Phóng to |
Học trò thăm hỏi, tặng hoa cô Ngô Thị Hai nhân Ngày thầy thuốc VN - Ảnh: TẤN ĐỨC |
26 năm trời đất run rủi cho tôi được hân hạnh thọ giáo cô Hai dưới mái trường cán sự y tế và điều dưỡng 201 Trần Hoàng Quân, Q.5, TP.HCM (bây giờ là Nguyễn Chí Thanh) mà cô Hai là huấn luyện viên khoa ngoại của trường kiêm huấn luyện viên trường trại 31 khoa ngoại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nhắc đến cô Hai Ngô thì anh em điều dưỡng không bao giờ quên mặc dù ở trường có hai cô Hai. Cô Hai Ngô (Ngô Thị Hai) và cô Hai Lâm (Lâm Thị Hai) dạy môn lịch sử điều dưỡng. Học trò thọ giáo cô Hai Lâm trước (lý thuyết) rồi sau mới gặp cô Hai Ngô (thực tập thực hành)
Năm thứ 2 bắt đầu thực tập, mỗi nhóm tám học sinh, mỗi khóa (lớp) có 80 học sinh. Ngày đầu tiên bước chân vào phòng thực tập, hình ảnh cô Hai Ngô đầy ấn tượng vì vừa bước vào, cửa phòng khép lại hiện ra một cảnh tượng khiếp vía. Trong phòng bày các hình nộm (manơcanh) nằm trên những chiếc giường điều khiển trải drap trắng như tuyết phủ lên hình nộm chỉ chứa phấn, đầu trọc lóc. Chưa kịp hoàn hồn thì một giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp trìu mến thân thương êm dịu: “Cô Hai chào các em!”. Đúng là giọng nói của mẹ hiền.
Trước mặt chúng tôi là một thiên thần áo trắng, đầu đội mũ trắng đặc trưng y phục của phái nữ điều dưỡng. Đấy là cô Hai Ngô thật rồi mà cả năm nay chúng tôi chỉ nghe các bạn lớp trước kháo nhau: “Ở trường này có cô Hai “vô trùng” kỹ lắm”. Buổi đầu thực tập, cô Hai chỉ cho chúng tôi cách tắm bệnh nhân. Trước mặt cô Hai là những chiếc khay inox, bốn hạt đậu sáng trưng được trải lên bằng chiếc khăn trắng xóa, mỗi khay đựng vài dụng cụ cho việc tắm rửa như xà phòng, lược, bàn chải, xô nước, vải, cao su dùng làm ống dẫn nước, ca... Tất cả đều tiệt trùng. Cô Hai cho biết công dụng từng món và mục đích của việc tắm bệnh nhân.
Cô Hai vừa thao tác các động tác tắm bệnh nhân vừa chỉ dạy chúng tôi ân cần, kỹ càng, tỉ mỉ rành rọt và rất chính xác. Cô Hai rất nghiêm khắc nhưng độ lượng cho đến lúc các em thuần thục mới kết thúc buổi thực tập.
Đêm đó hình ảnh cô Hai “vô trùng” cứ chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Một bà tiên trong mộng của tôi. Khi đến trại 31 khoa ngoại Bệnh viện Chợ Rẫy thực tập ít tháng sau đó, chúng tôi gặp lại cô Hai “vô trùng”. Khi săn sóc các vết thương của bệnh nhân phải rửa tay thật sạch, đeo găng vô trùng. Cô Hai chỉ cho chúng tôi kỹ các thao tác mở băng, rửa băng vết thương. Trong lúc thực tập cô Hai thường nhắc nhở học trò: “Các em đừng sợ dơ, nếu sợ thì không học nghề này được, các em đến với nghề phải có cái tâm, các em nhớ kỹ nhe!”. Qua cô Hai “vô trùng”, chúng tôi học được ở ngành điều dưỡng hai điều:
1. Y đức (đạo đức nghề nghiệp): Phải có cái tâm trong nghề, lương y như từ mẫu: đi nhẹ, nói khẽ tránh ảnh hưởng đến bệnh nhân, xem cái đau cái khổ là của chính mình, thương người như thể thương thân. Tất cả những điều đó được thể hiện trong thái độ của mình khi săn sóc bệnh nhân, không phân biệt đối xử, nhất là gương mặt lúc nào cũng tươi vui.
2. Chuyên môn nghề nghiệp: Tất cả phải tiệt trùng, nhẹ nhàng, tỉ mẩn, kỹ càng, chăm chỉ từng thao tác đúng kỹ thuật bảo đảm kết quả nhanh. Tuyệt đối không làm qua quýt lấy có. Như vậy mới làm tròn trách nhiệm phụ tá bác sĩ.
Sau mấy mươi năm xa cách gặp lại cô Hai “vô trùng” ngày nào ở tuổi gần 100 (cô sinh năm 1915) mà tinh thần vẫn sáng suốt, vẫn “cô” và “em”, vẫn thưa dạ và xin lỗi. Mặc dù đi lại có phần khó khăn vì cô bị bệnh khớp hoành hành nhưng cô vẫn còn nhắc và yêu nghề điều dưỡng của mình. Cô Hai Ngô đích thực là cây cổ thụ có một không hai trong ngành điều dưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận