Việc ra đề thi - kiểm tra trong các trường học không phải là trò chơi giải trí, nhưng bấy lâu nay ở một số cơ sở giáo dục, qua “nghị quyết miệng”, từ hiệu trưởng đến tất cả giáo viên đều ngầm quy ước với nhau: khi ra đề phải nghiêm túc học tập trò chơi “Ai là triệu phú”. Nghĩa là kiểu ra đề với mấy câu đầu tiên sao cho thật dễ để tất cả học sinh đều có thể làm được và đạt điểm trung bình. Ít câu còn lại mang tính phân loại, học sinh nào khá mới trả lời được. Và câu cuối cùng mang tính “hủy diệt”, nghĩa là rất ít học sinh có thể làm được và đạt điểm tối đa.
Kiểu ra đề như trên trước hết là nhằm đảm bảo con số đẹp “thành tích” mà nhà trường đã đề ra từ đầu năm: 99,99% học sinh cuối năm đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên. Tiếp theo là giải quyết khâu oai giữa trường ta và các trường bạn, hiệu trưởng chứng tỏ với cấp trên về năng lực điều hành của mình. Ngoài ra, các thầy cô còn chứng tỏ được “năng lực chuyên môn” của mình với học sinh: “các em còn phải cố gắng nhiều”...
Những tổ bộ môn nào thực hiện tốt quy ước “Ai là triệu phú” thì sẽ được hiệu trưởng ngợi khen “có phổ điểm đẹp”; còn tổ bộ môn nào nhỡ ra đề sai phương châm định hướng ấy sẽ bị sếp phê bình kịch liệt, và các lần kiểm tra sau phải vất vả, hối hả chạy nước rút, bằng mọi cách “cân đối” điểm số sao cho cuối năm phải đạt “con số đẹp” như nghị quyết đầu năm, nếu không muốn bị trừ điểm, hạ bậc thi đua!
Xem ra vấn nạn ra đề theo kiểu “Ai là triệu phú” - một biểu hiện của căn “bệnh thành tích” nan y - vẫn còn tồn tại lâu dài và ngày càng di căn trong nhiều trường học. Chừng nào trò chơi “Ai là triệu phú” vẫn còn được “nghiêm túc” áp dụng trong việc ra đề thi, kiểm tra ở trường học, thì chừng đó chất lượng giáo dục vẫn còn là chiếc bong bóng bay to tướng rỗng không nhưng sặc sỡ sắc màu đẹp mắt!
Từ ngày 7 đến 12-1, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các bạn: Lê Kết (Hà Nội), Lý Thị Thủy (Phú Yên), Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng), Đỗ Thành Dương, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Thịnh (Khánh Hòa), Nguyễn Hà Vân (Vũng Tàu), Đặng Thị Lan Hương (Đồng Nai), Trương Văn Phương (Bình Phước), Phan Thị Hiền, Đỗ Thị Thùy Dương (Tây Ninh), Vũ Thụy Phương Trang, Trần Văn Tám, Trịnh Minh Giang, Hữu Chơn, Đoàn Tiến Thụy Hiền (TP.HCM), Nguyễn Phượng, Nguyễn Hồng Hoàng Trân, Nguyễn Thanh Hùng Hai, Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh), Lê Tấn Thời (An Giang) cùng các bạn đọc Nguyễn Hoàng Thảo, Hưng Hà, Lâm Thu Quỳnh... Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho hai chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). TUỔI TRẺ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận