Phóng to |
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN |
Thấy một học sinh đi vệ sinh về lớp với bàn tay không ướt, tôi hỏi:
- Sau khi đi vệ sinh con rửa
tay chưa?
- Dạ chưa.
Tôi nói ngay với cả lớp:
- Sau khi đi vệ sinh chúng ta phải làm gì?
- Dạ rửa tay.
Thế là tôi kêu em ấy quay lại nhà vệ sinh rửa tay sạch sẽ, và nhân dịp nhắc nhở học sinh:
- Nếu đi vệ sinh mà không rửa tay sẽ đem vi trùng vô người.
Thế là lần sau khi em này đi vệ sinh xong là về lớp khoe tôi:
- Con rửa tay rồi nè.
Một học sinh nữ đi vệ sinh không mang theo giấy (nhà vệ sinh trường tôi không có sẵn giấy), tôi hỏi:
- Con không có giấy thì làm sao?
Sẵn dịp dạy học sinh nữ cách vệ sinh những bộ phận nhạy cảm. Thật sự tôi phải dùng những ngôn từ dễ hiểu nhất để học sinh không hiểu mơ hồ về điều tôi dạy. Vì sao con gái dễ bị nhiễm trùng khi vệ sinh không đúng. Đối với học sinh lớp 4, lớp 5 thì tôi mua hai quyển sách giáo dục giới tính dành cho con gái và con trai. Các em luân phiên đọc và hiểu về giới tính của mình, sau đó đổi sách (nam đọc của nữ, nữ đọc của nam), nếu có thắc mắc cứ hỏi cô. Tuy nhiên, quyển sách được viết ra rất dễ hiểu và không ai thắc mắc, hỏi han gì cả. Sau khi cả lớp đọc xong, quyển sách của tôi cũ rích và sắp rách. Tuy nhiên, tôi rất vui vì học sinh của mình hiểu thêm nhiều thứ về bản thân và tôi dạy mỗi học sinh phải biết quý trọng và giữ gìn cơ thể mình như thế nào.
Khi thường xuyên nhìn thấy học sinh làm mất bút chì, viết hay không bao sách, tôi kể cho các em nghe câu chuyện của chính mình: “Các em biết không, ngày xưa cô đi học chỉ có một cây viết và hai bộ quần áo. Vì thế, cô phải giữ gìn cẩn thận chứ làm mất thì không có cây viết khác”. Học sinh chăm chú nghe và ánh mắt yêu thương dành trọn cho tôi. Rồi tôi hỏi:
- Mỗi ngày, ba mẹ các em có phải đi làm không?
- Dạ có.
- Có cực khổ không?
- Dạ có.
- Có nhà nào mà ba mẹ không đi làm, buổi sáng mở cửa ra có tiền sẵn ngay cửa, rồi lượm tiền mua quần áo, sách vở cho các em không?
Cả lớp cười và nói:
- Dạ không.
- Vậy các em có thương ba mẹ không? Nếu vậy các em phải biết quý trọng cây bút chì, cục gôm, quyển sách hay đôi giày mình đang có và giữ gìn cẩn thận để xài được lâu.
Và nhiều khi thấy bạn bè nói sai một câu hay một từ tiếng Anh nào đó, cả lớp cười (học sinh tiểu học ngây thơ vậy thôi), tôi phải đem câu chuyện của một người khuyết tật nào đó trong sách ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á để kể cho các em nghe và dạy các em biết yêu thương, chia sẻ những khó khăn, không cười cợt với những lỗi sai của bạn bè. Chúng ta nên học từ những cái chưa đúng và chúng ta sẽ nhanh tiến bộ. Đối với những học sinh lớp 4, 5 tôi sưu tầm những tấm gương học sinh vượt khó trên báo Tuổi Trẻ, để vào một quyển, học sinh tự đọc và rút ra những bài học cho mình.
Khi kêu học sinh đem sách bài tập lên chấm bài, tôi cũng luôn dạy học sinh biết xếp hàng thứ tự. Ai đến trước cô sẽ chấm trước. Ai đến sau sẽ chấm sau. Và sẵn dịp tôi dạy học sinh biết lịch sự, kiên nhẫn xếp hàng khi đi siêu thị, nhà sách hay đi chơi công viên.
Thậm chí đôi khi tôi còn “đa đoan” đến nỗi dành cả giờ dạy của mình để hướng dẫn học sinh cách thoát hiểm nếu có cháy nổ hay sự cố nào đó xảy ra. Vì có lần học sinh lớp 2 trường tôi chỉ lên mấy cái đèn báo cháy trên trần nhà và nói rằng: “Cô nói có camera khắp nơi, các con phải lo học hành đàng hoàng”. Tôi quá lo sợ học sinh hiểu sai rồi mai mốt có gì xảy ra, mấy cái đèn báo cháy reng lên mà chúng không biết thì nguy to.
Tôi dạy nhiều lớp khác nhau, thời gian dành cho mỗi lớp không nhiều. Nhưng tôi sẵn sàng dùng thời gian trong tiết dạy của mình để giáo dục học sinh những thói quen nhỏ nhất. Vì tôi biết học sinh tiểu học chưa hình thành toàn diện về nhân cách. Giáo viên phải góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh với bất cứ bộ môn nào mà mình giảng dạy. Thói quen dần dần sẽ hình thành nhân cách. Như vậy, giáo viên như tôi cũng cảm thấy vui lắm rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận