03/05/2014 12:49 GMT+7

Trường học như gia đình

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Đến với ngôi trường miền núi của tỉnh Quảng Nam, nhiều người sẽ ngạc nhiên về những học trò người Ca Dong, Xê Đăng... cũng như các thầy cô giáo nơi đây.

zHOmkVAg.jpgPhóng to
Đã thành thông lệ, mỗi bữa ăn thầy Nguyễn Mạnh - hiệu phó Trường Trà Don - cùng ăn cơm với các em học sinh - Ảnh: Đ.Cường

Từ trung tâm huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đến Trường phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Trà Don (gọi tắt là Trường Trà Don) mất gần 45 phút chạy xe máy qua những khúc cua tay áo và những con dốc dựng ngược.

Thầy ăn cơm cùng trò

Khi chúng tôi đi trên con đường liên xã đến gần trường, từng tốp học sinh THCS đi bộ về sau giờ học. Thấy người lạ, các em vòng tay cúi khom người đồng thanh: “Chào chú ạ”. Đã nhiều lần đi miền núi, nhưng hành động của các học sinh người Ca Dong, Xê Đăng ở Trà Don khiến chúng tôi bất ngờ. Càng đến gần trường, những lời chào ấy lại càng nhiều hơn...

Đến trường đúng trưa, trời nắng như rang. Tất cả học sinh nội trú hướng về phía nhà bếp. Từng tốp học sinh nhanh chóng tới bể nước rửa tay trước khi vào nhà ăn. Như được phân công từ trước, nam sinh thì chung tay dọn bàn ghế, nữ sinh bê cơm canh, chén bát để ngay ngắn trên bàn. Khi mâm cơm đã đủ 8-10 người thì các em mới xới cơm ăn. Nhà ăn khá chật so với hơn 100 học sinh, nhưng các em ngồi ăn uống rất trật tự, khuôn phép.

Mô hình tốt

Ông Trần Văn Nhựt, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam, đối tượng ưu tiên xét bán trú với cấp học THCS là phải ở cách trường trên 4km. Việc các thầy cô Trường Trà Don linh hoạt giúp đỡ các em mồ côi, gia đình khó khăn đến trường là rất đúng đắn. “Hành động giúp đỡ các em để tiếp tục thực hiện giấc mơ đến trường ở Trà Don rất đáng trân trọng, một mô hình tốt để các địa phương khác học tập” - ông Nhựt khẳng định.

Ngồi bên ngoài hành lang ăn cơm cùng mâm với học sinh là thầy Nguyễn Mạnh - hiệu phó Trường Trà Don. Người thầy hơn chục năm “đóng đô” ở trên núi hôm

nay ngồi ăn cơm cùng đứa học trò mồ côi cha mẹ là Hồ Văn Phước (lớp 10 Trường phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My) mới từ thị trấn về. Phước tâm sự: “Năm em học lớp 1 thì mẹ mất, lên lớp 6 cha mất nên từ đó em về Trường Trà Don ăn ở với các thầy. Hôm nay cuối tuần được nghỉ học em lại về trường ăn ở luôn tại đây. Cũng may nhờ các thầy cô đùm bọc nên em mới tiếp tục đến lớp được”.

Thầy Mạnh cho biết nếu chiếu theo quy định của UBND tỉnh về đối tượng được xét bán trú phải cách trường học trên 4km thì Phước không được ở trường. Nhưng vì thương học trò nên thầy cô cùng các học sinh góp sức để nuôi em. Nhìn những học trò đen sạm ngồi bên mâm cơm, thầy Mạnh chia sẻ thêm: “Bữa cơm nào mình cũng ngồi ăn với các em, có gì khúc mắc chuyện lớp, chuyện nhà các em nói hết. Vì thế mỗi bữa ăn giống như dịp để cả gia đình hàn huyên, tâm sự”.

Theo thầy Mạnh, mới đây trong lúc ngồi trò chuyện với các em tình cờ nghe một học sinh có ý định nghỉ học vì ba mẹ thấy cuộc sống quá khó khăn, lại thiếu người làm rẫy. Vậy là mấy thầy cô trong trường vội đến nhà học sinh này để vận động, thuyết phục ba mẹ em. Và học sinh này lại được đến trường.

Ngồi gần với thầy Mạnh còn có hai cựu học trò của Trường Trà Don là thầy Nguyễn Văn Á - giáo viên thể dục và anh Hồ Văn Công - nhân viên y tế của trường. Thầy Á tiết lộ: “Chính sự thương yêu, chỉ bảo của các thầy là muốn thoát khỏi nghèo đói thì phải học, nên mình đã cố gắng học tốt ra trường về phục vụ lại quê hương. Ngồi ăn cơm với các em, mình lại nhớ về ngày trước, cũng như các em học sinh đang ngồi đây”.

Khi bữa trưa xong, các em học sinh tự động mang chén bát của mình đi rửa, rồi thu dọn bàn ghế, quét dọn bếp ăn. Thầy Võ Đăng Chín, hiệu trưởng nhà trường, lý giải: “Do các em là người đồng bào ở vùng núi, cuộc sống khó khăn nên việc giáo dục ý thức tự giác cho các em không hề dễ dàng. Các thầy cô phải từ từ uốn nắn, dạy các em thông qua mỗi hành động nhỏ như tự dọn cơm, rửa chén bát, chào hỏi người lớn...”.

Mái nhà của những học sinh mồ côi

Trường Trà Don có 107 học sinh bán trú. Theo thầy Chín, năm 2011 tỉnh ra quy định xét đối tượng bán trú đối với học sinh THCS phải ở cách trường trên 4km thì nảy sinh vấn đề. Đó là một số trường hợp học sinh ở gần trường nhưng gia đình quá khó khăn, mồ côi... nếu không có sự tiếp sức kịp thời các em sẽ bỏ học giữa chừng. Vậy là thầy cô xác minh lại toàn bộ học sinh, thống kê được sáu em thuộc diện mồ côi. Nhà trường quyết định đưa cả sáu em vào diện bán trú.

Để các em có bữa ăn, chỗ nghỉ như học sinh khác, nhà trường huy động giáo viên, học sinh cùng chung tay góp sức. “Thật ra thêm sáu em cũng là thêm sáu chén ăn thôi. Nhưng vấn đề là nếu nhà trường không giúp đỡ, chắc chắn các em sẽ bỏ học giữa chừng, đường đến con chữ với các em sẽ đầy chông gai” - thầy Chín nói.

Ngồi bên mâm cơm có cá, có thịt, Hồ Văn Thông (lớp 8/1) tâm sự: “Cha em mất từ lâu, mẹ thì bệnh nên không đi làm được. Em được các thầy đưa về trường nuôi từ hồi lớp 7 tới chừ. Không có các thầy chăm sóc chắc em ở nhà đi rẫy rồi”. Hồ Văn Vẫn (lớp 8/1) cũng chung cảnh ngộ với Thông. Vẫn nói: “Từ lúc ba em mất, mẹ nói hay ở nhà đi rừng đi rẫy kiếm cái chi mà sống chứ đi học mẹ nuôi không được. Cũng nhờ các thầy đưa về trường ở nên em mới tiếp tục đến lớp”.

“Từ đầu năm học trường có 139 học sinh và đến cuối học kỳ sĩ số vẫn như vậy. Đó là một niềm vui rất lớn với những giáo viên miền núi như chúng tôi” - thầy Chín tâm sự.

Tự nguyện dạy thêm

Chắc chẳng có giáo viên ở mô như ở đây. Nếu bình thường nhiệm vụ dạy đủ số tiết là nghỉ, nhưng ở đây thì không dừng lại đâu. Như cô Huệ dạy tiếng Anh, cứ dạy đủ số tiết cô lại tự nguyện dạy thêm 2-4 tiết vì sợ các em hổng kiến thức. Cô còn xin chủ nhiệm lớp 6/1 để được gần gũi học sinh. Hay như cô Hưng dạy nhạc, thầy Vương dạy địa... cứ cuối tuần về thăm gia đình dưới đồng bằng là tranh thủ đi xin quần áo, giày dép, sách vở... rồi gửi xe đò lên thị trấn, xong thuê xe thồ chở vô đến tận trường để tặng các em học sinh.

Thầy VÕ ĐĂNG CHÍN

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên