôi đã lựa chọn tên một số nhân vật hết sức chú ý. Cái tên đó ít nhất gây cảm hứng cho tôi.

- Nguyễn Thiên Ngân: Tôi thường đặt tên nhân vật theo tên người mình thích, mình thương, hay mình ấn tượng. Mình phải sống với nhân vật trong suốt quá trình viết, nên nếu cái tên không gợi lên chút niềm thương mến nào, chút ấn tượng nào, chắc sẽ chán lắm.

Nhưng cũng vì thói quen này mà không ít lần tôi "mang vạ vào thân" vì người ta cứ tưởng tôi lấy chính họ làm nguyên mẫu, nên trách, nên giận hay ngộ nhận... (cười)

*Tôi đã đọc một truyện ngắn của Anh Quốc và có ý định dịch ra tiếng nước ngoài (Bắc Âu). Bạn thấy thế nào? Liên lạc với bạn như thế nào? (Huyen, huyenmyho@...)

- Nhà văn Trương Anh Quốc: Cảm ơn bạn đã đọc truyện của tôi. Email của tôi là truonganhquoc1@yahoo.com.

* Chào Thiên Ngân, tôi rất thích cuốn Đường còn dài, còn dài của bạn. Cá nhân bạn nhận xét, từ Đường còn dài, còn dài đến Những chuyển điệu, bạn có tiến bộ gì hơn trong kỹ thuật viết lách không? Bạn có thực hiện chuyến đi nào như trong tác phẩm Đường còn dài, còn dài không?(Hà Lan, 22 tuổi, halan258@...)

- Nhà văn Nguyễn Thiên Ngân: Chào bạn, cá nhân tôi hoàn toàn không có nhận xét gì về kỹ thuật viết lách của mình từ quyển này đến quyển khác - điều đó tôi dành cho bạn đọc. Tuy nhiên có một điều rất rõ ràng rằng tôi của khi viết Những chuyển điệu đã là tôi khác với tôi của khi viết Đường còn dài, còn dài.

Tất cả những chuyến đi trong tác phẩm Đường còn dài, còn dài đều là những chuyến đi thật sự và khó quên trong cuộc sống của tôi.

* Chào anh Anh Quốc. Hẳn là anh đã đọc tác phẩm của những tác giả trẻ khác, những tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 kỳ này và những kỳ trước? Anh có ấn tượng với tác giả, tác phẩm nào? Anh có thường xuyên giao lưu với họ không? Anh học được điều gì từ họ? (Kim Quyên, 25 tuổi, quyen1985brvt@)

- Trương Anh Quốc: Theo tôi, giao lưu là không thể thiếu trong quá trình viết. Có gặp gỡ bạn bè viết văn mình mới có cảm hứng viết nhiều hơn. Tôi đọc hầu hết các tác giả trẻ từ Nam chí Bắc: Trần Nhã Thụy, Dương Thụy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hồng Hạnh, Tiến Đạt, Dương Bình Nguyên, Phạm Duy Nghĩa, Di Li...Tôi rất thích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Oxford thương yêu, Sựtrở lại của những vết xước... và cuốn du ký Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của Ngô Thị Giáng Uyên...

Tôi đã từng gặp và giao lưu với hầu hết các nhà văn và các cây bút trẻ. Mỗi người tôi học hỏi được nhiều điều.

* Tôi rất thích những cuộc giao lưu như thế này. Cho tôi hỏi chung một câu hỏi đến các nhà văn là hoàn cảnh nào đã đưa đẩy các nhà văn đến với văn chương? Có cuốn sách nào tác động mạnh đến các nhà văn không? (Trương Đình Dũng, 35 tuổi, dinhdung234@...)

- Võ Diệu Thanh: Tôi cũng rất thích những cuộc giao lưu thế này. Người có quan tâm tới văn chương thường là những người có cơ hội nuôi lớn tâm hồn (túi tiền thì ngược lại). Tuổi thơ im lặng của Duy Khán là cuốn sách ảnh hưởng đến con đường văn chương của tôi nhiều nhất. Đọc trong đó, tôi thấy cái hồn của một miền quê. Tôi cũng muốn đưa cái hồn của quê tôi đến với độc giả.

Hoàn cảnh đưa tôi đến với văn chương là CLB Sáng tác của Trường THPT Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc, An Giang). Các bạn hoạt động rất nhiệt tình. Từ CLB này tôi đã tham gia giải văn chương Thủ Khoa Nghĩa và đoạt giải nhất năm 1994

- Trương Anh Quốc: Tôi yêu thích văn chương, con chữ nên tôi đọc tất cả các loại sách. Mỗi cuốn sách tôi đều thích ít hoặc nhiều.

- Mai Anh Tuấn: Theo tôi, viết văn có thể là do gắn liền với công việc cụ thể và ngày nay việc nhiều người ở nhiều nghề khác nhau tham gia viết văn chứng tỏ "hoàn cảnh viết" không thật sự quan trọng lắm. Cơ hội viết luôn đến với tất cả mọi người. Với tôi, vì làm nghề dạy văn nên có thể thường viết văn nhiều hơn.

* So với truyện dài Đường còn dài, còn dài…, tiểu thuyết Những chuyển điệu dường như đã có màu sắc khốc liệt và nghiệt ngã hơn, Ngân có “cố tình” làm cho thế giới trong những tác phẩm của mình ngày càng bớt mộng mơ, bớt hiền lành đi? (Võ Phan Quỳnh Hạ, 25 tuổi, vophanquynhha@...)

- Nguyễn Thiên Ngân: Chào bạn! Thực tế là tôi không "cố tình" nghiệt ngã hóa cái thế giới trong những tác phẩm của mình. Chỉ là tôi viết lại cái thế giới tôi thấy, tôi cảm nhận chứ không sáng tạo ra nó, nên tôi không thể chi phối được chuyện nó mộng mơ hay nghiệt ngã. Mà theo thời gian, mắt người ta nhìn khác đi nhiều lắm. Như tôi của năm 17 tuổi nhìn thấy vết mực lem trên giấy là một bông hoa tím, nhưng tôi của bây giờ nhìn thấy nó lại là một cái nhìn sâu. Kiểu vậy!

* Chào chị Diệu Thanh, rất xúc động khi đọc bài chị trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ. Tôi muốn tìm đọc thêm những tác phẩm khác của chị thì có thể tìm ở đâu? Chị có hay đăng truyện ngắn trên Áo Trắng, Văn Nghệ hay một tờ báo, tạp chí nào nữa không? Chị có blog hay website riêng? (Thu Huyền, 20 tuổi, matnau2009@...)

- Võ Diệu Thanh: Cảm ơn bạn đã quan tâm đến tác phẩm của tôi. Bạn muốn đọc các tác phẩm mới của mình thì hãy tìm cuốn Cô con gái ngỗ ngược hiện có tại các nhà sách. Tôi hay đăng truyện ngắn trên báo Văn Nghệ TP.HCM, Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Đối với tạp chí Áo Trắng, sắp tới tôi sẽ cộng tác nhiều hơn. Tôi không có blog hay website riêng.

* Chào đồng hương (lẫn đồng tên) Mai Anh Tuấn. Được biết, anh còn làm thơ với bút danh Lệ Bình Quan. Anh có thể chia sẻ một bài thơ của mình mà anh thích, nếu là thơ về quê hương Quảng Bình thì càng tốt. Và chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong con đường văn chương.(Quốc Tuấn, 23 tuổi, tuan.truong@).

- Mai Anh Tuấn: Cảm ơn anh. Em không viết về quê mình một cách rõ ràng. Nhưng mà cái bút danh, như anh thấy, là cả ân tình của em với quê rồi. Xin tặng anh mấy câu, dùng phương ngữ quê mình nhé: Ở trong ni trời nỏ dịu lòng mưa/ Còn say lắm sắc hương thần gió/ Nỏ mùa thu nhẹ thơm hoa sữa/ Chỉ nghiêng nghiêng chiếc nón trắng rứa nờ!

* Chào Thiên Ngân, cô bé trẻ tuổi nhất đoạt giải cuộc thi này. Với văn chương, bạn nhận được điều gì? Và với cuộc thi Văn học tuổi 20 lần này, bạn nhận được điều gì (ngoài tập sách, nhuận bút sách, và 10 triệu tiền thưởng)?(Lam Sơn, 26 tuổi, balamsonluxubu@...)

- Nguyễn Thiên Ngân: Với văn chương, tôi nhận được tôi - của - bây - giờ. Nếu không đến với văn chương, tôi không tưởng tượng được mình bây giờ sẽ là ai. Chắc chắn đó sẽ là ai khác xa lạ với tôi - của - bây - giờ nhiều lắm.

Còn với cuộc thi Văn học tuổi 20 lần này, tôi được những tao ngộ. Chúng tôi đã gặp nhau, mến nhau qua những trang viết và bây giờ mới có dịp gặp nhau ngoài đời. Như anh Đỗ Duy, tôi là "fan" của blog anh suốt một thời gian dài. Hay như chị Hải Miên, hồi xưa lắc xưa lơ, nhờ đọc chị tôi mới biết chuyện người Nhật sợ ăn hột vịt lộn, hay nhịp sống trên Star Cruise là như thế nào... Cho đến bây giờ mới có dịp gặp mặt. Với tôi, có lẽ đó là điều quý giá nhất.

* Giải thưởng Văn học tuổi 20 sẽ tạo ra cho các anh chị cơ hội nào cũng như có gây ra cho các anh chị áp lực gì không? (Trần Thị Ngoan, 29 tuổi, ngoantran@...)

- Trương Anh Quốc: Tôi nghĩ giải thưởng chỉ là một đỉnh núi để người leo núi vượt qua. Giải thưởng chỉ có giá trị lúc trao giải nên sau đó không có áp lực gì.

- Võ Diệu Thanh: Đối với tôi, giải thưởng Văn học tuổi 20 là một giải uy tín mà tôi hằng mơ ước. Khi được giải, tôi có nhiều cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với độc giả. Nhưng khi được giải rồi, tôi phải nỗ lực nhiều hơn vì sẽ có nhiều người chú ý.

- Mai Anh Tuấn: Giải thưởng đã cho tôi một cơ hội rất lớn: đưa tác phẩm đến với độc giả. Điều đó vừa có ý nghĩa ở chỗ nó giúp người viết trở nên có trách nhiệm hơn, nghiêm túc hơn trong sự lựa chọn của mình. Nhưng cũng vừa "nguy hiểm" ở chỗ nếu người viết trở nên bị "dụ dỗ", tự làm khó và khổ mình ở chuyện văn chương.

- Hải Miên: Cơ hội đầu tiên giải thưởng tạo ra cho tôi là cơ hội này đây, được ngồi đây và trò chuyện với bạn. Nhờ đấy chúng ta biết nhau.

Những cơ hội khác thì chưa tới (tôi chỉ hi vọng là chưa kịp tới thôi) vì mới nhận giải hôm chủ nhật này mà. Áp lực thì hiện giờ tôi cũng chưa nhận thấy vì mấy hôm nay vui suốt ngày, cười suốt ngày, cứ tặng sách, kéo nhau đi ăn khao giải thưởng, nhận điện thoại bạn bè gọi đến khen chê… thế mà tíu tít hết ngày đến đêm.

* Chào chị Hải Miên. Rất mừng khi chị quay lại với văn chương. Ngày xưa được đọc chị rất nhiều trên Hoa Học Trò, Sinh viên Việt Nam (cả với bút danh Viễn Dương nữa thì phải). Lần quay trở lại này, theo chị tự đánh giá, có gì mới, có gì khác so với trước đây không? Xin hỏi thêm công việc hiện nay của chị là gì, vì gần đây không đọc được những bài báo của chị trên Thanh Niên Tuần San nữa? (Thùy Chi, 32 tuổi, thuychi.nguyen@...)

- Hải Miên: Rất mừng gặp được người cũ, người quen, dù chỉ là quen qua những trang giấy in.

Lần quay trở lại này có gì mới, khác so với trước đây không? Có đấy. Cũng nhiều. Bạn là người đọc H.M. từ trước, bạn sẽ nhận thấy điều này nhanh thôi khi đọc Visa. Làm sao giữ mình mãi ở trạng thái ban đầu, trạng thái ngày hôm qua, ngay cả khi mình có muốn như thế, chủ ý như thế? Còn về hoàn cảnh riêng thì trước son rỗi sống với công việc, bạn bè, sách vở là chính. Giờ có gia đình, ưu tiên thời gian phải khác đi. Và những mối quan tâm của mình cũng khác, ưu tư cũng khác.

Tôi nghỉ việc ở báo Thanh Niên hơn một năm rồi, chủ yếu là vì muốn chuyển đổi công việc. Suy nghĩ của tôi về thời gian, đời người, những bổn phận… khiến tôi quyết định như vậy.

Công việc của tôi hơn một năm nay là chăm con, viết và điều hành một công việc kinh doanh riêng (nó đang nuôi sống tôi đấy). Trước mắt là như vậy Chi ạ.

* Gửi bạn Mai Anh Tuấn: Tôi đọc tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu của anh, phát hiện một điều lạ là những phần chú giải của anh không phải là kiểu chú giải bình thường mà giống như Anh Tuấn viết thêm vô một đoạn với một ẩn ý nào đó (ví dụ: thay vì chú thích kiểu như "scandal": chuyện xôn xao dư luận, thì anh lại viết một đoạn tưởng như chẳng ăn nhập với cái chú thích scandal đó), anh có thể nói thêm về điều này hay không? Có phải là một kỹ thuật viết mới? (Giáp Thị Thu Khương, 27 tuổi, thukhuong83@...)

- Mai Anh Tuấn: Rất cảm ơn bạn đã phát hiện điều này. Quả thật khi viết Giảng đường yêu dấu tôi đã muốn lạ hóa cách viết bằng việc đưa vào các ghi chú. Thông thường, các ghi chú chỉ xuất hiện trong văn bản phi hư cấu (non fiction).

Nhưng tôi cố tình đưa ghi chú vào một văn bản hư cấu nhằm muốn có một sự hỗn dung thể loại. Các ghi chú được tôi triển khai theo nhiều dạng khác nhau: khi là dạng báo chí, khi dạng chính luận, khi dạng từ điển, nhật ký, kịch bản... Điều đó sẽ mở rộng ra những phạm vi hiện thực khác nhau cũng như những ý vị khác nhau.

* Gửi anh Trương Anh Quốc! Tôi thấy truyện của anh nhiều từ chuyên môn quá, đọc đến những từ đó thường bị vấp lại, khựng lại để nhìn chú thích bên dưới nên nhiều khi bị phân tâm, làm mạch truyện trong đầu bị rời rạc, có cách nào anh Việt hóa những từ đó luôn không? (Đoàn Văn Cường, 47 tuổi, doanvancuongqn@...)

- Trương Anh Quốc: Tôi đã cố Việt hóa rồi đó. Tàu biển vốn khô khan mà!

* Chúc mừng cháu Thiên Ngân. Quán Văn Buôn Mê Thuột vẫn nhớ cháu và mong ngày gặp lại. Chúc cháu vui khỏe và luôn thành công trong cuộc sống. Chào cháu. (dat_loan@...)

- Nguyễn Thiên Ngân: Cảm ơn chú vì còn nhớ cháu.

Đây không phải là một câu hỏi, nhưng tôi rất muốn chia sẻ với độc giả vài điều, vì nó bỗng gợi nhớ cho tôi về cả một vùng ký ức.

Cà phê văn là nơi tôi "lê lết" suốt một thời gian dài khi còn học phổ thông ở Buôn Ma Thuột. Ngày đó, tôi mười sáu, mười bảy tuổi, mộng mơ nhiều và thất vọng (tự huyễn) cũng nhiều. Chiều nào rảnh tôi cũng ngồi ở quán này, nhìn cá bơi hoa trôi và... buồn vu vơ. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng bây giờ nhìn lại, những ngày tháng tưởng như vô phương vô hướng đó lại giá trị với tôi biết mấy.

* Gửi tác giả Mai Anh Tuấn: Em thấy anh là cây bút nam nhưng giọng văn rất nữ tính. Trong tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu của anh có một số câu văn rất mềm mại, rất đẹp nhưng không hề “sến như con hến”, ví dụ như: trong ánh chiều chạng vạng và yên tĩnh lạ lùng, T. mở hàng cúc áo thứ ba để tôi gục đầu vào đó và hình như tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất là mình được thấp đi, lùn lại, tụt xuống sâu cho đến mãi khi bụi đất, lá khô xộc vào mũi tôi mùi âm ẩm mùa hạ... Anh thấy em có đồng cảm với anh không? (Nguyễn Hoài Sâm, 20 tuổi, nhocconsaigon@...)

- Mai Anh Tuấn: Rất thú vị vì phát hiện của bạn. Cái gọi là giọng văn nữ tính hoàn toàn nằm ngoài chủ định của mình. Nhưng có rất nhiều đoạn trong Giảng đường yêu dấu, mình đã trữ tình hóa hơn nữa. Thứ ngôn ngữ đó gợi cho mình nhiều cảm hứng, dù trên thực tế nó có thể không đem lại nhiều dụng ý gì. Nó chỉ tạo ra giọng điệu, ngữ điệu cho tác phẩm mà thôi.

* Chào chị Hải Miên. Biết và hâm mộ chị từ thuở chị còn tham gia bút nhóm Hương đầu mùa. Chị có thấy tiếc khi đến nay Hương đầu mùa đã tan hương theo gió? Những cây viết cùng thời với chị hình như đều chia tay với văn chương cả? Ngay cả chị cũng quay lưng với văn chương một thời gian dài? Vì cơm áo gạo tiền hay vì văn chương không hấp dẫn, hay tài hoa chỉ phát tiết một giai đoạn nào đó rồi thôi? (Dân Thanh, 35 tuổi, danthanh@...)

- Hải Miên: Hương đầu mùa đã tan hương theo gió, vì đã vào cuối mùa rồi chăng?

Đùa thế thôi chứ Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên... đang là những tác giả best-seller, bạn có còn đọc họ không?

Tôi quay lưng với văn chương một thời gian dài - bạn nói đúng rồi. Thời gian của mình đầu tiên phải là thời gian để sống. Khi phải "sống" nhiều quá thì không còn thời gian cho văn chương nữa.

Văn chương chưa bao giờ hết hấp dẫn với tôi. Tôi luôn duy trì việc đọc. Đọc cho lắm vào, chọn sách cho thật kỹ vào rồi đâm ra hoang mang, nhìn những gì mình đã viết ra thấy sao mà bé mọn. Sự choáng ngợp làm cho mình nhụt chí. Mình thấy mình bất tài với văn chương. Và chủ động từ bỏ.

Tôi như thế độ 7 năm. Rồi lại viết. Vì biết ra một điều dù hay dù dở thì ngoài mình ra sẽ không có ai, không thể ủy thác vào ai hết sẽ thay mình kể những câu chuyện của mình.

Còn bạn hỏi “Hay là tài hoa chỉ có một thời”, cái này đúng với rất nhiều người đấy. Nhưng với tôi thì không. Vì tôi tự thấy mình không có được nó, không có tài hoa. Trời không cho tôi cái này.

* Chào anh Trương Anh Quốc, trong Biển của anh thấy anh cứ kể khơi khơi vậy đó, tưởng như là những chuyện vô thưởng vô phạt, rồi cuối cùng thể nào anh cũng chốt lại bằng một câu nghe rất cay đắng, hoặc rất cảm động, hoặc rất hóm hỉnh. Có phải đó là kỹ thuật viết của anh không? (Trần Thi Hai Lương, 27 tuổi, hailuongmientay@...)

- Trương Anh Quốc: Tôi thích hài hước. Tự nhiên mới hài hước được phải không bạn.

* Ngân là một tác giả trẻ nhất trong số những cây bút đoạt giải Văn học tuổi 20 lần này, đó là một áp lực hay “sự giải phóng áp lực” đối với Ngân? (Thu Huệ)

bg2znpEj.jpgPhóng to
Tác giả Nguyễn Thiên Ngân - Ảnh: Thanh Đạm

- Nguyễn Thiên Ngân: Chắc do tôi vô tư quá hay sao đó mà chẳng thấy "áp lực" hay "giải phóng áp lực" gì hết. Có điều, tôi sợ nhất là cái ý nghĩ châm chước cho "thí sinh nhỏ tuổi nhất" hay "thí sinh đến từ vùng xa xôi nhất". Khi bạn bước vào một cuộc chơi có nghĩa là điều kiện và cơ hội của bạn ngang bằng. Tôi nghĩ giá trị thật sự nằm ở chính tác phẩm chứ không phải dựa trên bất cứ thứ gì ngoài nó.

* Chào chị Diệu Thanh, chị có thường xuyên đọc các tác trẻ khác không? Chị thích tác giả nào? (Trâm Anh, 27 tuổi, tramanh@...)

- Võ Diệu Thanh: Tôi có đọc tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư và một số tác giả khác. Tôi thích nét táo bạo của Đỗ Hoàng Diệu, sự thẳng thắn của Nguyễn Ngọc Tư.

* Chào anh Anh Quốc. Hẳn là anh đã đọc các tác phẩm của những tác giả trẻ khác, những tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 kỳ này và những kỳ trước? Anh có ấn tượng với tác giả nào, tác phẩm nào? Anh có thường xuyên giao lưu với họ không? Anh học được điều gì từ họ? (Kim Quyên, 25 tuổi, quyen1985brvt@...)

- Trương Anh Quốc: Khi có cơ hội tôi đều giao lưu với các bạn trẻ và lớn tuổi nữa như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Lê Thùy Vân, Đinh Lê Vũ… Ở đâu tôi cũng học được nhiều điều. Có khi chỉ một câu “kích” thôi tôi lại “nổi máu” viết tốt hơn. Trong văn chương, gặp gỡ giao lưu tốt lắm bạn ạ.

* Gửi chị Võ Diệu Thanh, em đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư thì em thấy một miền Tây dung dị, còn em đọc một số truyện ngắn của chị, em thấy trong truyện của chị là một miền Tây hoang dã, chị có thấy thế không ạ? Mọi người kỳ vọng chị sẽ là một Nguyễn Ngọc Tư thứ hai của miền Tây, chị có thấy áp lực vì sự kỳ vọng này? (võ thị dung hoa, 27 tuổi, hoadungdongthap@...)

1jOjhhb1.jpgPhóng to
Tác giả Võ Diệu Thanh - Ảnh: Thanh Đạm

- Võ Diệu Thanh: Tôi có nghe một số người nói ngược lại: văn Nguyễn Ngọc Tư hoang dã, văn Võ Diệu Thanh dung dị. Thật ra dung dị hay hoang dã theo cảm nhận của từng người đọc. Còn biệt danh “Ngọc Tư thứ hai”, có người bạn đã gọi tôi như thế. Lúc đầu, tôi rất phật ý. Tôi không muốn làm cái bóng của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng sau đó tôi thấy việc mọi người muốn đặt biệt danh gì là ý thích của mọi người. Nếu tinh ý sẽ thấy sự khác biệt giữa sông nước trong Ngọc Tư khác sông nước trong Diệu Thanh, dù văn Diệu Thanh không được xuất sắc như văn Ngọc Tư. Tôi chẳng thấy áp lực gì vì mỗi người một con đường.

* Trong phần giới thiệu của cuốn tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu, tiến sĩ Nguyễn Thành Thi đã nhận xét ngôn ngữ trong tác phẩm hòa trộn nhiều phong cách, sắc điệu ngôn từ, nhiều sắc thái giọng điệu. Phong phú thú vị hơn cả là ngôn ngữ phỏng nhại: nhại ngôn ngữ sân khấu điện ảnh, nhại ngôn ngữ ca kịch cải lương, ngôn ngữ người nhà quê…, anh có thấy đồng cảm với nhận xét đó? (Khổng Thị Kiều Chinh, 30 tuổi, kieuchinh80bh@...)

- Mai Anh Tuấn: Là một người mới tập viết, được một nhận xét có nhiều ưu ái như thế của một nhà nghiên cứu, tôi cảm thấy vui và phần nào tự tin vào cách viết của mình. Những nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Thành Thi trước hết là cách đọc của ông, và sau đó như là một cách để tìm ra những điểm hay của tác phẩm. Tôi không có bình luận gì nhiều về điều này ngoài lời cảm ơn chân thành nhất đến tiến sĩ Nguyễn Thành Thi.

* Các tác giả có thấy buồn lòng không khi ngay cả sách đoạt giải thưởng (được đánh giá là danh giá) mà số bản in lần đầu tiên cũng chỉ dừng lại ở con số 3.000 bản (bằng hoặc hơn một tí so với các đầu sách khác khi in lần đầu). Có phải vì văn hóa đọc đã bị lấn át quá dữ dội hay vì những người làm sách chưa biết cách quảng bá cho sách? (Nhã Bắc, 29 tuổi, nhacba@...)

- Mai Anh Tuấn: Con số 3.000 bản theo tôi là ấn tượng đối với việc in lần đầu. Không chỉ văn chương mà các sách về nghệ thuật nói chung đều có vẻ như lép vế trước các loại sách thường thức khác. Điều đó cho thấy phần nào văn hóa đọc đang bị lấn át bởi phương tiện nghe nhìn. Trong xã hội hiện đại, sự cạnh tranh giữa các phương thức truyền tải văn hóa, theo tôi là cần chấp nhận và nên "sống chung" với nó.

- Võ Diệu Thanh: Thông tin đại chúng phát triển rầm rộ do nhu cầu của cuộc sống ngày càng tăng, ai cũng phải tất bật nên ít có thời gian ngồi lại ngẫm nghĩ từng trang sách. Điều này đã khiến văn hóa đọc bị lấn át, làm những người viết lách rất buồn nhưng không buồn lắm. Văn hóa đọc không bao giờ chết, người đọc sách ít nhưng đó là những người tri kỷ của văn chương.

- Trương Anh Quốc: Biết làm sao được khi văn hóa đọc ngày càng bị văn hóa nghe nhìn lấn át (riêng truyện tranh thì không à nghe). Đọc sách vừa mệt vừa tốn thời gian. Con người bây giờ có rất nhiều lo lắng và công việc khác tốn nhiều thời gian (kẹt xe, ngập nước...) , không có thời gian để đọc sách. Tôi hi vọng trong tương lai văn hóa đọc lại lên ngôi. Lúc ấy sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhưng có lẽ cũng còn xa lắm...

* Có thể gọi anh là nhà văn thế hệ trẻ nhưng cây bút của anh thì không phải vậy, rất già dặn và điêu luyện. Em cũng thường hay viết văn, viết thơ và cả tiểu thuyết nên em hiểu được phần nào nỗi lòng của người cầm bút. Một khi đặt bút xuống thì tác giả phải “sống có trách nhiệm” với nội dung của tác phẩm. Nhưng không phải muốn là được. Cho nên có những tác phẩm có nội dung hời hợt sớm rơi vào quên lãng.

Để viết được một tác phẩm hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố “cảm hứng” là trên hết. Là người đã gặt hái được những thành công bước đầu trong con đường văn chương, anh Quốc có thể cho em và độc giả biết có khi nào anh viết văn không theo cảm hứng không, hay nói cách khác là viết một cách “cưỡng ép”? (Bùi Châu Ân, thành viên ban chủ nhiệm CLB nghệ thuật Trường CĐ Bình Định, 23 tuổi, chauanvn1@...)

Id6r11ka.jpgPhóng to
Tác giả Trương Anh Quốc - Ảnh: Thanh Đạm

- Trương Anh Quốc: Viết văn không như đan một cái rổ hay xây một bờ tường. Đan một cái rổ nếu yêu thích đan cũng đẹp hơn. Do vậy viết văn càng có trách nhiệm với xã hội hơn. Nhưng nếu có người đặt bài thì cảm hứng và viết nhanh hơn, đó như là động năng ban đầu vậy mà.

* Chào chị Hải Miên. Chúc mừng chị với giải thưởng vừa đạt được!

1. Đâu là sự khác nhau của truyện Hải Miên cách đây 10 năm (in khá nhiều trên Thanh Niên) và hiện tại với Visa? (Tôi đã có câu trả lời cho riêng mình nhưng cũng muốn biết được chị nhìn nhận về chính mình như thế nào).

2. Tôi nhận thấy văn hóa Nhật Bản ảnh hưởng khá nhiều trong các tác phẩm ngày trước của chị. Ở thời điểm hiện tại, chị đang bị thu hút bởi nền văn hóa nào hoặc không gian nào?

(Đỗ Quyên Đỏ, 27 tuổi, hi_netpals@...)

Hải Miên: Ôi, chào Đỗ Quyên Đỏ, tôi đã đọc một quyển sách của Trung Quốc có tựa là “Đỗ Quyên Đỏ” đấy, đầy đau đớn và ám ảnh của thời cách mạng văn hóa…

Sự khác nhau của những truyện 10 năm trước với Visa nói rõ sẽ dài. Vắn tắt thì đây là điều khác nhau chủ chốt nhất: trước viết văn “bản năng”, kiểu trẻ con, có sẵn năng khiếu ngôn ngữ, lại may mắn gặp được những câu chuyện, tình tiết thú vị trong cuộc sống, lại sẵn trí tưởng tượng trời cho... nên tình cờ (tôi nhấn mạnh chữ “tình cờ” nhé) viết được những truyện hay hay.

Còn giờ là viết có ý thức. Biết mình muốn gì, phải viết như thế nào cho đạt cái mình muốn. Văn mình viết ra, hay thì biết là hay, dở thì biết là dở, những khen chê bên ngoài không tác động đến mình nhiều. Thế bạn ạ.

Tôi phục bạn vì tất cả các câu hỏi của bạn đều rất chính xác, chứng tỏ bạn hiểu tôi khủng khiếp.

Trước ảnh hưởng văn hóa Nhật, chính xác. Giờ thì không phải là ảnh hưởng nữa, mà là đắm đuối văn hóa Việt.

* Chào chị Hải Miên! Chị đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí với hàng ngàn bài báo như chị đã giới thiệu trong tập sách. Vậy liệu khán giả sẽ được đón nhận một cuốn tiểu thuyết đầy sôi động và đầy chân thực về nghề báo trong tương lai gần?

n6XBcUUs.jpgPhóng to
Tác giả Hải Miên - Ảnh: Thanh Đạm

Vẫn còn nhiều độc giả nhắc đến cái tên Hải Miên với những bài phỏng vấn nghệ sĩ đầy sắc sảo và nhân văn giữa một thị trường báo chí mà nhiều người làm báo chỉ chăm chăm đi tìm scandal. Chị có nghĩ rằng chị sẽ trở lại với nghề báo một ngày nào đó? (Đỗ Quyên Đỏ, 27 tuổi, hi_netpals@...)

(Đỗ Quyên Đỏ, 27 tuổi, hi_netpals@...)

- Hải Miên: Viết một cuốn tiểu thuyết chân thực và sôi động về nghề báo? Tôi vừa bước ra khỏi nghề một thời gian quá ngắn. Mình vừa từ trong ấy bước ra, chưa kịp hoàn hồn, chưa đủ tĩnh tâm, cái nhìn của mình về nó vẫn sa vào những chi tiết, vụn vặt của đời sống báo chí thường ngày.

Để vẫn giữ được chi tiết mà không vụn vặt thì phải có một cái nhìn bao quát, tổng thể với một khoảng cách nhất định về “bức tranh toàn cảnh” này. Lúc ấy chắc là tôi sẽ viết. Mà viết chứ. Anh Trương Anh Quốc đi biển 7 năm được 2 quyển sách về Biển, tôi làm báo 16 năm mà không bằng anh ấy đi biển 7 năm sao!? (hihihi)

Có quay lại với nghề báo nữa không? Cái này tôi vẫn tự hỏi tôi mỗi tháng, mỗi khi có người rủ tôi làm báo, gọi tôi đi làm báo. Làm? Không làm? Mà vẫn nghĩ chưa xong. Đã hơn một năm rồi đấy. Thế có nguy không!?

* Anh đặt tên nhân vật nghe rất ngộ: La, Đa, Tha, Kíp, Đẳng,… Anh thích vần “a”? Anh yêu nhất điều gì ở đại dương? Thứ gì trên bờ có thể làm cho anh “say sóng” nặng? (Nguyễn Quỳnh Như, 25 tuổi, nguyenquynhnhu@...)

- Trương Anh Quốc: Không phải tôi thích vần "a" mà vì ngày nhỏ đi học, học chữ A vỡ lòng nên lấy thế cho tiện thôi mà!

Tôi thích đại dương ở không gian bao la (không bao giờ bị kẹt xe) và không khí trong lành (không khói bụi), tiếng sóng vỗ rạt rào, mặt biển xanh thẳm và thay đổi theo màu của trời, được nhìn cá heo, cá voi tung tăng bơi lượn. Được nhìn mặt trời lên và lặn ở chân trời...

Đi biển lâu ngày nên lên bờ bị "ngố" và chếnh choáng, như có hơi men và lúc thấy bóng cô gái xinh chạy xe lướt trên đường...

* Xin có hai câu hỏi:

1. Các cây viết trẻ nghĩ sao về lần này, chỉ có các tác giả trẻ đoạt giải? Có phải các cây viết lớn tuổi hơn thấy mình không phù hợp với sân chơi trẻ. Hay măng đã mọc thành tre, và tre đã lụi tàn?

2. Giải thưởng Văn học tuổi 20 đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với các bạn trong mặt bằng văn chương hiện nay? (Đông Kháng, 45 tuổi, khangdong@...)

QplrYbmA.jpgPhóng to
Đại diện báo Tuổi Trẻ tại Văn phòng Hà Nội tặng hoa lưu niệm cho tác giả Mai Anh Tuấn - Ảnh: Hồng Minh

- Mai Anh Tuấn: Thứ nhất, Văn học tuổi 20 như tên gọi của nó thường dành cho những cây bút trong độ tuổi đó. Mỗi cuộc thi văn học đều hướng tới một chủ thể sáng tác và đối tượng tiếp nhận cụ thể. Cái hay và cũng là thương hiệu của Văn học tuổi 20 chính là luôn tạo ra những thế hệ viết liền kề nhau, tiếp sức cho nhau.

Văn học tuổi 20 lần thứ tư này cũng nằm trong quy luật đó. Vì không chỉ có những cây bút thế hệ 7X, mà còn có nhiều cây bút vừa mới bước vào độ tuổi 20.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 đối với cá nhân tôi là một cơ hội để đến với độc giả.

* Gửi anh Trương Anh Quốc: "Con đường văn chương" là con đường đầy khó khăn, điều gì khiến anh - một thủy thủ tàu viễn dương đã vô cùng vất vả với công việc lại chọn và bước đi trên con đường này?

Anh có mong muốn thành một nhà văn chuyên nghiệp? Và anh có thể cho độc giả biết về quá trình hình thành và viết tác phẩm "Biển" vừa đoạt giải như thế nào không ạ? (Quế Sơn, 1981, htrangtk05@...)

wcC7AYx4.jpgPhóng to
Các tác giả: Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thiên Ngân, Trương Anh Quốc, Hải Miên thích thú trước một câu hỏi của bạn đọc - Ảnh: Thanh Đạm

- Trương Anh Quốc: Văn chương là tự đày mình. Đi biển lại càng vất vả hơn so với trên bờ. Có lẽ tình yêu văn chương đã khiến tôi viết văn. Tôi muốn mình viết được văn chứ không muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp, bởi nghề văn cần cái tài và sức. Tôi chỉ viết chơi thôi.

Tôi viết "Biển" từ 23-11-2009 đến giữa tháng 4-2010. Tôi lấy ý tưởng trên con tàu tôi vừa đi, ở đó có người Ấn Độ làm chung. Tôi thích văn hóa Ấn Độ, khi làm việc chung với họ, tôi ngộ ra được nhiều điều, thế là viết.

Cuộc thi Văn học tuổi 20 làm tôi hoàn thành tác phẩm nhanh hơn. Rất may, tác phẩm được giải.

* Em đã đọc qua một số tác phẩm của anh chị. Anh chị nghĩ thế nào về việc làm mới và làm lạ những gì mà người đọc đã quá quen thuộc? Trong quá trình sáng tác thì anh chị bị chi phối bởi yếu tố nào nhiều nhất? (Trần Thu Huyền, 19 tuổi, tranhuyen05_08@...)

- Mai Anh Tuấn: Việc làm mới và làm lạ là một câu thúc đối với bất kỳ người viết nào. Nó cho phép người viết tránh lặp lại, tránh một sự đồng phục đáng được coi là tai nạn trong nghề viết. Làm mới, theo tôi không chỉ là một động thái mà còn là một tư duy nghệ thuật.

- Võ Diệu Thanh: Những gì người viết đưa lên trang văn đều là những sự việc có trong cuộc sống, ai cũng đã nhìn thấy nhưng qua lăng kính của người viết, góc nhìn của người viết, nó sẽ không giống những gì mà người khác nhìn thấy nên nó mới.

Trong quá trình sáng tác, tôi bị chi phối bởi những ý tưởng trong nghề dạy học. Dạy học cũng giống như sáng tác, để học sinh đừng ngán ngẩm, giáo viên phải luôn mới, cách dạy và đồ dùng dạy học. Điều đó làm tôi mất nhiều thời gian nên viết lách có chậm hơn so với những người viết khác.

* Gửi chị Hải Miên! Ở truyện ngắn Diễn viên trong tập truyện Visa của chị, chị có viết một diễn viên mà không có uẩn khúc, nỗi niềm dồn nén, không có những cơn đau khiến người ta chết đi sống lại thì diễn viên ấy chỉ như quả bầu khô, trống rỗng và cùng lắm là kêu lên được vài tiếng lạo xạo. Chị có nghĩ nghiệp viết văn cũng giống như nghiệp diễn? (Võ Lan Thương, 25 tuổi, lanthuongkhanhhoa@...)

- Hải Miên: Bạn hỏi rất hay (đã đọc Visa xong rồi đấy nhỉ?).

Theo ý nghĩa trên mà bạn đã đưa ra thì nghiệp văn cũng như nghiệp diễn, dù nghề diễn và nghề viết đòi hỏi những kỹ năng khác nhau.

Tuy nhiên, điều tôi nói trên chỉ áp dụng cho những người thường (như tôi và Mây trong truyện Diễn viên) nhưng với thiên tài thì không đúng. Với thiên tài, một mình họ thôi là đủ cho cả thế giới sáng tạo của họ rồi.

* Xin chúc mừng Trương Anh Quốc, bạn có chạnh lòng khi một giải nhất văn chương chỉ là 50 triệu đồng, trong khi giải nhất cuộc thi người đẹp lại có giải thưởng lên đến 500 triệu? Bạn có cho rằng lẽ ra các nhà tổ chức nên tìm kiếm tài trợ để nâng giá trị giải thưởng cuộc thi lên cao hơn? (Đông Kháng, 45 tuổi, khangdong@...)

- Trương Anh Quốc: Nếu có một cô gái đẹp đi qua và một cuốn sách, anh sẽ chọn thứ nào? Nhưng tôi hi vọng trong thời gian sắp tới giá trị giải thưởng sẽ cao để kích được các cây bút trẻ và cả những nhà văn có tên tuổi, có như thế họ mới lao động văn chương hết mình, mới thấy giá trị của sự lao động ấy. Không những thế, biết đâu văn hóa đọc lại lên ngôi so với văn hóa nghe nhìn.

* Tôi chỉ mới đọc được vài truyện trong các truyện đoạt giải Văn học tuổi 20 lần này nên chưa thể đặt câu hỏi khái quát và chính xác. Song, tôi cảm giác hình như đời sống thực càng buồn và bi kịch khi được đưa vào văn chương.

Ngay cả sự lãng mạn cũng mang màu sắc mộng mị, day dứt. Cuộc sống vốn dĩ đã đem đến cho người trẻ nhiều áp lực, stress và cả những ngõ cụt thì tại sao văn học không giúp họ giải thoát những áp lực, gánh nặng ấy bằng những con đường, bức tranh tươi sáng hơn? (Trần An Đình, 29 tuổi, andinh@...)

- Nguyễn Thiên Ngân: Chào anh. Tôi không biết mục đích của những người viết khác là gì, nhưng với riêng tôi, tôi viết vì tôi có một câu chuyện cần phải kể. Và tôi sẽ kể nó ra như - nó - chính - là chứ không phải kể theo cách tôi thích.

Ngày xưa, mỗi lần mẹ tôi kể chuyện cô bé quàng khăn đỏ bị chó sói ăn thịt, tôi cứ khóc thét lên và bắt mẹ tôi phải sửa lại là "Khăn Đỏ... ăn thịt chó sói". Nhưng sau này lớn lên, tôi chấp nhận điều đó như một sự thật tất yếu. Càng ngày tôi càng tin vào lẽ tự nhiên, Khăn Đỏ chẳng thể nào ăn thịt sói, cũng như bác thợ săn chắc chắn sẽ mổ bụng sói cứu Khăn Đỏ.

- Võ Diệu Thanh: Cuộc sống đang ngủ quên trong những ngõ cụt và áp lực. Văn chương hiện thực lại ngõ cụt ấy có phần nặng lời hơn, cách điệu hơn, để đánh thức cuộc sống… Ngõ cụt trong văn chương không phải là ngõ cụt.

Văn chương cũng vậy, tôi tin người ta sẽ đọc cuộc sống qua đó như - nó - chính - là, đau cùng nó, thất vọng với nó, nhưng sau tất thảy vẫn yêu thương nó đến cháy lòng. Đó không phải là "kết thúc có hậu" nhất hay sao.

- Mai Anh Tuấn: Tôi nghĩ văn chương vừa có sứ mệnh đưa con người đến những con đường, bức tranh tươi sáng. Nhưng nó cũng luôn có giới hạn trong chính cái sứ mệnh ấy. Nếu quả thật văn chương không làm cho chúng ta - những người trẻ - giải thoát stress, áp lực, ngõ cụt..., thì nên chăng chúng ta nghe nhạc, uống cà phê hay đi đâu đó với bạn bè hoặc một mình!

* Gửi chị Võ Diệu Thanh, cách trả lời phỏng vấn của chị thể hiện một sự từng trải, già dặn trong tâm hồn và luôn hướng thiện. Hẳn chị là người đọc nhiều sách? Chị thích đọc sách thể loại nào? (Canina, 29 tuổi, lamtonhu@...)

- Võ Diệu Thanh: Chị có vẻ từng trải vì đã trải qua nhiều hoàn cảnh, sống ở nhiều môi trường khác nhau, lắng nghe nhiều lời tâm sự của những người xung quanh. So với những nhà văn khác, chị đọc cũng thuộc loại không nhiều. Chị thích đọc sách thể loại sáng tác như truyện ngắn, tiểu thuyết, chị có đọc một số cuốn triết học. Dạo gần đây chị có tìm đọc sách lịch sử.

* "Biển" của Anh Quốc có chịu ảnh hưởng của John Banville với tác phẩm cùng tên đã từng được giải Booker? Sự vượt trội lớn nhất của bạn từ "Sóng biển rì rào" đến tiểu thuyết giải nhất lần này? (Luong, 30 tuổi, luongst@...)

- Trương Anh Quốc: Tôi chưa đọc cuốn sách mà bạn đề cập. Ngày trước đi Bến Tre với nhà văn Đoàn Thạch Biền, anh bảo tôi viết cái gì về biển đi. Nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng khuyên tôi viết truyện dài hơi đi. Nhà văn Hồ Anh Thái thấy tôi viết "trên bờ" dở quá cứ chê hoài bảo tôi "tập trung vào chuyên môn" nên tôi âm thầm viết "Biển". Tôi càng ngày càng già hơn nên sách viết cũng có kỹ thuật hơn. Nhưng "vượt trội" ở cuốn sách mới này có lẽ vẫn chỉ là độ... dày.

* Cho em hỏi anh Mai Anh Tuấn. Em là sinh viên năm 3 của Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, em ở Quảng Xuân, Quảng Trạch, Quảng Bình, nói chung cũng là đồng hương của anh. Em rất ấn tượng về thành tích mà anh đạt được. Cho em hỏi điều gì đã làm anh có niềm đam mê với văn chương và thơ ca như vậy? Hiện tại hằng ngày đi dạy học về, rất nhiều công việc để làm như vậy anh có thường xuyên trau dồi và sáng tác ra nhiều tác phẩm mới không? (Phạm Văn Công, 21 tuổi, vancongpham93@...)

- Mai Anh Tuấn: Câu hỏi của bạn có nhiều ý nên tôi sẽ lần lượt trả lời như sau:

- Tôi cùng huyện với bạn, tôi đã từng đến quê của bạn và tôi nghĩ rằng gió biển và cát trắng ở đó sẽ cho bạn nhiều ký ức đẹp.

- Tôi không biết là mình có đam mê văn chương hay không. Nhưng có thể vì do công việc buộc tôi phải tiếp xúc, "chung đụng" với nó thường xuyên. Điều đó đem lại cho tôi một cảm giác không hẳn là dễ chịu nhưng dễ bị cuốn theo.

- Tôi vẫn phải đọc, bước đầu nghiên cứu văn chương. Điều đó cũng giống như bất kỳ ai đã và đang tham gia vào lĩnh vực văn chương.

* Tôi xin hỏi các tác giả bằng nguồn cảm hứng nào mà các tác giả đã cho ra đời các tác phẩm của mình? Mục đích, ý nghĩa cốt yếu mà tác giả muốn gửi đến người đọc là gì? Giữa tác phẩm và cuộc sống hiện thực có khác xa nhau lắm không? (Trần Thanh Phúc, 26 tuổi, tranthanhphucct@...)

- Võ Diệu Thanh: Mỗi tác phẩm có một nguồn cảm hứng khác nhau. Ví dụ truyện ngắn Đường về Cheo Reo, tôi viết khi nghe một người bạn kể về một người già giỏi nhẫn nhịn. Cảm hứng của truyện này có khi cũng từ một địa danh Cheo Reo, nghe hẻo lánh, ấn tượng.

Tôi viết văn để làm gì? Câu trả lời sẽ tìm thấy rõ trong truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược.

Tác phẩm từ cuộc sống hiện thực mà ra. Nói về cái xấu thì thường là những cái xấu nhất. Nói về cái đẹp thì thường là những cái đẹp nhất. Nhưng cuộc sống muôn màu muôn vẻ, không hề có công thức chung. Mỗi tác phẩm văn học đích thực chứa tất cả cuộc sống nhưng chỉ chứa một phần của bất kỳ cá nhân nào.

- Trương Anh Quốc: Tôi viết "Biển" vì có quá nhiều điều chướng tai gai mắt, và vì tôi thích tìm hiểu nền văn hóa Ấn Độ. Với việc viết Biển, tôi có dịp thể hiện những hiểu biết của mình về Ấn Độ mà trước kia tôi đã lang thang, có được những kỷ niệm khó quên với đất nước Ấn Độ, Singapore...

Tôi không giỏi tưởng tượng lắm đâu, tôi dùng hiện thực để viết, hiện thực vui ít buồn nhiều, nhiều trái ngang... nhưng đó chỉ là cái cớ, cái cốt mà thôi. Nếu không hư cấu thì không thể là văn học được.

Hải Miên: Không có nguồn cảm hứng nào của tôi, dù cảm hứng sống hay viết mà không đến từ cuộc sống, sách, phim, nhạc và những người mình đã gặp. Cảm hứng để viết Visa cũng vậy, nó đến từ tất cả những nguồn đó (hay chỉ là một trong những nguồn đó?). “Chúng ta nghe thấy tiếng chuông mà không thể biết là nó đến từ đâu” là trường hợp của tôi, về mối liên quan giữa cảm hứng và tác phẩm.

Mục đích, ý nghĩa cốt yếu mà tác giả muốn gửi đến người đọc là gì?

Thật xấu hổ nếu nhà văn cứ đi nói bô bô về “mục đích, ý nghĩa” tác phẩm của mình. Cái ấy nó phải nằm trong tác phẩm, toát lên từ tác phẩm và khơi gợi được nơi người đọc. Nếu tác phẩm không làm được điều này thì là lỗi của tác giả (và thỉnh thoảng là của người đọc).

Khác với xem truyền hình, đọc sách là một quá trình tư duy. “Hỡi con người, Hãy tư duy!”. Ai kêu gọi như vậy nhỉ?

Giữa tác phẩm và cuộc sống hiện thực trong bài viết có khác xa nhau lắm không?

Xa bạn ạ, xa khủng khiếp. Trong tác phẩm người ta có thể làm cho một con chó nói năng như một triết gia và làm cho một thây ma trở nên đẹp lộng lẫy, cả về trí tuệ, tâm hồn lẫn ngoại hình!

- Nguyễn Thiên Ngân: Tôi viết Những chuyển điệu để kể về tuổi hai mươi mà tôi đang sống. Ý nghĩa, mục đích mà tôi muốn gửi đến người đọc? Là tôi đã làm hết phần của tôi (là kể) rồi, còn phần của bạn (là cảm) thì xin bạn cứ tùy nghi. Khi nó chưa đến tay bạn đọc, nó chỉ là văn bản. Nhưng khi bạn đã đọc nó rồi, nó là "tác phẩm" trong sự tiếp nhận của bạn. Và đó là điều mà tôi - tác giả, không thể tác động gì được ngoài... nín thở chờ nghe.

* Chào anh Quốc, chúc mừng anh! Tôi muốn hỏi anh đã có những phương pháp nào để trau dồi và phát triển kỹ năng viết như hiện nay. Vì giải nhất này là thách thức lớn với cả người viết chuyên nghiệp, huống chi là người "trái nghề" như anh. Xin anh chia sẻ bí quyết để những người viết nghiệp dư như tôi có thể tham khảo và học hỏi. Cảm ơn! (Ngọc Thi, 30 tuổi, nguyen-ho-ngoc.thi@...)

- Trương Anh Quốc: Viết là việc rất khó khăn, chỉ có mình đối diện với trang "giấy" trắng tinh trên màn hình. Bắt đầu từ đâu và kết thúc thế nào? Bởi với MS Word, khi mở file mới ra, có trang đầu mà không có trang cuối. Tôi viết và sửa chữa cho đến khi tác phẩm mình được in, có khi in báo rồi tôi còn sửa chữa tiếp vì chưa hài lòng.

Tôi không được học viết bài bản nên cứ lần mò tìm đường mà đi thôi. Nhưng có lẽ trong lúc lần mò tìm đường tôi sẽ gặp và học hỏi được nhiều cái hay vì văn chương làm gì có đường mòn đâu. Đúng không bạn?

* Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá tác phẩm Những chuyển điệu của Ngân là “…nhẹ nhàng, mộng mơ, cả đến những dằn vặt ưu tư và đau khổ nữa cũng đều mang vị man mác, bất định…”, Ngân có đồng cảm với sự đánh giá này?

-Nguyễn Thiên Ngân: Tôi tôn trọng và vui mừng đón nhận mọi đánh giá nhận xét về tác phẩm của mình. Còn ý kiến chủ quan của bản thân, xin cho phép tôi giữ lại cho riêng mình. Tôi nghĩ người viết và tác phẩm có một thế giới riêng không thể sẻ chia được với "bên thứ ba". (cười). Đó là một cuộc đối thoại riêng mang nhiều tính chủ quan, gắn kết với nhiều nguyên do, giềng mối...

* Em đã đọc qua một số tác phẩm của anh chị. Anh chị nghĩ thế nào về việc làm mới và làm lạ những gì mà người đọc đã quá quen thuộc? Trong quá trình sáng tác thì anh chị bị chi phối bởi yếu tố nào là nhiều nhất? (Trần Thu Huyền, 19 tuổi, tranhuyen05_08@...)

- Hải Miên: Huyền hỏi khó thật đấy. Câu này làm tôi phải nghĩ đây…

Về việc làm mới và làm lạ những gì mà người đọc đã quá quen thuộc… Có câu nói đã rất nổi tiếng này: “Dưới ánh mặt trời này không có chuyện gì mới”. Lịch sử nhân loại của chúng ta đã trải qua hàng triệu năm, trong quá trình ấy con người không ngừng chinh phục, khai phá và sáng tạo, còn gì mới mẻ, lạ lẫm nữa cho những người sống vào thế kỷ 21 này, như tôi, và bạn?

Nghĩ cho cùng chỉ còn tôi là mới, bạn là mới, vì mỗi người là một cá thể không trùng lặp, là một cuộc hiện hữu duy nhất. Mình cứ trình bày thật đúng cái điều mình nhìn thấy, cảm thấy, mơ thấy… đừng để cho bất cứ ai, điều gì dẫn mình xa lạc khỏi bản thân mình, thì có lẽ đã làm ra được một cái gì đấy lạ rồi, mới rồi.

Ngoài ra, khi viết, “viết sao cho mới và lạ” không nằm trong trăn trở của tôi.

Nói thế thôi, chứ tôi không quá bi quan đâu. Này nhé:

Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời” (Trần Dần)

* Chào anh Trương Anh Quốc, em thấy tên nhân vật trong truyện của anh rất ngộ và lạ, nào là Ha, là Hi, là Ti, anh cố tình

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên