07/12/2011 19:30 GMT+7

Giải nhất Biển đảo quê hương với bài tự luận cảm xúc

TRUNG DÂN
TRUNG DÂN

TTO - Hầu hết các thành viên ban giám khảo tham gia chấm tự luận hội thi Biển đảo quê hương đều nhận xét như vậy về bài viết "Hành trình biển đảo trong tôi" của Nguyễn Thị Mỹ Hà (Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) đoạt giải nhất chung cuộc.

Cuộc thi Biển đảo quê hương: mở ra tình yêu lớnNguyễn Thị Mỹ Hà chiến thắng hội thi “Biển đảo quê hương”

Mỹ Hà là người đã đoạt giải nhất tuần 1 cuộc thi với số điểm 50/50 ở chủ đề “Thiêng liêng biển đảo quê hương” tìm hiểu về kiến thức về lịch sử hình thành, vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên của các vùng biển đảo Việt Nam.

crBwzUmX.jpgPhóng to
Một góc đảo Phú Quốc - Ảnh: TTO

Đến phần thi tự luận, với bài viết "Hành trình biển đảo trong tôi", bằng lối viết rất cảm xúc, tự nhiên và chân thành, cô sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế này đã chinh phục được những giám khảo để giành giải nhất chung cuộc với phần thưởng 15 triệu đồng.

Xin giới thiệu toàn bộ nội dung bài viết này:

Hành trình biển đảo trong tôi

Nếu bốn tuần của hội thi là một hành trình đến với "Biển đảo quê hương" thì tôi là một hành khách đã có những trải nghiệm thật sự tuyệt vời không chỉ bởi việc khám phá những điều lý thú trên chặng đường đã đi qua mà còn là cảm nhận về những đổi thay đang cựa mình thức dậy.

Tôi háo hức

Thú thật, tôi đã bắt đầu chuyến hành trình ấy với mục tiêu chinh phục giải thưởng hơn là suy nghĩ mình sẽ học được gì. Những phần thưởng hấp dẫn vẽ ra trong tôi bức tranh xán lạn về việc thực hiện những mong muốn, dự định của mình. Dẫn bước tôi lên chuyến hành trình còn là cơ hội thử sức mình bằng năng lực tìm tòi và sự nhanh nhạy cần có của một người trẻ qua việc cọ xát với những cuộc thi có tầm ảnh hưởng rộng như thế này. Để rồi...

Tôi khám phá

Những phần thi mở ra với nội dung câu hỏi phong phú về chủ đề biển đảo nhưng trên nhiều lĩnh vực khác nhau: địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội... khiến tôi miệt mài với việc tìm hiểu, tra cứu các thông tin, kiến thức liên quan để có được câu trả lời chính xác. Vô hình trung, tôi thấy mình như bị cuốn vào chuyến hành trình nhưng bởi một sức hút khác - sức hút của con chữ và lượng thông tin hàm súc trong đó. Có lẽ cái cảm giác chính mình mong muốn nắm bắt và nhận thức mới chính là hạnh phúc thật sự của sự mở mang tri thức.

Khi những đáp án được lật mở, thế giới mà tôi chưa có dịp khám phá hiện rõ hơn qua những hình ảnh, thông tin cụ thể và chính xác. Những cái tên đảo, tên người hiện ra thật sinh động như đã phần nào thu hẹp cái xa xôi, lạ lẫm để tôi cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn dáng dấp quê hương.

Trên chuyến hành trình ấy, tôi có dịp trở về với lịch sử cùng những năm tháng, những địa danh, chiến tích và những cái tên đã góp phần khẳng định "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam". Để rồi trước mắt tôi là sóng nước quê hương nặng tình giữa những dữ dội của hôm qua và bao đằm thắm của cuộc sống mới hôm nay:

"Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!

Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng

Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương

Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương"

(Biển hát chiều nay - Hồng Đăng)

Tôi yêu...

Từ sự khám phá đó, tình yêu đến dịu dàng cho những miền đất dẫu tôi chưa một lần đặt chân đến với những con người tôi chưa hề biết mặt. Tôi yêu sự chân chất giản dị nhưng kiên quyết của những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm giàu cho quê hương, yêu vẻ đẹp kiên cường của anh bộ đội "đứng gác trời khuya đảo vắng" giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Yêu sao những trái tim biết truyền cảm hứng từ rung động tuyệt vời trước sự giao hòa giữa biển trời bao la tươi đẹp và lòng người náo nức vui say:

"Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay

Non nước mây trời lòng ta mê say

Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát

Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát"

(Tình em biển cả - Nguyễn Đức Toàn)

Tôi yêu cả câu chuyện "Góp đá xây Trường Sa", yêu lá thư gửi đảo xa, yêu cái tình người, tình dân tộc trong bài học giản dị mà sâu sắc của cha ông "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Tình yêu tôi vỗ bến ước mơ...

Tôi mơ...

Đến một ngày những cái tên như Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quốc... sẽ không còn gợi lên sự xa xôi với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Những tuyến đường, những cây cầu được nối dài như chính tình yêu và sự gắn bó ruột thịt giữa đất liền và hải đảo. Người dân cả nước háo hức những chuyến tàu chở niềm vui từ mọi miền Tổ quốc.

Những học trò của tôi sẽ có dịp biết hơn, hiểu hơn về biển và hải đảo qua giờ học tiếng Anh và những câu chuyện của tôi. Để rồi cả tôi và chúng sẽ tự hào và tự tin mỗi khi có dịp khoe với bạn bè quốc tế về biển đảo quê mình như những người Mỹ nói về Hawaii hay học sinh Hàn Quốc nói về đảo Jeju.

Trẻ con khắp nước biết yêu hơn câu hát từ khơi xa, ngợi ca vẻ đẹp của con người và cuộc sống trên biển. Những người trẻ hăm hở cống hiến nhiệt tình và sáng tạo để Việt Nam trở thành quốc gia "Mạnh về biển - giàu lên từ biển".

Khách thập phương nô nức đến với đảo du lịch, đảo kinh tế quê tôi, đến với những tuyệt tác của tự nhiên và những công trình kiên cố xây nên từ bàn tay khối óc của con người trên hòn đảo xinh đẹp.

Giấc mơ tôi có biển đảo Việt Nam tươi mãi nét đẹp giàu...

Lo âu…

Giữa giấc mơ đầy ắp những mênh mông, rộn ràng và tươi sáng ấy còn có nỗi lo âu của một cô bé đã và đang trưởng thành hơn trong suy nghĩ và nhận thức về khái niệm tình yêu quê hương. Phải chăng sự thay đổi khiến tôi ý thức hơn về những trăn trở mình chưa một lần gọi tên khi xem những tin tức, nghe những câu chuyện thời sự trên biển Đông?

Trong khi những nỗ lực hết mình của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể và nhiều cá nhân đang được thực hiện để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đi đúng hướng thì vẫn còn đây đó những thông tin tuyên truyền trên mạng sai lệch nhằm gây mơ hồ, làm hoang mang không ít người dân. Liệu những người tiếp cận luồng thông tin đó có đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, tích cực, có tính xây dựng không hay chỉ tạo nên những thái độ tiêu cực không nên có, làm cho thực tế thêm phức tạp?

Giấc mơ có thật…

Nhưng tôi tin tình yêu, niềm tự hào và nỗi lo sẽ hóa sức mạnh khi mỗi người Việt Nam sẵn sàng hành động và gieo hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình với những việc làm làm thiết thực xuất phát từ tình yêu ruột thịt, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Một khi cuộc đấu tranh ấy đến gần hơn, sâu hơn với mỗi cá nhân, sức mạnh đoàn kết của "một dân tộc gan góc" ắt sẽ làm nên lịch sử.

Cuộc thi kết thúc nhưng hành trình mang tên "Biển đảo quê hương" trong tôi có lẽ chỉ mới bắt đầu khi tôi thật sự nhận ra và muốn chia sẻ tất cả những điều này. Bởi tôi tin, khi tình yêu và nhiệt tình lan tỏa, sẽ có thật nhiều những người bạn đồng hành với tôi trên hành - trình - hiện - thực - hóa - những - ước - mơ.

Nguyễn Thị Mỹ Hà (Huế)

Mời bạn đọc xem thêm bài viết đoạt giải chung cuộc ở đường link dưới đây:

Bài viết của Lê Hoàng Việt Lâm - giải nhìBài viết của Hoàng Trần Tiến Phương - giải nhìBài viết của Nguyễn Đức Linh Rin - giải baBài viết của Ka Luận - giải ba Bài viết của Võ Thanh Liêm - giải baBài viết của Đặng Thị Hương - giải khuyến khíchBài viết của Nguyễn Trường Vũ - giải khuyến khíchBài viết của Bùi Thị Mến - giải khuyến khíchBài viết của Trịnh Phước Lộc - giải khuyến khíchBài viết của Lê Thị Ngọc Minh - giải khuyến khíchBài viết của Tường Duy Viên - giải khuyến khích

TRUNG DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên