24/05/2005 14:24 GMT+7

Đào tạo sư phạm: Chiếc áo đã lỗi thời

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Bốn trụ cột của giáo dục thế kỷ 21 mà Ủy ban Giáo dục UNESCO đã đúc kết: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

aIIrKaAM.jpgPhóng to

Giáo viên Trường Tiểu học Phùng Hưng, quận 11 (TP.HCM) hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết

Thích nghi và sáng tạo là hai phẩm chất quan trọng của con người trong thời đại ngày nay. Không ai khác hơn là chính giáo dục phải giúp nguồn nhân lực của đất nước hình thành và phát huy các phẩm chất trên.

Trong bối cảnh đó, các trường sư phạm – “chiếc máy cái” của nền giáo dục – sẽ phải có sự thay đổi lớn về mô hình đào tạo. Đó là nhận định chung của các nhà sư phạm tại hội thảo: “Mục tiêu đào tạo và mô hình ĐH sư phạm VN trong giai đoạn mới” do Viện Nghiên cứu giáo dục tổ chức ngày 24-5 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Trường sư phạm sẽ mất dần tính độc quyền đào tạo giáo viên

Khi đánh giá về cách dạy học hiện nay tại các trường phổ thông VN, GS Hoàng Tụy (Viện Toán học VN) kể một câu chuyện cụ thể: Có nhà giáo đi thăm một lớp học phổ thông ở Thụy Điển, tỏ vẻ ngạc nhiên vì thấy cách dạy quá khác chúng ta. Đến khi nhà giáo này trò chuyện và tả lại cho bạn cách dạy ở VN hiện nay thì bạn rụt rè cho biết: hình như đó là cách dạy của họ… cách đây 70 - 80 năm! Cái thời gian “diệu vợi” về khoảng cách… giáo dục sư phạm trên với các nước phát triển, đang nói với chúng ta điều gì?

Tại hội thảo, hình như chuyện đổi mới mô hình trường sư phạm trong giai đoạn hiện nay không phải là chuyện cần bàn cãi; mà các nhà nghiên cứu đang cố đi tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng cho khối trường sư phạm. Hiện nay đào tạo giáo viên (GV) không còn là độc quyền của các trường ĐH sư phạm.

Một số ĐH đã thành lập khoa sư phạm cũng với mục tiêu đào tạo GV. Trước mắt, các khoa sư phạm này vẫn đi theo con đường của trường sư phạm là đào tạo GV trong 4 năm.

Nhưng trong tương lai, theo GS.TSKH Lê Ngọc Trà, chắc chắn việc đào tạo sẽ đa dạng hơn, bằng cách tuyển những người đã tốt nghiệp các khoa khác, đào tạo thêm 1-2 năm, rồi cấp chứng chỉ sư phạm để họ hành nghề dạy học.

Để biện minh cho sự tồn tại của mình - theo GS Trà - các trường ĐHSP phải xem xét lại mục tiêu và nhiệm vụ, mà một trong những vấn đề cần được đặt lên hàng đầu, đó là trường ĐHSP phải trở thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo các chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực giáo dục.

Táo bạo hơn, GS Hoàng Tụy đề nghị: Các ĐHSP nên chuyển thành ĐH đa ngành chuyên về sư phạm. Cụ thể, bên cạnh các khoa đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về các ngành KHTN và KHXH, còn có một khoa sư phạm với hai nhiệm vụ: đào tạo nghiệp vụ 6 tháng cho những cử nhân, thạc sĩ muốn ra dạy trung học phổ thông và nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ cho cải cách giáo dục.

ĐH Sư phạm TP.HCM - một trong hai ĐHSP trọng điểm của cả nước - cũng đang nỗ lực hướng tới một ĐH đa ngành. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Phó Hiệu trưởng, cho biết: trường hiện đã có thêm 4 ngành đào tạo cử nhân ngoài danh mục truyền thống.

Theo dự thảo chiến lược 2005-2009, trường sẽ chuyển đổi cách đào tạo GV sang đào tạo cử nhân sư phạm (tuyển ngay từ năm 1) và cử nhân khoa học, nếu muốn vào sư phạm sẽ học thêm 2 năm để lấy thêm cử nhân sư phạm. Theo TS Phạm Thị Ly (Viện NCGD), một số ĐH ở Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi theo hướng này.

Tuy nhiên, TS Hồ Thiệu Hùng lại đưa ra đề nghị cụ thể với ĐHSP TP.HCM: từ nay đến 2020, trường nên phát triển theo chiều sâu: đào tạo cử nhân sư phạm vững vàng biết nghiên cứu khoa học giáo dục, sau đó mới nên phát triển theo chiều rộng: đào tạo cả cử nhân sư phạm lẫn cử nhân khoa học cơ bản.

Quản lý không biên giới - cơ sở để đào tạo người thầy mới

6xlw0Bqo.jpgPhóng to

Thí sinh nộp hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Khi đề cập đến vai trò người thầy, TS Trần Thị Bích Liễu, ĐHSP Hà Nội đặt thẳng vấn đề: “Xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa GD-ĐT đòi hỏi ở người GV những năng lực mới và kiến thức mới, những hiểu biết mang tính toàn cầu, khả năng làm việc và giao tiếp ở những môi trường khác nhau”.

Như vậy, đào tạo như thế nào để có thầy mới? TS Bích Liễu giải thích: Do tính chất quốc tế hóa, xã hội hóa của quá trình đào tạo GV, tính tích hợp của các chương trình giáo dục đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay, nhiều trường ĐHSP ở các nước áp dụng phương thức “quản lý không biên giới” đối với công tác đào tạo GV.

Tính chất của quản lý không biên giới này bao gồm: Không biên giới về mặt địa lý giữa các vùng, quốc gia , sự hợp tác quốc tế trong đào tạo GV. Quốc tế hóa nội dung và phương thức đào tạo, cung cấp cho SV kiến thức và kỹ năng để có thể giảng dạy ở các nước khác nhau. Không biên giới giữa các môn học, không biên giới giữa nhà trường và xã hội, cuối cùng là liên thông đào tạo ngay trong trường ĐH, giữa các trường ĐH.

Quan điểm tích hợp trong đào tạo GV của TS Bích Liễu đã nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu. PGS.TS Lê Đức Ngọc, ĐHQG HN cho rằng, đào tạo GV dạy tích hợp là một giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu cấp bách đối với giáo dục, vì nguồn nhân lực này có tiềm năng tham gia xây dựng “xã hội học tập, trường học tư duy” khi chủ trương xã hội hóa đang được triển khai ở nước ta.

Nói cho cùng, mô hình, mục tiêu chương trình… đào tạo GV hiện đại đến mấy cũng không qua khỏi một cơ chế chọn lọc cho được con người thầy giáo chân chính. TS Mai Văn Hưng (ĐHSP HN2) tỏ ra bức xúc: Phải điều tra khảo sát lại toàn bộ đội ngũ giảng viên, sẵn sàng thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, tránh việc giữ lại trường ĐHSP những người thân quen hoặc theo nguyên tắc “con nhà ai?” hoặc theo cách thức tuyển người chỉ căn cứ vào độ “chịu chơi’, “biết điều” hay “ngoan ngoãn” song thiếu bản lĩnh nghề nghiệp.

Phải đảm bảo mỗi giảng viên không những là một nhà giáo mẫu mực mà còn là một chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực mình giảng dạy. TS Nguyễn Kim Dung (VNCGD) cũng đặt vấn đề: Việc có được một hệ thống các chuẩn mực để đánh giá GV thích hợp và khoa học là một việc làm quan trọng.

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, thế giới của chúng biến đổi từng giờ, từng ngày. Sự thích ứng của các trường đối với sự phát triển ấy thực sự đã trở thành thách thức. Mọi nỗ lực tìm kiếm một cấu trúc, một cơ cấu và những phương pháp cho tương lai một trường sư phạm của ngày mai – đã trở nên hết sức cấp thiết.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên