Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, “tiếp sức” cho lớp ôn thi ban đêm bằng món chè - Ảnh: Phan Thành |
Ngoài ra, các thầy cô còn phải chạy đôn chạy đáo lo từng hồ sơ, thủ tục, nơi ăn nghỉ cho học sinh...
Với nhiều học sinh mà đa số là con em người đồng bào dân tộc thiểu số thì 12 năm đèn sách, đây là lúc “chạy nước rút”, vượt lên hoàn cảnh để chinh phục giấc mơ “cánh cửa cuộc đời”.
Buổi trưa không dám về nhà
"Trong khi học sinh thành phố mơ ước đỗ vào các trường đại học thì với học sinh ở đây, ước mơ đậu tốt nghiệp THPT là ghê gớm lắm rồi. Bởi từ đây cánh cửa ước mơ sẽ giúp các em vào trường trung cấp, cao đẳng đã là một thành công lớn" Cô Nguyễn Thị Thu Thủy |
Khác với nhiều học sinh phố thị, hầu hết việc học cho đến giờ này đối với các em vùng núi thuộc tỉnh Lâm Đồng rất vất vả. Trường THPT Đạ Sar (huyện Lạc Dương) năm nay có 58 học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có đến 53 học sinh là con em người dân tộc Cil, tập trung ở ba xã Đạ Sar, Đa Nhim và Đa Cháy. Những ngày này, nhà trường tổ chức ôn luyện, dò bài liên tục để các em nắm vững kiến thức trước khi bước vào phòng thi.
Em Kơ Dong K’Mai, học sinh lớp 12A1, vừa chăm chỉ ôn bài vừa cho biết để có mặt ở lớp ôn thi hôm nay, trước đó ba năm cấp III nhiều lần em có ý định bỏ học vì gia đình khó khăn, phải phụ bố mẹ làm rẫy để kiếm ăn qua ngày, thêm vào đó đường đến trường quá xa. “12 năm học vất vả lắm rồi nên còn mấy ngày nữa tụi em phải cố gắng. Chỉ cần đậu tốt nghiệp là có thể đi kiếm một lớp trung cấp hay nghề gì đó học tiếp là may mắn rồi” - K’Mai nói.
Cùng cảnh ngộ, Cil Yũ K’Oăn, học sinh lớp 12A2, vừa ôn bài vừa lo lắng cho hay buổi trưa không dám về nhà, tranh thủ ra quán ven đường kiếm ổ bánh mì hoặc mì gói ăn tạm rồi vào trường ôn tiếp. “Lực học của tụi mình thua các bạn trên phố rất nhiều nên để đậu tốt nghiệp là một thử thách rất cao. Hi vọng đậu để kiếm một trường nghề nào đó xin học tiếp, chứ không dám mơ tới đại học” - K’Oăn tâm sự.
Theo cô Nguyễn Thanh Thu Thủy - phó hiệu trưởng nhà trường, đa số gia đình các em học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, nếu để các em tự do ôn ở nhà thì tỉ lệ đậu tốt nghiệp sẽ rất thấp nên năm nào cũng thế, nhà trường tổ chức ôn luyện cho các em đến cận kề ngày đi thi. Những học sinh nào vắng mặt thì giao giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà chở lên trường kèm cặp.
Ôn thi ban đêm đến cận ngày thi
Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, những ngày này 149 học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đang tất bật ôn thi cả ngày lẫn đêm. Ngoài các tiết ôn thi toán, văn chung, nhà trường đã phân công giáo viên mở lớp ôn thi riêng và tăng cường một tuần bốn tiết cho các môn tự chọn. Chưa dừng lại đó, ban đêm trường còn tổ chức lớp ôn thi “ca ba” từ 19g-21g30 với hi vọng các em đạt kết quả tốt.
K’Thú, lớp trưởng lớp 12A, cho biết hơn tháng nay ngoài giờ ôn chính khóa hai buổi ban ngày, tối nào các lớp 12 trong trường cũng tự tổ chức ôn thi với nhau dưới sự quản lý của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm. “Sau giờ cơm tối, cứ đúng 19g tiếng kẻng vang lên là mọi người tập trung tại phòng ôn. Ngoài ôn chung toán, văn, ai thi môn riêng nào tự ôn môn đó. Vì lo lắng cho kết quả thi nên tụi mình rất nghiêm túc, luôn nhắc nhở nhau im lặng học rồi thay nhau dò, kiểm tra bài lẫn nhau” - K’Thú kể. Xa nhà ba năm để lên TP Đà Lạt theo học trường nội trú, K’Lểu (huyện Bảo Lâm) không giấu được nỗi âu lo. Lểu kể kỳ thi có nhiều điểm mới, sợ nhất là đề thi rộng nên phải căng mình ra học không kể giờ giấc. Ban đêm nhà trường quy định chỉ học đến 21g30, thế nhưng ai cũng học đến hơn 22g mới chịu về phòng.
Nhiều thầy cô thương học trò nên không phải đêm trực của mình cũng vào trường xem các em ôn thi, ngồi cạnh để lỡ học sinh có hỏi han bài vở thì giúp đỡ. Lo các em học đêm đói bụng nên thầy cô chạy ra ngoài mua sữa, chè vào “bồi dưỡng”. Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B, cho biết học trò ở đây toàn là con nhà nghèo, ở vùng huyện về học nên rất ngoan và chăm chỉ. “Các em ở nội trú ba năm nên gần gũi như những đứa con của mình. Giờ các em sắp đi thi, nỗi lo, tình thương tăng lên gấp bội lần. Chỉ cần vào lớp ngồi cạnh là các em thấy có tinh thần rồi” - cô Thủy chia sẻ.
Thầy Đào Kim Mạnh, hiệu phó nhà trường, cho biết lớp ôn đêm sẽ duy trì đến hết tối 1-6. Ngoài ra, phòng trực luôn có các giáo viên bộ môn để các em có thể hỏi bài bất cứ lúc nào.
Chỉnh sửa hồ sơ cho từng học sinh Thầy Dương Trí Táo, hiệu trưởng Trường THPT Đạ Sar, cho biết 58 học sinh nhà trường phải di chuyển hơn 30km để đến hội đồng thi Trường Dân tộc nội trú Lang Bian (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/thí sinh/ba ngày, có giáo viên của trường nơi đang theo học đưa đi. Ngoài ra, trường đã liên hệ mượn được phòng gần điểm thi để toàn bộ học sinh ở lại suốt thời gian diễn ra kỳ thi và phân công bốn giáo viên trực quản lý, nhắc nhở, chăm lo ăn uống, nghỉ ngơi cho học sinh. Trước đó, các giáo viên chủ nhiệm lớp 12 cũng đã chạy đôn chạy đáo lo thủ tục cho một số học sinh có hồ sơ bị sai sót. Cô Đinh Thị Út, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Đạ Sar, kể gần đến ngày thi nhưng vẫn có nhiều em gặp rắc rối trong việc làm hồ sơ do giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân không trùng khớp với nhau. Các thầy, cô giáo phải mất hơn cả tuần chạy lên UBND xã, huyện chỉnh sửa cho từng em để kịp dự thi. “Đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số nên khi đi làm giấy tờ thường hay bị sai sót các dấu, tên, họ. Đến kề cận ngày thi các em trở tay không kịp, phụ huynh cũng chẳng biết làm gì nên không còn cách nào khác chúng tôi phải kiêm luôn việc này” - cô Út kể. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận