18/11/2013 08:34 GMT+7

Cần nâng tầm nhìn về sự nghiệp trồng người

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Nhà giáo phải được tạo điều kiện để luôn là “tác giả” của dạy tốt - học tốt, thúc đẩy đổi mới giáo dục, tạo sự khác biệt về chất trong sản phẩm đào tạo cho tương lai.

iHAEmDPp.jpg
Ảnh: Nguyễn Khánh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng - phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ GD-ĐT - chia sẻ:

"Phải chia sẻ rằng hiện tại giáo viên đang bị... quá tải trong đánh giá. Mỗi năm mỗi giáo viên phải trải qua nhiều đợt đánh giá từ các cấp quản lý"

PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng

- “Không thầy đố mày làm nên”, trong bất kỳ xã hội nào, tại bất kỳ thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia. Công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện gd-đt” đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo yêu cầu mới về vai trò và nhiệm vụ “quyết định chất lượng giáo dục”. Không thể có chất lượng giáo dục tốt nếu đội ngũ nhà giáo chưa đạt yêu cầu. Bản chất của lao động nghề nghiệp sư phạm không gì khác chính là quá trình tác động vào đối tượng người học bằng chính nhân cách của nhà giáo. Như vậy, một nhà giáo theo đúng nghĩa không những là người giỏi về chuyên môn dạy học các môn học mà còn phải là người có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục và truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức nhân cách tới mỗi học sinh.

“Tự đo, tự sửa”

* Bộ GD-ĐT đã đưa ra chuẩn nghề nghiệp với mục tiêu đánh giá giáo viên một cách thực chất, không chỉ dựa vào những nhìn nhận định tính, khó đo lường như trước đây. Việc đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp liệu có tạo ra những thay đổi cần thiết trong nâng chất đội ngũ hay không, thưa bà?

- Từ năm học 2010-2011 đến nay, Bộ GD-ĐT đã chính thức sử dụng các bộ chuẩn nghề nghiệp để quản lý hoạt động phát triển đội ngũ các cấp học mầm non, phổ thông. Đã có những chuyển biến tích cực ở cả cán bộ quản lý và giáo viên về cách ứng xử, lối sống, không hút thuốc, uống rượu, các hành vi nói năng và cư xử thanh lịch, giữ gìn hơn, tích cực tự học, nâng cao tinh thần trách nhiệm với học sinh...

Giáo viên phải nhìn vào chuẩn như một cách để tự đo, tự sửa, tự hoàn thiện mình. Tuy nhiên, theo lý thuyết, khi xây dựng chuẩn với bốn mức chưa đạt - đạt - khá - xuất sắc, kết quả xét từ thấp đến cao sẽ phải tạo thành hình chóp với mức đạt nhiều hơn khá, khá nhiều hơn xuất sắc. Song trên thực tế, kết quả do giáo viên tự đánh giá lại tạo hình chóp ngược, nghĩa là giáo viên tự đánh giá họ cao hơn thực tế. Có đến gần 90% đạt mức 3, 4 (khá và xuất sắc). Trong khi dễ thấy: nếu chất lượng đội ngũ cao như vậy thật thì giáo dục đã khác xa hiện tại.

* Vậy có cách nào để kéo gần việc đánh giá theo chuẩn đúng với tinh thần “tự đo, tự sửa”, chứ không phải “tự đo, tự sướng” như hiện nay?

- Sẽ có người thắc mắc vì sao kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp tại các trường lại cao hơn thực tế đạt được? Có nguyên nhân từ tâm lý như bệnh thành tích hoặc e ngại, nể nang hoặc sợ bị trù dập khi đánh giá đồng nghiệp. Song cũng có nguyên nhân từ nhận thức khi nhiều thầy cô chưa hiểu đầy đủ yêu cầu nghề nghiệp, chưa thật sự căn cứ vào kết quả công việc, chưa bám sát theo các yêu cầu của đánh giá.

Năm 2011 và 2012, Bộ GD-ĐT tiến hành đánh giá việc triển khai chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng tại 12 địa phương. Kết quả khác biệt khi đa số giáo viên cho rằng khó đạt mức 3 đến 4 vì vấp nhiều hạn chế như phát hiện, giải vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục, giáo dục qua các hoạt động cộng đồng, tìm hiểu môi trường giáo dục, đối tượng giáo dục, phối hợp với gia đình và cộng đồng trong giáo dục...

Sự thiếu hụt kỹ năng hành nghề không hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân thầy cô giáo mà còn xuất phát từ một trong những nguyên nhân cơ bản là chương trình đào tạo sư phạm chưa thật sự quan tâm để chuẩn bị cho giáo sinh những kỹ năng này. Nhiều giáo viên chia sẻ họ thấy lúng túng khi dạy học sinh cá biệt, hay giúp trẻ thiệt thòi hòa nhập với lớp học, nhiều giáo viên lại lo lắng về cách ra đề kiểm tra, cách dạy thế nào cho phù hợp với thực lực học sinh... Khi phát hiện tồn tại này, năm 2013 Cục Quản lý nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã tổ chức biên soạn tài liệu và bồi dưỡng hỗ trợ giáo viên phát triển các kỹ năng này. Chương trình sẽ được tiếp tục vào các năm tới dựa trên nhu cầu thật sự của giáo viên và cán bộ quản lý. Hiện tại, bộ đã yêu cầu các trường đào tạo sư phạm tăng thời lượng học tập và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, củng cố hệ thống các trường thực hành sư phạm, khuyến khích tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, để hoạt động của trường sư phạm gắn với thực tiễn hơn.

Giáo viên đang bị... quá tải đánh giá

* Người thầy đang chịu áp lực rất lớn từ xã hội. Có cách nào để người thầy tự đổi mới, đáp ứng yêu cầu công việc hơn là cố thích ứng với các quy định theo kiểu đối phó?

- Phải chia sẻ rằng hiện tại giáo viên đang bị... quá tải trong đánh giá. Mỗi năm mỗi giáo viên phải trải qua nhiều đợt đánh giá từ các cấp quản lý. Các đợt đánh giá khác nhau nhưng đều nhắm vào năng lực nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức của giáo viên. Chúng tôi đang cố gắng tích hợp các đánh giá theo hướng sử dụng kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp để các cấp lấy đó làm căn cứ phục vụ mục đích đánh giá của mình, đánh giá được thực chất mà giảm đi gánh nặng hành chính và tạo động lực nghề nghiệp cho giáo viên.

Nghị quyết trung ương 8 đã khẳng định rất rõ để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ thực hiện chế độ ưu đãi với nhà giáo, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc. Song để đảm bảo chất lượng đội ngũ, bên cạnh sự tôn vinh xứng đáng, cũng phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ phẩm chất, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xóa bỏ quan niệm trước đây “đã vào biên chế là không lo thải loại, không cần cố gắng”.

* Ngành giáo dục đã khẳng định con người là yếu tố then chốt trong công cuộc chấn hưng giáo dục sắp tới. Có thể mường tượng hình ảnh giáo viên tương lai, tác giả “dạy tốt - học tốt” trong công cuộc đổi mới như thế nào, thưa bà?

- Trong nền giáo dục hiện đại, trước thách thức của những vấn đề toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, mỗi nhà giáo phải đảm nhận nhiều chức năng khác hơn so với trước đây. Trong quá trình đổi mới, giáo viên không bao giờ đơn độc vì luôn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ xã hội, từ nhà trường, từ phụ huynh, học sinh... Hiện tại, bộ đang triển khai quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Các trường, các khoa sư phạm sẽ được củng cố, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đủ năng lực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các cấp bậc học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Nghề dạy học là nghề cao quý và có những yêu cầu riêng, đòi hỏi mỗi người khi tham gia đều phải xác định cụ thể về sự mẫu mực “mô phạm”, sự cống hiến, tận tụy, thậm chí hi sinh không mệt mỏi vì lợi ích công việc, cũng như vì thành tựu của đối tượng phục vụ thay vì những lợi ích vị kỷ về vật chất. Để có thể đáp ứng yêu cầu “hành nghề sư phạm”, trước hết cần có đạo đức nghề nghiệp, tức là có tình yêu với nghề giáo, tâm huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, có tình yêu với học trò. Một điều không thể thiếu nữa là sự nỗ lực không ngừng tự hoàn thiện và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, nâng cao hiểu biết theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp để có đủ năng lực giáo dục và giảng dạy, cũng như xã hội cần nâng tầm nhìn xa trông rộng về sự nghiệp trồng người.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên