27/09/2013 08:42 GMT+7

"Gồng mình" để làm hài lòng camera

NGỌC LỮ
NGỌC LỮ

TT - Xin đề cập một phương tiện hiện đại đưa vào lớp học không những không nâng cao chất lượng mà ngược lại, nó đang biến lớp học thành một nơi để... canh gác lẫn nhau. Đó chính là đưa những chiếc camera giám sát vào đặt ngay trong lớp học.

Việc đặt camera giám sát trong lớp học có lẽ xuất hiện đầu tiên ở các trường mầm non ngoài công lập. Nó như một công cụ hỗ trợ phụ huynh theo dõi hoạt động con em từ xa. Và theo ý kiến lãnh đạo các trường mầm non, cũng là để lãnh đạo trường giám sát việc chăm sóc, hoạt động của cô và cháu tốt hơn, đề phòng những rủi ro không đáng có.

Nghe có vẻ hợp lý, nhưng chưa có một đánh giá khách quan nào công bố liệu việc lắp đặt camera như thế có... tốt hơn bao nhiêu cho giáo viên trực tiếp phụ trách lớp. Mà ngược lại, hầu như giáo viên đứng lớp đều thừa nhận áp lực ghê gớm khi trong lớp đặt camera giám sát chi li từng cử chỉ của cô và cháu.

Nhiều giáo viên đã không thể chịu được áp lực khi phải bị lãnh đạo trường, phụ huynh phản ảnh từng ngày, từng giờ về công việc của mình khi thấy... không yên tâm. Cuối cùng họ phải xin nghỉ việc. Còn gắng gượng làm việc thì luôn ở tâm trạng áp lực không nhỏ.

Nhận ra như một... nhu cầu của phụ huynh và để “chặt chẽ” trong việc giám sát hoạt động của thầy và trò, đã có không ít trường THPT ngoài công lập nhanh chóng đưa camera giám sát vào các lớp học. Một giáo viên đang giảng dạy tại một trường THPT ở TP.HCM, nơi đã lắp camera giám sát ngay trong lớp học khối 12, than thở: không thể thoải mái dạy - học trong một căn phòng mà camera cứ giám sát 24/24 giờ như thế.

Tệ hại hơn là nếu giáo viên hay học sinh không thực hiện nghiêm túc nội quy dạy - học (kiểu như giáo viên để học sinh ngủ gật trong lớp, giáo viên làm việc riêng (!?), học sinh nói chuyện riêng, lớp học không sinh động (!?)...) đều... “bị” lãnh đạo nhà trường nhắc nhở, thậm chí ghi thông báo ở phòng giáo viên từng tiết, từng môn, từng người.

Hoạt động dạy và học, giữa thầy và trò là một hoạt động mang tính xã hội và có những nguyên tắc “tự do học thuật” của nó. Có những tiết học không hẳn trò cứ ngồi thẳng tắp, thầy cứ phải đứng giảng mới đánh giá là nghiêm túc chất lượng. Học sinh mệt mỏi (với tình trạng quá tải hiện nay) có khi nằm gục xuống bàn một lúc thì không thể đánh giá giáo viên dạy làm sao để học sinh ngủ gật.

Tiếc rằng tất cả hình ảnh đó được camera thu lại và là bằng chứng để lãnh đạo nhà trường đánh giá chất lượng của một tiết học! Hệ quả, muốn làm “hài lòng camera giám sát” nên cả thầy và trò lúc nào cũng phải “gồng mình” dạy và học nghiêm túc theo những tiêu chí cứng nhắc (chưa nói là không đúng với hoạt động giáo dục).

NGỌC LỮ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên