Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT từ báo cáo của 46/63 tỉnh thành, tỉ lệ tốt nghiệp THPT là 99,01% (năm 2013 là gần 99%), giáo dục thường xuyên là 86,97% (năm 2013 là 78%), tăng nhẹ ở hệ THPT và tăng gần 9% ở hệ giáo dục thường xuyên so với năm trước. Trong khi dư luận vẫn lo ngại về một kết quả cao chót vót có thể không thực chất thì nhận xét về kết quả này, ông Mai Văn Trinh cho rằng: “Kết quả phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT”.
“Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã có tác động tích cực đến hoạt động dạy và học trong trường phổ thông. Cụ thể là đã làm thay đổi nhận thức của giáo viên trong việc dạy học, kiểm tra, đánh giá. Việc dạy học theo hướng đánh giá năng lực cũng như chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá một cách thực chất. Đối với học sinh, kết quả thi cũng tác động mạnh vào nhận thức, giúp các em phát huy hứng thú, định hướng nghề nghiệp sau THPT, phát triển năng lực, phẩm chất của người học, khắc phục tình trạng học đối phó” - ông Trinh nói.
Ông Trinh phân tích: Việc đổi mới thi bốn môn, trong đó có hai môn tự chọn, làm giảm áp lực thi cử, phát huy sở trường, năng lực của học sinh, tăng định hướng nghề nghiệp. Việc xét tốt nghiệp dựa trên cả kết quả quá trình học tập và kết quả kỳ thi, theo ông Trinh, đã “khắc phục được một phần việc học lệch”.
Người đứng đầu Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho rằng đề thi năm nay có yêu cầu cao hơn các năm trước, tăng cường các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn.
“Đề thi môn ngữ văn có phần đọc hiểu và làm văn, đề thi môn ngoại ngữ có phần viết và trắc nghiệm. Đề thi các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn. Phần đọc hiểu trong đề thi môn ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đề thi các môn ngữ văn, lịch sử và địa lý có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật được những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; đồng thời phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh” - ông Trinh lý giải.
Theo Bộ GD-ĐT, chậm nhất là ngày 18-6, những tỉnh thành còn lại phải hoàn tất việc chấm thi, công bố điểm và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận