24/08/2012 08:55 GMT+7

Xây nhà máy điện hạt nhân: Lưu ý bài học Fukushima

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ít nhất ba chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cảnh báo VN về những bài học Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) tại hội thảo phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân do Bộ Khoa học - công nghệ tổ chức ngày 23-8.

Các chuyên gia cũng đề nghị VN cần có cơ quan độc lập quản lý điện hạt nhân để đảm bảo an toàn.

Cần có cơ quan chuyên về an toàn hạt nhân

Theo ông Alexander Bychkov - phó tổng giám đốc IAEA, tính đến ngày 10-8-2012, thế giới có 435 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia, 62 tổ máy đang được xây dựng và vừa có hai tổ máy của Hàn Quốc hòa lưới. Ông Alexander Bychkov cho rằng thảm họa điện hạt nhân Fukushima sẽ làm chậm lại hoặc trì hoãn chứ không thể đảo ngược đà phát triển của điện hạt nhân vì những lợi ích của nó. Ông cũng công nhận nhiều quốc gia tiếp tục có kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân nhưng cho biết sẽ nghiên cứu bài học từ Fukushima, trong khi một số quốc gia quyết định ngừng phát triển để xem xét các bài học.

Tuy nhiên, vị phó tổng giám đốc IAEA nhấn mạnh rằng điện hạt nhân cũng chỉ là một lựa chọn. “Ngay cả khi đã quyết tâm làm nhà máy điện hạt nhân thì VN cũng còn nhiều việc cần làm và vấn đề chính của VN là phải hoàn thiện hệ thống pháp quy và quy hoạch nhân lực”.

Ông James Lyons - giám đốc kiêm trưởng phòng an toàn cơ sở hạt nhân, Vụ An toàn và an ninh hạt nhân thuộc IAEA - cũng cho rằng để đảm bảo an toàn, các nước phát triển điện hạt nhân cần lập và duy trì một cơ quan độc lập về an toàn hạt nhân để giám sát từ việc lựa chọn địa điểm đến vận hành thử, vận hành chính thức và chấm dứt hoạt động, phối hợp để đánh giá tác động môi trường nhà máy điện hạt nhân. Nếu nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm về an toàn, cần xây dựng các điều khoản về sự phối hợp hiệu quả, đồng thời cần nêu rõ trách nhiệm và chức năng của mỗi cơ quan.

Nhiều bài học từ Fukushima

GS Akira Omoto, Đại học Công nghệ Tokyo, khuyến cáo VN bằng kinh nghiệm Nhật Bản từ sau sự cố Nhà máy Fukushima. Theo ông Akira Omoto, Nhật Bản đã phải thay đổi không chỉ về các yếu tố đảm bảo an toàn mà cả về tổ chức. “Từ ngày 20-6-2012, Nhật đã ra đạo luật thành lập cơ quan quản lý về hạt nhân thuộc Bộ Môi trường và bãi bỏ Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân thuộc Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp. Một ủy ban an toàn hạt nhân thuộc văn phòng nội các cũng được thành lập. Công tác an ninh, an toàn và thanh sát cũng được tích hợp lại trong cùng một cơ quan” - GS Akira Omoto nói.

GS Akira Omoto cũng nêu từ bài học sự cố Fukushima, yêu cầu bảo vệ nhà máy điện hạt nhân được tính toán sâu hơn, như khả năng giúp nhà máy chống lại sự cố mất điện lưới mà không có nguồn dự phòng.

Về hiện trạng điện hạt nhân ở VN, ông Đoàn Thế Vinh - vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương - công nhận VN còn thiếu đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, tài chính có trình độ cao đáp ứng nhu cầu dự án điện hạt nhân, cũng như thiếu các cơ sở đạt yêu cầu đào tạo nhân lực điện hạt nhân.

Bài học kinh nghiệm và kế hoạch hành động của VN sau Fukushima, theo ông Vinh, là sẽ tăng giới hạn thiết kế về động đất, sóng thần; sẽ lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất đã được kiểm chứng với hệ thống an toàn thụ động. Ngoài ra, VN sẽ tăng cường năng lực các cơ quan, độ tin cậy của hệ thống thiết bị phụ trợ và xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố ở cấp nhà máy, cấp tỉnh, cấp quốc gia, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố. VN cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung cho chương trình phát triển nguồn nhân lực.

Về vấn đề an toàn và nhân lực, ông James Lyons cảnh báo các quốc gia bắt đầu chương trình hạt nhân cần đào tạo và thực tập cán bộ ở cấp độ quốc tế, khu vực. Các quốc gia mới phát triển điện hạt nhân cần xây dựng hạ tầng hạt nhân trên các tiêu chuẩn an toàn của IAEA chứ không phải của riêng quốc gia mình.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Trần Thanh Minh, nguyên viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đề nghị VN nên tham khảo kinh nghiệm của Nhật sau thảm họa Fukushima. Thứ nhất là văn hóa an toàn, văn minh công nghiệp ở VN không thể bằng Nhật Bản, công tác đào tạo phải cực kỳ cẩn trọng điều này. Thứ hai là phải có cơ quan chuyên trách về nhà máy điện hạt nhân và cơ quan này không thể trong Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN mà nên ở Bộ Khoa học - công nghệ hoặc Bộ Tài nguyên - môi trường. Thứ ba, các quy định của Luật năng lượng nguyên tử, quy định về an toàn của VN cũng cần tính toán để thay đổi.

Điện hạt nhân sẽ đạt 10.700MW năm 2030

Theo ông Đoàn Thế Vinh, dự kiến đến năm 2020 VN phải có khoảng 1.000MW điện hạt nhân, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện toàn hệ thống, đến năm 2030 phải có 10.700MW, bằng 6,6% tổng sản lượng điện.

VN sẽ hợp tác với Nga phát triển nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và hợp tác với Nhật làm nhà máy thứ hai. Từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2013 sẽ chuẩn bị báo cáo khả thi và hồ sơ phê duyệt địa điểm nhà máy Ninh Thuận. Từ năm 2014-2015 sẽ chuẩn bị hồ sơ mời thầu và thẩm định thầu để chọn tổng thầu xây lắp. Sau năm 2015 sẽ khởi công xây dựng và dự kiến việc vận hành thương mại tổ máy 1 sẽ từ năm 2021 và tổ máy 2 vào năm 2022.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên