22/07/2013 09:05 GMT+7

Nhiều tỉnh, thành bị hạ thi đua vì tỉ lệ tốt nghiệp tăng

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 được tổ chức sáng 20-7, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận đã hé mở nhiều thông tin “mật” hậu trường kỳ thi tốt nghiệp THPT sau khi một sở giáo dục - đào tạo lên tiếng vì bị cắt thi đua do... để tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước.

9uclmCv9.jpgPhóng to
Giáo viên chấm thi môn địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT tại hội đồng chấm thi TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ÐT TP.HCM, bày tỏ thắc mắc: “Ðề nghị hội đồng thi đua của bộ lý giải vì sao cắt cờ thi đua của ngành giáo dục TP.HCM - đơn vị duy nhất đạt 14/14 chỉ tiêu thi đua. Có phải vì lý do tỉ lệ tốt nghiệp của TP.HCM cao hơn năm trước 0,76%?”.

Cuộc họp “tối mật”

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời: “Nhiều năm nay bộ quyết tâm khắc phục tiêu cực thi cử, chỉ đạo mỗi năm càng quyết liệt. Tỉnh thành nào có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao hoặc cao hơn năm trước thì bị hạ một bậc thi đua”.

Theo báo cáo tổng kết năm học của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ học sinh xếp loại giỏi bậc tiểu học là 42,93%, 31,57% đạt loại khá, 23,85% loại trung bình và 1,63% học sinh yếu. Tỉ lệ học sinh đạt điểm giỏi hai môn tiếng Việt và toán đều đạt trên 50%. 99,85% học sinh đạt yêu cầu về hạnh kiểm. Ở bậc THPT, chỉ có 7,91% học sinh đạt loại khá giỏi, vẫn còn 9,57% học sinh yếu và 0,45% học sinh kém.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận cho biết: Thống kê cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT hiện nay còn xa với thực tế. Trước khi đi đến quyết định giao quyền chủ động tổ chức thi tốt nghiệp cho các tỉnh thành (năm học 2011-2012 - PV), Ban cán sự Ðảng, lãnh đạo bộ và 63 giám đốc sở đã có cuộc họp tuyệt mật và đi đến quyết tâm chiến lược là phải trung thực với dân, với Ðảng. Hội nghị đã thống nhất quyết tâm tỉ lệ tốt nghiệp không được vượt quá tỉ lệ tốt nghiệp của những năm trước đó.

Theo lời kể của bộ trưởng, cuộc họp “tối mật” được tổ chức lần đầu tại Ðà Nẵng và sau đó tại Cần Thơ. Việc hạ một bậc thi đua cũng là một thống nhất tại hai hội nghị này. Ðể chứng minh quan điểm của bộ là có cơ sở, bộ trưởng dẫn chứng: “Chúng tôi đã chấm phúc tra 17.000 bài thi của 16 tỉnh thành trong kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái. Kết quả: có sai phạm rất lớn ở những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng. Coi thi không nghiêm túc, nhiều bài thi giống nhau ở những sai sót rất ngớ ngẩn, chấm thi không chính xác, sai lệch không chấp nhận được. Sắp tới bộ sẽ tiếp tục rút bài thi của 63 tỉnh thành để chấm phúc tra, đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên”.

Ông Lê Hồng Sơn băn khoăn về việc đánh giá từ kết quả thi tốt nghiệp của Bộ GD-ÐT: “Từ trước đến giờ, khâu coi thi, chấm thi, thanh tra của TP.HCM rất nghiêm túc, đánh giá rất khách quan bài thi của học sinh. Năm nào đề thi của bộ ra dễ một chút thì tỉ lệ cao, khó thì tỉ lệ hạ xuống. TP.HCM chưa bao giờ tạo áp lực cho Sở GD-ÐT về tỉ lệ tốt nghiệp. Chúng tôi chỉ đánh giá thông qua hiệu suất đào tạo và các công tác khác của giáo dục toàn diện chứ không căn cứ tỉ lệ tốt nghiệp”. Một đại biểu đến từ một tỉnh Nam Trung bộ cũng cho biết: “Chuyện kiềm chế tỉ lệ đậu tốt nghiệp là điều chúng tôi đã hứa với nhau. Sắp tới chấm phúc tra bài thi của 63 tỉnh thành, chắc chắn còn nhiều đơn vị nữa mất thi đua”.

Thu hẹp độ “vênh” giữa đào tạo - sử dụng

Nhiều ý kiến xoay quanh các giải pháp nâng chất đội ngũ giáo viên. Số lượng học sinh giỏi (cấp trường, cấp quốc gia, quốc tế) ngày càng vắng bóng trong danh sách thi vào các trường sư phạm. Nhiều giáo viên cho biết nếu được quay lại sẽ không chọn ngành sư phạm. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đánh giá: “Thầy cô giáo là yếu tố quyết định thành bại của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này. Cuộc vận động “mỗi nhà giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã có kết quả nhưng chưa sâu sắc, kết quả chưa bền vững so với cuộc vận động trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Nhiều chương trình mới ở bậc phổ thông đang thực hiện như tiếng Việt công nghệ lớp 1, mô hình trường học mới, nghiên cứu khoa học trong học sinh, bàn tay nặn bột... Ðề nghị ngành sư phạm cũng thường xuyên cập nhật những mô hình tiên tiến này để sinh viên mới ra trường không bỡ ngỡ trong giảng dạy”. Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Nên có những hội thảo hằng năm gồm các trường sư phạm, các giám đốc sở của 63 tỉnh thành, đại diện giáo viên để cùng tọa đàm về việc chuẩn hóa giáo viên nhằm thu hẹp độ “vênh” giữa đào tạo, sử dụng giáo viên. Ngành giáo dục cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỉ lệ học sinh khá giỏi và phấn đấu hoàn thành chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”.

Gian lận thi cử: phải xử cả trò lẫn thầy

Vừa qua chúng tôi đã xử lý 58 học sinh đánh dấu bài thi trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Ngoài hủy kết quả thi, ngành giáo dục tỉnh này còn xử lý tận “gốc rễ”: tất cả giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi phải viết giải trình, kiểm điểm, bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo. Bởi đơn giản, phải có gợi ý của thầy cô thì học sinh mới đánh dấu bài. Các đơn vị sai phạm đều tự nguyện không nhận danh hiệu thi đua. Những kỳ thi tiếp sau như thi lớp 10, thi lớp chuyên đều có chuyển biến rõ rệt về tình trạng tiêu cực trong thi cử. Chống tiêu cực thi cử là một trong những điểm nhấn của năm học vừa qua. Việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để làm gương sẽ giúp kết quả các kỳ thi trung thực hơn, chọn được người giỏi, xứng đáng.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên