Phóng to |
“Với thời gian, chiếc quần ấy không còn, nhưng tôi còn cuốn học bạ, những đứa con tôi xem để biết ba mình làm gì mà bị đuổi học một tuần lễ”- Ảnh: tác giả cung cấp |
Gần nửa năm học trôi qua, tuy vất vả về quần áo, sách vở, chỗ ăn ở, nhưng tôi cảm thấy thích thú khi làm quen với những môn học mới ở bậc trung học. Sau kỳ thi “đệ nhất lục cá nguyệt” (bây giờ gọi là thi học kỳ I), chúng tôi nhận được thông báo của trường về việc mặc đồng phục. Những ngày thường, nữ áo dài trắng, quần trắng hoặc đen, nam quần tây xanh áo sơmi trắng, nhưng thứ hai đầu tuần tất cả phải mặc đồng phục trắng để chào cờ.
Bản thân tôi, vốn con nhà “nghèo nòi”, gia tài chỉ vỏn vẹn một ít sách vở, hai bộ quần áo, nay thêm cái quần tây trắng nữa thì biết đào đâu ra?
Hằng ngày tôi đến trường với tâm trạng lo lắng và buồn bã. Ngày áp dụng mặc đồng phục đã gần kề. Tôi quyết định bỏ học giờ đầu ngày thứ hai đầu tuần. Hai tuần lễ đầu tôi “cúp cua” trót lọt, nhưng đến đầu tuần lễ thứ ba thì bị phát hiện. Người phát hiện lại chính là thầy... Nguyễn Đức Quảng, vì trong giờ ra chơi tôi quên mình đang mặc quần xanh, cứ thoải mái ở ngoài sân trường giữa đám bạn bè một màu đồng phục trắng.
Tôi được gọi lên văn phòng giám thị. Sau một hồi “công dân giáo dục”, thầy Nguyễn Đức Quảng hỏi tôi:
- Em có thể bị liệt vào học sinh “ba-gai”, tại sao em không mặc quần trắng đồng phục?
- Dạ thưa thầy... em không có quần trắng.
Nét mặt thầy trở nên nghiêm:
- Theo nội quy nhà trường, tạm đuổi học em một tuần lễ, có ghi vào học bạ.
Tôi ứa nước mắt, trở về lớp lấy cặp vở, xin phép giáo viên, rời khỏi lớp.
Tôi đã trằn trọc bao đêm, không biết phải làm thế nào để có được quần tây trắng. Nhưng trong cái khó ló cái khôn... tôi quyết định dành trọn một ngày chủ nhật, lấy giấy trắng dán kín lên chiếc quần kaki xanh. Sau một ngày vất vả, tôi đã có quần trắng, và sáng thứ hai nhẹ nhàng đến trường, chen vào giữa đám học sinh đứng chào cờ.
Sau khi biết tôi mặc chiếc quần dán giấy trắng, chính thầy Quảng lại là người cho tôi tiền để may một chiếc quần trắng và thầy nói với tôi rằng: “Kỷ luật em vì không có chiếc quần trắng, thầy đau lòng lắm!”.
Tôi giữ mãi chiếc quần kaki màu trắng ấy cho đến ngày tôi rời ghế nhà trường từ năm 1967, với thời gian chiếc quần ấy không còn, nhưng tôi còn cuốn học bạ. Những đứa con tôi còn xem để biết thời trước cha chúng nó học những gì, và tụi nó hỏi ba làm gì mà bị đuổi học một tuần lễ?
Mấy mươi năm trôi qua, thầy trò mỗi người mỗi ngả. Riêng thầy Nguyễn Đức Quảng đã qua đời năm 2012 tại nhà riêng ở gần Trường trung học Bình Tuy (tỉnh Bình Tuy được tách ra từ quận Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận). Riêng tôi, những lằn roi ngày ấy, cuốn học bạ ghi một vết đen về kỷ luật... là một bài học quý giá khi tôi bước vào đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận