17/06/2014 07:52 GMT+7

Tốt nghiệp THPT: tỉ lệ cao chót vót

V.HÀ - L.TRANG
V.HÀ - L.TRANG

TT - Số liệu từ 20 tỉnh thành cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên năm 2014 tăng so với năm trước, có nơi tăng 10-18% ở hệ giáo dục thường xuyên.

Bấm vào đây gõ tên hoặc số báo danh để xem điểm99,56% học sinh TP.HCM đậu tốt nghiệp trung học phổ thông

12I1wHJm.jpgPhóng to
Hai thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT Nguyễn Thị Ái Trâm và Phùng Duy An của Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: N.Hùng

Ngày 16-6, khoảng 20 tỉnh, thành phố đã công bố kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và giáo dục thường xuyên (GDTX) năm 2014. Hầu hết các tỉnh đều có tỉ lệ tốt nghiệp tăng so với năm trước, trong đó có những tỉnh tăng từ 10-18% ở hệ GDTX.

Nghệ An, Vĩnh Phúc, Lai Châu... là những tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ có tỉ lệ tốt nghiệp trên 99%. Lai Châu là một trong những tỉnh vùng sâu, vùng xa ở khu vực phía Bắc, chỉ có trên 2.500 thí sinh dự thi năm nay nhưng cũng là một tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp đứng đầu cả nước với 99,72% hệ THPT và 95,46% hệ GDTX đỗ tốt nghiệp.

TP.HCM: thủ khoa 39 điểm

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT và GDTX năm 2014 của TP.HCM đều tăng so với năm học trước. Cụ thể tỉ lệ này ở hệ THPT là 99,56%, tăng 0,6% và hệ GDTX là 86,63%, tăng khoảng 1%. Có 95,1% bài thi môn văn đạt điểm trên trung bình. Tỉ lệ này ở môn toán là 89,43%, vật lý là 80,46%, lịch sử là 84,26%, hóa học là 94,65%, địa lý là 85,47%, tiếng Anh là 95,95%. Môn tiếng Anh có tỉ lệ bài thi đạt điểm giỏi là 52,1%, trong đó có 8,5% bài thi đạt điểm 10.

Thủ khoa ở hệ phổ thông đạt 39 điểm, gồm hai học sinh Phùng Duy An và Nguyễn Thị Ái Trâm của Trường tư thục Nguyễn Khuyến. Ở hệ GDTX, hai học sinh Nguyễn Ngọc Quyên Uyên ở Trung tâm GDTX quận 10 và Vũ Thị Phương Trinh của Trường THPT Nguyễn Trung Trực đều đạt 38 điểm, là thủ khoa ở hệ này.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay đề thi sát chương trình, học sinh được tự chọn môn thi sở trường của mình, đề các môn xã hội là đề mở và thời sự, nhìn chung học sinh làm tốt bài thi. Tuy nhiên, ở các bài thi trắc nghiệm, một số học sinh vẫn phạm lỗi tô sai mã đề, tô bằng bút bi khiến máy chấm không nhận dạng được, tô màu không đúng quy định. Ba môn thi văn, hóa học, tiếng Anh đều có tỉ lệ bài thi đạt điểm trên trung bình trên dưới 95%.

Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định có trường có đến 2.000 học sinh đi thi, có trường chỉ có 20 em đi thi, vì vậy tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100% không thể hiện đúng thực chất. Hiện nay sở chỉ căn cứ vào hiệu suất đào tạo để đánh giá chất lượng giáo dục, thay vì dựa trên tỉ lệ đậu tốt nghiệp.

Hiện nay các trường đang in giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để phát cho học sinh. Thời gian nhận đơn phúc khảo từ ngày 16 đến 22-6.

3iGIX7XH.jpgPhóng to
Xem điểm thi tốt nghiệp tại Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM chiều 16-6 - Ảnh: Như Hùng

Hà Nội: 92 trường đỗ tốt nghiệp 100%

Bấm vào đây để xem điểm thi của toàn bộ thí sinh Hà Nôi

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2014 của Hà Nội đạt 98,54% đối với hệ THPT và 93,06% đối với hệ GDTX. Trong số 230 trường THPT của Hà Nội, có 92 trường đỗ tốt nghiệp 100%. Nhưng Hà Nội cũng có Trường THPT Phú Bình, huyện Thạch Thất chỉ đỗ tốt nghiệp 30%, đây là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất thành phố. So với năm 2013, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Nội tăng 1,42% ở hệ THPT và tăng 18,47% ở hệ GDTX.

Một giáo viên chấm thi ở Hà Nội cho hay điểm thi môn văn năm nay không cao, mặc dù nhiều bài thi viết khá dài nhưng do thí sinh trình bày không logic, chặt chẽ, rơi vào lan man, thiếu ý nên đã không được điểm cao. Có nhiều túi bài thi văn chỉ có một điểm 7, còn hầu hết đạt điểm 5-6, một số bài thi chỉ đạt 2-3 điểm do thí sinh bỏ hẳn câu 7 điểm không làm được. Ngoài các môn toán, lý, hóa, số bài thi môn ngoại ngữ đạt điểm 10 ở Hà Nội cũng khá cao... Các môn có tỉ lệ điểm trung bình cao lại là lịch sử, địa lý, sinh học và ngữ văn.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình, tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh này năm nay đạt 98,58% đối với hệ THPT và 96,10% đối với hệ GDTX (tỉ lệ tốt nghiệp năm 2013 của Hòa Bình là 95,93% hệ THPT và 91,82% hệ GDTX). “Có nhiều bài thi lịch sử, địa lý đạt điểm 9,5, đây là điều đáng mừng”- ông Vinh chia sẻ.

* Đà Nẵng: trường vùng ven tốt nghiệp 100%

Năm nay, Đà Nẵng có 10.710 thí sinh dự thi tốt nghiệp hệ THPT, trong đó số thí sinh đỗ tốt nghiệp là 10.554, chiếm tỉ lệ 98,54%. Năm trường có học sinh thi đỗ tốt nghiệp 100% là THPT Phan Châu Trinh, THPT Hòa Vang, THPT Phan Thành Tài, THPT Cẩm Lệ và THPT chuyên Lê Quý Đôn. Trong số này, ngoài hai trường nổi tiếng là THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh, ba trường còn lại đều là các trường ở vùng ven của TP Đà Nẵng.

* Phú Yên: học sinh miền núi đậu thủ khoa

Thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của tỉnh Phú Yên là Nguyễn Ngọc Hà, lớp 12T1 Trường THPT Phan Bội Châu, huyện miền núi Sơn Hòa với 38 điểm (văn 8 điểm, các môn toán, hóa, sinh đạt điểm tuyệt đối). Ông Nguyễn Văn Tá, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết hệ THPT có 9.679/9.916 thí sinh tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 97,60%; hệ GDTX có 388/541 thí sinh tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 71,71%.

* Bình Định: hơn một nửa số trường THPT đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%

Theo ông Đào Đức Tuấn - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, trong kỳ thi năm nay tỉnh Bình Định có 20.629 thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT trong tổng số 20.801 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,17%. Đáng chú ý, cả tỉnh có tới 27/50 trường THPT có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100%. Thủ khoa kỳ thi năm nay thuộc về hai thí sinh: Phạm Thị Thảo, lớp 12A2 Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Hoài Nhơn và Cao Hoàng Hạ, lớp 12A Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, với số điểm 38,5.

* Bình Phước: tỉ lệ tốt nghiệp hệ GDTX tăng mạnh

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Bình Phước, cho hay năm nay Bình Phước có 8.181 thí sinh hệ THPT dự thi, trong đó có 8.133 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 99,41%, tăng 0,58% so với năm 2013 (98,83%). Đặc biệt, tỉ lệ tốt nghiệp hệ GDTX tăng mạnh: có 782 thí sinh dự thi, trong đó có 732 thí sinh tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 93,60% (năm 2013 là 68,61%).

Đồng thủ khoa năm nay thuộc về hai thí sinh không phải của trường chuyên là thí sinh Ung Thị Kim Liên (Trường THPT Chơn Thành, huyện Chơn Thành) và Trịnh Thanh Linh (Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long) cùng được 39 điểm.

* Tây Ninh: “đại thắng” của 3 trường nông thôn

Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh năm 2014 đạt 97,75% (tăng 1,6% so với năm trước) và GDTX đạt 55,65% (tăng hơn 9%). Năm trường có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100% là Trường THPT Bình Thạnh (Trảng Bàng); THPT Ngô Gia Tự, THPT Quang Trung (Gò Dầu); THPT Lê Quý Đôn và Trường chuyên Hoàng Lê Kha (TP Tây Ninh). Điều đáng nói là ba trường ở Trảng Bàng và Gò Dầu là những trường thuộc khu vực nông thôn, trong đó Trường THPT Bình Thạnh là trường thuộc vùng 135, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

* Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre: trên 99% tốt nghiệp

Chiều 16-6, Sở GD-ĐT Vĩnh Long chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2014. Theo đó, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT là 99,05% và hệ GDTX là 91,06%. Em Trương Huỳnh Ngân (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhân vật trong bài “Thầy viết đơn kêu cứu cho học trò” - Tuổi Trẻ ngày 25-3) cũng vui mừng thông báo em đỗ tốt nghiệp với số điểm 35 điểm. Ngân cho biết em vừa đi tái khám ở TP.HCM về, tình hình sức khỏe tạm ổn nhưng do chưa đủ điều kiện để tiêm thuốc nên tuần sau phải trở lại để tiêm. Hiện tại em vẫn tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới.

Tại Tiền Giang, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của hệ THPT là 99,22%, hệ GDTX là 80,84%. Con số này tại tỉnh Bến Tre lần lượt là 99,67% và 91,38%. Tại Đồng Tháp, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của hệ THPT là 99,5% (giảm 0,21% so với năm trước), hệ GDTX là 72,55% (giảm 13,45% so với năm trước).

Một giáo viên chấm thi môn văn tại một hội đồng thi ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) phản ảnh một số bài thi môn văn có đáp án cho câu 1 (về chủ quyền biển đảo) giống nhau đến lạ kỳ. Chiều 16-6, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Vinh, chánh thanh tra Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cho biết cũng có nghe thông tin này và hội đồng chấm thi có báo cáo với Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến chỉ đạo.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Liêm, phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, chủ tịch hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2014, lại khẳng định trong quá trình chấm thi chưa nghe báo cáo về vụ việc bài thi giống nhau. Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với ông Hồ Văn Thống, giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp, thì ông Thống nói rằng không tiện nói chuyện qua điện thoại.

Nhóm PV - CTV Tuổi Trẻ

Trường chỉ có 30% HS tốt nghiệp:

“Tranh đấu” lẫn nhau, quên lo cho trò

Trên một mặt bằng chung 98-99% đỗ tốt nghiệp của nhiều tỉnh thành, thật ngỡ ngàng khi giữa thủ đô Hà Nội có một ngôi trường chỉ có 30% học sinh đỗ tốt nghiệp, thấp nhất cả nước tính tới thời điểm này. Trường có 94 thí sinh, trong đó chỉ có chưa tới 30 em đỗ tốt nghiệp. Đó là Trường THPT Phú Bình, có hai cơ sở đặt ở huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Giữa tháng 4-2014, đây là một trong số 15 trường THPT ngoài công lập ở Hà Nội nằm trong danh sách các trường có thể không được giao chỉ tiêu do không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố công khai (Tuổi Trẻ đã có loạt bài phản ánh).

Theo ông Phạm Hữu Hoan - trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội): “Trong mấy tháng trời, chủ tịch hội đồng quản trị và hiệu trưởng mâu thuẫn, kiện cáo. Những người đứng đầu nhà trường tập trung vào lo việc giải quyết mâu thuẫn nên bỏ bê việc tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh. Sở GD-ĐT phải trực tiếp về trường đề nghị tạm ngừng việc “tranh đấu” để lo cho học sinh ôn tập thi tốt nghiệp”.

Một giáo viên từng dạy ở trường này cho biết chính vì mâu thuẫn từ cấp lãnh đạo trường nên nề nếp dạy học không được quan tâm, chấn chỉnh và đã kéo dài như vậy từ trong năm học. Nhiều học sinh bị hổng kiến thức khó có thể khắc phục ở giai đoạn nước rút trước kỳ thi. Tư tưởng cán bộ, giáo viên cũng không muốn gắn bó lâu dài.

Câu chuyện của ngôi trường có hơn 70% học sinh trượt tốt nghiệp thật sự là lời cảnh tỉnh cho việc quản lý các trường ngoài công lập, khi bất ổn giữa quyền lợi của chủ trường, của những người sáng lập trường và hiệu trưởng “làm thuê” luôn là nguyên do sâu xa dẫn tới tình trạng buông lỏng chất lượng, thiếu tâm huyết, thiếu trách nhiệm với người học.

VĨNH HÀ

V.HÀ - L.TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên