31/10/2013 12:30 GMT+7

Chuyện trên chuyến xe

THANH THÚY (Đồng Nai)
THANH THÚY (Đồng Nai)

TT - Tôi lớn lên, lập nghiệp nơi xa, ít có dịp về nhà. Hôm đó tôi đi công tác cùng với một đối tác rất quan trọng của công ty. Xe đến địa phận Đồng Nai, anh đối tác bảo quê anh ở đây. Té ra là đồng hương.

v30hLzw1.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Tôi phấn khởi nói mình cũng là người Đồng Nai. Thế là câu chuyện bắt đầu rôm rả, không khí cũng thân mật hơn. Tôi kể mình học Ngô Quyền, anh thì bảo học Tam Hiệp. Chúng tôi miên man trong những ký ức thời học trò. Thời ấy, có một dạo học sinh Tam Hiệp nổi tiếng là “quậy”. Anh tâm sự: “Ngày xưa tôi cũng “quậy” lắm, nếu không có thầy tôi, chắc giờ tôi chỉ là thằng ma cà bông, không thể được như bây giờ”. Câu chuyện của anh làm tôi tò mò, không nghĩ được nhân vật quan trọng đối với công ty tôi lại có một “tuổi thơ dữ dội” như vậy.

Anh kể thời điểm đất nước mới thống nhất, quan điểm về lý lịch gia đình còn khá nặng nề. Cha anh là sĩ quan cấp cao của chế độ cũ đang “mút mùa cải tạo”, tương lai vào đại học dường như đóng cửa vĩnh viễn đối với anh. Trước viễn cảnh đó, anh đâm chán nản, không còn thiết tha học hành. Tâm trạng bất mãn cũng khiến anh trở nên ngông nghênh bất cần đời, kết bạn với một nhóm học sinh cùng cảnh ngộ, lúc nào cũng sẵn sàng sinh sự, quậy phá.

Giữa năm học lớp 10, anh gây sự đánh nhau, nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật, thống nhất sẽ đuổi học. Tuy ngông nghênh nhưng khi nghe bị đuổi học, trong lòng anh vẫn trào lên cảm giác đau khổ. Nhưng người thầy dạy hóa mỗi tuần chỉ đến lớp anh dạy hai tiết đã đứng ra xin bảo lãnh cho anh, tình nguyện về lớp anh thay cho cô giáo chủ nhiệm đã quá ngán lớp học cứng đầu bất trị. Anh đứng nấp bên ngoài cánh cửa phòng hội đồng, lắng nghe thầy nói rất thiết tha: “Đuổi học một học sinh là chuyện rất dễ, chỉ cần một chữ ký là xong. Nhưng sau khi bị đuổi học, cuộc đời của đứa học trò ấy sẽ ra sao, như thế nào, em sẽ đi đâu, về đâu để được học hành, được giáo dục? Trường học là môi trường sư phạm tốt nhất để giáo dục con người, giờ nếu chúng ta đuổi học em để cho trường đời dạy dỗ, chứng tỏ chúng ta bất lực. Tôi không nghĩ học trò bất trị, chỉ là phương pháp giáo dục của chúng ta chưa phù hợp với cá nhân em đó. Các em tuy còn nhỏ nhưng vẫn là con người với những cá tính khác biệt nhau, nếu chúng ta áp dụng cùng một phương pháp dạy dỗ như nhau ắt sẽ có em không phù hợp”. Anh đứng lặng người, trào nước mắt khi biết có người vẫn bảo vệ mình.

Rồi thầy chủ động đến gặp anh, gợi chuyện. Ngoài sự kính trọng từ khi nghe lén được lời thầy, nói chuyện với thầy anh còn có cảm giác như với người cha, người anh, người bạn mà bao lâu nay anh thiếu vắng. Thầy bảo quan sát trong lớp thấy anh rất thông minh, chỉ có điều không chịu học. Anh bày tỏ học để làm gì nếu không có tương lai? Thầy từ tốn: “Học để làm người. Sau này em có thể chỉ là cu li bốc vác, nhưng là một cu li có nhân cách, có tri thức, có văn hóa, người ta vẫn sẽ tôn trọng em dù em là một cu li. Nhưng thầy tin có thể bây giờ tạm thời đất nước chưa có chính sách phù hợp, nhưng chắc chắn sau này tình hình sẽ khác đi, đổi mới tiến bộ hơn, sẽ cần đến những người có tri thức. Nếu bây giờ em thất chí không chịu học, sau này đổi mới sẽ trở tay không kịp, hối hận thì đã muộn”.

Nghe lời thầy, từ đó anh chăm chỉ học hành, “rượt” theo những kiến thức trước đó bị bỏ qua, trở thành một trong những học sinh xuất sắc của lớp. Không chỉ mình anh, cả nhóm bạn “quậy” đều thay đổi. Quả như lời thầy tiên đoán, mấy năm sau chính sách tuyển sinh cởi mở và thoáng hơn, anh vào đại học, các bạn trong nhóm cũng đậu vào một số trường đại học khác, phần lớn sau đó đều thành đạt. “Đời tôi thay đổi nhờ tầm nhìn thoáng, tấm lòng mở, trái tim nhân ái và nhân cách cao cả của thầy” - anh kết luận.

***

Khi anh nhắc đến tên người thầy, tôi vẫn không nén được cảm xúc. Nước mắt rơm rớm, sống mũi cay xè, tôi tự hào nói với anh: “Đó là ba em”. Anh nắm chặt tay tôi, nghẹn ngào: “Suốt đời anh ơn thầy, không thể nào quên”.

Chưa một ngày được học chữ của ba, nhưng ba đã dạy tôi một bài học rất lớn, đó là bài học làm người. Ngày ba tôi về cõi vĩnh hằng, học trò của ba xếp hàng tiễn đưa dài dằng dặc, những giọt nước mắt tiếc thương rơi không ngớt. Ba tôi mất đã bảy năm, nhưng năm nào vào các ngày giỗ, Ngày nhà giáo 20-11, mồng 3 tết thầy, học trò của ba vẫn tấp nập đến viếng, mộ ba vẫn được học trò chăm sóc. Ba không chỉ là ba mà còn là người thầy lớn của tôi.

Khi tôi còn nhỏ, ba tôi - nhà giáo ưu tú Hà Huy Quang - đã là giáo viên nổi tiếng trong tỉnh. Ba tôi dạy môn hóa, lần lượt giảng dạy tại các trường THPT lớn tại Đồng Nai như Tam Hiệp, Nam Hà, Ngô Quyền và chuyên Lương Thế Vinh. 40 năm dạy học, tôi không thể biết được bao nhiêu thế hệ học trò đã được ba tôi dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, chỉ biết rằng hằng năm vào các dịp tết, Ngày nhà giáo VN 20-11, suốt ngày học trò từng tốp kéo đến thăm ba tôi đứng chật cả nhà, phải “chia ca”.

Thiệt tình tôi không biết ba tôi dạy hay, cuốn hút như thế nào mà học trò rất mê. Vì sáu anh em chúng tôi không đứa nào được học ba, ở nhà ba cũng chẳng dạy cho đứa nào, chúng tôi toàn tự học. Tôi chỉ biết ba tôi ở khía cạnh là một trong những “cây đa cây đề” về chuyên môn trong ngành giáo dục của tỉnh.

THANH THÚY (Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên