Phóng to |
Các thế hệ học trò tặng hoa, tặng sách chúc sức khoẻ GS Trần Văn Giàu. |
Ánh nắng lung linh nhảy nhót ngoài khung cửa nhưng trong nhà thầy không gian như lắng đọng cho những cảm xúc ấm nồng của tình thầy, đạo trò suốt gần nửa thế kỷ, nối kết các thế hệ học trò với nhau.
Vẫn phong cách giản dị, thân tình, Giáo sư đã kể chuyện về những người học trò làm thầy. “Đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi kể chuyện này”, ông cười hóm hỉnh: “Tôi già rồi, chẳng muốn kể công làm chi”.
Giáo sư (GS) nhìn các học trò – những mái đầu bạc kề bên mái đầu xanh, người lớn tuổi nhất đã hơn “thất thập cổ lai hi”, người nhỏ nhất chỉ mới ngoài 20 tuổi. Trong số này, chỉ có trò Nguyễn Thị Thất theo học ông ở miền Bắc cách đây gần 50 năm; còn lại trò Nguyệt, trò Lợi, trò Dương - những người ông mới gặp lần đầu và là học trò của học trò ông.
Trong suốt cuộc đời dạy học của mình, ông khó có thể nhớ hết mình đã đưa bao nhiêu lượt người “sang sông”, nhưng những học trò của ông vẫn khắc sâu những bài học, những lời ông giảng.
Trò Thất hai tay cầm hoa tôn kính tặng thầy và nhắc chuyện ngày xưa: “Con lập gia đình vào năm 1958. Giai đoạn ấy thầy rất bận rộn, con chỉ mời thầy dự đám cưới của con một cách cầu may. Vậy mà thầy và cô vẫn đến với quà cưới là quyển sách của thầy mới xuất bản…”. Nghe chuyện cũ, GS vui lắm, ông cười rung cả đôi vai.
Cuộc gặp gỡ này khiến ông cảm thấy bất ngờ và lý thú. Nó như một gạch nối gắn liền hiện tại với quá khứ êm đềm, thân thương. Nhưng, giọng GS bỗng chùng xuống: “Chỉ tiếc là còn thiếu một loại học trò. Đó là những người thầy của tôi…”. Mọi người chưa hiểu ý thầy thì GS nói tiếp: “Tôi được tiếng dạy giỏi là nhờ tôi đã học ở học trò…”. Trong dòng hồi tưởng, ánh mắt của ông trở nên xa xăm.
Bước vào phòng làm việc của GS, điều gây ấn tượng nhất không phải là những kệ sách đồ sộ mà là một chữ “tâm” màu vàng lấp lánh trong khung đặt trên bàn, giữa chân dung của ông và vợ. Còn một chữ “tâm” lớn hơn, đã đi suốt cuộc đời dạy học của người thầy nhân dân mà chỉ có những thế hệ học trò đã từng được ông dạy bảo mới cảm nhận hết ý nghĩa. Chiều đã tắt nắng, tiễn các học trò ra về, ông cười hóm hỉnh: Đây là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng tôi kể chuyện này. Tôi già rồi, chẳng muốn kể công làm chi…”.
Vâng, không phải ngẫu nhiên mà ông kể chuyện những người học trò làm thầy. Bởi, trong số những trò có mặt hôm nay, ngoài những người đang đứng trên bục giảng còn có cả những sinh viên sư phạm. Từ chuyện kể của giáo sư, họ đã học được một bài học quý giá. Nghề dạy học không chỉ đòi hỏi trí tuệ, tài năng mà còn đòi hỏi một tấm lòng. Đó chính là cội nguồn sức mạnh tạo nên bản lĩnh của người thầy trong “nghề đưa đò” nhiều niềm vui và không ít những khó khăn, thử thách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận