Phóng to |
“Năm qua, tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh sản người và phôi học châu Âu (ESHRE) ở Barcelona, Tây Ban Nha, khi nghe nói đến chương trình thụ tinh trong ống nghiệm với giá chỉ 200 euro thí điểm tại châu Phi, tôi như mở cờ trong bụng và tự hỏi: Tại sao người nghèo ở Việt Nam không được thụ hưởng điều này?” - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), đã nói như thế khi trình bày đề tài “Thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp” tại Hội nghị hiếm muộn toàn quốc lần thứ nhất ngày 17 và 18-7 tại TP.HCM.
Làm mẹ là hạnh phúc của bất kỳ phụ nữ nào trên thế gian này. Vì thế vô sinh quả là một bi kịch cho họ. Ở nước ta, vô sinh là vấn đề sức khỏe có phần gia tăng trong một thập niên trở lại đây. Tuy nhiên bất chấp việc ứng dụng thành công các phương pháp điều trị tiên tiến ở nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam, không phải phụ nữ nào bị vô sinh cũng được toại nguyện. Nguyên nhân khách quan là ngay cả với những kỹ thuật điều trị hiện đại, tỉ lệ thành công chỉ dao động từ 30-35%.
Nguyên nhân chủ quan thì nhiều, đặc biệt nhất là chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm quá cao, lên đến 25-40 triệu đồng/ca. Đây là con số quá lớn cho bất kỳ người nào, thậm chí là cả một gia tài đối với người nghèo. Trước thực tế đó không ít người đã thoái lui hoặc bỏ cuộc giữa chừng.
Họa vô đơn chí với chi phí cao
Không áp dụng cho những trường hợp phức tạp “Không phải trường hợp nào cũng áp dụng phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm giá rẻ, vì có những trường hợp nguyên nhân quá nặng, phức tạp phải áp dụng cách điều trị bài bản như hiện nay” |
Tại Bệnh viện Hùng Vương, chị H. - một phụ nữ 32 tuổi ngụ tại quận Bình Tân, kể tôi nghe câu chuyện của chính mình. Lấy chồng năm 25 tuổi, sau một thời gian không có con, chị quyết định đi điều trị vô sinh. Bác sĩ cho biết chi phí có thể lên đến 40 triệu đồng. Khao khát có một đứa con nên dù sống bằng nghề lao động chân tay, hai vợ chồng chị vẫn cố gắng tằn tiện, thậm chí bán bớt tài sản để điều trị.
Thế nhưng mới đi được nửa đường cả hai phải bỏ cuộc vì không kham nổi. Vừa nói chuyện chị vừa khóc: “Bỏ một thời gian dài, nay làm ăn kha khá vợ chồng tôi quyết định quay lại nhưng bác sĩ cho biết cơ hội thành công thấp đi vì để lâu quá. Phải chi trước đây có đủ tiền chữa bệnh thì có lẽ giờ đây chúng tôi đã có một đứa con để ẵm bồng”.
Nhưng bi kịch cho người nghèo trong đoạn trường điều trị vô sinh không dừng ở đó. Do chi phí cao, mất thời gian nên nhiều cặp vợ chồng bị căng thẳng tâm lý, ảnh hưởng kết quả điều trị. Thậm chí có không ít cặp vợ chồng nảy sinh xung đột dẫn đến ly hôn.
Cải tiến từ cái có sẵn
Phóng to |
Một trong hai bé ra đời đầu tiên băng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp - Ảnh: PS |
Thật ra phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp không phải là đột phá lớn, nó dựa trên phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thường quy nhưng bác sĩ thay thế các loại thuốc đắt tiền bằng thuốc ít tốn kém và gia giảm liều dùng.
Bác sĩ Ngọc Sương nói về yếu tố đầu: “Trước đây các nhà chuyên môn còn e ngại hiệu quả của những loại thuốc rẻ tiền. Cách đây 4-5 năm, thậm chí người ta còn định khai tử chúng. Hiện nay, niềm tin vào chúng đã gia tăng, chưa kể có chứng cứ y học cho thấy nguyên nhân vô sinh không còn nghiêng hẳn về yếu tố nhiễm trùng, mà người ta bắt đầu lưu ý vấn đề tâm sinh lý như stress trong công việc, căng thẳng trong đời sống vợ chồng”.
Việc gia giảm liều dùng cũng rất có lợi. Bác sĩ Sương nói tiếp: “Trong thụ tinh trong ống nghiệm thường quy, nỗi lo lớn nhất cho bác sĩ điều trị là phản ứng quá kích buồng trứng của bệnh nhân. Nhưng trong thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp, do số lần chích thuốc giảm nên nguy cơ này giảm rất nhiều. Chưa kể bệnh nhân còn bớt căng thẳng tâm lý do phải tới lui nhiều lần”.
Dĩ nhiên, như bất kỳ một phương pháp trị liệu nào, thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp cũng phải thỏa mãn tiêu chí an toàn và hiệu quả, khi có thêm tiêu chí ít tốn kém nữa thì quả là tuyệt vời. Đây cũng là mục tiêu mà đội đặc nhiệm ESHRE dưới sự điều hành của giáo sư người Bỉ Willem Ombelet hướng đến. Vị chuyên gia phụ khoa này đã dùng thang điểm 1-6 để mô tả sự khủng khiếp của nỗi đau vô sinh. Theo ông, nếu mặc cảm “tội lỗi, hối hận, tự trách mình” phối hợp với tình trạng vô sinh ở phụ nữ những nước đang phát triển là 1 thì “bạo lực, đói khổ và bệnh tật” ở những người này là 5. Điểm 6 cuối cùng là cái chết.
Cơ hội cho người nghèo
Tốt nghiệp đại học y khoa năm 1989, con đường đến với lĩnh vực hiếm muộn của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương như một cơ duyên. Năm 1998, vượt qua nhiều ứng cử viên cho một chương trình tu nghiệp tại Pháp, chị có dịp làm quen và học hỏi những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại một trong những trung tâm hàng đầu của Paris. Về nước một năm sau đó, chị là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương ngày nay.
Trở về từ hội nghị Barcelona, khi trình bày ý tưởng triển khai thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp, chị được ban giám đốc bệnh viện hết sức ủng hộ. Đó là một ý tưởng mới trên thế giới trong lĩnh vực hiếm muộn nhưng lại càng mới hơn khi ở Việt Nam chưa nơi nào thực hiện. Vì thế khi báo chí muốn thông tin, chị dè dặt: “Hãy đợi xem thế nào”.
Hơn một tháng trôi qua trong hồi hộp, cuối cùng niềm vui cũng đến. Ngày 12-9-2008, ca thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp đầu tiên đã thành công. Đó là một ca song thai trên bệnh nhân Đ.M.L., 31 tuổi, ngụ tại TP.HCM. Tổng chi phí thuốc men cho ca này chưa đến 7 triệu đồng, chưa đến 1/3 chi phí nếu làm theo cách thường quy hiện nay.
Tháng 3-2009, ca song thai này chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương như một phần thưởng xứng đáng cho sự kiên trì của tập thể khoa hiếm muộn. Ngày đó, bác sĩ Sương đã gọi điện báo tin cho tôi, giọng nói ngập ngừng pha lẫn vui mừng và xúc động: “Thành công rồi anh à. Cánh cửa đã mở ra cho người nghèo rồi”. Quả thật cơ hội cho người nghèo đã mở ra. Trong 30 ca thực hiện từ tháng 8-2008 đến tháng 4-2009 (gián đoạn tháng 1 và tháng 2-2009), chi phí dao động từ 4-12 triệu đồng. 4 triệu đồng cho một ca thụ tinh trong ống nghiệm - chuyện thật khó tin!
Cần sự tiếp sức của giới trách nhiệm và cộng đồng Đề tài trình bày của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương tại hội nghị hiếm muộn toàn quốc nhận được sự ủng hộ của rất nhiều đại biểu. Mới nhất đã có thêm một trẻ ra đời bằng chương trình thụ tinh trong ống nghiệm chi phí thấp, nâng tổng số ca thành công lên ba trường hợp. “Cần tiếp tục theo dõi và đánh giá vì số ca hiện còn hơi ít” - bác sĩ Ngọc Sương thẳng thắn nhận định. Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến, giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, nói: “Điều cần nhất vẫn là hiệu quả”. Đúng thế, nhưng chí ít phương pháp này cũng mở ra một hướng đi cho việc điều trị hiếm muộn, câu chuyện thường không dành cho người nghèo. Tuy nhiên, để giảm bớt nỗi lo về chi phí cho đối tượng này hơn nữa, rất cần sự hỗ trợ của mọi người. Vì những chi phí còn lại như viện phí, vật tư tiêu hao hoàn toàn nằm trong tầm tay tiếp sức của giới trách nhiệm và cộng đồng. |
Chưa thể trị vô sinh từ tinh trùng nhân tạoVN thử nghiệm thành công tạo tinh trùng từ tế bào gốcBS Ngọc Phượng: Làm tròn nghĩa vụ để mọi người chung quanh hạnh phúc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận