Trong số 15 trường THPT và phổ thông nhiều cấp học ở Hà Nội phải tạm ngừng tuyển sinh lớp 10 để bổ sung điều kiện đảm bảo chất lượng, có tới 10 trường có vấn đề về hiệu trưởng.
Hà Nội tạm dừng tuyển sinh lớp 10 với 6 trường THPT
Do hiệu trưởng không làm việc ở trường, Trường Hà Nội Academy bị tạm ngưng tuyển sinh lớp 10 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Báo cáo của các đoàn kiểm tra thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy một loạt trường đang có “vấn đề về hiệu trưởng” như Trường THPT DL Nguyễn Du (huyện Mê Linh) hiện không có hiệu trưởng; các trường Global, Hà Nội Academy hiệu trưởng không có mặt, không làm việc ở trường. Có một số trường trên giấy tờ thành lập trường thì có tên hiệu trưởng, nhưng hiện hiệu trưởng có còn làm việc không thì không được rõ như Trường THPT Quốc tế Việt Nam, Trường THPT Phùng Hưng (Hà Đông)...
Chỉ có hiệu phó
Liên hệ với ông Nguyễn Hải Khoát, người đứng tên hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Nam, mới biết ông không còn làm hiệu trưởng trường này nữa. “Tôi đã nghỉ, công việc đã bàn giao xong rồi” - ông Khoát khẳng định. Người được ông Khoát nói đã bàn giao công việc của hiệu trưởng là bà Nguyễn Thị Hồng, hiệu phó nhà trường. Xác nhận việc trường đang “khuyết hiệu trưởng”, bà Hồng cho biết: “Tôi chỉ là hiệu phó phụ trách chuyên môn, nhưng hiện trường chưa có hiệu trưởng nên tôi tạm thời thường trực để giải quyết các vấn đề của trường. Thầy Khoát không còn làm hiệu trưởng nữa nhưng việc bầu hiệu trưởng mới thế nào, bao giờ hiệu trưởng mới tới làm việc thì lệ thuộc vào quyết định của hội đồng quản trị”.
Trường THPT Quốc tế Việt Nam thành lập được hơn hai năm, dự kiến tuyển sinh cả cấp THCS và THPT, năm đầu chỉ tuyển được khoảng 60-70 học sinh. Cơ sở của trường chuyển về Dương Nội (quận Hà Đông), xa trung tâm nên nguồn tuyển càng khó khăn. Hiện chỉ có hơn 20 học sinh, vì nhiều học sinh không chuyển theo trường được. Trường đang được xây dựng trên khu đất 36.000m2. Có thể hình dung một cơ ngơi khang trang sau khi xây dựng xong, nhưng nguồn tuyển sinh vẫn đang là khó khăn lớn đối với nhà trường. Có lẽ cũng do khó khăn này mà bộ máy lãnh đạo không được hội đồng quản trị bổ sung theo đúng quy định.
Thiếu đủ thứ Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, một số trường “vắng hiệu trưởng” cũng “vắng” khá nhiều vấn đề cần thiết để đảm bảo chất lượng dạy học tối thiểu. Đơn cử như Trường phổ thông Nguyễn Trực, cả hiệu trưởng và hiệu phó đều hết nhiệm kỳ, trường cũng chưa có quy chế tổ chức, không có biên bản họp hội đồng quản trị, không có ban kiểm soát, thiếu phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu, phòng y tế, thư viện... |
Trường Hà Nội Academy là trường có ba cấp học, nhưng quy mô học sinh chủ yếu ở bậc tiểu học, THCS. Bậc THPT mới tuyển sinh được bốn năm và vừa có 13 học sinh tốt nghiệp THPT năm 2013. Nhưng số học sinh THPT hiện tại cũng rất ít, không đến 100 học sinh. Văn bản báo cáo của đoàn kiểm tra ở trường này ghi: “Hiệu trưởng không làm việc tại trường, đề nghị trường làm rõ việc này. Tạm thời không giao chỉ tiêu tuyển sinh”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, người đảm nhiệm chức hiệu trưởng bậc THPT của trường này nhiều năm, cho biết ông không còn làm ở đây nữa. “Họ nói trường khó khăn, cần giảm biên chế nên không tiếp tục thuê tôi làm hiệu trưởng nữa. Tôi nghỉ việc theo yêu cầu của họ từ tháng 10-2013 nhưng mới đây họ mới chuyển quyết định cho tôi” - ông Sơn nói.
Từ chối nói lý do cụ thể về việc phải ngừng hợp đồng làm hiệu trưởng khi đã gửi gắm nhiều tâm huyết vào trường này hơn ba năm qua, nhưng ông Nguyễn Thanh Sơn tiết lộ: “Với các trường ngoài công lập, việc thuê hay không thuê hiệu trưởng là tùy thuộc vào quan điểm, nhu cầu khác nhau của hội đồng quản trị. Đôi khi họ muốn tuyển một hiệu trưởng phù hợp hơn hoặc có thể do quan điểm giáo dục của hiệu trưởng và hội đồng quản trị mâu thuẫn nhau, do muốn thu hẹp bộ máy giáo dục”. Trao đổi về việc “hiệu trưởng đi vắng”, một cán bộ của Trường Hà Nội Academy cho biết hiện khối THPT của trường do một thầy hiệu phó tạm đảm nhiệm trong thời gian tìm hiệu trưởng.
Bên cạnh các trường “hiệu trưởng đi vắng”, một loạt trường ngoài công lập trong diện bị “tạm dừng giao chỉ tiêu” cũng gặp rắc rối vì chuyện “hiệu trưởng” do những người đương nhiệm hết nhiệm kỳ, quá tuổi làm quản lý. Có những hiệu trưởng tuổi quá cao để có thể đảm nhận việc điều hành một nhà trường, thực chất chỉ “đứng tên” trên giấy tờ còn điều hành thật sự do người khác.
Kiên quyết không cho tuyển sinh
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, việc kiểm tra điều kiện để giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 đối với các trường THPT năm nào cũng làm nhưng năm nay theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, công việc này sẽ được siết chặt hơn. Những trường không đảm bảo điều kiện, nhất là tiêu chí “hiệu trưởng”, sở sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu tuyển sinh. “Trong hơn 100 trường THPT và phổ thông nhiều cấp học ngoài công lập, sáu trường có quyết định ngừng tuyển sinh là những trường khó có thể bổ sung điều kiện trong mùa tuyển sinh này. Một số trường khác sở cho phép đến ngày 15-4 nếu không bổ sung đủ điều kiện cũng sẽ bị ngừng tuyển sinh”- ông Thống cho biết.
Để chấn chỉnh chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường ngoài công lập, năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội cũng ban hành quy định tạm thời về điều kiện tuyển sinh lớp 10 cho các trường THPT ngoài công lập để áp dụng cho năm học 2014-2015. Theo đó, để được tuyển sinh, mỗi trường ngoài công lập phải có năm tiêu chuẩn về các điều kiện tổ chức dạy - học, trong đó có ba tiêu chuẩn quan trọng nhất là tổ chức bộ máy và đội ngũ, cơ sở vật chất, công tác tài chính. Nếu đơn vị nào vi phạm một trong ba tiêu chuẩn này coi như không đạt yêu cầu và dứt khoát sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2014-2015. Mỗi tiêu chuẩn lại có một số tiêu chí tương ứng, trong đó có những tiêu chí được coi là điều kiện tiên quyết (như quyền sử dụng đất, hiệu trưởng, loại hình trường), chỉ cần vi phạm một tiêu chí là cả tiêu chuẩn coi như không đạt yêu cầu.
Trường tư thay hiệu trưởng như thay áo Hiệu trưởng có nhiều năm kinh nghiệm tại một trường tư thục quận Tân Phú, TP.HCM cho biết: “Trường tư thục ở nước ta có đặc thù là hoạt động giáo dục nhưng mô hình lại giống như một công ty cổ phần, có hoạt động kinh doanh, có đóng thuế, có hội đồng quản trị (HĐQT). Vai trò, tầm quan trọng của hiệu trưởng ở trường công lập là rất lớn, họ phát huy được hết sức mạnh của mình. Trong khi đó ở trường tư có nhiều kiểu hiệu trưởng. Có hiệu trưởng tham gia HĐQT và có thực quyền, nhưng cũng có trường hợp chỉ đứng tên để tạo uy tín trong tuyển sinh, ngoại giao, hoặc đơn thuần là “làm thuê”. Trong đó phổ biến nhất là kiểu hiệu trưởng “làm thuê”, quyền quyết định lớn nhất nằm trong tay thành viên HĐQT. Vậy nên nhiều hiệu trưởng có chức danh nhưng xuất hiện mờ nhạt, không có vai trò quyết định kể cả trong công tác chuyên môn, giáo dục học sinh”. Tại TP.HCM, một số trường tư thục nổi tiếng hoạt động ổn định nhờ hiệu trưởng có chân trong HĐQT hoặc là người nhà, người thân, được sự ủng hộ của HĐQT như các trường Thái Bình, Thanh Bình, Hồng Đức, Nhân Việt, Thành Nhân... Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện toàn thành phố có khoảng 90 trường phổ thông ngoài công lập. Trong vòng ba năm trở lại đây, TP.HCM có khá nhiều trường tư thục phải đóng cửa hoặc xin tạm ngưng hoạt động, trong đó có lý do phổ biến là mâu thuẫn không thể giải quyết giữa HĐQT và hiệu trưởng. Danh sách bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tư thay đổi liên tục do cơ chế quản lý này. HĐQT hoạt động với mục tiêu lợi nhuận, hiệu trưởng phải thay đổi cách quản lý giáo dục hướng theo mục tiêu này. Đó là lý do khiến nhiều hiệu trưởng vốn là thành viên ban giám hiệu trường công nghỉ hưu, nhiều kinh nghiệm nhưng phải “dứt áo ra đi” khỏi trường tư vì không quen làm việc theo kiểu “bù nhìn”. Một trường tư thục ở quận Tân Bình thành lập năm 2007, trong bảy năm hoạt động đã thay đến gần... chục đời ban giám hiệu trước khi ngưng hoạt động. Chủ tịch HĐQT của trường là dân xây dựng, tâm huyết đầu tư cho giáo dục, dàn ban giám hiệu trải qua các năm cũng đều là những cây đa cây đề tại các trường tên tuổi. Tuy nhiên, do bất đồng trong cách quản lý, trong quan điểm giáo dục, có hiệu trưởng mới nhậm chức vài ngày đã “bỏ của chạy lấy người”, có hiệu trưởng đột ngột thôi việc và lôi kéo học sinh qua một ngôi trường khác. Trong số rất nhiều đời hiệu trưởng, có những người chưa kịp chờ quyết định bổ nhiệm của sở đã ra đi, hiệu trưởng mới lại về. Một trường hợp khác tại Tân Phú, HĐQT duy trì cả hai chức vụ: hiệu trưởng và quyền hiệu trưởng. Tại quận 5, một trường tư thục cũng tạm ngưng hoạt động năm 2012 vì nhiều bất đồng giữa hiệu trưởng và HĐQT, cộng với việc tuyển sinh èo uột, cơ sở xuống cấp... Theo quy định, sở GD-ĐT chỉ có quyền xem xét, công nhận việc bổ nhiệm hiệu trưởng, còn quyền quyết định lớn nhất vẫn là HĐQT. Vậy mới có chuyện chủ tịch HĐQT chỉ cần một bức xúc nhỏ không giải quyết được cũng có thể ký quyết định sa thải hiệu trưởng và đưa người mới về làm việc trong thời gian chờ sở công nhận hiệu trưởng mới. LƯU TRANG |
__________
Kỳ 2: Đời hiệu trưởng làm thuê
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận