09/04/2014 08:09 GMT+7

Phó hiệu trưởng bị tố đạo văn phải làm kiểm điểm

N.H.
N.H.

TTO - Đó là kết luận cuối cùng của Bộ GD-ĐT sau khi xác minh vụ PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - bị tố “có dấu hiệu đạo văn và không trung thực, sao chép nhiều nội dung luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải”.

ykC65ChR.jpgPhóng to
PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương - Ảnh: T.L.

(PGS.TS Đặng Văn Khải cũng chính là giáo viên hướng dẫn luận án của ông Lương, đồng thời là thành viên Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở - PV).

Theo đó, luận án phó tiến sĩ khoa học toán lý của ông Nguyễn Cảnh Lương với đề tài “Hệ Cauchy-Riemann và hàm chỉnh hình trong đại số Clifford” đã bảo vệ cấp cơ sở ngày 27-8-1996 và được Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở lưu ý ông Lương “Nên nhắc đến công trình của anh Khải trong luận văn” và “Đề nghị phân tích trong luận văn và trong tóm tắt luận án công trình của anh Khải”.

Tuy nhiên, trong luận án hoàn chỉnh sau đó để bảo vệ cấp nhà nước ngày 26-12-1996 cũng như luận án lưu tại Thư viện quốc gia đều không có những bổ sung cần thiết như đã được nhắc nhở.

Hội đồng chức danh giáo sư ngành toán vào cuộc

Để có được kết luận chính xác về việc có hay không sự sao chép luận án, “đạo văn” đối với luận án của PGS Nguyễn Cảnh Lương, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Hội đồng chức danh giáo sư ngành toán thành lập Hội đồng xác minh luận án tiến sĩ của ông Nguyễn Cảnh Lương.

Hội đồng đã xác định chương 2 và chương 3, mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác, nhưng có những chỗ ông Lương đã sao chép lập luận trong luận án của ông Khải.

Trước yêu cầu của Bộ GD-ĐT muốn làm rõ nội dung sao chép, dung lượng sao chép, tính chất của các nội dung sao chép, Hội đồng chức danh giáo sư ngành toán cho rằng: “Việc đếm câu chữ trùng nhau trong một công trình toán học nói chung rất ít ý nghĩa. Nhiều công trình có những câu chữ giống nhau nhưng mang nội dung khác nhau khi nói về những đối tượng khác nhau. Nhiều công trình dùng những lập luận giống nhau, dẫn đến hành văn và câu chữ có thể như nhau”.

Do đó, về hình thức, chương 2 và một phần chương 3 có nhiều đoạn lặp lại nguyên văn những đoạn đã có trong luận án của TS Đặng Văn Khải.

Tuy nhiên, những kết quả này là kiểm tra cho những trường hợp cụ thể đã nêu, không phải cho cấu trúc trừu tượng như trong luận án Đặng Văn Khải, nên đây không phải là sao chép kết quả, mà chỉ là lặp lại lý luận, phương pháp.

Hội đồng chức danh giáo sư ngành toán khẳng định ông Nguyễn Cảnh Lương không phạm khuyết điểm thiếu trung thực vì không ngụy tạo và sao chép kết quả của người khác làm của mình.

Mặt khác các công trình của ông Đặng Văn Khải cũng được dẫn trong phần tài liệu tham khảo, chứng tỏ tác giả luận án không cố tình che giấu nguồn gốc tài liệu.

Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, nếu một chứng minh nào đó có thể thực hiện bằng cách lặp lại từng chữ chứng minh của người khác, thì tác giả cần nói rõ điều đó, mặc dù có thể viết vào luận án để chứng tỏ kiến thức của mình và làm dễ dàng cho người đọc. Khuyết điểm này được xem là thiếu sót về phương pháp trích dẫn, đặc biệt là khi đã được nhắc nhở.

Theo Hội đồng chức danh giáo sư ngành toán, không có cơ sở để kết luận tác giả luận án thiếu trung thực, nhất là khi xét trong bối cảnh những năm 1995-1996.

Với quy trình chặt chẽ như hiện nay (xem xét, có chữ ký của chủ tịch hội đồng và các phản biện ở cấp cơ sở về sửa chữa luận án trước khi bảo vệ chính thức) thì những thiếu sót kể trên khó xảy ra.

Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm

Thực tế, trong biên bản giải trình, ông Lương tự nhận lúc đó do thiếu hiểu biết về các quy định, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc phải trích dẫn, chú giải đầy đủ, rõ ràng những phần tham khảo cách làm của PGS.TS Đặng Văn Khải và các tác giả khác nên có khuyết điểm không thực hiện đúng nhắc nhở của các thầy hướng dẫn và của Hội đồng chấm luận án về việc trích dẫn.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng thiếu sót này trước hết thuộc về ông Nguyễn Cảnh Lương (nhất là khi đã được Hội đồng chấm luận án lưu ý nhưng đã không thực hiện đúng).

Trường đại học Bách khoa Hà Nội (bộ phận quản lý đào tạo sau đại học), Vụ Sau đại học - Bộ GD-ĐT cũng có thiếu sót, khuyết điểm không phát hiện được việc ông Lương chưa thực hiện trích dẫn theo đúng quy định, chưa thực hiện đúng kết luận của Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở mà vẫn tiến hành các thủ tục cho ông Lương bảo vệ luận án trước Hội đồng Nhà nước.

Tuy chưa đến mức đặt vấn đề xem xét, thu hồi học vị tiến sĩ hoặc miễn nhiệm chức danh PGS với ông Lương, nhưng Bộ GD-ĐT cũng giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng vi phạm nêu trên trong bối cảnh ông Lương đang giữ chức vụ phó hiệu trưởng trường ĐH và đề nghị Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng vi phạm của ông Lương (ông Lương đang giữ chức vụ bí thư Đảng ủy Trường đại học Bách khoa Hà Nội) để có biện pháp xử lý phù hợp.

Riêng ông Lương sẽ phải có bản kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với vi phạm đã kết luận và thực hiện các thủ tục để đính kèm các nội dung bổ sung cần thiết trong bản luận án đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia và tại các thư viện khác, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 2-6-2014.

N.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên