29/04/2010 09:00 GMT+7

30-4, chúng tôi và 35 năm sau

TTO
TTO

TTO - "Câu hỏi của bạn đọc thật thú vị", các khách mời nhận xét như vậy khi trả lời trực tuyến bạn đọc từ tòa soạn Tuổi Trẻ Online chia sẻ những kỷ niệm, suy nghĩ từ sự kiện trọng đại 30-4 của 35 năm về trước.

Các khách mời của Tuổi Trẻ Online tham gia buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "30-4 và 35 năm sau" đã có một buổi cùng chia sẻ những hồi ức, cảm nhận của mình về một sự kiện lịch sử trọng đại và câu chuyện đi tới của đất nước trong 35 năm qua.

nAZn6ylW.jpgPhóng to
Toàn cảnh buổi giao lưu tại tòa soạn TTO ở TP.HCM - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Các khách mời gồm:

* Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái* Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng* Ông Lê Nguyễn Minh Quang (giao lưu trực tuyến với bạn đọc từ Singapore)* Ông Lê Thành Nam Giải Phóng

Xem tiểu sử các khách mời phần cuối bài.

Nhà báo Mỹ Don North trả lời bạn đọc TTO

Sau đây là nội dung buổi giao lưu:

* Xin hỏi anh Lê Nguyễn Minh Quang: Em rất khâm phục sự cố gắng vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, vượt qua những thua thiệt để vươn lên và thành công như ngày hôm nay của anh. Bây giờ nhớ lại những năm tháng khó khăn, cảm giác thua thiệt có còn đọng lại trong anh nữa không? Chúc anh thành công và hạnh phúc. (Van Nhi, 30 tuổi, gegepiq@...)

2miZDeC5.jpgPhóng to
Ông Lê Nguyễn Minh Quang giao lưu trực tuyến với bạn đọc TTO từ Singapore - nơi ông đang học cao học quản trị hành chính

- ÔngLê Nguyễn Minh Quang: Chào Van Nhi, cảm giác thua thiệt vẫn còn mỗi khi tôi nghĩ đến và phải đối mặt với thực trạng về sự tụt hậu của VN so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những ngày tháng học tập tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) càng làm tôi cảm nhận rõ đều đó. Nó càng thôi thúc ý nghĩ làm sao để mỗi người Việt, dân tộc Việt mình có thể ngày nào đó tự hào về kỳ tích kinh tế như ta đã tùng tự hào về kỳ tích chiến thắng ngoại xâm trước đây.

* Thưa anh Giải Phóng, em rất ấn tượng với cái tên của anh. Nó mang một ý nghĩa rất lớn, có phải bố mẹ anh đều tham gia vào đấu tranh giải phóng miền Nam không? Vậy tại sao anh lại không phát triển công việc liên quan đến chính trị, hay quân đội ạ? (NguyễnThị Giang, 21 tuổi, giang050689@...)

- Ông Lê Thành Nam giải Phóng: Rất cảm ơn bạn đã quan tâm đặc biệt đến anh. Anh xin khẳng định ngay rằng ba anh là một giáo viên từ trẻ cho đến khi về hưu, mẹ anh là một nông dân. Gia đình anh ở miền Bắc vào thời điểm giải phóng miền Nam. Khi ấy, tất cả mọi người với tinh thần dân tộc và lòng yêu nước đề hướng về miền Nam ruột thịt.

Anh chọn lựa nghề nghiệp của mình dựa trên đặc điểm tính cách và mong muốn phát triển cá nhân của riêng mình. Những hoạt động chính trị và quân đội rất hấp dẫn, nhưng anh đã chọn và dành thời gian của mình cho những hoạt động mà anh yêu thích.

* Xin chào kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, 35 năm trôi qua, những giây phút xúc động nhất trong ngày giải phóng chắc trong chú vẫn còn nguyên vẹn, chú có thể chia sẻ? Từng một thời hoạt đoạt phong trào thanh niên, chú có suy nghĩ gì về trình trạng bạo lực học đường trong giới trẻ học đường hôm nay? (Trần Quốc Dự, 31 tuổi, quocdu_gr@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Cảm nghĩ đầu tiên về ngày giải phóng là đất nước chúng ta được độc lập hoàn toàn và giải phóng, thống nhất đất nước sau bao nhiêu năm năm bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khống chế. Và đặc biệt là từ đây thanh niên chúng tôi không còn phải chết chóc nữa.

Về tình trạng bạo lực học đường mà em hỏi thì thời nào cũng có. Cái chính là chúng ta nên hướng những năng lực của giới trẻ theo hướng tốt trong cuộc sống, và đặc biệt chú trọng giáo dục cách sống và đạo đức.

* Tôi rất cảm phục BS Phượng và muốn biết vì lý do gì trong lúc nhiều người đi định cư ở nước ngoài mà bà lại không theo ông nhà đi nước ngoài sau 1975? Tôi cũng tò mò một chút, từ đó đến nay ông nhà có hay về thăm bà không? Trong 35 năm qua, cuộc sống trong gia đình bà và ông nhà thế nào ? (Quach Thuoc, 76 tuổi, quachthuoc@...)

7HbjQWVE.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trả lời bạn đọc từ tòa soạn TTO ở TP.HCM - Ảnh: Trần Tiến Dũng

- BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Chào bạn, rất vui khi nhận được câu hỏi của bạn.

Tôi và các con không đi theo sự bảo lãnh của chồng tôi vì tôi nghĩ các con tôi ở lại Việt Nam sẽ có một tương lai tốt hơn, trong một xã hội công bằng hơn và tôn trọng giá trị thực của con người hơn.

Chồng tôi là bác sĩ đã sang Pháp học từ năm 1974. Tôi và các con không đi theo sự bảo lãnh của chồng tôi vì tôi nghĩ các con tôi ở lại Việt Nam sẽ có một tương lai tốt hơn, trong một xã hội công bằng hơn và tôn trọng giá trị thực của con người hơn.

Về phần tôi, tôi đã gắn bó với bệnh nhân Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1969. Đa số họ rất nghèo, họ cần sự chăm sóc của bác sĩ. Hơn thế nữa, tôi đã trưởng thành trong chuyên môn của mình là nhờ được học tập mổ xẻ trên bệnh nhân của mình ở Từ Dũ. Bây giờ họ còn cần mình, làm sao có thể bỏ rơi họ được.

Chồng tôi đã có vợ khác sau đó và đã có con. Ông có về thăm Việt Nam và giúp đỡ bệnh viện Yên Bái cùng với hội người Việt tại Pháp. Ông đã mất ở tại Paris - Pháp năm 2004 vì ung thư phổi.

* Khi quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, bác Thái đang làm gì và ở đâu? Diễn biến bên trong Đài phát thanh Sài Gòn, khi bác tuyên bố giới thiệu chương trình ra sao? Cảm xúc của bác như thế nào vào ngày 30-4 lịch sử ấy? (Lê Minh Trí, 21 tuổi, vietsuluoc@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Tôi đã vào dinh Độc Lập trước khi xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh. Lúc đó chúng tôi vào là cốt ý gặp Tổng trưởng thông tin mới của nội các Dương Văn Minh là anh Lý Quý Chung (một người bạn mà tôi trốn ở nhà anh để tránh cảnh sát Thiệu trước đó) để cùng anh sử dụng công xa ra đài phát thanh và truyền hình, phát đi tiếng nói cách mạng. Vì lúc đó chúng tôi cũng đã đưa một nhóm sinh viên có vũ trang đến chiếm đài nhưng gặp cảnh sát dã chiến còn trấn đóng bên trong. Chúng tôi đang loay hoay tìm xe đi, vì các tài xế nghe tiếng súng còn bắn lẻ tẻ sợ không dám đi.

Vào lúc đó thì đoàn xe tăng tiến vào. Tôi cùng giáo sư Huỳnh Văn Tòng hướng dẫn đại đội trường Bùi Quang Thận theo đại tá Vũ Quang Chiêm (do tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ định dẫn chúng tôi lên nóc dinh qua thang máy nhỏ bên hông). Tôi giúp anh Thận bẻ cong cần ang-ten có treo cờ Giải phóng vào thang máy nhỏ lên nóc dinh và cùng anh kéo cờ Sài Gòn cũ xuống và kéo cờ giải phóng lên. Chúng tôi phải mất nhiều phút mới giật được lá cớ rất lớn của chính quyền Sài Gòn và treo cây cờ Giải phóng nhỏ xíu của xe tăng lên. Khi kéo được cờ Giải phóng lên rồi, nhìn xuống thấy xe tăng dàn hàng ngang chĩa súng lên trời bắn chỉ thiên chào mừng. Sau đó chúng tôi xuống sân dinh và tháp tùng xe cùa chính ủy Bùi Văn Tùng đưa đoàn tướng Minh ra đài phát thanh.

Đến đài phát thanh đã có sẵn anh em sinh viên và bộ đội ở đó rồi. Theo lệnh của chính ủy Tùng, sinh viên chúng tôi giúp tìm người vận hành đài phát thanh và tổ chức phát đi lời đầu hàng của tướng Minh cùng lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Tùng, kèm theo lời tuyên bố giao chính quyền của giáo sư thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Tiếp theo đó là chương trình phát thanh của chúng tôi kêu gọi các giới đồng bào đến phát biểu trên sóng phát thanh nay đã thuộc về lực lượng Giải phóng. Trong những người tới đài lúc đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và chúng tôi cùng hát vang bài Nối Vòng Tay Lớn. Sơn là bạn học cũ của tôi ở Huế, sau 18 năm mới gặp lại nhau trong giờ phút trọng đại này của đất nước. Bài hát của Trịnh Công Sơn là bài hát đầu tiên của chương trình phát thanh cách mạng Sài Gòn.

* Xin được đặt câu hỏi với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Nếu được nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau 1975, kiến trúc sư có lời khuyên gì với họ? Xin cám ơn. (Phan Lac Dong Quan, 47 tuổi, quanphan_52@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Tôi muốn nhắn với thế hệ trẻ lớn lên sau 1975 là các bạn đang có nhiệm vụ làm cho đất nước này tiến lên, bắt kịp và vượt ngược, cũng giống như thế hệ chúng tôi đã thắng được những đế quốc lớn. Các bạn phải mở tầm nhìn ra thế giới, học hỏi người và vượt người, không nên để chúng ta mang mãi nỗi tủi nhục lạc hậu so với các nước trong khu vực cũng như thế giới.

* Xin hỏi KTS Nguyễn Hữu Thái: hoàn cảnh nào đưa ông đến việc ông trở thành nhân vật đặc biệt trong chương trình phát thanh trưa 30-4-1975 ở Đài phát thanh Sài Gòn với lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh? (Đinh Võ Ngọc Trai, 51 tuổi, ngoctrai_bhxhkh!@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Tôi hoạt động sinh viên từ những năm 1960, với ý thức là đất nước chúng ta lúc đó bị nước ngoài khống chế và chưa có công bình xã hội. Chính nhà tù Sài Gòn cũ và sự xâm lăng của người Mỹ đã thúc đẩy chúng tôi xuống đường tranh đấu từ năm 1964 đến 1975. Tôi đã từng ở tù 3 lần trước năm 1975 và chính nhà tù là trường học cách mạng đối với tôi. Ngày 30-4-1975 chỉ là một hành động cuối cùng của bản thân tôi góp phần vào việc giải phóng và thống nhất đất nước. Mong muốn tột cùng của tôi là dân tộc chúng ta sau chiến tranh phải hòa giải, hòa hợp, cùng góp sức xây dựng đất nước chung là một Việt Nam độc lập và hòa bình.

* Chào anh Giải Phóng. Anh có thể cho biết cảm nghĩ của mình khi được sinh ra vào thời khắc lịch sử của đất nước? Em đọc trên mạng, được biết ngày 30-4-2005, TP.HCM có tổ chức sinh nhật cho các anh chị sinh ngày 30-4-1975, nhưng không biết năm nay có không? Cảm nghĩ của anh khi tham dự dạ tiệc "Sài Gòn - ngày tôi 30"? (Phạm Ngọc Trâm, 28 tuổi, tram20062007@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Ngày sinh của anh với sự kiện lớn của đất nước là một sự trùng hợp thú vị. Cảm xúc luôn rất tuyệt vời mỗi lần đón sinh nhật.

Hiện nay anh có một nhóm những người bạn cùng sinh ngày 30-4-1975. Kể từ năm 2005, năm nào các gia đình này cũng đều họp mặt nhau cùng tổ chức sinh nhật chung rất vui vẻ. Anh hạnh phúc vì có thêm những người bạn tuyệt vời và đó là điều quan trọng nhất.

* Chào anh Quang, anh đã có bằng cấp chuyên môn cao tại Pháp nhưng nay anh còn học cao học ở Singapore nữa? Phải chăng anh đang có ý định từ bỏ thương trường để gắn bó với quan trường? (Hồng Thắm)

- Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Người xưa có câu kiến thức là biến cả, còn hiểu biết của ta là ao cạn. Vì vậy tôi vẫn muốn học những điều mình ham thích. Thương trường, quan trường hay nhà trường, nếu có ích cho xã hội, gia đình và bản thân thì tôi đều muốn làm.

* Vào thời điểm sau năm 1975, nhiều người dân của TP.HCM tìm đủ mọi cách để rời khỏi Việt Nam. Cô thì không. Sau này, có lúc nào cô trăn trở vì quyết định đó hay không khi đất nước đang ở vào giai đoạn khó khăn chồng chất?

Là một người làm ngành y, cô nhận định thế nào về sự tiến bộ của ngành trong 35 năm qua so với các nước trong khu vực? Có bao giờ cô day dứt khi nghe bệnh nhân đánh giá về y đức của một số cán bộ công nhân viên trong ngành? Cô có ý tưởng gì để nâng cao y đức trong đội ngũ y -bác sĩ? (Nguyễn Thành Nhơn, 53 tuổi, stroumph_vieux@...)

Tôi chưa lúc nào trăn trở vì quyết định ở lại Việt Nam, chỉ trăn trở vì mình chưa đóng góp nhiều cho đất nước.

- BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho tôi.

Tôi chưa lúc nào trăn trở vì quyết định ở lại Việt Nam, chỉ trăn trở vì mình chưa đóng góp nhiều cho đất nước.

Về sự tiến bộ của ngành y trong 35 năm qua: Thật sự ngành y của chúng ta đã tiến bộ rất nhiều, về các kỹ thuật cao cũng như y tế cơ sở. Trong nhiều lĩnh vực, chúng ta không lạc hậu so với các nước tiên tiến. Mạng lưới y tế cơ sở cũng được xây dựng và củng cố hơn hẳn nhiều nước trong khu vực.

Hầu hết cán bộ nhân viên ngành y toàn tâm chăm sóc bệnh nhân. Nhờ như vậy nên ngành y của chúng ta mới có thể tiến bộ được. Tuy nhiên, cũng thật rõ ràng là người dân chưa hài lòng với cung cách, tác phong của cán bộ nhân viên đối với bệnh nhân. Không thể đổ lỗi cho việc quá tải và lương thấp. Vấn đề là chúng ta chưa nhìn rõ nguyên nhân của vấn đề này: việc chấn chỉnh y đức cần được thực hiện từ trên xuống, mỗi cơ sở y tế cần có nguyên tắc tôn trọng bệnh nhân, có tổ chức quản lý tốt, có sự chăm sóc tốt đối với nhân viên để nhân viên gắn bó với cơ sở không dám vi phạm quy định về y đức.

* Xin hỏi anh Quang, anh có cha là sĩ quan chế độ cũ thì theo em, sẽ rất khó để trở thành đại biệu HĐND và rất khó trong việc được kết nạp Đảng nhưng anh lại làm được điều đó, anh có thể chia sẻ lý do vì sao không? (Pham Phu Thinh, 29 tuổi, believe_thinh@...)

Trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự là một sự cởi mở của thể chế và đặc biệt là của lãnh đạo TP.HCM.

- Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Chào Phú Thịnh, tôi chưa là Đảng viên nên không biết khó khăn thế nào. Còn trở thành đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự là một sự cởi mở của thể chế và đặc biệt là của lãnh đạo TP.HCM. Ngoài ra, đó còn thể hiện sự lựa chọn của cử tri, thể hiện quyền lực cùa dân chủ của người dân qua lá phiếu. Chính vì lẽ đó, cũng như các đại biểu khác, tôi cố gắng làm tốt vai trò đại biểu của mình đề đáp lại sự tin tưởng của cử tri, của những người đã tin tưởng tôi.

* Theo bạn Giải Phóng, Nhà nước cần hỗ trợ gì cho doanh nghiệp Việt Nam? (tuan, 55 tuổi, vqtuan55@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ví như những nhà buôn đang tự ngược xuôi, bươn chải. Họ tự tìm thị trường, tự tìm cơ hội kinh doanh và cũng tự mình phải đối diện với phong ba bão táp của thị trường. Các nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước thông quan các trung tâm xúc tiến thương mại, các hoạt động hợp tác quốc tế... đã có nhưng chưa đủ với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ vốn chiếm đại đa số.

Theo Phóng, Nhà nước cần hỗ trợ thông tin kinh doanh có tính dự báo cao hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời kịp thời hơn trong các chính sách vĩ mô theo tình hình kinh tế, xã hội.

* Xin hỏi cảm xúc của KTS Nguyễn Hữu Thái tại thời điểm phát thanh đặc biệt trưa 30-4-1975. Xin cảm ơn. (Nguyen Huu Loc, 33 tuổi, huulocnguyen2007@...)

xAeRhkEA.jpgPhóng to
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái trả lời bạn đọc - Ảnh: Trần Tiến Dũng

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Điều tôi nhớ nhất vào buổi phát thanh trưa 30-4-1975 là phát được lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, thứ hai là phát đi được bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phải chăng đây là tiếng nói về nỗi khát khao độc lập thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc sau mấy mươi năm chiến tranh? Và thật sự Sài Gòn và toàn miền Nam sau đó đã hòa mình cùng cả nước xây dựng một Việt Nam mới: tự chủ và hòa hợp, hội nhập với thế giới.

* Xin hỏi BS Phượng, là một người năng động, hoạt động nhiều, đi nhiều nhưng giờ đây ở tuổi nghỉ hưu bà có thấy nhàm chán không ạ? Bà có những dự định và công việc gì đang theo đuổi hiện tại không? Bà có thể chia sẻ một chút về công việc và cuộc sống hiện tại? (Thanh Mai, 34 tuổi, thanhmai77@...)

- BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Xin cảm ơn Thanh Mai. Cô nghỉ hưu nhưng vẫn bận rộn trong nhiều công tác hằng ngày. Cô là phó chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, phụ trách phần chăm sóc phụ nữ và trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Do vậy mà rất lâu rồi cô chưa được nghỉ ngày thứ 7 và chủ nhật nào cả.

Cô lại là phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và TP.HCM. Do đó cô phải thường xuyên thăm viếng, tiếp xúc, giải thích tư vấn cho các gia đình nạn nhân. Lại còn thêm công tác đấu tranh qua nhóm đối thoại Việt - Mỹ để đòi hỏi cho quyền lợi chính đáng của nạn nhân. Ngoài ra cô vẫn khám bệnh, mỗi tuần vẫn còn phải mổ 4 - 5 ca bệnh phụ khoa hoặc mổ lấy thai. Cô còn chăm sóc người nghèo và trẻ em ở địa phương mình.

* Chào bạn Minh Quang, để vươn lên và thành đạt trong cuộc sống, theo tôi, đối với bạn thật không dễ dàng gì. Có một kỷ niệm nào đến giờ bạn vẫn còn trăn trở? (Thanh Trang, 43 tuổi, thanhtrangdtkdn@...)

- Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Chào Thanh Trang, tôi chỉ còn giữ lại kỷ niệm vui về việc Trường Đại học Bách khoa năm 1985 tuyển chọn sinh viên có thành tích học tốt để đi học ở Liên Xô. Chúng tôi đã rất thất vọng vì không được chọn (theo tôi nghĩ là do ưu tiên con em các thành phần lý lịch tốt hơn). Nhưng điều đó cũng không phải là quá tệ khi biết rằng các ngành nghề được đào tạo không phù hợp với yêu cầu của đất nước mình về sau. Và cũng từ đó tôi từ bỏ hy vọng đi học bằng học bổng của Nhà nước mà phải tự tìm lấy cơ hội cho chính mình.

* Thưa ông Thái, sau 35 năm phát triển, theo ông kiến trúc của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang theo hướng nào? (Cảm nhận của riêng tôi là những mảnh ghép phức hợp và chưa hoàn thành) (Trầm Mặc Nhân, 37 tuổi, Trammacnhan73@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Kiến trúc cả nước chúng ta đang mới ở vào giai đoạn chuyển tiếp để phát triển theo hướng tiên tiến của thế giới. Nhưng do chúng ta đang từ một đất nước đổ vỡ sau chiến tranh và nhất là còn lạc hậu về kinh tế kỹ thuật, nên không lấy làm lạ khi có sự hỗn độn trong xây dựng công trình kiến trúc và đô thị.

Theo tôi, chúng ta phải tạo ra được một đội ngũ kiến trúc và quy hoạch đô thị đủ năng lực để xây dựng đô thị và nông thôn Việt Nam. Riêng ở TP.HCM là nơi tôi lớn lên và hoạt động thì rõ ràng chúng ta cũng gặp không ít sự lúng túng trong đà phát triển quá nhanh như hiện nay. Có hiện trạng là thành phố chúng ta đang mất dần đi di sản kiến trúc, ở trung tâm Sài Gòn cũ là di sản kiến trúc Pháp, và ở Chợ Lớn là di sản của Hoa Kiều. Đó là chưa kể những nhà vườn và công trình cổ của người Việt mình ở vùng Gia Định cũ.

Kiến trúc nhà cao tầng mới chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế. Và rõ ràng các công trình do nước ngoài thiết kế đó tuy có hiện đại nhưng là những khối nhà vô hồn và tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Đáng ra chúng ta phải có những công trình do chính người mình thiết kế, cũng tiên tiến không thua ai nhưng phải mang những đặc tinh một nền kiến trúc nhiệt đới hóa và có bản sắc sinh sống của người Việt.

Tôi vừa mới dự Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam ở Hà Nội. Ở đó chúng tôi đã gặp những anh em trong nghề cũng có những trăn trở về kiến trúc nước nhà như tôi. Và chúng tôi đã bàn bạc phải cải tổ lại việc đào tạo kiến trúc sư trẻ cho có năng lực bằng người nước ngoài và nhất là có ý thức dân tộc, ý thức được bản thân mình đang sinh sống ở trong một đất nước vùng nhiệt đới và có nền văn hóa đặc sắc riêng.

Nhờ đi được nhiều nơi trên thế giới và có dịp bàn thảo những vấn đề này với giới trong nghề khắp nơi, tôi nghĩ rằng điều cần cho kiến trúc nước nhà là phải biết quốc tế hóa kiến trúc bản địa và bản địa hóa kiến trúc thế giới vào Việt Nam.

Chúng ta không nên để những thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trở thành những thành phố quốc tế hóa chung chung, không mang một bản sắc đặc biệt nào, mà ta thường nhìn thấy nhan nhản ở nước nào cũng có. Bản thân tôi từ hàng chục năm nay luôn chú ý viết sách báo, đi dạy kiến trúc là nhắm vào việc tác động giới trẻ ngành kiến trúc nước ta đi theo những chiều hướng tích cực đó.

* Thưa kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, với cương vị là chủ tịch hội sinh viên trong thời chiến, ông có sự so sánh gì về thanh niên, sinh viên ngày ấy và bây giờ? Cảm ơn. (Nguyễn Ngọc Thế Anh, 23 tuổi, phongtran123@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Thời chúng tôi mục tiêu trước mắt của phong trào sinh viên học sinh đô thị là góp tay với cuộc chiến đấu của Mặt Trận Giải Phóng ở nông thôn để đuổi được người Mỹ ra khỏi đất nước.

Còn bây giờ tôi nghĩ phong trào sinh viên học sinh cả nước là phải tranh thủ học tập được tiến bộ của người và tạo tiềm lực để tranh đua với người, đưa đất nước phát triển và ngày càng giàu mạnh.

* Chào anh Giải Phóng. Em rất ấn tượng về cái tên của anh từ ngày giao lưu kỷ niệm với những người sinh đúng ngày 30-4-1975 cách đây vài năm. Được biết, giờ anh đã rất thành công trong công việc. Vậy nếu được chọn để sinh ra một lần nữa, anh có muốn mình sinh ra vào đúng ngày trọng đại này không? Anh cảm nhận về sự thay đổi của nước mình sau 35 giải phóng như thế nào ạ? Cảm ơn anh. Chúc anh nhiều sức khỏe, hạnh phúc và luôn gặp may mắn. (Nguyễn Thị Thùy Linh, 27 tuổi, linhnguyen300483@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà những giá trị thực được tôn vinh, những nỗ lực được đánh giá đúng. Thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương giữ mảnh đất này, ngày nay anh luôn tin thế hệ những người trẻ đang đóng vai trò chủ lực phát triển kinh tế của đất nước sẽ góp tay xây dựng đất nước với lòng tự tôn dân tộc cao nhất.

Nếu được sinh ra một lần nữa, anh vẫn mong mình được sinh ra khi đất nước đã hòa bình. Anh tin tất cả chúng ta đều mong như vậy.

Đất nước ta phát triển rất nhiều sau 35 năm qua công sức phải kể đến hai thế hệ: Thế hệ những người xây dựng đất nước sau chiến tranh với những nền tảng cần thiết; Thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh đã và đang phát huy năng lực trí tuệ, tinh thần yêu nước để nâng cao giá trị Việt Nam trong lòng thế giới. Anh rất tự hào về những người bạn của anh, bằng sự cố gắng thay đổi và làm tốt hơn cuộc sống của mình, họ cũng đang làm cho chúng ta hãnh diện vì cùng là người Việt.

* Tôi cứ thắc mắc hoài là không nhận ra ai là người có cánh tay áo dài đang chỉ xuống bàn, trong bức ảnh tại đài phát thanh. Và câu chuyện về những người chiến sĩ có mặt tại đài sau 35 năm như thế nào? (Cát Thắng Anh, 51 tuổi, catthanganh@...)

uAEWdp4L.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hữu Thái (người ôm tài liệu, thứ hai từ phải sang) tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30-4-1975 - Ảnh tư liệu

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Người có cánh tay áo đen là của anh Hà Huy Đỉnh, một nhà báo làm thông dịch cho phóng viên người Đức Gallasch. Anh Đỉnh đang chỉ cách cho nhà báo Đức thâu băng lời đầu hàng của tướng Minh.

Tôi biết hầu hết những chiến sĩ giải phóng có mặt trong bức ảnh tại đài phát thanh. Ví như người đứng sát bên tôi ở phía bìa là đại úy Phạm Xuân Thệ (lúc đó là trung đoàn phó trung đoàn bộ binh 66) và những người khác là bộ đội trong đoàn của anh Thệ. Có một vài nhân viên tình báo đội mũ tai bèo. Người xoay lưng ra mà có râu quai nón là anh Hà Thúc Huy, lúc đó là sinh viên cao học ở Đại học Khoa học. Còn người phương Tây ngồi cạnh tướng Minh là nhà báo Đức Gallash (nay đã chết vì ung thư). Đặc biệt nhà báo này có người vợ là bà Alice Kelly người Mỹ (cũng là nhà báo) hiện đang được TP.HCM mời dự lễ 35 năm ngày giải phóng của chúng ta hôm nay.

Chúng tôi có gặp nhau và đặc biệt là bà sang Việt Nam thay mặt chồng đã khuất, chứng kiến sự ra mắt bằng tiếng Việt của cuốn sách do chính chồng bà viết vào ngày giải phóng Sài Gòn và xuất bản rất sớm ở Đức ngay vào tháng 9-1975. Cuốn sách mang tên Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm số 0 phát hành ngày 29-4-2010 ở VN.

* Em biết anh Quang là một người rất tâm huyết. Đi nước ngoài nhiều, anh nhìn về Việt Nam ra sao? Anh có thể chia sẻ một điều nào đó mà anh trăn trở nhất? (Quỳnh, 28 tuổi, mtnquynh@...)

- Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Chào Quỳnh, xin trả lời Quỳnh như câu trả lời cho một độc giả khác: điều trăn trở nhất của tôi hiện nay là thực trạng về sự tụt hậu ở một số lĩnh vực của VN so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP 2010 dự kiến của Singapore là trên 11%, Indonesia 7-8%, Philippines 6-7%, còn Trung Quốc cũng trên 10%. Tôi nghĩ họ sẽ còn cách xa ta nữa nếu VN thật sự không có sự đột phá về phát triển.

Ông Lý Quang Diệu đã nhận đinh từ năm 1965 là Singapore phải khác Malaysia, Indonesia..., phải có lối đi riêng để từ một nước trong thề giới thứ ba trở thành một quốc gia thuộc thế giới thứ nhất. 35 năm sau (đúng bằng thời gian VN thống nhất đất nước), Singapore đã làm được điều đó.

* Bạn Giải Phóng là doanh nhân trẻ, kinh doanh trong giai đoạn này theo bạn doanh nhân cần gì nhất: vốn hay kiến thức? (tuan, 55 tuổi, vqtuan55@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà những giá trị thực được tôn vinh, những nỗ lực được đánh giá đúng. Kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh là rất quan trọng.

Vốn xã hội không hề thiếu. Khi chúng ta chứng minh được năng lực, tính khả thi của những ý tưởng của mình, mọi người sẽ góp tiền cho chúng ta thực hiện.

* Chào bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, tôi rất ngưỡng mộ chị. Xin hỏi chị với tư cách là phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam, trong thời gian qua chị đã làm gì để giảm đi những nỗi đau của thân nhân gia đình có con em bị ảnh hưởng của chất độc da cam?

Nhìn những hình ảnh của các bào thai dị dạng đã phát đi trên truyền hình, tôi rất đau lòng, cầu mong những người có trách nhiệm cần làm những gì đó để giảm bớt nỗi đau này.

Bản thân gia đình tôi có 2 người cháu bị di chứng chất độc da cam do anh, chị tôi đi tham gia chiến trường xưa. Chúc chị sức khỏe (Nguyễn Thị Huệ, 48 tuổi, hue_tvtkxdlongan...)

- BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Chào chị Huệ, xin cảm ơn chị đã gửi câu hỏi cho tôi. Tôi cũng xin chia sẻ nỗi đau của gia đình chị.

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập tại 52 tỉnh thành phố. Tỉnh Long An cũng đã có hội nạn nhân. Trong nhiều năm qua Tỉnh hội đã có rất nhiều hoạt động chăm sóc nạn nhân của tỉnh như trợ cấp hằng tháng, cung cấp xe lăn cho người không tự di chuyển được, chăm sóc sức khỏe...

Ngoài ra, Tỉnh hội cùng với Trung ương hội đang theo đuổi vụ kiện và cố gắng giành lại công lý cho nạn nhân để mỗi nạn nhân đều có điều kiện sống và hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Ngành y tế cũng như ngành sản phụ khoa Việt Nam và Long An cũng có nhiều biện pháp tìm cách ngăn chặn việc sinh con dị tật do chất độc da cam gây ra. Tại tỉnh, có cơ sở phục hồi chức năng cho các cháu bị di tật nhẹ giúp các cháu tự chăm sóc cho mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

* Gửi anh Thái, xin anh cho biết tâm trạng của anh như thế nào trong buổi trưa 30-4, đã có chuẩn bị gì trước cho buổi làm việc trên đài với các quan chức còn lại của bộ máy chính quyền Sài Gòn lúc đó? (Võ Trúc Phương, 53 tuổi, votrucphuong@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Khi chúng tôi tới Đài phát thanh Sài Gòn thì hầu như không còn quan chức nào của đài có mặt tại đó. Cả những kỹ thuật viên cũng không có mặt, chỉ có sinh viên và bộ đội ta đang giữ đài. Chúng tôi phải đi tìm kỹ thuật viên để điều hành đài, may mà chúng tôi gặp được anh Trần Văn Bản. Anh Bản cho gọi thêm một số người khác đến tiếp tay. Đến nỗi máy cassette mượn của nhà báo Đức cũng hết pin, anh em sinh viên phải đi tìm pin thay thế. Thực sự buổi phát thanh đó do chính anh em sinh viên tự biên tự diễn. Chỉ đến tối mới giao đài lại cho bộ phận giải phóng vừa về đến Sài Gòn phụ trách.

* Xin hỏi anh Lê Nguyễn Minh Quang, được biết anh từng gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống những năm sau 1975. Thế nhưng anh vẫn vượt qua để có được những thành công nhất định trong sự nghiệp như ngày hôm nay. Điều gì giúp anh có quyết tâm và làm được như vậy? Xin cảm ơn (Ngọc Mai, 27 tuổi, maingoc@...)

Tôi có may mắn sinh ra trong gia đình mà cha mẹ rất coi trọng việc học, xem đó là cứu cánh của cuộc đời.

- Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Chào Mai, con người khi phải đứng trước thử thách hoặc đứng lên hoặc mãi mãi cúi quì thì sẽ có những quyết định của cuộc đời mình. Tôi có may mắn sinh ra trong gia đình mà cha mẹ rất coi trọng việc học, xem đó là cứu cánh của cuộc đời. Đó có lẽ cũng là may mắn của dân tộc Việt khi người Việt Nam mình rất coi trọng kiến thức, trí thức. Nhưng giữa việc ý thức đến việc được học là nền tảng của sự vươn lên đến quyết tâm thực hiện cho kỳ được khát vọng của riêng mình, đòi hỏi mỗi người có một sự khổ luyện.

Gia đình tôi sau năm 1975 hết sức khó khăn về kinh tế, buộc tôi không có còn đường nào khác để lưa chọn là phải vượt lên trên những trói buộc của hoàn cảnh bằng tri thức và năng lực. Tôi thật sự may mắn có sự ủng hộ của gia đình, sự giúp đỡ, cưu mang của những tấm lòng vàng trong xã hội (mà tôi mãi mãi khắc ghi) nên mới có đươc chút thành công như hôm nay.

* Có người nói doanh nhân trẻ ngày nay đang ở trong thời kỳ thế hệ "vàng"? Có đúng vậy không? Bạn Giải Phóng nghĩ gì về điều này? (tuan, 55 tuổi, vqtuan55@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Đó có thể là lời khen tặng cho thế hệ doanh nhân trẻ lớn lên sau chiến tranh đã và đang phát huy năng lực trí tuệ để nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam.

So với thế hệ trước, thế hệ này có thể là "vàng", nhưng sẽ nhanh chóng bị thế hệ doanh nhân tiếp sau bỏ xa. Đó là quy luật tất yếu của một quốc gia đang trên đường phát triển mạnh mẽ.

* Tôi là người sinh sau chiến tranh. Tôi chưa hề chứng kiến đạn bom một ngày. Ấy mà mỗi khi xem những video clip trên mạng về sự kiện 30-4, tôi đều rưng rưng nước nước mắt khi xem cảnh tang thương. Ông là nhân chứng của sự kiện lịch sử ấy, xin ông cho biết cảm nhận của ông lúc ấy như thế nào? (Phan Văn Cương, 31 tuổi, vancuong.phan@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Chắc rằng em chưa hiểu cái quý giá mà 30-4-1975 đã đem lại cho thế hệ chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi không còn nghe tiếng súng, tiếng đạn bom, tiếng xe tăng và tiếng lựu đạn đàn áp sinh viên. Đó là điều mà các em được hưởng. Các em phải biết trân trọng nó và cố gắng phấn đấu để xây dựng đất nước chúng ta hòa bình và phát triển.

* Xin hỏi kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: Thời khắc lịch sử ấy KTS có thấy niềm tự hào dân tộc? Tâm trạng lúc ấy của ông ra sao? (Nguyễn Tấn Hùng, 44 tuổi, hunghau_66@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Tự hào quá đi chứ. Phải đợi cả trăm năm chúng ta mới cắm được ngọn cờ dân tộc trên nóc dinh Độc Lập (nguyên là dinh của toàn quyền Pháp) và nói được tiếng nói của giải phóng trên mảnh đất miền Nam này. Trong lòng tôi và có lẽ cũng ở trong lòng mọi người Việt Nam lúc đó đều dâng lên một niềm tự hào là chúng ta đã có độc lập tự do.

* Chào anh, cho phép tò mò một chút, liệu anh có bị áp lực gì khi mang tên Giải Phóng hay không? Ví dụ: phải học giỏi, phải gương mẫu, phải dũng cảm... Ba mẹ anh có đặt ra yêu cầu nào tương tự như thế không? (Ngọc Anh, 25 tuổi, ngocanh@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Anh không có áp lực gì về tên gọi của mình. Quan điểm của anh là chỉ cần cố gắng hết sức mình cho những gì mình muốn thực hiện.

Năm 1983, khi mới 8 tuổi, bố mẹ gửi anh vào sống ở Sài Gòn với gia đình người bác. Anh một mình quen dần, một mình học hết phổ thông, một mình vào đại học. Anh tự chọn mục tiêu sống và nỗ lực hết mình cho nó.

* Xin hỏi anh Lê Nguyễn Minh Quang: nếu cho anh làm lại, anh có chọn con đường định cư, tìm cách lập nghiệp ở nước ngoài không? Nếu sau này con cái anh lớn, anh có định cho chúng lập nghiệp ở nước ngoài không? Xin cảm ơn (Thanh Liêm, 45 tuổi, liemnguyen@...)

Tôi nghĩ chúng ta không chọn được cửa để sinh ra. Vì vậy gia đình, đất nước nơi ta sinh ra đã ít nhiều là sắp đặt của tạo hóa. Có lẽ không người con nào muốn từ bỏ gia đình mình, cũng như không công dân nào muốn từ bỏ quê hưong đồng bào ruột thịt. Những người con xa nhà chắc cũng nhiều đêm khóc thầm thèm nhớ không khí gia đình. Những người tha hương chắc đã không ít lần khắc khoải nhớ nhớ về dải đất hình chữ S thân thuơng.

- Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Chào anh Liêm, tôi nghĩ chúng ta không chọn được cửa để sinh ra. Vì vậy gia đình, đất nước nơi ta sinh ra đã ít nhiều là sắp đặt của tạo hóa. Có lẽ không người con nào muốn từ bỏ gia đình mình, cũng như không công dân nào muốn từ bỏ quê hưong đồng bào ruột thịt. Những người con xa nhà chắc cũng nhiều đêm khóc thầm thèm nhớ không khí gia đình. Những người tha hương chắc đã không ít lần khắc khoải nhớ về dải đất hình chữ S thân thương.

Tôi có may mắn có được việc làm ổn định bên cạnh mẹ cha, gia đình, được đóng góp chút phần nhỏ bé cho quê hương xứ sở nên tôi sẽ không chọn con đường khác. Sau này con tôi lớn lên, tôi mong chúng có được điều kiện và khả năng (rất quan trọng) du học để mở mang kiến thức và tầm nhìn. Việc lập nghiệp ở đâu sẽ do chúng quyết định, nhưng tôi sẽ góp tiếng nói định hướng và sẽ rất hạnh phúc nếu các con tôi cũng chọn Việt Nam.

* Chào bạn Lê Thành Nam Giải Phóng, bạn là người sinh ra trong thời khắc lịch sử của đất nước. Với vị trí công việc hiện tại của bạn, theo tôi, bạn cũng rất thành công trong sự nghiệp của mình. Bạn có nghĩ là bạn may mắn là do thời điểm khai sinh? (Huỳnh Thị Minh Tâm, 38 tuổi, xdhoathang@...)

UW1TGzxj.jpgPhóng to
Lê Thành Nam Giải Phóng giao lưu trực tuyến với bạn đọc từ tòa soạn TTO - Ảnh: Trần Tiến Dũng

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Thời điểm Phóng được sinh ra (theo mẹ kể lại) là vào lúc 11g20 phút ngày 30-4-1975, khi cả miền Bắc đang hướng về phía những chiếc loa truyền thanh để nghe tin thắng trận. Mẹ đau bụng nên đã tự đi bộ lên trạm xá nhưng ở đó không có ai lại đi bộ về nhà. Quãng đường đó đủ xa để hiểu về một người mẹ đã chiến thắng những khó khăn như thế nào khi sinh ra Phóng.

Từ nhỏ, không vì cái tên, không vì ngày sinh, không có lý do gì để Phóng được thầy cô giáo và mọi người ưu ái hơn người khác.

Cuộc sống và sự nghiệp không ít thăng trầm, nhưng Phóng tin những điều đó là quý giá để Phóng phát triển, để có giá trị hơn đối với công ty mà mình làm việc.

Không biết có phải là may mắn không, nhưng Phóng thấy mình luôn cố gắng thật nhiều cho những gì mình nhận làm.

* Em xin chào BS Ngọc Phượng, em đã nghe rất nhiều về sự nổi tiếng cũng như tâm huyết nghề nghiệp của bác sĩ. Là một người nữ, em rất nể phục BS, rất mong muốn mình có được một phần bản lĩnh như bác sĩ.

Em xin hỏi bác sĩ việc bác sĩ trở thành phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam là một sự kiêm nhiệm tình cờ hay xuất phát từ một điều gì khác? Ở vị trí này BS đã đạt được những thành tựu gì đáng kể như lĩnh vực khoa học chưa? (Huỳnh Thị Minh Tâm, 38 tuổi, xdhoathang@...)

- BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho tôi.

Trong thời gian tôi thực tập và làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ từ những năm 1960, tôi đã nhận thấy tỉ lệ thai trứng và ung thư nguyên bào nuôi cũng như tỉ lệ dị tật bẩm sinh tăng cao. Từ đó, tôi quan tâm nghiên cứu vấn đề này. Sau 1975, cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Việt Nam đến Bệnh viện Từ Dũ tìm hiểu về ảnh hưởng của các chất độc hóa học đối với sức khỏe và sự sinh sản của con người. Tôi được ban giám đốc bệnh viện cử ra để trả lời vấn đề này. Tôi phải tìm hiểu tài liệu và nhận ra mối liên hệ nhân quả giữa phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có chất độc da cam/dioxin, và việc sinh con dị tật bẩm sinh, thai trứng, sẩy thai, thai chết lưu...

Tôi cũng đi về các vùng đã bị rải chất độc hóa học như là xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú - Bến Tre, xã Khánh An, huyện U Minh - Cà Mau... để điều tra cơ bản về các bất thường sinh sản, so sánh với các gia đình không phơi nhiễm. Những nghiên cứu này đã được báo cáo ở các hội nghị quốc tế và đăng tải trên các tạp chí khoa học ở Anh, Pháp, Mỹ. Do đó mà tôi đã được đại diện cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở các tỉnh phía Nam trong ban chấp hành của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Với tư cách là nhân chứng, tôi đã tiếp xúc và cung cấp tư liệu khoa học cho đoàn luật sư Mỹ - đại diện của nạn nhân Việt Nam tại tòa án Mỹ.

Năm 2007, tôi đã dự Đại hội của Hội Y tế cộng đồng Hoa Kỳ gồm hơn 14.000 thành viên để báo cáo và tranh luận với các bác sĩ Hoa Kỳ về hậu quả lâu dài của các chất độc hóa học - chất độc da cam/dioxin đối với con người. Kết quả cuối cùng, đại hội đã thông qua nghị quyết khuyến cáo Chính phủ Hoa Kỳ cùng các công ty hóa chất đã cung cấp các chất độc hóa học cho quân đội để rải ở Việt Nam phải cung cấp đủ chi phí cho việc tẩy sạch môi trường ở Việt Nam và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin (bao gồm nạn nhân Việt Nam, cựu chiến binh Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... kể cả nạn nhân người Mỹ gốc Việt hiện đang sinh sống tại Mỹ) dự phòng và điều trị bệnh và tật bẩm sinh, được đào tạo dạy nghề, có phương tiện kiếm sống và hòa nhập cùng cộng đồng.

Ngày 15-5-2008, tôi đã được hội và các nhà khoa học Việt Nam cử sang Hoa Kỳ để điều trần về vấn đề này trước Hạ viện Hoa Kỳ.

Tôi cũng đã đi nhiều bang, đến nhiều viện đại học Hoa Kỳ để báo cáo về di chứng và hậu quả của các chất độc hóa học mà Mỹ đã rải ở Việt Nam trên môi trường, sức khỏe, sự sinh sản của con người Việt Nam, giúp cho sinh viên và giảng viên đại học Hoa Kỳ hiểu, ủng hộ cuộc đấu tranh dành công lý của nạn nhân Việt Nam.

* Chào anh Giải Phóng. Tôi rất thích cái tên của anh vì nó rất có ý nghĩa. Là một giám đốc sinh ra đúng ngày giải phóng Sài Gòn, chắc anh có kỷ niệm đẹp. Theo anh, làm thế nào để thế hệ sau này hiểu nhiều hơn ý nghĩa về ngày 30-4? Là một giám đốc, anh đã có những cách nào để nhân viên của mình có những hoạt động thiết thực về ngày 30-4? (Nguyễn Bá Khương, 30 tuổi, khuonge56@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Cuộc đời mỗi người đều có những kỷ niệm đẹp và sẽ theo chúng ta đến cả cuộc đời.

Cuộc sống hôm nay hòa bình, tươi đẹp và mỗi chúng ta có cơ hội tập trung tâm trí cho học hành, công việc và sự nghiệp. Hiểu biết của chúng ta đủ khiến chúng ta luôn biết giá trị của những sự kiện lịch sử của đất nước. Điều đó không cần kêu gọi, cách đúng là chúng ta phát huy tiếp những thành tựu mà lịch sử đã mang đến cho chúng ta ngày nay.

* Cháu chào chú Nguyễn Hữu Thái. Cháu là một sinh viên đang sống và học tập ở TP.HCM. Cháu đã vào dinh Độc Lập tham quan và phần nào biết được giây phút trọng đại của ngày giải phóng hào hùng của dân tộc ta mà chú đã từng trải qua. Qua đây chú cho cháu hỏi là trong cái ngày giải phóng hào hùng đó thì giây phút nào làm cho chú xúc động mà chú còn nhớ mãi? (Nguyễn Văn Anh, 21 tuổi, anhdtht@...)

Đối với tôi và những người ở Sài Gòn vào lúc đó, 30-4-1975 là một sự giải phóng cho chính bản thân mình và một niềm hi vọng vô biên vào tương lai đất nước độc lập, có công bằng xã hội.

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Phải nói là dân tộc ta đã trải qua một thời gian quá dài cho chiến tranh. Cái giá phải trả cho độc lập tự do là rất đắt. Cho nên trong ngày 30-4-1975, điều làm tôi xúc động nhất là bắt đầu từ đây chúng ta đã thật sự làm chủ đất nước của mình. Bây giờ nói ra thì chúng ta chưa mường tượng hết cái quý giá của giây phút nhìn được những máy bay trực thăng đưa những người Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước ta và đoàn quân giải phóng vào Sài Gòn. Và nhất là nhìn thấy nỗi vui mừng của nhân dân khắp thành phố. Chính những phóng viên nước ngoài, trong đó có không ít người Mỹ, đã thật sự kinh ngạc khi không có đổ máu, đàn áp mà chỉ có những giọt nước mắt vui mừng, những nụ cười rạng rỡ của đa số người dân.

Đối với tôi và những người ở Sài Gòn vào lúc đó, 30-4-1975 là một sự giải phóng cho chính bản thân mình và một niềm hi vọng vô biên vào tương lai đất nước độc lập, có công bằng xã hội.

* Xin hỏi anh Lê Thành Nam Giải Phóng: Là một người thành đạt, vậy anh có lời gì nhắn nhủ với thế hệ trẻ chúng em về việc xây dựng niềm tự hào dân tộc của đất nước ta hiện nay? Xin cảm ơn câu trả lời của anh. (Nguyễn Thị Thúy Vân, sinh 30-4-1979 - 31 tuổi, vanhuyanh@...)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Xin cảm ơn lời khen tặng của bạn. Tuy thế anh chưa phải là người thành đạt.

Chúng ta là những người Việt Nam với đầy đủ hiểu biết về cội nguồn dân tộc. Chúng ta sáng suốt, được trang bị những kiến thức và mở rộng với thế giới. Chúng ta hiểu các thế hệ ngàn đời đã phải trả giá như thế nào để có chúng ta hôm nay, đất nước chúng ta hôm nay.

Trong mỗi chúng ta đều có lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Chỉ cần chúng ta để nó tự nhiên thể hiện bằng sự lạc quan sống và rộng rãi cống hiến cho cuộc đời những giá trị riêng có của mình.

* Chào anh, thời điểm anh chào đời cũng có rất nhiều em bé phải ly hương, điển hình là nhóm babylift. Anh nghĩ sao về điều này? Chúc anh nhiều sức khỏe. (Hoai Thanh, 30 tuổi, thanhnht@)

- Ông Lê Thành Nam Giải Phóng: Chiến tranh là tấn thảm kịch cho tất cả mọi người. Những hệ lụy của nó cũng đầy nỗi buồn. Cả tôi và bạn đều không mong muốn bởi có ai được gì đâu.

Chúng ta, những con người hiện tại với lòng thiện tâm và mong muốn yên bình, hãy là những người bạn biết sẻ chia và có cái nhìn nhẹ nhõm.

Khi là bạn của nhau, chúng ta sẽ làm được cho nhau nhiều lắm.

* Xin hỏi điều trăn trở nhất của các vị hiện nay là gì? (Nguyễn Văn Thanh, 49 tuổi, drthanh2002@...)

- KTS Nguyễn Hữu Thái: Điều trăn trở nhất của tôi hiện nay, với tư cách của một chuyên viên khoa học kỹ thuật và một nhà giáo, là làm sao thế hệ trẻ chúng ta bắt kịp và vượt được người để xây dựng đất nước. Chúng tôi luôn thao thức về sự tụt hậu của đất nước, đặc biệt là so sánh ngay với những nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Càng đi nhiều ra nước ngoài càng thấy trăn trở hơn. Nhưng tôi đã nhìn thấy một thế hệ trẻ của ta ở trong nước cũng như ngoài nước khá giỏi, không thua kém người. Tôi trăn trở nhưng vẫn lạc quan tin tưởng vào tương lai của đất nước Việt Nam chúng ta.

- Lê Thành Nam Giải Phóng: Sự quan tâm lớn nhất hiện nay của Phóng chính là thông qua doanh nghiệp mình đang hoạt động, kết nối các chương trình đào tạo chất lượng cao của nước ngoài với các bạn trẻ Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong tương lai gần.

------------

11g trưa, KTS Nguyễn Hữu Thái phải rời tòa soạn để chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm đáng nhớ sáng 30-4. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn bận với những ca mổ. Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang bận đến trường. Lê Thành Nam Giải Phóng còn những kế hoạch kinh doanh đang chờ. Họ hẹn lại dịp giao lưu khác với bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

Xin cảm ơn các khách mời và bạn đọc đã tham gia buổi giao lưu.

* Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái: là người dẫn chương trình, tham gia tổ chức chương trình phát thanh đặc biệt trưa 30-4-1975 ở Đài phát thanh Sài Gòn với nội dung: phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và tiếng nói của đại diện chính quyền giải phóng.

CRuFpUnv.jpgPhóng to
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái
Ông và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là những người lên tiếng sớm nhất trên Đài phát thanh Sài Gòn để đón chào chiến thắng 30- 4-1975 sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nguyên là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), một trong những người hoạt động trong phong trào tranh đấu sinh viên khá nổi tiếng từ sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ tháng 11-1963.

Sau năm 1975, ông hợp tác nghiên cứu và thỉnh giảng tại Tây Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam; viết sách báo và đào tạo giới trẻ.

* Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, hiện là phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

u6SByafo.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong phiên tòa công luận quốc tế tại Paris (Pháp) tháng 5-2009 với phần lắng nghe lời làm chứng của các nhà khoa học VN và quốc tế về tác hại của chất da cam đối với sức khỏe con người và môi trường sống - Ảnh tư liệu

Sau năm 1975, từ chối theo chồng đi định cư tại nước ngoài, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã ở lại Việt Nam tiếp tục theo đuổi sự nghiệp y khoa.

Câu chuyện ở lại của bác sĩ Ngọc Phượng đã được đạo diễn Lê Mộng Hoàng làm hình mẫu cho bộ phim Tình yêu của em nổi tiếng trong thập niên 1980.

* Ông Lê Nguyễn Minh Quang: Một người trẻ giỏi từng nhận học bổng Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ.

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, có cha là sĩ quan của chế độ cũ, Lê Nguyễn Minh Quang nỗ lực phấn đấu và học tập, bảo vệ luận án tiến sĩ ngành xây dựng tại Pháp.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang hiện là đại biểu HĐND TP.HCM, tổng giám đốc Công ty Bachy Soletanche Việt Nam, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.

NA6WDMB1.jpgPhóng to
Ông Lê Nguyễn Minh Quang phát biểu trong một phiên họp HĐND TP.HCM - Ảnh tư liệu

Nói về hoàn cảnh nghèo khó và sự vươn lên của bản thân để có được những thành công nhất định như hiện tại, Lê Nguyễn Minh Quang chia sẻ: “Tài sản của tôi chính là nghèo khó. Nhờ đó mới nghĩ rằng mình không th

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên