05/10/2013 04:03 GMT+7

Chiếc áo bông thầy cho

HOÀNG NINH
HOÀNG NINH

TT - Năm 1968, tôi học lớp 4. Do bố mẹ tôi sinh tới bảy người con nên gia cảnh rất nghèo, nghèo đến nỗi mùa đông năm ấy chiếc áo bông đã rách vá chằng vá đụp gần như toàn thân, tôi chỉ mặc lúc về đêm hoặc ở nhà chứ không dám mặc ra đường hay đi học mà bố mẹ không mua nổi cho tôi chiếc áo khác.

Bỗng bữa đó thằng Tới, là bạn thân học cùng lớp, nhà ở xóm dưới, đem đến nhà cho tôi một chiếc áo bông tuy đã cũ nhưng mới chỉ vá mấy mụn ở hai bên tay, đẹp và tốt gấp chục lần cái áo của tôi, rồi bảo: “Áo của tớ mãi hồi năm kia, năm kìa đấy, tớ cho cậu’’. Lúc đó mẹ tôi cũng ở đó làm chứng nên tôi không bị bố tra hỏi về chiếc áo bông này.

Suốt nửa tháng do trời rét nên ngày nào tôi cũng mặc đi học. Bỗng bữa nọ trên đường gần đến trường đột nhiên có một người đàn ông đi xe đạp ngược chiều đã phóng qua tôi một đoạn mới quay lại nắm tay tôi la ầm lên:

- A, thằng Ninh con ông Tư, mày ăn trộm cái áo của con tao, nó bị mất hàng chục ngày nay rồi. Cởi ngay ra, tao về mách bố mẹ mày...

Tôi hốt hoảng vội cởi cái áo đưa cho người đàn ông rồi van nài:

- Cháu gửi lại chú, cháu lỡ dại..., cháu xin trả lại cho chú, cháu xin chú...

Ông ta giật ngay lấy chiếc áo nhưng miệng vẫn chửi bới tôi là đồ ăn cắp, còn toan đánh tôi làm một số bạn cùng lớp phải sấn lên che chắn, còn một số học sinh lớp khác đi gần chạy lại xem và cười nhạo báng. Vừa lúc thầy Đào, dạy lớp tôi, dừng xe, thầy nói người đàn ông bình tĩnh và kéo ông ta ra xa tốp học sinh thì thầm chuyện gì đó, một chập ông ta mới chịu đi nhưng vẫn chưa hết vẻ tức tối. Thầy quay lại chỗ dựng xe và bảo tất cả học sinh đến trường.

Cuối giờ học hôm ấy thầy cho cả lớp về, còn tôi thầy bảo ở lại. Thầy xuống ghế ngồi cạnh tôi và nói:

- Em giải thích cho thầy việc cái áo? Gần như thầy hiểu rõ mọi tính tình của từng học sinh trong lớp, vì thầy đã dạy các em từ lớp 2 đến nay, với em chắc chắn có uẩn khúc gì đây? Chỉ có mình thầy và em, em cứ nói thật.

Tôi sợ nên cứ nín thinh, làm thầy hỏi tới ba lần tôi mới ấp úng:

- Thưa thầy, bạn... Tới cho em, có... mẹ em biết nữa, chứ không phải em ăn trộm ạ.

Thầy hỏi lại: “Em nói đúng như vậy chứ?’’, tôi chỉ gật đầu xác nhận chứ không nói rõ thành lời. Thầy bảo tôi ra xe thầy chở về vì từ trường đến nhà xa cả gần 2 cây số. Đúng lúc mẹ tôi có ở nhà nên mẹ mời thầy vào nhà, hai người nói chuyện rất nhỏ nên tôi ở ngay ngoài sân mà không nghe thấy gì.

Buổi học sáng hôm sau, thầy kêu cả tôi và Tới đứng lên trước lớp, thầy nói vừa đủ cả lớp nghe:

- Có lẽ cả lớp ta biết việc bạn Ninh bị lột áo giữa đường rồi chứ gì. Nhưng thầy tuyên bố là bạn Ninh không ăn trộm áo như các em nghĩ mà là bạn Tới do thương Ninh rét không có áo ấm mặc đi học nên đã động lòng thương. Thương bạn là rất tốt, tất cả các em phải phát huy, nhưng việc đi lấy áo của người khác cho bạn là sai.

Ngay chiều hôm ấy, khoảng 3 giờ, thầy Đào đạp xe vào sân nhà tôi. Tôi chào thầy rồi mời thầy vào nhà, nhưng thầy chỉ dựng xe rồi tháo dây chằng lấy ra bọc giấy báo cột trên baga đưa tôi và bảo:

- Thầy mang cho em cái áo bông, đây là áo của cậu con trai cả của thầy lúc còn nhỏ bằng em, thầy ướm em mặc vừa đấy, em cầm lấy mà mặc.

Tôi còn chần chừ, thầy dúi vào tay tôi như bắt phải cầm, rồi thầy vừa quay xe ra về vừa bảo:

- Hễ bố mẹ có hỏi về chiếc áo thì bảo thầy cho nhé.

Chiếc áo ấy tôi mặc được tới hai mùa đông rồi bị chật nên tôi nhường lại cho em trai kế. Đến khi nó bị rách bươm em không thể mặc được nữa, tôi nói với mẹ cứ để vậy giặt cho sạch rồi may cho tôi cái áo gối để tôi dồn cả chiếc áo rách vào gối đầu. Cái gối đã thay đến ba lần vỏ nhưng tôi vẫn không chịu bỏ, đến tận năm 20 tuổi do đi làm việc xa nhà tôi mới cất lên gác cẩn thận nhưng sau đó thì bị thất lạc đâu không rõ.

Cuối năm 1998, tôi có dịp về thăm quê đúng lúc thầy Trần Văn Đào bị bệnh nặng do thầy đã gần 80 tuổi. Đến thăm thầy tại nhà ở xóm 6, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, tôi nhắc lại chuyện chiếc áo bông thầy cho 30 năm trước. Tưởng thầy quên, nào ngờ thầy vừa cười mếu máo vừa phều phào nhắc lại từng chi tiết đã xảy ra năm xưa làm cả tôi và thầy đều giàn giụa nước mắt.

HOÀNG NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên