21/06/2014 03:17 GMT+7

Không để trò nghỉ học

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

TT - Cô rất nghiêm khắc và khó tính với những học sinh cá biệt, thường xuyên không thuộc bài. Thế nhưng học sinh lại không sợ không ghét cô, trái lại rất thương và thích cô bởi cô luôn có thái độ gần gũi, thương yêu, tận tâm chỉ bảo học sinh hiểu bài đến nơi đến chốn.

YPAIBcr4.jpgPhóng to
Cô Vân và em Trọng trong giờ học - Ảnh: T.V. Tám

Cô Hà Thị Thúy Vân ra trường năm 1995, từ đó đến nay cô công tác tại Trường tiểu học Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Để trang bị kiến thức chuyên môn cho mình ngày càng vững, cô thường xuyên lên mạng tra cứu thông tin, tìm tòi tư liệu để soạn giáo án điện tử giảng dạy cho tiết học sinh động và luôn có không khí mới mẻ. Học trò thích nhất được cô dạy môn sử, địa vì bao giờ xong tiết học bạn nào cũng nắm được bài ngay tại lớp.

Trong công tác chủ nhiệm cô quản lý lớp rất chặt chẽ, nghiêm túc và nề nếp. Nhiều khi cô có công chuyện đột xuất phải ra khỏi lớp, học sinh biết tự quản giữ im lặng không gây mất trật tự. Cô nắm rất kỹ hoàn cảnh gia đình từng em. Năm học nào lớp cô chủ nhiệm cũng có phong trào tiết kiệm “nuôi heo đất” làm kế hoạch nhỏ và sử dụng đồng tiền tiết kiệm rất hiệu quả, khi gia đình em nào trong lớp khó khăn đột xuất thì lớp sẽ giúp đỡ kịp thời. Như năm học 2012-2013, em Đặng Thị Ánh Mai nhà rất nghèo, có nguy cơ bỏ học, cô biết hoàn cảnh như vậy nên đến nhà thăm hỏi rồi trích quỹ lớp và tiền cá nhân để mua bảo hiểm tai nạn, đóng tiền cho em khám nha học đường và vận động em tiếp tục đến trường học.

Năm học này khi thấy em Huỳnh Thanh Trọng thường xuyên nghỉ học không lý do, cô đến gia đình tìm hiểu thì biết cha mẹ em ly hôn, em đang ở với ngoại mà nhà ngoại thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Cô bàn với cả lớp trích quỹ mua cho em Trọng 20 quyển tập cùng hai bộ quần áo mới, đóng tiền cho em khám nha học đường để em an tâm đi học. Cuối năm học cô bàn với lớp không tổ chức liên hoan mà dành trọn số tiền tiết kiệm gần 300.000 đồng đóng góp nhà trường ủng hộ Trường Sa.

Để có được tình cảm học sinh dành cho mình không dễ chút nào, cô bộc bạch: “Trước hết mình phải thương yêu tôn trọng học sinh, xem các em như con của mình, trong giáo dục chú ý dùng tình cảm để cảm hóa khi các em sai phạm, mắc lỗi, tuyệt đối tránh sử dụng đòn roi phản giáo dục làm các em sợ, tạo hố ngăn cách tình cảm giữa thầy và trò”.

Cô Hà Thị Thúy Vân thật sự là cô giáo tận tụy với nghề, dạy học sinh bằng tất cả yêu thương.

TRẦN VĂN TÁM (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên