01/04/2014 04:15 GMT+7

Một đề văn hay

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TT - Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP.HCM lớp 9 THCS vừa qua, đề thi môn ngữ văn đã làm mọi người hài lòng và công nhận đây là một đề thi hay. Đề thi chỉ có hai câu nhưng đòi hỏi thí sinh phải thể hiện được hiểu biết thực tế lẫn kiến thức văn học và kiến thức chung của thí sinh.

“Câu 1: Mượn những đồ vật giá trị rồi chụp hình đưa lên Facebook và tự nhận là của mình để được bạn bè trầm trồ khen ngợi. Mượn những bài văn mẫu cặm cụi học thuộc rồi chép lại trong giờ kiểm tra để chứng tỏ mình giỏi. Mượn cách ăn mặc, nói năng của thần tượng rồi cố gắng làm theo để được khen là có cá tính. Mượn cảm xúc, suy nghĩ của đám đông nhằm che giấu cảm xúc, suy nghĩ riêng để được sống bình yên. Mượn... thật nhiều thứ! Để rồi một ngày chợt nhận ra mình đã... Hãy viết tiếp điều em nhận ra khi sống một cuộc sống vay mượn như thế”.

Câu hỏi gắn với thực tế, gắn với suy nghĩ, hành động của một bộ phận lớp trẻ ngày nay. Đề bài đã khơi gợi cho các em có dịp nhìn lại quan điểm sống của lứa tuổi mình hiện nay và thoải mái trình bày quan điểm của mình, nhìn lại những được mất về cách sống đó. Cách sống mà các bậc cha mẹ, thầy cô thường khuyên dạy tránh xa. Các thí sinh không chỉ làm bài mà thật sự đã vận dụng những kiến thức từ cuộc sống của bản thân, của bạn bè cùng trang lứa để nói với chính mình hay nói với bạn bè mình về cuộc sống vay mượn, về cuộc sống “mình không là mình”, mình chỉ là bản sao của người khác...

Nhiều thí sinh sau khi thi đã nói: “Con làm được nhưng con nghĩ sẽ có nhiều bạn viết hay hơn con”. Nhưng với tôi, các thí sinh của ngày hôm ấy đều thành công vì các em đã là chính mình, không vay mượn của ai suy nghĩ, cảm xúc trong diễn đạt và các em đã trưởng thành rất nhiều khi làm bài văn này. Tôi rất mong những bài văn đạt điểm cao ở câu này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin để những bạn trẻ đang có lối sống như thế nhìn lại mình qua suy nghĩ của chính những người cùng lứa tuổi.

“Câu 2: Bằng màu sắc và đường nét, hội họa vẽ lên trước mắt ta hình ảnh gia đình đầm ấm, yêu thương (bài thi in hình ảnh của sự hạnh phúc). Bằng giai điệu và âm thanh, âm nhạc giúp ta nghe được tiếng lòng bao la của các đấng sinh thành (bài thi in bài nhạc Cho con). Khác với hội họa và âm nhạc, văn học là nghệ thuật ngôn từ, không có khả năng tác động trực tiếp vào thị giác, thính giác. Vậy phải chăng văn học không thể tái hiện tính hiện thực và không có nhạc tính? Bằng việc phân tích một vài tác phẩm viết về tình cảm gia đình, em hãy trình bày câu trả lời của mình”.

Câu hỏi thật độc đáo, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng tất cả kiến thức chẳng những về văn học mà cả hội họa, âm nhạc của mình để bài viết chặt chẽ và sinh động. Dẫn chứng không gò bó tác phẩm trong chương trình học hay tác phẩm các em tự đọc. Một sự khuyến khích học sinh mở rộng kiến thức từ các quyển sách các em yêu thích đúng chủ đề. Nó cũng khơi gợi lại, nhắc nhở các em về tình cảm gia đình, một tình cảm có giá trị bất biến mà lứa tuổi các em hiện tại chưa cảm nhận sâu sắc. Đôi khi các em bỏ quên vì tình cảm bạn bè trước mắt lúc nào cũng vui thú hơn.

Đề thi chỉ với hai câu hỏi nhưng đầy tính nhân văn và gắn với thực tế lứa tuổi các em. Dù các em viết hay hay dở nhưng chắc chắn rằng sức lan tỏa của nó không chỉ trong kỳ thi mà còn theo các em ra cuộc sống ngày thường khi trao đổi tranh luận với bạn bè, người quen về cuộc sống vay mượn, về tình cảm gia đình. Xin cảm ơn người ra đề, xin gửi đến thầy cô ra đề lời cảm phục của phụ huynh và cả của một người làm thầy.

LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên